Mỹ có thể mất Giáng sinh năm nay

Trung Quốc sản xuất 80% đồ chơi cho Mỹ – nếu không sớm đạt được thỏa thuận thương mại, năm nay người dân Mỹ có thể không có Giáng sinh.

Một khảo sát mới từ Hiệp hội Đồ chơi Mỹ (Toy Association) cho thấy, các công ty Mỹ đang trì hoãn hoặc hủy đơn hàng hàng loạt, với 46% doanh nghiệp nhỏ và 45% doanh nghiệp lớn có nguy cơ phá sản trong vài tuần hoặc vài tháng tới nếu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung không được giải quyết.

Trung Quốc từ lâu đã là trung tâm sản xuất đồ chơi toàn cầu, đặc biệt là cho thị trường Mỹ. Khoảng 80-85% đồ chơi bán ra tại Mỹ được sản xuất tại Trung Quốc, nhờ vào mạng lưới nhà máy quy mô lớn, chuỗi cung ứng hiệu quả và chi phí lao động thấp. Các công ty đồ chơi lớn của Mỹ như Hasbro, Mattel và hàng trăm nhà sản xuất nhỏ khác phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn cung từ Trung Quốc. 81% các công ty đồ chơi nhỏ (doanh thu từ 10-100 triệu USD) cho biết họ đã trì hoãn đơn hàng do mức thuế 145% mà ông Trump áp đặt. 64% nói rằng họ đã hủy đơn hàng. Trong nhóm doanh nghiệp tầm trung (doanh thu trên 100 triệu USD), con số này lần lượt là 87% và 80%. Khảo sát này thu thập dữ liệu từ tổng cộng 410 công ty. Tình hình này khiến nhiều nhà bán lẻ lo ngại về khả năng thiếu hàng trong mùa mua sắm cuối năm, do hàng hóa đồ chơi và sản phẩm Giáng sinh thường mất 4-5 tháng để vận chuyển từ nhà máy Trung Quốc đến kệ hàng Mỹ.

Cửa hàng Kazoo Toys ở Buckhead, bang Georgia.

Ông Joe Novak, chủ cửa hàng Kazoo Toys ở Buckhead, bang Georgia, đang lo ngại về những tác động kinh tế tiềm tàng khi các mức thuế mới đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sắp được áp dụng. Cửa hàng đồ chơi do gia đình ông sở hữu hiện nhập khoảng 90% sản phẩm từ Trung Quốc, khiến họ đặc biệt dễ bị tổn thương trước các đợt tăng thuế. Mặc dù ban đầu ông Novak không quá lo lắng với mức thuế 20%, nhưng nguy cơ thuế có thể tăng lên đến 100% đã khiến ông phải nhanh chóng hành động.

"Trong hai ngày qua, tôi đã đặt khoảng tám đơn hàng – chỉ để kịp thời bổ sung các mặt hàng bán chạy, những sản phẩm chủ lực mà tôi buộc phải có", ông Novak chia sẻ.

Ngày 9/4, Tổng thống Trump đã công bố việc hạ mức thuế đối với hàng hóa từ hàng chục quốc gia, trong khi đồng thời tăng thuế đối với hàng nhập từ Trung Quốc. Cụ thể, ông tuyên bố sẽ tăng thuế từ mức 104% hiện tại lên 125% đối với hàng hóa Trung Quốc.

Ông Novak cảnh báo rằng việc giá đồ chơi tăng gấp đôi có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng chi tiêu của các gia đình, đồng thời nhấn mạnh rằng việc chuyển sản xuất đồ chơi ra khỏi Trung Quốc không phải là việc dễ dàng.

"Sản xuất trong nước nghe nói thì hay đấy, nhưng phải nhớ rằng toàn bộ cơ sở hạ tầng ngành đồ chơi nằm ở Trung Quốc và châu Á. Không thể đơn giản quay lại và làm ra máy đúc nhựa, vì chúng ta không có máy móc đó. Cũng chẳng có đủ nhân lực có chuyên môn. Đây không phải việc có thể xoay chuyển trong một hoặc hai tháng – mà là quá trình kéo dài nhiều năm. Và chẳng ai muốn bỏ lỡ mùa Giáng sinh trong nhiều năm liên tiếp," ông nói.

