Mùa lá bay
Thời gian thì tuần hoàn, đời người thì hữu hạn. Đời lá cũng ngắn ngủi lắm thay. Xuân đến chồi non nhú mình. Những chiếc lá xanh non rạng rỡ đón nắng. Để rồi mỗi mùa qua chiếc lá lại thẫm dần, chuyển màu như tóc người đến tuổi sẽ chẳng còn xanh.
Hà Nội lạ lắm. Hà Nội không phải chỉ có một mùa cây thay lá. Mỗi cây mỗi tính nên Hà Nội có nhiều tháng ngày rợp vàng lá bay. Nhưng mùa đông rất khác, mùa đông luôn mang đến cho con người những cảm xúc bâng khuâng khi chứng kiến sự tàn phai của một kiếp lá. Mùa đông bầu trời xám xịt dù có nắng lên vẫn hanh hao, lòng người vì thế mà suy tư theo màu trời, suy tư theo cơn gió se lạnh thổi qua, suy tư theo chiếc lá buông mình chạm đất. Lá phượng thì úa vàng. Cây bàng chuyển cam, qua đỏ thẫm rồi rớt xuống lúc nào không hay. Giáng hương cũng dần trút lá. Xen kẽ giữa đám lá xanh rì lộc vừng cũng khe khẽ đổi màu. Trong Công viên Bách Thảo, cây bao báp cô độc vươn mình lên trời, trơ những cành khẳng khiu tự lúc nào.
Màu xanh non buổi sớm mai hôm nào dần thay bằng những cành khẳng khiu gầy guộc. Sự mỡ màng của những lớp rêu hôm nào trên thân cây giờ là những rãnh sâu, những lớp vỏ bong tróc như con người đến một thời điểm da sẽ chẳng còn mịn màng, thay vào đó là những nếp nhăn. Có gì đáng tiếc trong lòng không khi tuổi xuân không còn nữa? Có gì đáng tiếc trong lòng không khi ngày tháng chẳng còn dài rộng, mà những kế hoạch, dự định còn đầy ăm ắp? Có gì đáng tiếc trong lòng không khi ta chẳng thể níu kéo thời gian?
Mùa đông rồi! Người ta bắt đầu đếm lùi những ngày còn lại của một năm.
Chẳng thể biết chắc được do những cơn mưa lá phượng điểm vàng khoảng không trước mặt, hay vì những chiếc lá xoay xoay trên không trung nhẹ nhàng chạm đất khiến tâm tư xao động. Hay vì bà cụ còng lưng ngày nào bán những gói hoa nhài thơm phức trên phố Đội Cấn bỗng nhỏ bé hơn trong chiều đông. Mùa này trong thúng hàng của cụ chỉ còn lèo tèo vài loại rau cụ mót được trong vườn nhà. Mấy mớ tía tô, mấy mớ ngải cứu, một vài loại rau khác không có nhiều. Cụ bao nhiêu tuổi? Sao tuổi này cụ còn phải vất vả bán hàng nơi hè phố lộng gió? Biết được rằng đời người đi đến cuối sẽ là khổ đau hay sung sướng đợi chờ? Trịnh Công Sơn có khúc hát thế này:
“Tuổi nào nhìn lá vàng úa chiều nay
Tuổi nào ngồi hát mây bay ngang trời
Tay măng trôi trên vùng tóc dài
Bao nhiêu cơn mơ vừa tuổi này
Tuổi nào ngơ ngác tìm tiếng gió heo may”
Nên chăng đời người cũng nên như đời lá tận hưởng mỗi thời kỳ trong cuộc đời mình. Tuổi nào cũng là tuổi đẹp nhất. Như lá dù non xanh hay vàng úa đều có vẻ đẹp thơ mộng riêng. Đừng sợ ngày lá lìa cành mà chẳng dám vươn mình đón ánh bình minh. Đừng sợ ngày lá úa màu mà cố níu giữ sắc xanh. Sống hồn nhiên như trẻ thơ. Hết mình trong tuổi trẻ và an nhiên trong tuổi già. Mai này tóc lốm đốm sợi bạc hay tóc xác xơ chẳng còn dày thì vẫn là chính mình.
Để rồi đến lúc chẳng còn màu xanh ta vẫn rạng rỡ sắc vàng rực rỡ trong những ngày đông. Để rồi khi chiếc lá phải lìa cành đó sẽ là khoảnh khắc nhẹ nhàng và an lành nhất. Nhìn ngắm trời đất, nhìn ngắm thế gian trong yên bình, thanh thản, thả trôi, thả trôi mọi điều còn vướng bận. Lá chạm đất trong một ngày đông rất khẽ.
Xuân, hạ, thu, đông đi qua vẫn chỉ là một năm bốn mùa mà thôi. Bước chậm lại nhìn sự đổi thay của đất trời. Nhìn đời lá để ngẫm đời mình. Nhìn lại cuộc đời mình, nhìn những năm tháng đã đi qua. Cuộc đời này xô bồ tất bật chỉ nằm ở tham vọng của chính chúng ta. Tâm an nhiên sẽ được an nhiên.
Ngọc Anh


Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phải xử lý linh hoạt, hiệu quả, đảm bảo các mục tiêu phát triển; Thách thức đi kèm thời cơ với chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ; Công an Việt Nam hỗ trợ y tế người dân vùng động đất ở Myanmar; Quốc hội Hàn Quốc đề xuất sửa đổi hiến pháp để giới hạn quyền lực của tổng thống;... là những thông tin đáng chú ý trong chương trình hôm nay.
Cuốn tiểu thuyết "Dấu chân người lính" của nhà văn Nguyễn Minh Châu miêu tả chân thực về những người lính trong kháng chiến chống Mỹ. Tác phẩm đã phản ánh sinh động hiện thực chiến tranh, đồng thời tôn vinh vẻ đẹp tâm hồn lý tưởng và tình đồng đội của những người lính cách mạng.
Giới trẻ với dự án bảo vệ môi trường; Không gian thân thiện ở Bệnh viện Nhi Hà Nội; Hoang hóa nhiều nhà vệ sinh công cộng... là những nội dung đáng chú ý trong bản tin hôm nay.
Giá trị di sản thời đại Hùng Vương; 9.000 cây hoa anh đào nở rộ tại Gyeongju, Hàn Quốc; Không khí Tết thanh minh trên khắp Trung Quốc... là những nội dung đáng chú ý trong Chương trình Hà Nội 18h00 hôm nay.
Cẩn trọng thông tin nhiễu loạn về giá đất khi sáp nhập; Vi phạm trật tự xây dựng tại phường Mễ Trì phải xử lý trước 30/6; Dân khổ vì dự án KĐT Thịnh Liệt “treo” hàng chục năm... là một số nội dung đáng chú ý trong Bản tin Nhà đất và Đầu tư hôm nay.
Năm 2025, học sinh Hà Nội sẽ tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT, trong đó có hai môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán và hai môn tự chọn trong số 9 môn còn lại. Những giải pháp để nâng cao kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và hỗ trợ học sinh ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi này đã và đang được triển khai tích cực.
0