Náo nức phiên chợ cuối năm

Trong những ngày cận Tết này không khí tại các chợ truyền thống ở Hà Nội đều trở nên tấp nập, rộn ràng khác hẳn ngày thường. Người bán tất bật phục vụ nhu cầu mua sắm của bà con, người mua thì cố lựa chọn những mặt hàng đẹp nhất, ưng ý nhất để ngày Tết của gia đình mình thêm đủ đầy, trọn vẹn. Đi chợ phiên Tết trong những ngày này không chỉ là để mua sắm mà còn là cách mọi người tận hưởng bầu không khí hối hả, náo nức, đầy thân thuộc trước khi bước sang một năm mới.

Ở ngoại thành Hà Nội, những phiên chợ hàng chục năm nay vẫn giữ được những nét độc đáo, mang đặc trưng riêng có của chợ phiên đồng bằng Bắc Bộ. Diễn ra đều đặn vào các tháng trong năm, nhưng chỉ có phiên chợ họp vào những ngày gần Tết Nguyên đán mới có không khí thật đặc biệt với những người dân trong vùng.

Sớm tinh mơ, những người dân quanh vùng đã đến chợ phiên Thanh Mai để trao đổi hàng hóa. Chợ thường họp 12 phiên/tháng vào các ngày có số đuôi 2, 3, 5, 7 âm lịch, nhưng phiên chợ lớn nhất vẫn là phiên chợ cuối năm. Các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân ăn Tết đều có ở đây.

Bà Phạm Thị Lĩnh đã bán lá dong ở chợ Thanh Mai hàng chục năm, và chưa phiên chợ Tết nào bà vắng mặt kể từ khi bắt đầu ra chợ bán. "Năm nay vì có trận bão lớn nên lá dong không được mùa, nhưng được giá", bà Lĩnh cho biết.

Sáng sớm ở ngoại thành, thời tiết có phần giá lạnh hơn các thời điểm khác trong ngày. Thế nhưng bà Nguyễn Thị Lan vẫn dậy thật sớm để đi chợ phiên mua đồ chuẩn bị cho ngày Tết. Bà Lan chia sẻ: "Chợ Tết Thanh Mai chuyên bán các sản phẩm của nông dân ở các huyện lân cận. Chợ phiên cuối năm chẳng thiếu mặt hàng gì. Từ những nguyên liệu làm món ăn ngày Tết cho đến các đặc sản của địa phương, tất cả đều được người dân mang đến chợ bán từ sáng sớm".

Gắn bó với công việc bán chiếu nhiều năm, phiên chợ cuối năm cũng là dịp để những người bán chiếu như chị Nguyễn Thị Lệ có cơ hội đắt khách, bởi nhu cầu thay chiếu mới mỗi khi năm hết Tết đến của người dân khá cao.

7 giờ sáng, không khí chợ Thanh Mai đã sôi động hơn. Dù các sản phẩm nông sản có thể tìm thấy ở vườn nhà, nhưng người dân vẫn thích chờ đến chợ phiên mới đem đi bán. Từ những nải chuối quê dâng cúng tổ tiên đến những thẻ hương, vàng mã cúng giao thừa; những buồng cau trong vườn nhà, đến những ống giang được mua về để chẻ lạt gói bánh chưng. Chẳng thiếu gì ở phiên chợ quê mộc mạc này.

Năm nay, dù đào quất không được mùa bởi bão lũ tàn phá, nhưng Tết đến vẫn có nhiều sự lựa chọn cây cảnh cho người dân.

Trong cái rét ngọt của buổi sáng mùa đông, dù vẫn còn công việc bộn bề, nhưng nhiều người dân ở ngoại thành Hà Nội vẫn dậy thật sớm đi chợ phiên, một nét sinh hoạt truyền thống vẫn luôn được gìn giữ qua nhiều thế hệ.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Nhiều người đã tìm về thôn Đoan Nữ, xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức, Hà Nội để hoà mình trong không gian làng quê thanh bình, với cánh đồng lúa xanh nổi bật và hàng hoa gạo bắt đầu bung nở.

Con phố sách cũ trên đường Láng (Hà Nội) là chốn thân quen của nhiều người, nơi chứa đựng những câu chuyện riêng, khiến cho tâm hồn của họ luôn được rộng mở.

Bên cạnh di sản kiến trúc, lịch sử, Hoàn Kiếm còn là cái nôi của một di sản đặc biệt - di sản ẩm thực, hội tụ của sự tinh tế.

Rau muống xào tỏi của Việt Nam vinh dự xếp hạng thứ 24 trong danh sách 100 món rau ngon nhất thế giới của chuyên trang ẩm thực nổi tiếng Taste Atlas, với số điểm 4,3/5 sao.

Những ngày khô lạnh ít ỏi của đợt rét tháng Ba rất nhanh sẽ đi qua, để sớm mai, một mùa hè rực rỡ bừng tỉnh.

Với khát khao gìn giữ "hơi thở" của the lụa từng vang danh, nghệ nhân Lê Đăng Toản (Hà Đông) đã miệt mài canh cửi trong suốt gần 20 năm, dù hành trình không ít gian nan.