Mâm cúng đêm giao thừa

Trong mỗi gia đình Việt, mâm cúng đêm giao thừa không chỉ mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc mà còn phản ánh những giá trị văn hóa truyền thống, thể hiện lòng biết ơn và cầu mong sự an lành, thịnh vượng cho gia đình và cộng đồng trong năm mới.

Cúng đêm giao thừa diễn ra vào khoảnh khắc đặc biệt khi trời đất giao hòa, âm dương hòa hợp, mở ra một chu kỳ mới. Theo quan niệm dân gian, vào thời điểm này, các vị thần linh từ trên cao sẽ giáng trần để chứng giám những lời cầu nguyện của con người. Người Việt tin rằng đây là thời điểm chuyển giao giữa các năm, cũng là lúc các thần linh đến nhận lễ cúng và ban phước lành cho gia đình trong năm mới.

Do đó, việc chuẩn bị mâm cúng đêm giao thừa được thực hiện hết sức tôn nghiêm và chu đáo, thể hiện lòng thành kính và cầu mong cho gia đình một năm an lành, thịnh vượng. Trong văn hóa Việt, tổ tiên là người đã tạo dựng nền tảng vững chắc cho gia đình, vì vậy, việc thờ cúng tổ tiên thể hiện lòng biết ơn đối với những người đi trước. Mâm cúng giao thừa là cách để con cháu bày tỏ sự kính trọng đối với tổ tiên, đồng thời mong ước tổ tiên được yên nghỉ và gia đình được phù hộ trong năm mới.

Hãy cùng Đài Hà Nội và TS. Nguyễn Ánh Hồng - Giảng viên cao cấp Học viện Báo chí và Tuyên Truyền tìm hiểu sâu hơn về những món lễ vật trong mâm cúng đêm giao thừa và những lưu ý trong nghi lễ đặc biệt này.

Lễ vật trên mâm cỗ cúng

Mâm cúng đêm giao thừa thường gồm nhiều món lễ vật, mỗi món lễ vật đều mang một ý nghĩa sâu xa, được chọn lựa kỹ lưỡng để thể hiện lòng thành kính và cầu mong sự bình an, thịnh vượng. Theo dân gian, những món lễ vật này không chỉ đơn thuần là thực phẩm mà còn mang những thông điệp tâm linh sâu sắc. Gà luộc, bánh chưng, bánh tét, mâm ngũ quả, xôi gấc, rượu, trầu cau đều là những món không thể thiếu. Mỗi món mang một ý nghĩa riêng.

"Trong mâm ngũ quả của miền Bắc bao giờ cũng có một sản vật mà không bao giờ có ở bất cứ đâu, kể cả là miền Nam, kể cả các nước, đó chính là nải chuối. Trái chuối giống như những ngón tay, khi mà đặt nải chuối ngửa ra, nó giống như bàn tay đang xòe ra để xin phúc lộc của trời, của đất, của tổ tiên, ông bà, cha mẹ, đây là một lời cầu xin. Nhưng tại sao lại dùng nải chuối xanh mà không phải chuối chín? Bởi vì nải chuối xanh nó chát, nó không thể ăn được, nhưng qua ba ngày mùa xuân, khi đã hấp thụ hương khói âm dương ngũ hành mặt bàn thờ thì kết quả chuối xanh sẽ chuyển hóa thành màu vàng. Sự chát trong quả chuối sẽ chuyển thành quả ngọt, đấy chính là sự chuyển hóa, sự kỳ diệu của trời đất để giúp cho con người."

TS. Nguyễn Ánh Hồng chia sẻ.

Nải chuối trong mâm ngũ quả mang một ý nghĩa đặc biệt.

