Nét đẹp văn hóa xin chữ đầu năm tại TP. HCM
Lần đầu tiên ghé thăm phố ông Đồ để xin chữ, Á hậu Thùy Dung tỏ ra vô cùng háo hức. Cô không chỉ được tận mắt chứng kiến các ông đồ thể hiện tài nghệ viết chữ thư pháp, mà còn có cơ hội trò chuyện và tìm hiểu sâu hơn về ý nghĩa cũng như nét đẹp văn hóa truyền thống của phong tục xin chữ đầu năm, văn hóa Tết, thư pháp Việt Nam... "Đây là lần đầu tiên em đến với phố ông Đồ vào dịp Tết năm nay. Em muốn xin chữ 'An', với mong muốn có một năm bình an cho chính mình và gia đình. Vì là lần đầu tiên xin chữ nên em cảm thấy rất vui và ước gì những năm trước mình cũng đã đến đây. Hy vọng rằng, với văn hóa truyền thống quý giá này, ngày càng có nhiều bạn trẻ tham gia hoạt động ý nghĩa như vậy. Đây là một hình ảnh đẹp của Việt Nam mà chúng ta cần lưu giữ", Á hậu Thùy Dung chia sẻ.
Dưới bàn tay khéo léo của các thầy đồ, những nét chữ mộc mạc trở nên sống động và đầy cảm xúc. Người xin chữ gửi gắm mong ước về sức khỏe, bình an, may mắn, trong khi người cho chữ đặt tâm huyết vào việc gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống giữa cuộc sống hiện đại. Trong dịp Tết 2025, những chữ như "An" và "Nhẫn" đặc biệt được yêu thích, thể hiện mong muốn về một năm mới suôn sẻ, thuận lợi.
Ông đồ Võ Minh Mẫn cho hay: "Như mọi năm, khách thường xin những chữ như 'Phúc', 'Lộc', 'Tài', nhưng năm nay xu hướng lại là xin chữ 'An' trong bình an, bởi sau một năm nhiều biến cố, mọi người cần sự bình an và sức khỏe. Khi có được sự bình an, mọi thứ khác sẽ trở nên thành công. Hiện nay, giới trẻ ngày càng hướng về cội nguồn, trân trọng các giá trị văn hóa dân tộc và coi trọng chữ nghĩa, tri thức của người xưa".
Việc xin chữ đầu năm không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn là một cách trang trí nhà cửa độc đáo trong dịp Tết cổ truyền. Tùy theo sở thích của gia chủ, loại giấy, kích thước, và hình thức chữ viết sẽ được lựa chọn sao cho phù hợp. Thông thường, các gia đình ưu tiên chọn thành ngữ, ca dao, câu đối với mong muốn mang lại may mắn và tài lộc.
Cô Lê Thị Quỳnh Như (Phường 22, Quận Bình Thạnh, TP. HCM) chia sẻ: "Cô thấy trang trí bằng thư pháp thì đẹp hơn và ý nghĩa hơn. Nếu trang trí bình thường thì không cảm nhận được nhiều giá trị, nhưng khi treo những câu đối thư pháp, mình đọc lên sẽ thấy rất ý nghĩa trong ngày Tết. Ai cũng mong muốn thành công, an vui, hạnh phúc và khi treo những câu như vậy, mình sẽ có xu hướng hướng về gia đình nhiều hơn, cảm nhận được không khí ngày Tết rõ ràng hơn".
Tục lệ xin chữ đầu năm, biểu tượng cho tinh thần hiếu học và lòng trân quý chữ nghĩa của người Việt đang ngày càng được khôi phục và gìn giữ. Những câu đối, lời chúc viết trên nền giấy đỏ không chỉ là món quà tinh thần ý nghĩa để chào đón năm mới mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị độc đáo của nghệ thuật thư pháp truyền thống Việt Nam.


Sau thành công của triển lãm đầu tiên "Mơ xuân" năm 2022, nữ nghệ sĩ điêu khắc Lưu Thanh Lan đã tổ chức triển lãm cá nhân lần thứ hai mang tên “Không gian phồn thực”.
Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 20km, khu sinh thái Đồi 79 mùa xuân thuộc xã Thanh Lâm, Huyện Mê Linh là một không gian rộng thoáng và tràn ngập màu xanh, khiến ai đến thăm cũng ấn tượng.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội sáng 11/5 đã trang trọng tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2569 - Dương lịch 2025.
Tại Việt Nam, ngành hoa cây cảnh ngày càng khẳng định vai trò trong nông nghiệp hiện đại với diện tích trồng khoảng 45.000 ha, giá trị sản xuất trên 45.000 tỷ đồng/năm và kim ngạch xuất khẩu vượt 100 triệu USD.
Nằm trong khuôn khổ của triển lãm “Sắc Lụa”, Workshop “Nhuộm khăn tơ tằm” của họa sĩ Hội Trần đã mang đến một trải nghiệm nghệ thuật độc đáo và đầy thú vị cho những người tham gia.
Triển lãm “Hà Nội ơi” được tổ chức nhân dịp ra mắt cuốn sách ảnh cùng tên. Qua lăng kính của 9 nhiếp ảnh gia, Triển lãm hé lộ những khung cảnh đặc trưng, mang đậm dấu ấn thời gian và văn hóa.
0