Mất mát và hy vọng của Myanmar sau cơn địa chấn

Tại Myanmar, giữa đống đổ nát, đói khát và tuyệt vọng, vẫn có những câu chuyện về lòng trắc ẩn, sự kiên cường và những phép màu mong manh nhen nhóm hy vọng.

Khó khăn chồng chất

Một trong những thách thức lớn nhất trong công tác ứng phó với thảm họa là tình trạng cơ sở hạ tầng Myanmar bị hư hại nghiêm trọng. Tuyến cao tốc Yangon - Naypyitaw - Mandalay cùng nhiều tuyến đường bộ, cầu và sân bay bị phá hủy hoặc hư hỏng nặng, khiến việc vận chuyển hàng cứu trợ gặp nhiều trở ngại. Điều này làm chậm trễ công tác cứu hộ và cản trở viện trợ quốc tế tiếp cận các khu vực bị ảnh hưởng.

Chúng tôi đang khẩn trương đánh giá nhu cầu cứu trợ, có thể khẳng định đây là một thảm họa nghiêm trọng đối với trẻ em và các gia đình trên khắp Mandalay. Nhiều ngôi nhà đã bị phá hủy, đường sá và cầu cống hư hại nặng nề. Hiện vẫn còn nhiều trẻ em và gia đình mất tích hoặc bị chấn thương. Chúng tôi kêu gọi sự hỗ trợ khẩn cấp, đặc biệt dành cho trẻ em – những người dễ bị tổn thương nhất trong thảm họa này.

Ông Sai Han Lynn Aung - Trưởng Văn phòng UNICEF tại Mandalay, Myanmar.

Hệ thống y tế Myanmar đang rơi vào tình trạng quá tải nghiêm trọng khi các bệnh viện tại Mandalay và các khu vực lân cận phải tiếp nhận số lượng lớn bệnh nhân trong điều kiện thiếu hụt vật tư y tế. Sự khan hiếm từ thuốc gây mê đến thiết bị hỗ trợ khiến công tác cứu chữa bị đình trệ. Các bộ dụng cụ y tế, túi máu và thuốc men không đủ để đáp ứng nhu cầu, làm tăng nguy cơ tử vong. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 30/3 đã nâng mức cảnh báo cuộc khủng hoảng tại Myanmar lên cấp 3 – cấp cao nhất trong Khung ứng phó khẩn cấp – và kêu gọi tài trợ khẩn cấp để hỗ trợ nước này.

WHO cảnh báo số thương vong lớn cùng với tình trạng chấn thương nghiêm trọng có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng và biến chứng, do hệ thống y tế bị quá tải và khả năng kiểm soát dịch bệnh hạn chế. Ngoài ra, việc hàng loạt người dân phải sơ tán đến các khu trú ẩn chật chội, cộng với tình trạng hệ thống cấp nước và vệ sinh bị tàn phá, làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Tình hình hiện tại rất hỗn loạn, đặc biệt là khi một số bệnh viện cũng chịu thiệt hại. Tuy nhiên, chúng tôi đang nỗ lực kiểm soát tình hình và tận dụng tối đa 'giờ vàng' - 72 giờ đầu tiên sau thảm họa - để cứu hộ. Lực lượng cứu hỏa đang làm việc suốt 24 giờ. Đồng thời, chúng tôi cũng đang khẩn trương sắp xếp nơi trú ẩn tạm thời, cung cấp thực phẩm và nước uống cho những người bị ảnh hưởng.

Ông Min Min Thein - Bộ Phúc lợi xã hội, Cứu trợ và Tái định cư Myanmar.

Trước khi thảm họa xảy ra, Myanmar đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo kéo dài, ảnh hưởng đến hàng triệu người. Tình trạng thiếu lương thực và các nhu yếu phẩm thiết yếu đã khiến khoảng 19,9 triệu người Myanmar phải nhận sự trợ giúp từ các tổ chức quốc tế. Trận động đất càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng này khi các khu vực bị tàn phá không chỉ đối mặt với mất mát về người và tài sản mà còn phải đối diện với tình trạng thiếu thốn nghiêm trọng về thực phẩm, nước uống và thuốc men.

Một yếu tố khiến tình hình thêm khó khăn là chính sách cắt giảm viện trợ nhân đạo của chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump. Việc giảm tài trợ cho Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đã khiến nhiều người dân Myanmar, đặc biệt là những người sống tại các khu vực khó khăn, rơi vào cảnh thiếu thốn nghiêm trọng. Chính sách này không chỉ làm giảm khả năng ứng phó với thảm họa mà còn khiến cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Myanmar thêm trầm trọng.