Trong mâm cúng giao thừa, bên cạnh những món lễ vật quen thuộc như bánh chưng, hoa quả ngũ sắc, con gà luộc luôn là món không thể thiếu. Không chỉ là một vật phẩm dâng lên tổ tiên, con gà trong nghi lễ cúng giao thừa mang một ý nghĩa sâu sắc. Theo truyền thống, con gà tượng trưng cho sự trọn vẹn, đủ đầy và cũng là biểu tượng của sự an lành. Màu sắc của con gà, thường là màu vàng óng ánh, còn được xem là màu sắc của tài lộc, phúc khí. Đặt con gà trên mâm cúng, gia chủ không chỉ thể hiện lòng thành kính với thần linh, mà còn mong muốn một năm mới đầy đủ, thịnh vượng và may mắn cho cả gia đình. Chính vì vậy, con gà không chỉ là món ăn, mà còn mang theo những lời chúc tốt đẹp, gửi gắm những ước vọng cho một năm mới tràn đầy hy vọng và thành công.

Từ bao đời nay, giao thừa luôn được coi là thời khắc thiêng liêng nhất trong năm. Người Việt quan niệm rằng đây là thời điểm "Tống cựu nghinh tân" - tiễn năm cũ, đón năm mới, tiễn thần cũ, đón thần mới. Trong dân gian có câu: "Mỗi năm trời đất đổi thay/Người đi, kẻ đến tháng ngày chuyển giao". Ông bà ta tin rằng, mỗi năm, các vị thần cai quản nhân gian sẽ bàn giao nhiệm vụ, nên mời lễ cúng giao khai bổ sung bày tỏ lòng thành kính với các vị thần đã hoàn thành trách nhiệm, đồng thời chào đón các vị thần mới với hy vọng gia đình được ban lành.

"Thường thì mâm cúng ở trong nhà thế nào, mâm cúng ngoài trời cũng như thế. Bởi vì người Việt Nam có một quan niệm là lễ vật quan trọng nhất ở sự thành tâm. Và người ta thể hiện sự thành tâm đó, sự tôn kính đó bằng cách là làm mâm cúng trong nhà thế nào thì ngoài trời sẽ cúng các vị thần linh như thế."

TS. Nguyễn Ánh Hồng cho biết thêm.

Theo quan niệm sẽ có hai mâm cúng là mâm cúng trong nhà và ngoài trời. Mâm cúng trong nhà hướng đến tổ tiên, ông bà, những người đã khuất, là dịp để gia đình bày tỏ lòng biết ơn, cầu mong tổ tiên phù hộ cho con cháu một năm mới an khang, hạnh phúc. Trong khi đó, mâm cúng ngoài trời được dâng lên để tiễn biệt vị thần năm cũ và chào đón vị thần năm mới. Mâm cúng ngoài trời thường được đặt trước sân hoặc trên một chiếc bàn nhỏ ngoài trời, thể hiện sự kết nối giữa con người và các vị thần tiên.

Gà luộc, bánh chưng... là những món không thể thiếu trong mâm cúng.

Ý nghĩa của mâm cúng đêm giao thừa

Nhưng cúng giao thừa không đơn thuần chỉ là việc chuẩn bị lễ vật, mà còn đòi hỏi sự hiểu biết, tỉ mỉ và thành tâm. Từ việc phân biệt cúng trong nhà và ngoài trời, cách bài trí mâm lễ, đến thời điểm và cách khấn nguyện, tất cả đều mang những ý nghĩa sâu sắc. Ông bà ta có câu "Lễ bạc lòng thành", cốt yếu của nghi lễ không nằm ở giá trị vật chất của lễ cúng, mà là sự chân thành của gia chủ khi hướng đến tổ tiên và trời đất. Đôi khi, chỉ một vài thiếu sót nhỏ cũng có thể làm mất đi sự thiêng liêng của nghi thức này.

Hướng cúng phụ thuộc vào vị trí của bàn thờ, tùy thuộc vào cung mệnh của gia chủ và tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố. Nhưng người ta thường sẽ hướng về phía đông. Lưu ý nhiều nhất là trong cách thức tiến hành nghi lễ cúng. Khi cúng, chúng ta thành tâm đứng trước bàn thờ, hai bàn tay chắp lại, thông thường lúc này người ta sẽ hé mở lòng bàn tay, đây được xem là cách mở lòng. Chúng ta mở lòng thì thần linh cũng mở lòng và khoảng cách giữa người sống và người đã khuất cũng được thu hẹp.

