Mỹ cân nhắc từ bỏ vai trò Tổng tư lệnh tối cao NATO
Lầu Năm Góc đang tiến hành tái cấu trúc đáng kể các sở chỉ huy và tổng hành dinh tác chiến của quân đội Mỹ. Và một trong những kế hoạch đang được xem xét sẽ liên quan đến việc Mỹ từ bỏ vai trò là Tổng tư lệnh tối cao của NATO tại châu Âu.
Trong gần 75 năm, luôn có một vị tướng bốn sao giám sát mọi hoạt động quân sự của NATO ở châu Âu - vị tướng đầu tiên là Dwight D. Eisenhower, người sau này trở thành tổng thống của Mỹ. Nhưng theo hai quan chức quốc phòng quen thuộc với kế hoạch này và báo cáo của Lầu Năm Góc, chính quyền Trump đang cân nhắc thay đổi điều đó.
Theo hãng tin NBC News, Lầu Năm Góc đang tiến hành tái cấu trúc đáng kể các sở chỉ huy và tổng hành dinh tác chiến của quân đội Mỹ. Và một trong những kế hoạch đang được xem xét sẽ liên quan đến việc Mỹ từ bỏ vai trò là Tổng tư lệnh tối cao của NATO tại châu Âu. Vị tướng hiện đang giữ vai trò đứng đầu Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ là chỉ huy chính giám sát việc hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến với Nga. Không rõ quá trình tái tổ chức như vậy có thể mất bao lâu, Quốc hội Mỹ cũng có thể cân nhắc, sử dụng quyền lực ngân sách nếu các thành viên phản đối bất kỳ khía cạnh nào của sáng kiến này.
Việc từ bỏ vai trò Tổng tư lệnh tối cao của NATO tại châu Âu nếu diễn ra sẽ là một sự thay đổi mang tính biểu tượng lớn trong cán cân quyền lực trong NATO, liên minh đã định hình an ninh và hòa bình của châu Âu kể từ Thế chiến II.

“Việc Mỹ từ bỏ vai trò là Tổng tư lệnh tối cao của NATO sẽ được châu Âu coi là tín hiệu quan trọng cho thấy Mỹ đang rời xa liên minh”, Đô đốc đã nghỉ hưu James Stavridis, người từng giữ vai trò Tổng tư lệnh tối cao của NATO tại châu Âu và là người đứng đầu Bộ Tư lệnh châu Âu từ năm 2009 đến năm 2013 viết trong một email.
“Đó sẽ là một sai lầm chính trị có quy mô lớn và một khi chúng ta từ bỏ, họ sẽ không trả lại. Chúng ta sẽ mất đi một lượng lớn ảnh hưởng trong NATO và điều này có thể được coi là bước đầu tiên để rời khỏi liên minh hoàn toàn”, ông James Stavridis viết.
Đề xuất tái cấu trúc được đưa ra khi chính quyền của Tổng thống Trump cắt giảm chi tiêu và nhân sự trên khắp chính quyền liên bang. Tổng thống Donald Trump và Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth đã nói rõ rằng, chính quyền mới muốn các đối tác châu Âu chịu trách nhiệm nhiều hơn về quốc phòng của châu Âu. Nếu Mỹ từ bỏ vai trò Tổng tư lệnh tối cao của NATO tại châu Âu, các quốc gia NATO khác có thể sẽ phải tự lựa chọn quốc gia nào sẽ đề cử chỉ huy.
Ông Trump đã nhiều lần chỉ trích các thành viên NATO vì không đạt được mục tiêu mà liên minh đặt ra về tỷ lệ GDP chi cho quốc phòng. Ông cũng đang cân nhắc một sự thay đổi chính sách lớn, theo đó Mỹ có thể không bảo vệ một thành viên NATO khác khi quốc gia đó bị tấn công, nếu quốc gia đó không đáp ứng ngưỡng chi tiêu quốc phòng, cho dù đó là một nguyên tắc cốt lõi của liên minh.

