Mỹ 'làm chủ bầu trời' bằng tiêm kích thế hệ 6
Theo đó, phi cơ có tên là F-47, sẽ dần thay thế chiến đấu cơ tàng hình F-22 do Lockheed Martin chế tạo đã hoạt động hơn 20 năm.
Người được, kẻ mất
Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, sau cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các công ty hàng không hàng đầu, không quân Mỹ đã quyết định trao hợp đồng phát triển hệ thống Làm chủ Bầu trời Thế hệ mới cho Boeing.
Tổng thống Mỹ không tiết lộ giá trị hợp đồng cũng như thời gian bàn giao những chiếc đầu tiên, song truyền thông nhận định, thương vụ có giá trị ít nhất 20 tỉ USD, chưa kể đến hàng trăm tỉ USD đơn đặt hàng trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng.
“F-47 sẽ là máy bay tiên tiến nhất, có năng lực mạnh nhất và nguy hiểm nhất từng được chế tạo. Một phiên bản thử nghiệm của máy bay này đã bí mật bay trong gần 5 năm qua và chúng tôi tin rằng nó sẽ áp đảo hoàn toàn năng lực của bất kỳ quốc gia nào khác. Đây là cấp độ tiếp theo”, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói.

Giải thích về tên gọi F-47, ông Trump cho biết, các tướng lĩnh đã chọn một con số đẹp để đặt tên cho loại chiến đấu cơ thế hệ mới. Tại Mỹ, Ngày Độc Lập, còn gọi là Ngày 4/7, là một ngày lễ liên bang để kỷ niệm Tuyên ngôn Độc lập được ký năm 1776.
Tập đoàn Boeing cho biết, họ được chọn nhờ vào kinh nghiệm và thành tựu lâu đời trong lĩnh vực chiến đấu cơ, đồng thời khẳng định sẽ thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu mới về năng lực thế hệ 6.
Đối với Boeing, hợp đồng chế tạo F-47 đánh dấu một thắng lợi lớn trong bối cảnh tập đoàn này đang gặp khó khăn ở cả hai mảng thương mại và quốc phòng trong hoạt động kinh doanh của mình. Đây là một sự thúc đẩy lớn cho hoạt động sản xuất máy bay phản lực chiến đấu tại St. Louis, Missouri. Tuy nhiên, cơ hội cũng đi kèm với thách thức.
Ông Roman Schweizer, Giám đốc điều hành của Nhóm nghiên cứu TD Cowen Washington, một nhà phân tích chính sách hàng không và quốc phòng cho biết: “Tôi nghĩ nhiều người cho rằng, đây là hợp đồng cộng chi phí, vì vậy sẽ có một số biện pháp bảo vệ cho công ty, nhưng có khả năng nó cũng bao gồm một số hợp đồng giá cố định cho sản xuất ban đầu với mức giá thấp. Đây là khó khăn mà Boeing cũng như những công ty khác trong ngành đang phải đối mặt. Vì vậy, bản hợp đồng chắc chắn mang lại cơ hội lớn cho Boeing, nhưng cũng đi kèm một số rủi ro”.
Trong khi đó, đối với Lockheed Martin, việc không giành được hợp đồng chế tạo F-47 là một đòn giáng nữa sau khi tập đoàn công nghiệp quốc phòng này bị loại khỏi cuộc cạnh tranh chế tạo máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ tiếp theo cho tàu sân bay của Hải quân, trong bối cảnh Lầu Năm Góc ngày càng bất bình với công ty này vì liên tục trì hoãn việc nâng cấp máy bay chiến đấu F-35.
Cổ phiếu của Boeing tăng 5% sau khi giành được thỏa thuận chế tạo F-47, trong khi cổ phiếu của Lockheed Martin đã giảm gần 7%.
Máy bay thế hệ 6 là gì?
F-47 dự kiến sẽ vượt trội hơn hẳn so với các dòng tiêm kích F-22 và F-35 của Lockheed Martin về công nghệ và khả năng chiến đấu. Cuối cùng, chiến đấu cơ này sẽ thay thế F-22 Raptor. Giới chức Mỹ khẳng định, F-47 thực sự là máy bay chiến đấu thế hệ 6 có người lái đầu tiên trên thế giới, đã thực hiện nhiều chuyến bay kể từ năm 2020.
Đại tướng David Allvin – Tham mưu trưởng Không quân Mỹ cho biết: “F-47 thật sự là tiêm kích có người lái thế hệ 6 đầu tiên trên thế giới. Nó sở hữu công nghệ tàng hình thế hệ mới, cảm biến tích hợp, năng lực tấn công tầm xa để đối phó các đối thủ tinh vi nhất trong môi trường có nhiều mối đe dọa”.
Theo các chuyên gia, máy bay chiến đấu thế hệ 6 sẽ có tất cả các tính năng của máy bay thế hệ 5 với khả năng được cải tiến. Chúng được thiết kế để có khả năng tàng hình phổ rộng, tức là khả năng giảm thiểu khả năng bị radar phát hiện trên nhiều tần số trong phổ điện từ. Tính năng này rất cần thiết cho các nhiệm vụ thâm nhập sâu trong không gian chiến đấu được bảo vệ nghiêm ngặt. Mỹ đã chứng minh điều này với các máy bay ném bom tàng hình của mình.