Một thách thức khác là các cơn dư chấn liên tục làm rung chuyển khu vực bị ảnh hưởng, gây nguy hiểm cho lực lượng cứu hộ và làm gián đoạn các hoạt động hỗ trợ. Hệ thống điện, thông tin liên lạc và giao thông bị tàn phá nặng nề khiến việc điều phối cứu trợ trở nên khó khăn hơn, làm kéo dài nỗi đau của những người dân đang mắc kẹt trong thảm họa này.

Trước thảm kịch này, nhiều nước láng giềng như Ấn Độ, Trung Quốc và Thái Lan đã nhanh chóng gửi viện trợ và đội cứu hộ, với sự hỗ trợ từ Malaysia, Singapore, Nga và Việt Nam.

Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Phumtham Wechayachai cho hay: “Myanmar đã yêu cầu hỗ trợ quốc tế sau trận động đất. Hiện tại, Trung Quốc, Mỹ, Malaysia và nhiều quốc gia khác đã vào cuộc. Thái Lan đã phản ứng nhanh chóng và sẵn sàng cung cấp hỗ trợ sau khi biết được yêu cầu giúp đỡ”.

Ấn Độ đã điều động máy bay quân sự chở hàng viện trợ cùng đội tìm kiếm cứu nạn đến Naypyitaw, trong khi hai tàu hải quân mang theo vật phẩm cứu trợ đang trên đường đến Yangon. Trung Quốc cũng cử các đội cứu hộ từ tỉnh Vân Nam đến Myanmar, còn Singapore triển khai 78 nhân viên cứu hộ cùng chó nghiệp vụ tới Mandalay để hỗ trợ công tác tìm kiếm.

Đội cứu hộ của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an Việt Nam, gồm 106 người, đã đến Myanmar vào tối 30/3 và nhanh chóng bắt tay vào công tác cứu hộ. Ngoài ra, Việt Nam cũng viện trợ khẩn cấp 300.000 USD để giúp Myanmar khắc phục hậu quả trận động đất.

Bộ Ngoại giao Anh cam kết viện trợ lên tới 10 triệu bảng Anh để hỗ trợ Myanmar tái thiết sau thảm họa. Liên minh châu Âu thông báo khoản viện trợ khẩn cấp ban đầu trị giá 2,5 triệu euro và đang xem xét mở rộng hỗ trợ. Liên hợp quốc cũng đã kích hoạt các cơ chế cứu trợ nhân đạo, đồng thời phân bổ 5 triệu USD để giúp Myanmar vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Những phép màu giữa thảm kịch

Mandalay – thành phố sầm uất bậc nhất Myanmar nay chỉ còn là những đống đổ nát hoang tàn. Trận động đất mạnh 7,7 độ đã san phẳng nhiều khu dân cư, khách sạn và tòa nhà cao tầng, cướp đi hàng nghìn sinh mạng. Giữa nỗi tuyệt vọng, lực lượng cứu hộ từ khắp nơi đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm những người còn sống trong “thời gian vàng” 72 giờ sinh tử. Bên cạnh những phép màu cứu rỗi, vẫn còn đó những câu chuyện đầy nước mắt của những gia đình chờ tin người thân trong niềm hy vọng mong manh.

Tại chung cư Sky Villa Condominium, một trong những tòa nhà bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Mandalay, Myanmar, lực lượng cứu hộ Trung Quốc đã giải cứu một phụ nữ mang thai, hơn 65 giờ sau trận động đất. Cô được tìm thấy trong tình trạng tốt và nhanh chóng được sơ cứu. Cách đó không xa, Khách sạn Great Wall biến thành đống gạch vụn. Sau khi phát hiện dấu hiệu sự sống, đội tìm kiếm Trung Quốc đã mất năm giờ để giải cứu một phụ nữ. Các đội cứu hộ từ Singapore và Myanmar hôm 30/3 đã kéo một người sống sót ra khỏi đống đổ nát của một tòa nhà bị sập ở Napypyidaw.

Nhưng không phải ai cũng may mắn. Tại Sagaing, thành phố gần tâm chấn nhất, không khí tang thương bao trùm khi số thi thể được tìm thấy ngày một nhiều hơn. Công việc cứu hộ giờ đây không còn là tìm kiếm sự sống, mà là đưa những người đã khuất ra khỏi đống đổ nát để họ có thể an nghỉ đàng hoàng.

Cơn địa chấn không chỉ tàn phá Myanmar mà còn gây ra hậu quả nghiêm trọng tại Thái Lan. Cách tâm chấn gần 1.000 km, Bangkok chứng kiến sự sụp đổ kinh hoàng của một tòa nhà 30 tầng đang xây dựng, vùi lấp hàng chục công nhân bên trong. Người thân của những người mất tích đã túc trực ngày đêm bên ngoài khu vực cứu hộ, chờ đợi trong tuyệt vọng. Cô Kannika Noommisri, vợ của một công nhân bị kẹt, bật khóc khi cầm trên tay chiếc điện thoại với danh sách hàng trăm cuộc gọi nhỡ.

Tôi đã gọi cho chồng mình hàng trăm lần, nhưng không một cuộc nào được nhấc máy. Anh ấy là trụ cột gia đình, là niềm hy vọng của chúng tôi. Nếu không có anh ấy, tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra với gia đình mình. Tôi chỉ mong anh ấy được an toàn.

Cô Kannika Noommisri - Thân nhân người mất tích ở Thái Lan.

Daodee Paruat, một phụ nữ 41 tuổi đến từ Campuchia, nắm chặt bức ảnh của người thân bị mắc kẹt trong tòa nhà: “Chúng tôi chưa mất hy vọng. Chúng tôi vẫn chờ một phép màu, chờ tin tức rằng họ vẫn còn sống... Hoặc nếu không, ít nhất họ cũng sẽ được tìm thấy để có thể ra đi trong bình an”.

Không chỉ có những cuộc giải cứu nghẹt thở, giữa trận động đất cũng có những khoảnh khắc xúc động của sự sống tiếp nối trong thảm kịch. Cô Kanthong Saenmuangshin, một sản phụ 36 tuổi, đã chuyển dạ ngay lúc trận động đất xảy ra tại Bangkok. Khi cô nằm trên bàn sinh, rung chấn vẫn còn dữ dội: "Tôi chưa bao giờ trải qua điều gì như thế này. Ngay khi con tôi chào đời, tôi cảm thấy như mọi thứ dừng lại. Đó là giây phút tuyệt vời nhất đời tôi”.

Một sản phụ khác cũng sinh con ngay trên đường phố Bangkok, trước Bệnh viện King Chulalongkorn Memorial. Trong khung cảnh hỗn loạn, tiếng khóc của đứa trẻ vừa chào đời trở thành biểu tượng cho sự sống mạnh mẽ giữa thảm họa.

Bài học đắt giá

Trận động đất mạnh 7,7 độ richter ngày 28/3 đã khiến Myanmar và các khu vực lân cận rung chuyển, gây ra tổn thất nặng nề về người và tài sản. Hàng nghìn người thiệt mạng, hàng trăm người mất tích, và con số thương vong vẫn chưa dừng lại. Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), số người thiệt mạng có thể dao động từ 10.000 đến 100.000 người, thậm chí có nguy cơ vượt xa con số này. Vậy điều gì khiến thảm họa lần này trở nên khủng khiếp đến vậy? Và những bài học nào có thể giúp giảm thiểu thiệt hại từ những thảm họa tương tự trong tương lai?

Myanmar nằm giữa hai mảng kiến tạo Ấn Độ và Á - Âu, tại khu vực có hoạt động địa chấn mạnh mẽ. Trận động đất hôm 28/3 xảy ra dọc theo đứt gãy Sagaing, một trong những đứt gãy lớn nhất trong cấu trúc địa chất của Cao nguyên Tây Tạng. Theo các nhà khoa học, động đất xảy ra khi các mảng kiến tạo trượt lên nhau, giải phóng áp lực tích tụ trong hàng chục hoặc hàng trăm năm. Do đó, đây được xem là một trong những trận lớn nhất từng xảy ra tại Myanmar trong hơn 75 năm qua.

Trận động đất tại Myanmar giải phóng lực tương đương với khoảng 334 quả bom nguyên tử. Điều tồi tệ nhất có thể chưa kết thúc, bởi các dư chấn có khả năng tiếp tục trong nhiều tháng khi mảng kiến tạo Ấn Độ tiếp tục va chạm với mảng Á - Âu bên dưới mặt đất tại Myanmar.

Bà Jess Phoenix - Nhà nghiên cứu núi lửa người Mỹ.

Thêm vào đó, tâm chấn nằm cách Mandalay chỉ 17 km, ở độ sâu chỉ 10 km dưới lòng đất. Độ sâu này khiến năng lượng của trận động đất không bị suy giảm nhiều trước khi tác động lên bề mặt, dẫn đến rung lắc mạnh hơn và thiệt hại nghiêm trọng hơn.

Dù Myanmar nằm trong khu vực có hoạt động địa chấn mạnh nhưng hệ thống cơ sở hạ tầng lại chưa được thiết kế để chịu được những trận động đất lớn. Quy hoạch đô thị lỏng lẻo và sự xuống cấp của các công trình khiến các khu vực đông dân cư dễ bị tổn thương trước động đất và các thảm họa thiên nhiên khác.

