Nâng mức giảm trừ gia cảnh nên được thực hiện sớm
Bộ Tài chính đã đề xuất thay đổi mức giảm trừ gia cảnh trong Luật Thuế thu nhập cá nhân, nhưng thời gian chờ đợi đến khi trình Quốc hội vào tháng 10/2025 và thông qua vào tháng 5/2026 là quá dài, trong khi áp lực tài chính với người dân ngày càng lớn.
Theo quy định, mức giảm trừ gia cảnh chỉ được xem xét thay đổi khi chỉ số giá tiêu dùng CPI biến động trên 20% so với lần điều chỉnh gần nhất.
Tính từ năm 2020 đến nay, CPI đã tăng gần 16% tiệm cận gần mức điều chỉnh. Như vậy, trong khi chi phí sinh hoạt tăng thì người dân cũng phải chịu mức thuế cao hơn, gia tăng gánh nặng tài chính, còn mức giảm trừ gia cảnh vẫn tiếp tục giữ nguyên chưa thay đổi.
Ông Lê Xuân Trường, giảng viên Học viện Tài chính, cho biết: “Nói đến giảm trừ gia cảnh, về đạo lý phải gắn với mặt bằng chung của mức sống dân cư, nhưng về cơ sở pháp lý phải tuân thủ theo Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007. Theo luật này, khi chỉ số CPI tăng trên 20% thì Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh”.
Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân thay thế dự kiến sẽ được Quốc hội thảo luận vào kỳ họp tháng 10/2025, thông qua vào kỳ họp tháng 5/2026, có thể áp dụng từ năm 2027.
Với mức giảm trừ thực tế đang cao hơn quy định được giảm trừ, nhiều người nộp thuế cho rằng, việc chờ thêm một năm để thay đổi là quá dài.
Chị Chu Thùy Linh, nhân viên văn phòng, chia sẻ: “Một em nhỏ đi học cũng phải mất tối thiểu 4 triệu/tháng, còn tiền ăn, tiền sữa, chưa kể chi phí ốm đau nên tôi dự trù khoảng 6-7 triệu. Tuy nhiên, mức giảm trừ hiện tại được 4,4 triệu thì tôi thấy thấp hơn mức chi trả thực tế. Tôi muốn được nâng mức này lên cho bớt gánh nặng”.
Góp ý cho dự thảo Luật này của Bộ Tài chính, có tới 16 Bộ và địa phương đồng loạt đề nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh lên gấp rưỡi so với hiện nay, với lý do mức giảm trừ gia cảnh hiện đã lạc hậu.
Nếu theo đúng quy trình thực hiện thì khoảng hai năm nữa, luật mới có hiệu lực. Khoảng thời gian đó là quá dài khi hiện tại luật đã không còn phù hợp với thực tế, tạo áp lực lên cuộc sống của người dân.


Với 100% đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; ấn định ngày bầu cử khóa mới.
Hệ thống thẻ vé liên thông các loại hình vận tải công cộng tàu điện, xe buýt ở Thủ đô dự kiến khai trương vào ngày 2/9, theo thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội.
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam đã được chọn để trao Giải thưởng lớn tại Lễ trao Giải Kiến trúc quốc gia lần thứ 16 diễn ra vào tối 20/5, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031 dự kiến được tổ chức vào Chủ nhật, ngày 15/3/2026.
Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu đề xuất cho người từ 16 tuổi trở lên được góp vốn thành lập doanh nghiệp vì người đủ 16 tuổi không còn là trẻ em, có quyền lao động.
Tường thuật trực tiếp tình hình giao thông Hà Nội sáng 21/5 với hình ảnh từ các camera giao thông giúp khán - thính giả lựa chọn cung đường tốt nhất. Chương trình được phát sóng trên kênh FM90, các nền tảng số của Đài Hà Nội và ứng dụng công dân Thủ đô số iHanoi.
0