Máy bay cũng sẽ có các cảm biến tiên tiến tận dụng trí tuệ nhân tạo và hợp nhất dữ liệu, giúp chúng có khả năng hoạt động như “trạm chỉ huy bay”. Trí tuệ nhân tạo (AI) đang nổi lên như một thành phần quan trọng của các máy bay chiến đấu thế hệ 6. Việc tích hợp AI với hệ thống điện tử hàng không tiên tiến sẽ giúp máy bay chiến đấu thế hệ 6 vượt qua các đối thủ trong lĩnh vực tự động hóa chiến trường, làm mờ ranh giới giữa quá trình ra quyết định của con người và máy móc.
Một số tính năng khác của máy bay thế hệ 6 bao gồm khả năng kết hợp cảm biến có người lái tùy chọn và khả năng xử lý dữ liệu tiên tiến, bao gồm tốc độ truyền dữ liệu 6G, nhà máy điện tiên tiến, sản xuất điện năng lớn hơn và Vũ khí năng lượng định hướng (DEW). DEW có thể được sử dụng cho các hoạt động chống không gian và có thể vô hiệu hóa máy bay không người lái, tên lửa đang bay tới và thậm chí là máy bay của đối phương ở khoảng cách xa mà không cần bắn đạn dược thông thường.
Bên cạnh đó, chiến đấu cơ thế hệ 6 sẽ có buồng lái thực tế tăng cường với một sơ đồ điều khiển có ít hoặc không có điều khiển vật lý. Thay vào đó, các tính năng ảo được hiển thị trên màn hình thông qua mũ bảo hiểm của phi công. Điều này sẽ làm giảm trọng lượng máy bay, cải thiện khả năng nâng cấp thông qua phương pháp tiếp cận dựa trên phần mềm và cung cấp thêm không gian hiển thị thông tin bên ngoài màn hình phẳng thông thường. Điều này cũng bao gồm các cuộc kiểm tra về tính tương tác, chẳng hạn như điều khiển chuyển động và theo dõi mắt.
Máy bay cũng có giám sát sinh trắc học và phân tích tâm lý, giúp theo dõi sức khỏe của phi công trong quá trình chiến đấu và huấn luyện để xác định các vấn đề như căng thẳng, lú lẫn, mất nhận thức cũng như tình trạng thiếu oxy hoặc G-LOC. Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ hoạt động như Trợ lý ảo thông minh (IVA) có thể hỗ trợ hoạt động của máy bay hoặc xử lý dữ liệu trong một số hoạt động hoặc tình huống nhất định.
Lượng dữ liệu khổng lồ sẽ được xử lý theo thời gian thực, hỗ trợ nâng cao nhận thức tình huống và ra quyết định tự động. Máy bay sẽ giao tiếp và điều khiển máy bay không người lái và Hệ thống máy bay không người lái (UAS), bao gồm cả bầy máy bay không người lái, mang lại cho chúng lợi thế quyết định trong môi trường cạnh tranh.
Máy bay cũng sẽ có khả năng tác chiến điện tử được tăng cường, đồng thời xử lý nhiều mối đe dọa.
Các tính năng của F-47
Tham mưu trưởng Không quân Mỹ Allvin cho biết, F-47 sẽ là “máy bay chiến đấu tiên tiến, nguy hiểm và thích ứng nhất từng được phát triển”.
Mặc dù hiện vẫn chưa rõ các chi tiết cụ thể về chương trình phát triển F-47 nhưng những hình ảnh ban đầu cho thấy, dòng F-47 có thân dẹt và góc cạnh, những tính năng cơ bản của tiêm kích tàng hình, nhưng được bổ sung cánh mũi ở hai bên buồng lái. Cụm cánh mũi và cánh nâng chính đều vát hướng lên trên, thay vì nằm trên một mặt phẳng như dòng F-22.
Máy bay F-47 được thiết kế theo tư duy “chế tạo để thích nghi” thông qua thiết kế kỹ thuật số và kiến trúc hệ thống mở, cho phép thay đổi thường xuyên phần mềm, cảm biến và các thiết bị nhiệm vụ khác.
Theo tướng Alvin, máy bay F-47 là một bước tiến đáng kể so với F-22 và có thiết kế dạng mô-đun cho phép nó trở thành “nền tảng thống trị trong nhiều thập kỷ tới”.
“Mặc dù F-22 hiện là máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không tốt nhất thế giới và quá trình hiện đại hóa sẽ giúp nó trở nên tốt hơn nữa, nhưng F-47 là bước tiến nhảy vọt về mặt thế hệ. Sự trưởng thành của máy bay ở giai đoạn này trong chương trình khẳng định nó sẵn sàng thống trị cuộc chiến trong tương lai”, ông Allvin nói.

Máy bay F-47 dự kiến sẽ có động cơ thích ứng tiên tiến, được gọi là NGAP hoặc hệ thống đẩy thích ứng thế hệ tiếp theo, có thể chuyển sang cấu hình tốt nhất cho bất kỳ tình huống nào để có lực đẩy và hiệu quả tốt nhất.