Thời gian Mỹ rút lui vẫn chưa được xác định. Tướng Lục quân Chris Cavoli, người giữ cương vị hiện tại đang trong chuyến công du kéo dài ba năm dự kiến kết thúc vào mùa hè này.
Kế hoạch tái cấu trúc lớn đang được xem xét cũng có thể bao gồm hai thay đổi đã được NBC News đưa tin trước đó: hợp nhất Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ và Bộ Tư lệnh châu Phi của Mỹ thành một bộ tư lệnh có trụ sở tại Stuttgart, Đức, cũng như đóng cửa trụ sở Bộ Tư lệnh miền Nam của Mỹ tại Florida để hợp nhất với Bộ Tư lệnh miền Bắc của Mỹ.
Theo các quan chức am hiểu về kế hoạch, việc hợp nhất các bộ tư lệnh sẽ cho phép quân đội Mỹ tiết kiệm tiền bằng cách cắt giảm biên chế có trách nhiệm chồng chéo. Theo một cuộc họp báo của Lầu Năm Góc, nếu tất cả các thay đổi đang được xem xét được thực hiện, có thể tiết kiệm tới 270 triệu USD trong năm đầu tiên. Khoản tiết kiệm đó sẽ tương đương khoảng 0,03% trong ngân sách hàng năm 850 tỷ USD của Bộ Quốc phòng.
Những động thái mà Mỹ đang cân nhắc thực hiện ở châu Âu có thể làm giảm ảnh hưởng của Mỹ tại đó, vì Mỹ có thể mất một số quyền tiếp cận các căn cứ hải quân và không quân quan trọng ở Italy, Đức, Ba Lan và Tây Ban Nha - những căn cứ đó mang lại cho Mỹ nhiều ảnh hưởng hơn cũng như khả năng tiếp cận các quan chức quân sự khu vực, không chỉ các đồng minh của mình.
Chuyên gia Stavridis cho rằng, việc kết hợp các bộ tư lệnh ở châu Âu và châu Phi có thể gây ra rắc rối vì các khu vực này quá rộng lớn và có vô số vấn đề. Hai bộ tư lệnh này vốn đã được kết hợp, nhưng sau đó Bộ Tư lệnh châu Phi được thành lập vào năm 2007 dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush vì những lý do nêu trên.
Nếu Lầu Năm Góc quyết định sáp nhập Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ và Bộ Tư lệnh châu Phi của Mỹ thành một bộ chỉ huy thì đó sẽ là một phần lý do để Mỹ rút khỏi vai trò Tổng tư lệnh tối cao của NATO tại châu Âu, hai quan chức quốc phòng cho biết. Vì việc giám sát một khu vực rộng lớn như vậy đã là một nhiệm vụ quá lớn, nên người đó không thể đồng thời giám sát các hoạt động quân sự của NATO.
Việc đóng cửa các bộ chỉ huy của các khu vực địa lý sẽ gây ra rủi ro chính trị, có thể làm dấy lên lo ngại rằng Mỹ đã hạ thấp mức độ ưu tiên của họ với khu vực, đặt các chỉ huy chiến đấu vào tình thế dễ rủi ro hơn.


Sau 5 ngày có mặt tại Myanmar, Đội cứu hộ cứu nạn Công an Việt Nam đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp và tình cảm đặc biệt cho người dân Myanmar.
Ông Yoon Suk Yeol đã gửi lời xin lỗi vì không đáp ứng được kỳ vọng của đất nước và người dân, chỉ vài giờ sau khi bị tuyên bãi chức Tổng thống Hàn Quốc.
Myanmar và Thái Lan vẫn nỗ lực không ngừng nghỉ để tìm kiếm thêm những người sống sót sau trận động đất mạnh 7,7 độ hôm 28/3.
Sự hỗ trợ của các phương tiện, kỹ thuật đã đóng góp không nhỏ vào công cuộc cứu hộ, cứu nạn sau động đất tại Myanmar của các cán bộ chiến sĩ Việt Nam.
Viên kim cương nặng 2,33 carat, có màu đỏ thẫm là một trong những loại đá quý hiếm nhất trên Trái đất, đã được bổ sung vào bộ sưu tập của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Mỹ.
Những kiệt tác hội họa mang tính biểu tượng như "Mona Lisa" của Leonardo da Vinci và “Tiếng thét” của Edvard Munch đã được chuyển đổi thành âm thanh, giúp người khiếm thị có cơ hội cảm nhận và đắm chìm trong nghệ thuật.
0