Ông Greg Ahearn, Chủ tịch kiêm CEO của Hiệp hội Đồ chơi Mỹ, cũng đồng tình với nhận định trên. "Trong ngắn và trung hạn, hoàn toàn không có khả năng sản xuất đồ chơi hàng loạt ở Mỹ. Hệ thống sản xuất được xây dựng ở Trung Quốc qua hàng thập kỷ là lựa chọn duy nhất trong năm nay để có đồ chơi cho thị trường nội địa", ông Ahearn nhận định.

Trong tuần này, Tổng thống Trump đã thừa nhận nguy cơ thiếu hụt , nhưng cho rằng đó không phải chuyện lớn. “Có thể bọn trẻ sẽ có hai con búp bê thay vì 30, và có thể hai con đó sẽ đắt hơn vài đô la,” ông nói. Trong bối cảnh chưa có lối thoát rõ ràng cho căng thẳng thương mại, các nhà sản xuất và người tiêu dùng Mỹ có thể sẽ phải đối mặt với một mùa lễ đầy bất ổn.

Các doanh nhân ở Hội chợ Canton

Hội chợ Canton thường niên tổ chức tại Quảng Châu là hội chợ thương mại xuất nhập khẩu lớn nhất Trung Quốc. Sự kiện này diễn ra trên một diện tích tương đương khoảng 200 sân bóng đá và đã được tổ chức liên tục từ năm 1957 — thời điểm nền kinh tế Trung Quốc còn bị cô lập với phần còn lại của thế giới. Khi đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng hội chợ, chính thức mang tên "Hội chợ Xuất nhập khẩu Trung Quốc", là cách tốt nhất để vượt qua các rào cản thương mại do phương Tây áp đặt và thu hút đầu tư, cũng như sự quan tâm từ các thị trường nước ngoài.

Trong gần 7 thập kỷ kể từ đó, Trung Quốc đã vươn lên trở thành cường quốc sản xuất của thế giới. Tuy nhiên, chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng Mỹ, dưới thời Tổng thống Donald Trump, đang tiếp tục nỗ lực cô lập Trung Quốc thông qua cuộc chiến thuế quan, và Washington đang cố gắng buộc các quốc gia khác – cũng như người tiêu dùng của họ – phải lựa chọn phe.

Các doanh nhân Mỹ ở hội chợ Canton.

Ông Richard Qiu, một doanh nhân Trung Quốc, chia sẻ với đài CBS News rằng điều này là "hoàn toàn không công bằng". Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liaoning Perfect của ông Qiu đã sản xuất túi quà trong suốt 20 năm và xây dựng được mối quan hệ bền vững với khách hàng Mỹ, và trong những năm gần đây, thị trường này chiếm khoảng 30-40% doanh số xuất khẩu của ông.

Bất chấp áp lực ngày càng gia tăng từ việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu, người mua hàng Mỹ vẫn tích cực đặt đơn và thảo luận với các nhà cung cấp Trung Quốc tại Hội chợ Canton lần thứ 137 về cách vượt qua thách thức thương mại.

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp ngoại thương Trung Quốc cho biết, mặc dù thuế quan từ phía Mỹ có tác động đáng kể, nhưng họ vẫn ghi nhận số lượng đơn đặt hàng nước ngoài ổn định tại hội chợ — trong đó một phần đáng kể đến từ khách hàng Mỹ.

Mối lo lớn nhất đối với các nhà nhập khẩu Mỹ là nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của họ. Đáng chú ý, chính các khách hàng Mỹ mới là những người cảm thấy lo lắng hơn cả các nhà cung cấp Trung Quốc — họ không chỉ có nhu cầu về sản phẩm mà còn buộc phải chấp nhận mức giá cao hơn.

