NATO là 'gốc rễ' giải quyết xung đột Nga-Ukraine
Trong cuộc điện đàm kéo dài hơn hai giờ đồng hồ vào ngày 18/3 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Putin đã nhắc lại rằng nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột Nga - Ukraine. Những nguyên nhân này bao gồm nỗ lực của NATO nhằm kết nạp Ukraine, cũng như sự mở rộng về phía Đông một cách quá nhanh của liên minh này kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Tổng thống Nga luôn phủ nhận tổ chức này, coi đây là mối đe dọa đối với an ninh của Nga.
Chính quyền Mỹ trước đây đã ủng hộ tham vọng gia nhập NATO của Ukraine. Trong khi đó, chính quyền hiện tại của Tổng thống Trump đã công khai thể hiện sự phản đối. Trong một tuyên bố vào ngày 26/2, Tổng thống Donald Trump đã nói: "Hãy quên việc gia nhập NATO đi. Đó có thể là lý do khiến cuộc chiến này bắt đầu".
Nguyên nhân ông Putin phản đối Ukraine gia nhập NATO
NATO, hay Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, được thành lập vào năm 1949 với mục tiêu chính là ngăn chặn sự phát triển ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản và Liên Xô lúc đó đang trên đà phát triển rất mạnh ở châu Âu. Ban đầu, tổ chức này có 12 quốc gia, trong đó có các quốc gia quan trọng như Mỹ, Canada, Anh và Pháp.
Liên Xô đã đáp trả NATO bằng cách thành lập liên minh quân sự của riêng mình với bảy quốc gia Đông Âu khác vào năm 1955, được gọi là Hiệp ước Warsaw.
Nhưng sự sụp đổ của Bức tường Berlin và sự sụp đổ tiếp theo của Liên Xô vào năm 1991 đã mở đường cho một trật tự an ninh mới hậu Chiến tranh Lạnh ở châu Âu. Vào thời điểm đó, Nga tuyên bố rằng, Mỹ đã hứa NATO sẽ không mở rộng về phía Đông. Tuy nhiên, sau đó, các quốc gia từng là thành viên của Khối Warsaw đã gia nhập NATO, bao gồm Hungary, Ba Lan và Cộng hòa Séc vào năm 1999, và các quốc gia khác như Estonia, Latvia, Litva, Romania, Slovakia, Slovenia vào năm 2004. Điều này đã thay đổi đáng kể sự cân bằng quyền lực và an ninh ở châu Âu, khiến Nga cảm thấy bị đe dọa bởi sự mở rộng này.
NATO và chính sách "mở cửa" được quy định trong Điều 10 của Hiệp ước NATO, cho phép bất kỳ quốc gia châu Âu nào có khả năng góp phần vào "an ninh khu vực Bắc Đại Tây Dương" đều có thể gia nhập. Chính sách này càng làm tăng mối lo ngại của Nga về việc Ukraine, một quốc gia láng giềng quan trọng và từng thuộc Liên Xô, có thể gia nhập NATO trong tương lai.
Nga xem việc Ukraine gia nhập NATO là một "lằn ranh đỏ", vì điều này sẽ mang lại sự hiện diện quân sự và chính trị của NATO ngay sát biên giới Nga. Cần lưu ý rằng, Ukraine là quốc gia lớn thứ hai ở châu Âu, có lối ra Biển Đen và biên giới tiếp giáp với Nga về phía Đông. Kể từ sau Chiến tranh Lạnh, việc các quốc gia thuộc Liên Xô cũ gia nhập NATO đã làm suy yếu ảnh hưởng của Nga tại châu Âu, và Moscow luôn tìm cách ngăn chặn điều này. Đặc biệt, với vị trí chiến lược quan trọng và lịch sử gắn bó chặt chẽ với Nga, Ukraine càng trở thành một mối lo ngại lớn đối với Moscow về việc mất kiểm soát nếu quốc gia này gia nhập NATO.
Ukraine có đủ điều kiện gia nhập NATO hay không?
NATO theo đuổi chính sách "mở cửa", có nghĩa là một quốc gia mới có thể được mời gia nhập liên minh với sự đồng ý của tất cả 32 thành viên. Các yêu cầu đối với các ứng viên bao gồm việc ủng hộ dân chủ, phát triển nền kinh tế thị trường, kiểm soát quân đội dân sự, tôn trọng chủ quyền của các quốc gia khác, và làm việc để nâng cao khả năng tương tác với các lực lượng của NATO.
Bước đầu tiên để gia nhập liên minh là nhận được Kế hoạch Hành động Thành viên (MAP) với các khuyến nghị dành cho quốc gia ứng cử. Vào năm 2008, Ukraine đã nộp đơn xin MAP và đã nhận được sự ủng hộ từ Tổng thống Mỹ George W. Bush. Tuy nhiên, dưới áp lực gia tăng từ Tổng thống Nga Vladimir Putin, các thành viên liên minh, chủ yếu là Đức và Pháp, đã từ chối nguyện vọng của Ukraine gia nhập NATO.
Trước khi cuộc xung đột nổ ra, phần lớn người Ukraine không ủng hộ việc gia nhập liên minh quân sự và mong muốn để đất nước duy trì trạng thái trung lập. Tuy nhiên, sau khi cuộc xung đột bắt đầu, tỷ lệ ủng hộ gia nhập NATO của người dân Ukraine đã tăng mạnh, đạt cao nhất là hơn 80% vào năm 2022.
