Mỹ và Ukraine chính thức ký thỏa thuận khoáng sản

Mỹ và Ukraine đã ký kết một thỏa thuận đối tác kinh tế nhằm thành lập quỹ đầu tư chung tại Ukraine, tạo điều kiện để Mỹ tiếp cận các nguồn khoáng sản đất hiếm quan trọng trên lãnh thổ nước này. Đổi lại, Ukraine được kỳ vọng sẽ nhận được các cam kết hỗ trợ phát triển và tái thiết sau chiến sự.

Thỏa thuận được Bộ Tài chính Mỹ công bố hôm 30/4, sau nhiều tuần đàm phán căng thẳng giữa hai bên. "Như Tổng thống đã khẳng định, Mỹ cam kết hỗ trợ chấm dứt cuộc chiến tàn khốc và vô nghĩa này", Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent phát biểu. Ông nhấn mạnh: “Thỏa thuận này là tín hiệu rõ ràng gửi tới Nga rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẵn sàng thúc đẩy một tiến trình hòa bình dựa trên nền tảng một Ukraine tự do, có chủ quyền và thịnh vượng. Và để rõ ràng: không cá nhân hay quốc gia nào tài trợ cho cỗ máy chiến tranh sẽ được hưởng lợi từ việc tái thiết Ukraine”.

Đất và khoáng sản được chất lên xe tải tại một mỏ lộ thiên gần tiền tuyến vào ngày 26/2/2025 tại Vùng Donetsk, Ukraine. Ảnh: Pierre Crom/ Getty Images.

Đại diện chính phủ Ukraine, Bộ trưởng Kinh tế Yulia Svyrydenko, đã trực tiếp ký thỏa thuận tại Washington. Trên mạng xã hội X, bà khẳng định một trong những điều khoản then chốt là đảm bảo “quyền sở hữu và kiểm soát hoàn toàn” các nguồn tài nguyên vẫn thuộc về Ukraine. “Tất cả tài nguyên trên lãnh thổ và vùng biển của chúng tôi là tài sản quốc gia. Chính phủ Ukraine quyết định khai thác cái gì, ở đâu. Đất dưới lòng đất vẫn là tài sản của Ukraine – điều này đã được xác định rõ trong thỏa thuận”, bà viết.

Theo Washington Post, bản thỏa thuận mới nhất giữa Mỹ và Ukraine không bao gồm bất kỳ cam kết cụ thể nào về đảm bảo an ninh cho Kiev. Thay vào đó, văn kiện nhấn mạnh “sự liên kết chiến lược dài hạn” giữa hai quốc gia, đồng thời cam kết Mỹ sẽ hỗ trợ cho “an ninh, thịnh vượng, tái thiết và hội nhập của Ukraine vào khuôn khổ kinh tế toàn cầu”.

Tờ báo cũng cho biết thỏa thuận không đề cập đến Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia (ZNPP), cơ sở hiện do Nga kiểm soát. Trước đây, một số quan chức Mỹ từng đề xuất đưa việc giành lại quyền kiểm soát ZNPP vào khuôn khổ các đàm phán hòa bình trong tương lai. Tuy nhiên, việc vấn đề này không được nhắc tới trong thỏa thuận hiện tại cho thấy Washington đang tập trung ưu tiên vào hợp tác kinh tế và đầu tư hơn là các vấn đề quân sự nhạy cảm.

Những người ủng hộ Ukraine ăn mừng sau khi Hạ viện Mỹ thông qua các dự luật, bao gồm viện trợ cho Ukraine, tại Washington, DC, vào ngày 20/4/2024. Ảnh: Celal Gunes / Getty Images.

Thỏa thuận lẽ ra đã được ký vào tháng 2, trong chuyến thăm Washington của Tổng thống Volodymyr Zelensky. Tuy nhiên, chuyến đi này bị rút ngắn sau cuộc họp đầy căng thẳng tại Phòng Bầu dục. Vấn đề then chốt khiến đàm phán bị đình trệ là câu hỏi liệu Mỹ có cung cấp các đảm bảo an ninh cho Ukraine như một phần của thỏa thuận hay không? Tổng thống Trump khi đó đã từ chối đưa ra cam kết, yêu cầu Ukraine ký trước, còn các điều khoản an ninh sẽ được thảo luận sau.

