May áo dài Tết
Hà Nội những ngày gần Tết mang một nhịp sống khác hẳn. Trên khắp các con phố, dòng người đi lại tấp nập, ai cũng tất bật lo toan cho những ngày cuối năm. Giữa không khí tất bật ấy, việc đi may áo dài để diện Tết như một thói quen tưởng chừng giản dị nhưng lại chính là cách để những người phụ nữ Hà Nội chuẩn bị cho mình một niềm vui nhỏ để đón Tết thật trọn vẹn.
Là chủ cửa hàng áo dài có tiếng ở Hà Nội đã hơn 20 năm, nhà thiết kế Trần Thuý Hà tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội có một tình yêu đặc biệt với tà áo dài Việt Nam. Bà chia sẻ: "Tôi yêu áo dài, vì bản thân tôi cũng là một người phụ nữ Hà Nội. Khi mặc áo dài, tôi có cảm giác như người phụ nữ có thể thể hiện được hết vẻ đẹp của mình. Vậy nên, tôi đã chọn nghề may áo dài".
Bà Đinh Thị Phương sống tại quận Ba Đình cũng là một người phụ nữ gốc Hà Nội và yêu nét thanh lịch của tà áo dài. Bà muốn lưu giữ mãi nét đẹp ấy thông qua trang phục áo dài truyền thống đặc trưng của Hà Nội. Trong những dịp lễ Tết, bà Phương luôn chọn mặc áo dài.
Cũng theo chia sẻ của nhà thiết kế Trần Thuý Hà, cùng với sự phát triển của thời đại, có rất nhiều mẫu áo dài đẹp và "hot trend" dễ mặc. Tuy nhiên, áo dài truyền thống vẫn sẽ là trang phục tôn lên được vẻ đẹp thanh lịch của người phụ nữ và được lựa chọn nhiều ở các dịp lễ Tết truyền thống.
Bạn Lương Thuý Quỳnh đến từ thành phố Buôn Ma Thuột từ lâu đã có niềm yêu thích với tà áo dài Hà Nội, không chỉ bởi sự tinh tế, thanh lịch mà vì cả sự cầu kỳ, chỉn chu trong thiết kế. Quỳnh chia sẻ: "Mua áo dài thì rất nhanh, nhưng may áo dài lại mất rất nhiều thời gian. Đổi lại, mình có tà áo dài của chính mình, gắn với những đặc điểm và sở thích của bản thân".
Không chỉ có những nhà thiết kế nữ mà cả những nhà thiết kế nam như anh Trịnh Hoài Nam cũng rất hiểu mong muốn của phụ nữ Hà Nội khi diện trang phục ngày Tết. Vậy nên, bên cạnh việc may áo dài, nhiều năm qua anh Nam cũng dành tâm huyết cho những chiếc áo chần bông, một loại áo gợi nhớ tới ký ức Tết xưa của bà, của mẹ, nhưng được sáng tạo để phù hợp hơn với gu ăn mặc của cuộc sống hiện đại.
Mỗi dịp Tết cận kề, chị Nguyễn Thị Thúy Nga sống tại Hai Bà Trưng, Hà Nội lại lựa chọn các mẫu áo chần bông để tặng mẹ. Vì mẹ chị yêu thích kiểu áo mang phong cách của người Hà Nội xưa. Chị Nga chia sẻ các mẫu áo chần bông hiện nay rất đẹp và đa dạng về chủng loại, mẫu mã, lại được thiết kế cầu kỳ, tỉ mỉ nên rất thu hút chị.
Từ những tà áo dài thướt tha đến chiếc áo chần bông mộc mạc mang đầy hoài niệm, mỗi trang phục đều là cách riêng để phụ nữ Hà Nội thể hiện vẻ đẹp của mình trong dịp Tết Nguyên đán. Một nhịp sống vừa truyền thống, vừa hiện đại mà chỉ có trong những ngày giáp Tết.


Rong ruổi trên những con phố giữa lòng Hà Nội, trên những chiếc xe lọng đỏ, những người lái xích lô vẫn cần mẫn với công việc của mình. Ngày nắng cũng như ngày mưa, họ đã tạo nên nét đẹp rất riêng trong văn hóa du lịch của người Hà Nội.
Sau giờ hành chính, người dân đến Khoa Khám bệnh theo yêu cầu của Bệnh viện Bạch Mai vẫn không có vẻ gì là vội vã. Bởi họ biết, hàng ngày, bác sĩ tại đây đều khám bệnh bất kể ngày đêm.
Giữa cuộc sống hối hả, không ít người đã tìm đến những quán cà phê nằm sâu trong ngõ nhỏ và tận hưởng niềm đam mê cùng với bút chì, cọ, màu nước, qua đó giúp tâm hồn được thanh thản giữa bộn bề của cuộc sống.
Đi cà phê thâu đêm đã trở thành một trào lưu trong giới trẻ Hà Nội những năm gần đây. Nhiều người ra quán cà phê đêm không chỉ để trò chuyện cùng bạn bè, xem phim, nghe nhạc, mà còn làm việc, học bài.
Giữa guồng quay của thời đại, nghệ nhân Nguyễn Hoàng Vinh vẫn âm thầm gìn giữ những nghi thức thiêng liêng của tín ngưỡng thờ Mẫu theo đúng phép tắc cổ truyền, để những giá trị tinh thần ngàn đời vẫn vững bền trước sóng gió thời gian.
Mỗi chung cư, dù cao cấp hay bình dân đều là một thế giới thu nhỏ, nơi hàng trăm, hàng nghìn con người sinh sống. Để giữ cho “thế giới” ấy vận hành trật tự, an toàn, không thể thiếu những người làm công tác bảo vệ.
0