Nga đang dùng mùa đông làm vũ khí chống lại Ukraine

Ukraine đang phải đối diện với tình thế ảm đạm khi Nga đang đạt những bước tiến lớn trên chiến trường miền Đông. Tình hình sẽ càng trở nên tồi tệ hơn khi mùa đông đến. Cả giới chức Ukraine và Cơ quan Năng lượng Quốc tế đều cảnh báo Kiev sắp phải trải qua một mùa đông khắc nghiệt nhất trong lịch sử hiện đại, khi có tới 80% cơ sở năng lượng, bao gồm các nhà máy điện chạy bằng than và thủy điện, đã bị hư hại hoặc bị phá hủy.

Mùa đông khắc nghiệt nhất trong lịch sử hiện đại

Trên mặt trận ngoại giao, các nhà lãnh đạo phương Tây vẫn đang loay hoay tìm kiếm một chiến lược để chấm dứt xung đột, trong khi tại Ukraine, các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng đang gây ra tình trạng mất điện luân phiên trên khắp cả nước.

Khi mùa đông đang đến gần, các đợt tấn công liên tiếp của Nga vào lưới điện đang khiến Ukraine có nguy cơ phải đối mặt với một trong những thời khắc đen tối nhất. Dân số kiệt quệ, quân đội suy yếu vì thương vong lớn trên khắp tiền tuyến đổ nát dài gần 1.000 km, còn lưới điện nằm trong tầm ngắm của quân đội Nga.

Tại trung tâm Thủ đô Kiev, một máy biến áp điện lớn bị cháy đen đã được trưng bày như một lời nhắc nhở về những thiệt hại mà cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine phải gánh chịu trong cuộc xung đột. Chiếc máy biến áp bị phá huỷ trong một cuộc tấn công của Nga nhằm vào một trong những nhà máy nhiệt điện thuộc DTEK, công ty năng lượng tư nhân lớn nhất của Ukraine.

Người dân Kiev đến xem cuộc triển lãm cho biết nó gợi lên sự tuyệt vọng khi họ chuẩn bị đón một mùa đông khắc nghiệt khác.

“Chúng tôi đã chuẩn bị đuốc, chúng tôi cũng dự trữ nến. Đối với tôi, điều này là một phần của cuộc sống hàng ngày vì tôi sống ngay cạnh một nhà máy nhiệt điện. Tôi đã nghe thấy tiếng nổ gần nơi tôi sống, sau đó tôi cùng mẹ và bạn bè tìm nơi trú ẩn. Tôi hy vọng chúng tôi sẽ sống sót qua mùa đông này, tôi chắc chắn về điều đó.”

Bà Karolina Ivanova – Người dân Kiev.

Trong gần 3 năm xung đột, Nga đã phóng hàng trăm tên lửa và máy bay không người lái vào các cơ sở sản xuất, truyền tải và phân phối điện của Ukraine. Làn sóng tấn công lớn đầu tiên xảy ra vào mùa thu và mùa đông năm 2022, vài tháng sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Các cuộc tấn công vẫn tiếp tục trong suốt cuộc xung đột, nhưng từ tháng 3 năm nay, Nga đã tăng cường đáng kể chiến dịch nhằm làm suy yếu hệ thống năng lượng của Ukraine trước mùa đông. Mỗi làn sóng tấn công đều khiến các thành phố của Ukraine mất điện trong nhiều giờ, thậm chí nhiều tuần liền. Tình hình sẽ càng khó khăn hơn với người dân Ukraine khi mùa đông đến, với nhiệt độ thường xuống dưới âm 10 độ C.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng 9 đã nói với đại diện của các doanh nghiệp Mỹ rằng năng lượng chính là điểm yếu của Kiev.

“Năng lượng không chỉ là vấn đề của ngày hôm nay, mà còn của ngày mai. Chúng tôi phải chuẩn bị cho mùa sưởi ấm – thực sự đó là điểm yếu của chúng tôi hôm nay, bởi vì mạng lưới năng lượng đang bị tấn công mỗi ngày.”

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Mùa đông năm ngoái, Ukraine đã sản xuất và nhập khẩu khoảng 18 gigawatt điện. Nhưng giờ đây, sau khi hứng chịu hơn một nghìn cuộc tấn công của Nga trong năm nay, Kiev đã mất đi hơn một nửa công suất đó, làm dấy lên nỗi lo sợ rằng người dân vốn mệt mỏi vì xung đột kéo dài và nền kinh tế bị tàn phá sẽ phải đối mặt với tình trạng cắt điện luân phiên khi nhiệt độ giảm mạnh vào mùa đông.

Đối với một quốc gia đang có chiến tranh, mất điện không chỉ có nghĩa là phải dùng đến nến và bỏ lỡ chương trình truyền hình yêu thích, mà còn có nghĩa là mất liên lạc quân sự; mất hệ thống sưởi ấm, nước và tủ lạnh; mất hệ thống khí đốt và hệ thống thoát nước; mất ánh sáng, công nghiệp, khai thác mỏ và thu nhập. Cuối cùng, mất điện sẽ khiến người dân trở nên yếu đuối, đói khát, phải ẩn náu trong bóng tối. Mất điện có thể dẫn đến thua cuộc.

Hệ thống điện của Ukraine đã tan hoang vì chiến tranh. Ảnh: The New Yorker.

Nga đã điều chỉnh chiến thuật tấn công vào lưới điện của Ukraine. Nếu như trước đây, các cuộc tấn công thường nhắm vào các đường dây truyền tải và trạm biến áp, nhằm cắt đứt lưới điện giữa các nhà máy điện và khách hàng thì trong sáu tháng qua, mặc dù vẫn có những cuộc tấn công vào các trạm biến áp và đường dây điện cao thế, nhưng đã có 9 đợt tấn công riêng biệt nhắm trực tiếp vào các nhà máy điện.

Đợt tồi tệ nhất xảy ra vào ngày 26 tháng 8, khi Nga phóng hơn 200 tên lửa và máy bay không người lái nhắm vào lưới điện của Ukraine. Không quân Ukraine tuyên bố đã bắn hạ 102 trong số 127 tên lửa và 99 trong số 109 máy bay không người lái, nhưng cuộc tấn công vẫn gây thiệt hại lớn, khiến Ukraine phải ngừng cung cấp điện khẩn cấp trên phạm vi cả nước.

Bộ trưởng năng lượng Ukraine, German Galushchenko, vào tháng trước đã cảnh báo rằng đất nước của ông chuẩn bị bước vào một “mùa đông có lẽ là khắc nghiệt nhất trong lịch sử” vì các cuộc tấn công vào lưới điện. Một báo cáo năm nay của Trường Kinh tế Kiev ước tính rằng cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine trị giá hơn 16 tỷ USD đã bị phá hủy và chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng mới có thể lên tới hơn 50 tỷ USD.

Khu vực Kharkov và Donetsk, Ukraine mất điện hoàn toàn sau các vụ tấn công bằng tên lửa. Ảnh: AP.

Thách thức phòng thủ

Mùa đông sắp tới có thể mang tính bước ngoặt, khi Ukraine đang trên bờ vực sụp đổ về năng lượng, còn Nga thể hiện họ sẵn sàng tấn công những gì còn sót lại của ngành năng lượng Ukraine. Vấn đề phòng không đóng vai trò then chốt trong cơ hội vượt qua mùa đông của Kiev. Tuy nhiên, theo các nhà lãnh đạo ngành điện của Ukraine, xét đến quy mô của đất nước và sự phân tán của các nhà máy điện, cũng như sự dồi dào rõ ràng của tên lửa Nga, không có hệ thống phòng không phương Tây nào có thể đảm bảo khả năng bảo vệ cho Kiev.

Ông Timchenko, Giám đốc điều hành DTEK, công ty năng lượng tư nhân lớn nhất của Ukraine, thừa nhận một thực tế là nước này sẽ luôn thiếu hụt đạn dược và hệ thống phòng không.

“Nếu Nga phóng hàng trăm tên lửa và máy bay không người lái cùng một lúc, thì không có hệ thống nào có thể đối phó với một cuộc tấn công dữ dội như vậy”.

Ông Maxim Timchenko, Giám đốc điều hành của DTEK.

Việc xác định chính xác số lượng hệ thống phòng không tầm xa như Patriot và IRIS-T mà Ukraine sở hữu là rất khó khăn, vì các nhà tài trợ không tiết lộ chi tiết về các thành phần của hệ thống và Ukraine cũng không tiết lộ tổn thất thiết bị của mình.

Vào mùa hè, Tổng thống Ukraine Zelensky đã kêu gọi các nhà tài trợ phương Tây cung cấp 25 hệ thống Patriot để cung cấp cho Ukraine một mạng lưới phòng không tích hợp nhằm bảo vệ lưới điện của mình, nhưng số lượng mà nước này thực sự nhận được thấp hơn nhiều.