Tổng thống Zelensky từng chỉ trích bản dự thảo khi ấy là một thỏa thuận ép ông “bán” đất nước mình. Tuy nhiên, các quan chức Ukraine sau đó cho biết, họ tin rằng sự hiện diện lâu dài của các doanh nghiệp Mỹ tại Ukraine sẽ thúc đẩy lợi ích chiến lược của Washington trong việc bảo vệ an ninh và ổn định của Kiev.

Tổng thống Mỹ Donald Trump chào đón Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tại Nhà Trắng ở Washington, ngày 28/2/2025. Ảnh: Ben Curtis/AP.

Ngay sau cuộc gặp không đạt kỳ vọng, Tổng thống Trump đã ra lệnh tạm dừng viện trợ cho Ukraine – một động thái gây lo ngại tại châu Âu. Viện trợ sau đó đã được nối lại, nhưng sự kiện này khiến các đồng minh của Ukraine, đặc biệt tại EU, cam kết mạnh mẽ hơn trong việc hỗ trợ quốc gia Đông Âu này.

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết thỏa thuận không bao gồm các khoản viện trợ trước đây, mà chỉ tính các khoản hỗ trợ mới. Ông mô tả đây là “một thỏa thuận chiến lược về việc thành lập quỹ hợp tác đầu tư”, với vốn đóng góp và quyền quản lý được chia đều giữa hai bên. “Phía Mỹ cũng có thể tính viện trợ quân sự mới, tôi nhấn mạnh là mới, như một phần đóng góp vào quỹ này”, ông cho biết.

Các quốc gia phương Tây từ lâu đã để mắt đến trữ lượng khoáng sản phong phú của Ukraine. Theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ, Ukraine sở hữu trữ lượng của 22 trong số 50 loại khoáng chất được coi là “thiết yếu”, bao gồm đất hiếm và các vật liệu quan trọng cho sản xuất thiết bị điện tử, năng lượng sạch và một số hệ thống vũ khí hiện đại.

Hiện nay, phần lớn chuỗi cung ứng toàn cầu về đất hiếm vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc – điều đã khiến các nước phương Tây nỗ lực tìm kiếm các nguồn thay thế. Ukraine nổi lên như một trong những điểm đến tiềm năng cho chiến lược đa dạng hóa này.

Dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden, Mỹ từng ký một biên bản ghi nhớ với Ukraine, trong đó khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào lĩnh vực khai khoáng tại Ukraine, đổi lại Kiev sẽ cung cấp ưu đãi kinh tế và cam kết tuân thủ tiêu chuẩn môi trường và quản trị tốt. Ukraine cũng đã ký một thỏa thuận tương tự với Liên minh châu Âu từ năm 2021.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Một vụ cháy rừng lớn đã bùng phát tại khu vực ngoại ô Jerusalem vào ngày 30/4, buộc lực lượng chức năng Israel phải sơ tán nhiều cộng đồng dân cư và đóng cửa một tuyến đường cao tốc trọng yếu.

Người đứng đầu khu vực Kashmir do Pakistan quản lý đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế làm trung gian hòa giải, trước nguy cơ xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan - hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.

Lần đầu tiên kể từ khi kết nạp thêm thành viên mới, nhóm BRICS tổ chức cuộc gặp của Bộ trưởng Ngoại giao của tất cả các thành viên cũ và mới ở Brazil.

Tại vùng Trung Bắc Brazil khô cằn và nắng gió, một người đàn ông đang ấp ủ một giấc mơ lớn, biến Brazil trở thành trung tâm cung ứng nguyên liệu sô-cô-la hàng đầu thế giới.

Nhà phát minh Stephan van Lumig tại ngôi làng Eijsden, miền Nam Hà Lan, đã thổi làn gió mới vào trò chơi tuổi thơ bằng cách sáng tạo nên mô hình đường trượt bi Marblelous.

Sinh viên Mohsen Mahdawi của Đại học Columbia được cho phép tại ngoại để kháng cáo lệnh trục xuất do chính quyền Tổng thống Donald Trump ban hành, liên quan đến việc anh tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine.