Mai Tuyết Hoa đưa Xẩm Hà thành trở lại với công chúng

Giữa cuộc sống hiện đại, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, người học trò xuất sắc của cố nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu, miệt mài gìn giữ nghệ thuật hát xẩm và đưa xẩm Hà Thành tới gần hơn với người Hà Nội.

Hát xẩm là một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo, ra đời đã hơn 700 năm. Hà Nội, thành phố của di sản văn hóa, lưu giữ và phát triển nhiều loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc, trong đó có hát xẩm. Ở Hà Nội xưa, xẩm là bộ nghệ thuật đường phố, với những làn điệu khác biệt như xẩm tàu điện, xẩm chợ...

Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa sinh năm 1976, được coi là truyền nhân, học trò ưu tú của cố nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu. Chị hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc, sáng lập nhóm Xẩm Hà Thành. Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa đã sớm bén duyên với cây đàn nhị nhờ sự định hướng và động viên của người bố dù không hoạt động nghệ thuật nhưng lại có niềm yêu thích nhạc dân tộc.

Mai Tuyết Hoa - người học trò ưu tú của nghệ nhân Hà Thị Cầu. (Ảnh: NVCC)

Khi chỉ mới 7, 8 tuổi, cô bé Mai Tuyết Hoa ngày ấy đã được bố cho đi học đàn nhị. Sau đó, chị theo học chuyên ngành Đàn nhị, Khoa Nhạc cụ truyền thống tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam).

Cơ duyên để nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa đến với hát xẩm, trở thành học trò của nghệ nhân Hà Thị Cầu rất tình cờ, như cách người nghệ sĩ này đến với âm nhạc truyền thống. "Lúc ấy trong sân Viện nghiên cứu âm nhạc mình thấy có một bà già nhai trầu ngồi kéo nhị. Sau này mình mới biết đấy là nghệ thuật hát xẩm và đó là lần đầu tiên mình được thấy nghệ nhân Hà Thị Cầu. Nhưng mình cũng chưa được trò chuyện với bà. Đến khi mình tìm về Yên Mô, Yên Phong, Ninh Bình, lúc mà mình bắt đầu nghiên cứu về nghệ thuật hát xẩm thì mình mới lần đầu tiên được gặp bà và trò chuyện với bà. Năm 1998 mình bắt đầu nghiên cứu về xẩm và có lẽ là sau đó một, hai năm thì mình đã nghe hát xẩm qua băng tư liệu và tập. Khi mà mình về tận nơi để thỉnh giáo bà đầu những năm 2000 là mình lần đầu tiên được gặp nghệ nhân Hà Thị Cầu" - nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa chia sẻ.

Đặc điểm của xẩm gắn liền với hình ảnh của người dân nghèo khổ, người khiếm thị. Nội dung các bài xẩm thường phản ánh hiện thực xã hội qua từng thời kỳ cụ thể. Nghệ thuật hát xẩm yêu cầu cao về biểu đạt cảm xúc và thành thạo chơi nhạc cụ. Nội dung và ca từ trong hát xẩm thường là hình thức hát nói, vừa hát vừa kể chuyện mang tính tự sự. Xẩm có thể được đặt tên theo không gian biểu diễn, chợ, hay vào nhà trò, hay hát ở Hà Nội...; được đặt tên theo mục đích bài xẩm, đặt theo nội dung hoặc tên bài xẩm nổi tiếng, theo nguồn gốc.

Chia sẻ về xẩm Hà Nội, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa cho biết: "Đối với xẩm thôn quê thì nó mộc mạc lắm, nó chân chất lắm, nó thô mộc lắm. Nhưng đối với xẩm Hà Nội thì bắt đầu đã có những sự trau chuốt nhiều hơn, tinh tế nhiều hơn. Bởi vì những người nghệ nhân muốn sinh sống và muốn kiếm tiền ở Hà Nội thì bắt buộc phải chiều theo thẩm mỹ của người Hà Nội. Mai Tuyết Hoa rất may mắn đã được cùng với các thầy của mình khôi phục lại dòng xẩm Hà Nội và là người đầu tiên được được giao cho nhiệm vụ hát lại xẩm của thành thị".

Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa say sưa bên cây đàn nhị. (Ảnh: NVCC)

Với tình yêu và niềm đam mê, cùng mong muốn giữ gìn một loại hình âm nhạc truyền thống đẹp đẽ của dân tộc, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa đã sáng lập nên nhóm Xẩm Hà Thành. Các nghệ sĩ của Xẩm Hà Thành đã cùng những bậc tiền bối nghiên cứu, phục dựng những làn điệu, bài bản hát xẩm cổ truyền Bắc Bộ và Hà Nội. Nhiều bài xẩm vốn đã từng rất phổ biến nhưng thất truyền nhiều thập niên đã được nhóm dày công tìm tòi và dựng lại.

Những năm gần đây, nhóm Xẩm Hà Thành tập trung hướng tới khán giả trẻ bằng những bài xẩm mang hơi thở cuộc sống hiện đại. 14 năm thành lập nhóm Xẩm Hà Thành, đến bây giờ, nghệ thuật hát xẩm đã dần được khôi phục, sống lại trong đời sống của Hà Nội.

Bằng tình yêu, đam mê, miệt mài, tận tụy với nghệ thuật hát xẩm, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa cùng các nghệ sĩ trong nhóm Xẩm Hà Thành đã và đang đưa xẩm đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là giới trẻ, để nghệ thuật hát xẩm song hành cùng nhịp sống hiện đại của Hà Nội ngày nay.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Bảo tàng Sinh học, Đại học Tổng hợp (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) được thành lập năm 1926. Đây là Bảo tàng Sinh học đầu tiên của Đông Dương. Trong dịp Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, lần đầu tiên, Bảo tàng đặc biệt này mở cửa cho người dân tham quan.

Sau cơn bão Yagi tàn phá, những cánh đồng ở xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội, đã hồi sinh với vẻ đẹp tràn đầy sức sống.

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội được gọi là đất Kẻ Chợ. Theo các ghi chép lịch sử, thành Đại La từ xưa là một khu chợ của cả lưu vực sông Hồng, vậy nên người dân khắp nơi đổ về đây trước hết là để buôn bán, dần dần về sau, họ lập thành các phường nghề, rồi làng nghề và hình thành nên các con phố "hàng" trên mảnh đất Kinh kỳ.

Bà con tại xã Dương Liễu, Hoài Đức, Hà Nội tất bật với công việc làm miến rong để chuẩn bị cho nhu cầu thực phẩm ngày Tết của người dân, công việc làm miến dù vất vả nhưng đã trở thành nhịp sống quen thuộc của người dân nơi đây.

Chè là một món ăn quen thuộc của người Hà Nội. Với mỗi mùa, Hà Nội lại có những món chè khác nhau mang đặc trưng riêng. Dù hiện nay có rất nhiều loại chè được biến tấu đủ mọi hương vị, thế nhưng quán chè Trường Thao nằm trong con ngõ nhỏ ở Phố Huế vẫn lưu giữ hương vị chè truyền thống trong suốt 50 năm qua.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chính là một trong những nơi lưu giữ mảnh ghép quá khứ không thể thiếu của người dân nước Việt và nhờ những mảnh ghép ấy mà chúng ta có được ngày hôm nay.