Nhà lãnh đạo Ukraine ngày 17/10 đã cảnh báo về những hậu quả thảm khốc của mùa đông thứ ba trong cuộc xung đột. Phát biểu khi tới Brussels để trình bày “Kế hoạch Chiến thắng” với các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU), ông Zelensky nói rằng khi “mùa đông đang đến”, Kiev đã hoàn thành phần việc của mình “để tăng cường phòng thủ nhưng hiện đang rất cần thêm sự hỗ trợ về phòng không.” Ông cho biết, trong “nhiều tháng không có sự hỗ trợ quân sự”, Ukraine đã tự mình sản xuất máy bay không người lái và các hệ thống tác chiến điện tử đã giúp ích rất nhiều.

Kiev cũng đáp trả Moscow bằng các cuộc tấn công nhằm vào các kho dầu mỏ bên trong lãnh thổ Nga, làm giảm khả năng lọc dầu của Nga.

Lính cứu hỏa dập tắt đám cháy tại kho dầu ở Bryansk, Nga. Ảnh: Reuters.

Nhằm bảo vệ dân thường và cơ sở hạ tầng, trong đó có cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này, từ nhiều tháng nay, Ukraine đã hối thúc các nước phương Tây dỡ bỏ các hạn chế sử dụng vũ khí tầm xa mà nước này đã nhận được, để có thể tấn công nhiều mục tiêu hơn bên trong Nga, đặc biệt là các khu tập kết chuẩn bị cho các cuộc không kích. Tuy nhiên, đến nay, dường như đó vẫn là một mong muốn xa vời.

Tổng thư ký NATO Mark Rutte, người đã chọn Kiev làm điểm đến cho chuyến thăm đầu tiên sau khi nhậm chức Tổng thư ký NATO trong tháng này, đã kêu gọi các đồng minh NATO tăng nguồn cung cấp vũ khí để hỗ trợ Kiev trước những gì ông mô tả là một mùa đông tàn khốc. Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề vũ khí tầm xa cho Ukraine, ông Rutte cho biết: “Từng đồng minh sẽ quyết định cách thức vũ khí họ chuyển giao cho Ukraine có thể được sử dụng. Về mặt pháp lý, điều đó là có thể. Nhưng liệu các quốc gia đồng minh có thực hiện điều này hay không, thì còn tùy thuộc vào từng quốc gia.”

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden, người có tiếng nói quyết định trong vấn đề này, trong chuyến đi một ngày tới Berlin để thảo luận với Thủ tướng Đức Olaf Scholz về các vấn đề từ Ukraine đến cuộc xung đột đang lan rộng ở Trung Đông, khẳng định khi Ukraine phải đối mặt với một mùa đông khắc nghiệt, các đối tác cần phải duy trì quyết tâm của mình.

Ông cũng bàn với Thủ tướng Đức Olaf Scholz những nỗ lực để tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine và củng cố cơ sở hạ tầng năng lượng dân sự của nước này “bằng cách giải phóng giá trị của các tài sản bị đóng băng của Nga”.

Tuy nhiên, phát biểu trước khi rời Đức, ông Biden cho biết, hiện không có sự đồng thuận nào về việc cung cấp cho Ukraine vũ khí tầm xa để tiến hành các cuộc tấn công sâu hơn vào Nga.

Chuẩn bị cho mùa đông

Người dân Ukraine đang phải đối mặt với tình trạng thiếu điện từ 8 đến 12 giờ mỗi ngày. Theo Liên hợp quốc, tình trạng thiếu điện còn có thể lên đến 20 giờ mỗi ngày vào mùa đông. Theo giới quan sát, tình trạng khẩn cấp nghiêm trọng có thể xảy ra tại Ukraine trong vài tuần tới, khiến nhiều người dân Ukraine phải rời bỏ nhà cửa và đất nước họ.

Cuộc đua marathon này và hàng chục sự kiện khác năm ngoái đã bị hủy do "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga. Ảnh: Kyiv City Marathon.

Với đèn pin trên tay, hơn một trăm người Ukraine đã tham gia cuộc chạy bộ có tên gọi 'Chạy vì ánh sáng' tại Thủ đô Kiev để gây quỹ mua máy phát điện, thiết bị đầu cuối Starlink và trạm sạc cho nhân viên y tế và quân nhân ở tuyến đầu. Sự kiện được tổ chức sau khi Ukraine đã mất 50% cơ sở hạ tầng điện trong các cuộc tấn công của Nga.

“Chúng tôi hiểu rằng chúng tôi cần sự hỗ trợ của quốc tế. Chúng tôi phải nói với thế giới về những gì đang diễn ra ở đây và giải thích cho những người chưa từng ở trong hoàn cảnh phải sống trong bóng tối do thiếu điện biết cảm giác như thế nào.”

Chị Sofiia Lebedych - Tình nguyện viên tại sự kiện “Chạy vì ánh sáng”.

Ukraine hy vọng sẽ phục hồi được 3GW lên lưới điện vào cuối năm. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc rất lớn vào nguồn tài trợ, khi nhà điều hành lưới điện quốc gia Ukrenergo đưa ra chi phí là 1,5 tỷ USD để sửa chữa các công trình bị phá hủy. Trong khi đó, cho đến nay, Ukraine mới nhận được gần 766 triệu USD từ quỹ hỗ trợ năng lượng hợp tác với Ủy ban châu Âu (EC).

Bloomberg dẫn dự báo từ Ngân hàng Quốc gia Ukraine cho biết do nước này không thể gia tăng công suất điện bổ sung và giải quyết vấn đề mất điện trước mùa đông, nên đến cuối năm nay, dự báo gần 400.000 người có thể rời khỏi đất nước, và 300.000 người nữa vào năm tới. Tình hình này làm trầm trọng thêm các vấn đề nhân khẩu học của Ukraine.

Chưa biết liệu Nga hay Ukraine sẽ chiếm lợi thế trong mùa đông khắc nghiệt. Ảnh: Reuters.

Theo Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Ukraine Sergei Nikolaychuk, kể từ năm 2021, Ukraine đã mất 27% lực lượng lao động. Theo Tổ chức Di trú quốc tế, 70% người Ukraine, tương đương hơn 4 triệu người, dự định ở lại châu Âu và không muốn quay trở lại. Trong khi đó, theo RIA Novosti, năm 2023, Ukraine chỉ có 187.000 ca sinh, trong khi số tử vong lên tới hơn 250.000 người. Nếu tình hình không thay đổi, trong ba thế hệ nữa, dân số Ukraine được dự báo sẽ giảm chỉ còn 10-15 triệu người.

Căng thẳng về điện năng đang làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Ukraine. Cơ quan Tị nạn của Liên hợp quốc cảnh báo, nhiệt độ lạnh giá trong thời gian mất điện sẽ đóng băng các đường ống, cắt đứt nguồn cung cấp nước và sưởi ấm của người dân quốc gia Đông Âu này, có thể dẫn đến một làn sóng người tị nạn mới. Để tránh làm cuộc khủng hoảng thêm trầm trọng, các giải pháp ngoại giao có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, triển vọng hòa bình đến nay vẫn rất ảm đạm và người dân sẽ phải sống trong cảnh lạnh giá, tối tăm và thiếu lương thực. Điều này càng khiến dư luận mong muốn, Kiev, Moscow và cộng đồng quốc tế sớm tìm ra một giải pháp cho hòa bình và an ninh trong khu vực.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vừa công bố ba đề cử cho các vị trí Bộ trưởng Giáo dục, lãnh đạo Medicare và Medicaid, và Bộ trưởng Thương mại. Những lựa chọn này thể hiện ưu tiên của ông Trump dựa trên lòng trung thành và cam kết cải tổ các cơ quan liên bang.

Tờ Washington Post hôm nay, 20/11, dẫn nguồn tin quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Joe Biden đã chấp thuận cung cấp mìn chống bộ binh cho Ukraine sau khi Kiev cam kết không sử dụng mìn ở những khu vực đông dân cư.

Ngày 19/11, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và chính quyền Ukraine đã đạt được thỏa thuận để hỗ trợ Ukraine khoảng 1,1 tỷ USD. Tuy nhiên, Ban điều hành IMF vẫn cần phải cân nhắc về thỏa thuận này.

Giá dầu thế giới gần như không biến động trong phiên giao dịch ngày 19/11. Những dấu hiệu leo thang căng thẳng Nga - Ukraine khiến các nhà đầu tư thận trọng trước nguy cơ gián đoạn nguồn cung.

Ngày 20/11, quân đội Pakistan cho biết ít nhất 12 binh sĩ đã thiệt mạng do vụ tấn công liều chết nhằm vào đồn kiểm soát quân sự tại tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, Tây Bắc nước này.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đề cử tỷ phú Howard Lutnick, Giám đốc điều hành Công ty dịch vụ tài chính Cantor Fitzgerald làm Bộ trưởng Thương mại trong chính quyền sắp tới của mình. Việc bổ nhiệm ông Lutnick cần được Thượng viện Mỹ phê chuẩn.