Trong nghi thức cúng giao thừa, hóa vàng là một phần không thể thiếu, mang ý nghĩa sâu sắc trong đời sống tâm linh của người Việt. Thông qua lửa thiêng, giấy tiền, vàng mã được gửi đến tổ tiên như một cách chăm sóc và thể hiện lòng thành kính. Nhiều người có quan niệm rằng hóa vàng chỉ là việc đốt cháy, nhưng thực tế, từng bước trong nghi thức, từ cách sắp xếp vật, thứ tự đốt vàng mã, đến lời khấn nguyện, đều có vai trò quan trọng. Đó không chỉ là cách hoàn thiện lễ cúng mà còn có thể thực hiện sự chu đáo, thành tâm của gia chủ.

Hóa vàng là một phần không thể thiếu trong đêm giao thừa.

Theo TS. Nguyễn Ánh Hồng, vàng mã chỉ là nghi thức để chúng ta kết nối giữa âm dương, không phải cứ gửi bao nhiêu vàng thì người âm sẽ nhận được bấy nhiêu. Điều quan trọng nhất là ở tấm lòng thành của người hóa vàng. Khi đốt xong, chúng ta dùng một chén rượu đã được cúng ở trên bàn thờ hoặc một chén nước rưới lên trên cái tro vàng mã. Theo quan niệm của người Việt lúc bấy giờ, khói sẽ theo phương thẳng đứng bay lên trời, nước sẽ trôi xuống đất. Trong khoảnh khắc đó, "thiên - địa - nhân" hợp nhất nên những ước nguyện của chúng ta sẽ đến được với các vị thần linh.

Mâm cúng đêm giao thừa là một phần không thể thiếu trong truyền thống Tết của người Việt, giờ đây trong nhịp sống hiện đại, nhiều gia đình đã có những sự thay đổi, sáng tạo trong việc chuẩn bị mâm cúng. Những gia đình bận rộn có thể chọn cách cúng đơn giản, đặt mâm cúng sẵn từ cửa hàng hoặc cúng qua mạng. Tuy nhiên, dù có thay đổi như thế nào, nghi lễ này vẫn giữ vững giá trị tâm linh của mình và các gia đình vẫn duy trì lòng thành kính, hy vọng vào một năm mới thịnh vượng. Mâm cúng giao thừa chính là cách để gia đình Việt duy trì các giá trị tâm linh, giữ gìn cội nguồn, đồng thời kết nối với những hy vọng và ước mơ của thế hệ mai sau.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Con phố sách cũ trên đường Láng (Hà Nội) là chốn thân quen của nhiều người, nơi chứa đựng những câu chuyện riêng, khiến cho tâm hồn của họ luôn được rộng mở.

Bên cạnh di sản kiến trúc, lịch sử, Hoàn Kiếm còn là cái nôi của một di sản đặc biệt - di sản ẩm thực, hội tụ của sự tinh tế.

Rau muống xào tỏi của Việt Nam vinh dự xếp hạng thứ 24 trong danh sách 100 món rau ngon nhất thế giới của chuyên trang ẩm thực nổi tiếng Taste Atlas, với số điểm 4,3/5 sao.

Những ngày khô lạnh ít ỏi của đợt rét tháng Ba rất nhanh sẽ đi qua, để sớm mai, một mùa hè rực rỡ bừng tỉnh.

Với khát khao gìn giữ "hơi thở" của the lụa từng vang danh, nghệ nhân Lê Đăng Toản (Hà Đông) đã miệt mài canh cửi trong suốt gần 20 năm, dù hành trình không ít gian nan.

Hơi thở của cuộc sống hiện đại trong âm nhạc đường phố nhiều năm nay đã mang đến cho không gian hồ Gươm một góc nhìn vô cùng mới mẻ, lôi cuốn và hấp dẫn mọi du khách mỗi dịp cuối tuần.