Cuối năm 2022, Ukraine đã xin gia nhập NATO theo con đường rút ngắn và vào năm 2023, các nhà lãnh đạo NATO đã quyết định rằng Kiev có thể trở thành thành viên mà không cần Kế hoạch Hành động Thành viên (MAP). Tuy nhiên, Kiev vẫn chưa được mời gia nhập, khác với Phần Lan và Thuỵ Điển, hai quốc gia cũng gần Nga.
Hơn nữa, một quốc gia gia nhập NATO trong khi đang tham gia vào một cuộc chiến, các thành viên NATO sẽ phải xem xét các nghĩa vụ mà họ có thể phải thực hiện trong trường hợp quốc gia đó yêu cầu sự hỗ trợ. Theo Điều 5 của Hiệp ước NATO, một cuộc tấn công vào một thành viên NATO sẽ được coi là cuộc tấn công vào tất cả các thành viên, và các quốc gia thành viên phải hỗ trợ nhau, bao gồm cả việc sử dụng lực lượng quân sự nếu cần. Điều này có thể đặt ra những thách thức cho các quốc gia thành viên khi một quốc gia gia nhập trong khi đang chiến tranh, bởi họ có thể phải tham gia vào cuộc xung đột ngay lập tức.
Một trong những lý do Ukraine bị từ chối tư cách thành viên trong quá khứ là do thiếu minh bạch trong việc chi tiêu quốc phòng và mức độ tham nhũng cao ở đất nước này, như chính quyền Biden đã ám chỉ trước đó. Tuy nhiên, NATO hiện cũng đã chấp nhận các quốc gia có "tiểu sử không tốt về tham nhũng” như Albania, Bulgaria và Romania.
Theo ông Stefan Wolff, Giáo sư an ninh quốc tế tại Đại học Birmingham: "Vấn đề địa chiến lược và sự lo ngại làm mất lòng Nga là trở ngại lớn nhất khiến NATO e ngại khi kết nạp Ukraine". "Ngược lại, Nga cảm thấy bị đe dọa nhiều hơn bởi việc Ukraine gia nhập NATO vì ông Putin rõ ràng không thể chấp nhận rằng Ukraine 'quay lưng lại' với Nga. Và vì Ukraine, khác với Phần Lan hay Thuỵ Điển, là một phần quan trọng trong tầm nhìn của ông Putin về ảnh hưởng của Nga," giáo sư Wolff nói.
NATO tiếp tục giữ vững lập trường rằng việc gia nhập của Ukraine sẽ không chỉ ảnh hưởng đến an ninh của chính Ukraine mà còn tạo ra những vấn đề lớn hơn đối với cả liên minh và mối quan hệ với Nga. Vì vậy, dù Ukraine có sự ủng hộ mạnh mẽ từ người dân và một số quốc gia trong NATO, nhưng việc gia nhập liên minh này vẫn là một vấn đề đầy phức tạp và khó giải quyết.
Điều kiện tiên quyết của chấm dứt xung đột là Ukraine không được gia nhập NATO
NATO luôn là một yếu tố quan trọng đối với cả Nga và Ukraine, mặc dù hai quốc gia này có quan điểm rất khác nhau về liên minh này.
Đối với Nga, sự mở rộng của NATO được xem là một mối đe dọa nghiêm trọng đối việc duy trì ảnh hưởng và sức mạnh của mình trong khu vực. Ý tưởng về sự trung lập của Ukraine là điều kiện quan trọng mà Tổng thống Putin đặt ra để ngăn chặn sự mở rộng của NATO vào các lãnh thổ trước đây của Liên Xô, mà Nga coi là phạm vi ảnh hưởng của mình.
Đối với Ukraine, NATO đại diện cho một đảm bảo an ninh quan trọng. Ban đầu, nhiều người Ukraine phản đối việc gia nhập NATO vì họ không thể tưởng tượng được việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào năm 2022. Tuy nhiên, chiến dịch quân sự của Nga sau đó cho thấy, trong mắt người Ukraine, NATO có vai trò quan trọng đối với việc đảm bảo an ninh cho Ukraine.
Tổng thống Nga nhấn mạnh nhiều lần về nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột sẽ phải được giải quyết. Nếu NATO hay Liên minh châu Âu (EU) vẫn tiếp tục nỗ lực thay thế sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine, cuộc chiến vẫn sẽ tiếp tục.
Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể còn khó dự đoán hơn cả đại dịch. Nhận định này được đưa ra sau khi ông Trump bất ngờ tạm dừng một phần trong chiến lược thuế quan đối với các đối tác thương mại toàn cầu, ngoại trừ Trung Quốc.
Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, Thượng tướng Aleksandr Syrsky, cho biết Kiev cần huy động khoảng 30.000 binh sĩ mỗi tháng để duy trì sức kháng cự trước áp lực ngày càng lớn từ quân đội Nga.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 10/4 tuyên bố tạm thời hoãn áp dụng các mức thuế quan vừa được ban hành đối với hàng chục quốc gia. Tuy nhiên, ông sẽ tiếp tục siết chặt chính sách với Trung Quốc khiến thị trường chứng khoán Mỹ tăng vọt sau nhiều ngày biến động.
Em gái, cố vấn thân cận của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, bà Kim Yo Jong khẳng định, việc phi hạt nhân hoá Triều Tiên là điều “không bao giờ xảy ra”.
Bộ Tài chính Trung Quốc đã thông báo nước này sẽ áp mức thuế bổ sung lên tới 84% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, có hiệu lực từ ngày mai 10/4.
Các quốc gia, từ châu Á đến châu Âu, từ đồng minh đến đối thủ thương mại của Mỹ, đều đang ráo riết điều chỉnh chiến lược kinh tế để đối phó với mức thuế cao chưa từng có của chính quyền Trump.
0