Ngoài ra, máy bay sẽ có “công nghệ tàng hình tiên tiến khiến nó gần như “vô hình” và sẽ bay cùng nhiều máy bay không người lái tự động, được gọi là máy bay chiến đấu hợp tác (CCA).
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói: “F- 47 được trang bị công nghệ tàng hình tiên tiến. Nó gần như không thể nhìn thấy và có sức mạnh chưa từng có, mạnh nhất trong bất kỳ máy bay phản lực nào cùng loại từng được chế tạo. Khả năng cơ động cũng vậy, chưa từng có thứ gì giống như vậy. Tốc độ của F-47 là đỉnh cao, vượt quá (Mach) 2, một điều mà bạn không thường nghe thấy. Kẻ thù của nước Mỹ sẽ không bao giờ thấy được điều đó”.
F-47 cũng dự kiến sẽ là một phần trong “tập hợp hệ thống” rộng lớn hơn được thiết kế để hoạt động cùng nhau, kết hợp máy bay phản lực có người lái, máy bay không người lái và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số tiên tiến để duy trì ưu thế trên không trong các cuộc xung đột trong tương lai.
F-47 sẽ có “tầm bay xa hơn đáng kể” so với F-22. Những chiếc F-22 có thể đạt tầm bay tối đa gần 3.000 km nếu mang theo hai thùng dầu phụ dưới cánh, trong khi bán kính chiến đấu là khoảng 1.100 km nếu không đeo thùng dầu phụ và chỉ bay với tốc độ dưới âm.
Tướng Allvin đã hứa rằng, F-47 “sẽ có giá thành thấp hơn và thích ứng tốt hơn với các mối đe dọa trong tương lai” và không quân Mỹ “sẽ có nhiều F-47 hơn trong kho vũ khí của mình”. Không tính chi phí phát triển, máy bay chiến đấu F-22 của Mỹ có giá khoảng 140 triệu USD. Bao gồm các yếu tố khác, chi phí trung bình của một chiếc F-22 tăng lên đến 350 triệu USD.
Tham mưu trưởng Không quân Mỹ Allvin cũng cho biết, các công nghệ trong NGAD đã được thử nghiệm suốt 5 năm qua, khẳng định tiêm kích F-47 “sẽ cất cánh trong nhiệm kỳ của ông Trump”. Nhiệm kỳ của Tổng thống Trump sẽ kết thúc vào tháng 1/2029, đồng nghĩa Boeing và không quân Mỹ còn chưa đầy 4 năm nữa để hiện thực hóa mục tiêu trên.
Cuộc đua chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ 6
Theo Defense News, ngoài chương trình NGAD của Mỹ, một số quốc gia khác cũng đang phát triển máy bay chiến đấu thế hệ 6. Chengdu J-36, máy bay chiến đấu thế hệ 6 của Trung Quốc được cho là đang tiến triển thuận lợi, gần đây đã hoàn thành chuyến bay thử nghiệm thứ hai.
Pháp, Đức và Tây Ban Nha đang tham gia chương trình Hệ thống Không quân Chiến đấu Tương lai để phát triển máy bay chiến đấu thế hệ 6, trong khi Anh, Italy và Nhật Bản cũng có dự án máy bay chiến đấu thế hệ 6 thuộc Chương trình Không quân Chiến đấu Toàn cầu.
Ngoài ra, những nỗ lực phát triển máy bay thế hệ 6 của Nga cũng đã xuất hiện trong các báo cáo của TASS.
Tuy vậy, theo giới quan sát, Mỹ được cho là đang tiến nhanh nhất với chương trình chế tạo F-47. Liệu chương trình NGAD của Mỹ sẽ tác động như thế nào đến các quốc gia khác là câu hỏi vẫn còn để ngỏ, nhưng có một thực tế đã trở nên rõ ràng, đó là cuộc đua chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ 6 đang "nóng" lên trên thế giới.


Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đến Thủ đô Moscow để thảo luận cấp cao với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov.
Chính sách thuế quan mới của Tổng thống Donald Trump đã vấp phải chỉ trích mạnh mẽ từ nhiều chuyên gia kinh tế.
Quyết định áp các mức thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump không chỉ gây phản ứng mạnh mẽ trong nội bộ nước Mỹ mà còn vấp phải sự chỉ trích từ các chính phủ và lãnh đạo trên toàn thế giới.
Chợ Mingalar vốn là một trong những khu chợ sầm uất nay đã trở thành nơi tạm trú của hàng trăm người dân Mandalay, Myanmar sau thảm họa động đất lịch sử.
Ca ngợi ngày 2/4 là “Ngày giải phóng”, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố kế hoạch áp thuế thương mại toàn diện từ 10%, cao nhất tới 50% đối với các đối tác thương mại của Mỹ.
Thị trường chứng khoán Mỹ rung chuyển trong phiên giao dịch ngoài giờ sau khi Tổng thống Donald Trump công bố mức áp thuế chiết khấu đối ứng nhằm vào hàng chục đối tác thương mại.
0