Thêm vào đó, Myanmar không có hệ thống cảnh báo động đất hiệu quả; thiếu trang thiết bị cứu hộ và nhân lực khiến nỗ lực ứng phó gặp nhiều khó khăn. Một trong những mối lo ngại lớn nhất là nguy cơ lũ lụt nếu các đập nước bị hư hại. Chính quyền Myanmar đang khẩn cấp kiểm tra hệ thống đập để ngăn chặn thảm họa thứ hai có thể xảy ra.

Tại Thái Lan, dù nằm cách tâm chấn gần 1.000 km, trận động đất vẫn gây hậu quả nghiêm trọng. Tòa nhà Tổng Kiểm toán Nhà nước hơn 30 tầng đang thi công tại Bangkok đã đổ sập, khiến dư luận bàng hoàng. Giới chức Thái Lan cho rằng nguyên nhân là do "cấu trúc không ổn định" trong quá trình thi công. Sau sự cố, chính quyền Bangkok đã huy động hơn 100 kỹ sư để kiểm tra an toàn công trình, sau khi nhận hơn 2.000 báo cáo về thiệt hại do rung chấn.

Chúng tôi đã giao cho Sở Công chính và Quy hoạch Đô thị điều tra vụ sập tòa nhà cũng như rà soát các tiêu chuẩn xây dựng trong tương lai. Trong vòng một tuần, họ sẽ đưa ra báo cáo tổng hợp để xác định nguyên nhân vụ việc và đề xuất biện pháp phòng ngừa nhằm tránh tái diễn.

Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra.

Chuyên gia Christian Malaga - Chuquitaype từ Viện Kỹ thuật Dân dụng và Môi trường ICL cho biết nền đất mềm của Bangkok cũng khuếch đại rung lắc từ Myanmar, đặc biệt ảnh hưởng đến các tòa nhà cao tầng. Ngoài ra, phương pháp xây dựng phổ biến "sàn phẳng" - không có dầm gia cố - khiến nhiều công trình dễ bị sụp đổ khi xảy ra động đất.

Trận động đất không chỉ gây thiệt hại về cơ sở hạ tầng mà còn giáng một đòn mạnh vào ngành du lịch Thái Lan. Hiệp hội Khách sạn Thái Lan dự báo, lượng khách quốc tế có thể giảm từ 10% đến 15% trong vòng hai tuần tới. Nhiều du khách đã hủy đặt phòng hoặc rời khỏi Thái Lan sớm ngay trận động đất, do lo ngại về an toàn.

Chính phủ Thái Lan đang cố gắng trấn an du khách bằng cách tăng cường kiểm tra an toàn tại các khách sạn và điểm tham quan. Bộ trưởng Du lịch và Thể thao Thái Lan, ông Sorawong Thienthong, đã cam kết đảm bảo an toàn cho du khách nhằm khôi phục niềm tin vào ngành du lịch nước này. Tuy nhiên, tâm lý lo ngại của du khách vẫn là một rào cản lớn đối với sự phục hồi.

Trận động đất ngày 28/3 đã để lại hậu quả nặng nề, không chỉ đối với Myanmar mà còn lan rộng sang các nước láng giềng. Những mất mát về người và tài sản là không thể đong đếm, nhưng giữa thảm kịch vẫn le lói hy vọng – từ những phép màu giải cứu đến tinh thần đoàn kết quốc tế trong công tác cứu trợ. Thảm họa lần này cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự cần thiết của các hệ thống phòng chống thiên tai, từ xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững đến thiết lập mạng lưới cảnh báo sớm. Khi thiên nhiên không thể đoán trước, chỉ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng mới có thể giúp giảm thiểu tổn thất trong tương lai.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tại hội nghị ngoại trưởng các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 3/4 ở thủ đô Brussels của Bỉ, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tuyên bố Washington vẫn sẽ ở lại liên minh quân sự này

Canada là nước đầu tiên tuyên bố áp thuế trả đũa sau khi Mỹ công bố kế hoạch áp thuế đối ứng đối với hàng hoá nhập khẩu.

Thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục chao đảo sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc áp thuế đối ứng đối với hàng loạt mặt hàng nhập khẩu từ nhiều quốc gia.

Lầu Năm Góc tuần này đã điều ít nhất 6 máy bay ném bom B-2, tương đương 30% phi đội máy bay ném bom tàng hình của không quân Mỹ tới căn cứ quân sự chung của Mỹ và Anh trên đảo Diego Garcia thuộc Ấn Độ Dương, theo các quan chức Mỹ giấu tên cho hay.

Ít nhất 7 người, trong có có 3 trẻ em, đã thiệt mạng trong vụ lật thuyền chở người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ đến đảo Lesbos, ngoài khơi Hy Lạp.

Số người chết sau trận động đất mạnh 7,7 độ tại Myanmar đã tăng lên hơn 3.000 người, tính đến ngày 3/4. Lực lượng cứu hộ, cứu nạn vẫn đang tích cực tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân.