Nga chuẩn bị đón thêm hai 'quái thú bầu trời'
Hai máy bay mang số hiệu "25 Red" và "26 Red" được phát hiện trong một chuyến bay mà các nhà phân tích cho là chuyến bay chuyển sân – có khả năng hướng đến một căn cứ không quân đang hoạt động. Sự xuất hiện của chúng làm dấy lên nghi vấn về nỗ lực của Moscow trong việc mở rộng phi đội chiến đấu cơ tiên tiến này.
Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có bất kỳ xác nhận chính thức nào từ Tập đoàn Máy bay Thống nhất Nga (UAC) hay tập đoàn mẹ Rostec, khiến tình trạng của hai máy bay này vẫn chưa rõ ràng. Việc thiếu thông báo chính thức, dù hình ảnh đã lan truyền trong nhiều ngày, đặt ra nhiều câu hỏi về tính xác thực và mục đích thực sự của các máy bay, đồng thời thu hút sự quan tâm của giới quan sát quân sự và cộng đồng yêu thích hàng không.
Nếu thông tin này được xác thực, đây có thể là dấu hiệu cho thấy chương trình Su-57 của Nga đang có bước tiến mới. Su-57 là nỗ lực đột phá của Nga trong lĩnh vực tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm. Được phát triển bởi Sukhoi theo khuôn khổ chương trình PAK FA (Tổ hợp hàng không tiền tuyến triển vọng), mẫu chiến đấu cơ này được kỳ vọng sẽ thay thế các dòng máy bay MiG-29 và Su-27 trong biên chế không quân Nga.
Chiếc Su-57 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2010, đánh dấu một cột mốc quan trọng sau nhiều năm nghiên cứu và phát triển kể từ cuối những năm 1990. Máy bay sở hữu thiết kế góc cạnh hiện đại, với cấu trúc khí động học tối ưu và khả năng tàng hình cao nhờ lớp phủ hấp thụ sóng radar cùng việc sử dụng vật liệu composite tiên tiến như polymer, sợi thủy tinh và lõi tổ ong bằng nhôm.

Su-57 được trang bị hai động cơ phản lực cánh quạt Saturn AL-41F1, mỗi động cơ cung cấp lực đẩy khoảng 33.000 pound, cho phép máy bay đạt tốc độ tối đa lên tới Mach 2 và hoạt động ở độ cao vượt quá 20.000 mét. Hệ thống điện tử hàng không tiên tiến của Su-57 bao gồm radar mảng quét điện tử chủ động (AESA), hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại (IRST), cùng các biện pháp đối phó điện tử hiện đại, giúp máy bay có khả năng tấn công hiệu quả các mục tiêu trên không, mặt đất và trên biển.
Vũ khí được bố trí trong các khoang bên trong thân máy bay nhằm giảm tín hiệu radar, bao gồm tên lửa không đối không như K-77M, đạn dược tấn công mặt đất, và một khẩu pháo 30 mm phục vụ cho các cuộc không chiến tầm gần. Nga cũng tuyên bố Su-57 có khả năng "siêu hành trình" – bay ở tốc độ siêu thanh liên tục mà không cần sử dụng chế độ đốt sau.
Theo Reuters, đến đầu năm 2025, Nga dự kiến sẽ có từ 16 đến 20 chiếc Su-57 trong biên chế, trong khi hợp đồng ký kết năm 2019 đặt mục tiêu bàn giao tổng cộng 76 chiếc vào năm 2028.
Những hình ảnh gần đây về Su-57 mang số hiệu "25 Red" và "26 Red" càng làm tăng thêm sức hút cho câu chuyện. Được lan truyền trên các nền tảng như Telegram và các diễn đàn quốc phòng Nga, những bức ảnh cho thấy các máy bay dường như đang bay hành trình, có khả năng hướng đến một căn cứ tiền phương. Thông thường, các video bàn giao sẽ được nhà sản xuất công bố chính thức, tuy nhiên đến nay cả Rostec và UAC vẫn chưa đưa ra bất kỳ xác nhận nào về tình trạng của hai chiếc Su-57 này.


Chất lượng cao của pháo tự hành Bogdana cùng với tốc độ sản xuất rất nhanh giúp vũ khí này của Ukraine dần thay thế sản phẩm phương Tây viện trợ.
Bộ Quốc phòng Nga xác nhận, ngày 13/4, lực lượng phòng không nước này đã bắn hạ một máy bay chiến đấu F-16 do Ukraine vận hành và hơn 200 máy bay không người lái.
Nga và Tajikistan đã hoàn thành cuộc tập trận chống khủng bố chung tại thao trường núi và sa mạc Kharb-Maydon, nằm ở vùng Khatlon của Tajikistan, Bộ Quốc phòng Nga cho biết.
Cơ quan tình trạng khẩn cấp Ukraine cáo buộc Nga đã tấn công tên lửa vào thành phố Sumy, khiến ít nhất 34 người thiệt mạng và 117 người khác bị thương, tuy nhiên Điện Kremlin đã bác bỏ cáo buộc này.
Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi ngày 14/4 xác nhận sẽ đến Tehran trong tuần này nhằm thúc đẩy hợp tác với Iran về chương trình hạt nhân.
Từng được mệnh danh là “công xưởng thế giới”, Trung Quốc nay đang chuyển mình thành cường quốc công nghệ cao.
0