Harbor Freight Tools là một trong những doanh nghiệp nổi bật tại hội chợ với hình ảnh thương hiệu rõ nét và vẫn tiếp tục đặt hàng, bất chấp các thông tin cho rằng doanh nghiệp Mỹ đang rút khỏi triển lãm. Ông Zhuang Jie, trưởng bộ phận thu mua tại Thượng Hải của Harbor Freight Tools, cho biết các khách hàng Mỹ hiện đang tập trung vào việc quản lý hàng tồn kho sẵn có thay vì tìm kiếm nhà cung cấp thay thế.

Tại Hội chợ Canton, các mặt hàng tiêu dùng bền như máy phát điện và dụng cụ sửa chữa ô tô tiếp tục là các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Trung Quốc sang Mỹ. Dù có chu kỳ thay thế dài, nhưng đây vẫn là những mặt hàng thiết yếu và được sử dụng phổ biến trong các hộ gia đình Mỹ.

Theo Phòng Thương mại Trung Quốc về Xuất nhập khẩu Máy móc và Sản phẩm điện tử, khi lượng tồn kho tại Mỹ giảm xuống, thị trường Mỹ chắc chắn sẽ phục hồi bởi họ phụ thuộc rất nhiều vào sản phẩm “Made in China”.

Nhiều doanh nghiệp tại hội chợ cũng khẳng định rằng, trong bối cảnh hiện nay, khách hàng Mỹ không cắt đứt quan hệ, mà ngược lại, còn chủ động tìm kiếm giải pháp hợp tác cùng vượt qua khó khăn.

“Tôi thực sự ấn tượng. Khách hàng Mỹ của tôi không nói ‘Tôi sẽ chấm dứt hợp tác’ mà là ‘Hãy cùng tìm cách giải quyết vấn đề này’. Khi ông ấy đến lần này, ông ấy còn chọn thêm một số sản phẩm mới của chúng tôi”.

Ông Yang Bojia, đại diện một công ty công nghệ tại Thâm Quyến, nói rằng phản ứng của họ là: “Duy trì hợp tác chặt chẽ với các nhà cung cấp và mua hàng số lượng lớn để giảm bớt áp lực từ các đợt tăng thuế”.

Theo ông Zhuang, Harbor Freight Tools đã hợp tác với các nhà cung cấp Trung Quốc hàng thập kỷ và không có ý định cắt đứt mối quan hệ với bất kỳ đối tác nào trong thời điểm này.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề xuất gửi quân đội Mỹ đến Mexico để chống buôn bán ma túy, tuy nhiên bà đã từ chối lời đề nghị đó với lý do "chủ quyền không phải để bán".

Nhiều người dân tại Peru đã hóa trang thành các nhân vật giả tưởng, phim ảnh và khoa học viễn tưởng yêu thích khi tham gia diễu hành tại Lễ hội Truyện tranh thường niên 2025, tổ chức tại Thủ đô Lima.

Tỷ phú người Mỹ Warren Buffett ngày 3/5 cho biết, ông sẽ từ chức Giám đốc điều hành của Berkshire Hathaway vào cuối năm nay và trao lại quyền điều hành cho Phó chủ tịch Greg Abel.

Lực lượng vũ trang Nga đã điều động hàng loạt vũ khí quân sự, bao gồm xe tăng T-34 biểu tượng lịch sử cùng pháo tự hành, tới trung tâm Moscow vào ngày 3/5 trong một cuộc diễn tập tại Quảng trường Đỏ, nhằm chuẩn bị cho cuộc diễu hành Ngày Chiến thắng Thế chiến thứ II thường niên, tổ chức vào ngày 9/5 hàng năm.

Đảng Hành động Nhân dân (PAP) – đảng cầm quyền lâu năm của Singapore – đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử vào thứ Bảy, tiếp tục kéo dài chuỗi cầm quyền liên tục 66 năm.

Những khám phá mới trong khoa học vũ trụ góp phần định hình một tương lai bền vững, là minh chứng cho khát vọng của nhân loại trong việc bảo vệ hành tinh và chinh phục các vì sao.