Lùi lộ trình học phí giáo dục đại học một năm | Hà Nội tin mỗi chiều
Lùi lộ trình học phí giáo dục đại học một năm
Chính phủ vừa ban hành nghị định số 97 sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 81 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Học phí năm học 2023-2024 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông bằng mức học phí năm học 2021-2022. Lộ trình học phí của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập lùi một năm so với quy định tại Nghị định 81.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2023 - 2024, nếu không có quy định mức học phí sẽ áp dụng theo mức trần học phí quy định tại nghị định 81, mức thu học phí sẽ tăng khá cao so với học phí năm học 2022 - 2023. Vì vậy, Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định 81 để điều chỉnh lộ trình học phí phù hợp.
Để đảm bảo lộ trình tính giá dịch vụ giáo dục, đào tạo theo quy định tại Nghị quyết số 19 ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Chính phủ đã ban hành Nghị định 81 quy định về học phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân để áp dụng từ năm học 2021-2022, trong đó quy định: mức học phí năm học 2021-2022 bằng mức học phí năm học 2020-2021. Từ năm học 2022-2023, mức trần học phí tăng theo lộ trình hằng năm. Năm 2022, để chia sẻ khó khăn với phụ huynh và học sinh do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 165 đề nghị các cơ sở giáo dục công lập giữ ổn định mức học phí năm học 2022-2023 bằng mức học phí năm học 2021-2022. Như vậy, mức học phí của các cơ sở giáo dục công lập đã giữ ổn định qua 3 năm học (2020-2021, 2021-2022 và 2022-2023).
Dù nghị định 97 ra đời chậm khi thời điểm này, học kỳ 1 năm học 2023 - 2024 đã kết thúc, HĐND của nhiều tỉnh thành đã phê duyệt học phí bậc mầm non và giáo dục phổ thông, tuy vậy nghị định này phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay khi thu nhập của người dân cũng chưa khá hơn, nhất là sau đại dịch COVID-19.
Việc nghị định 97 giữ nguyên mức học phí năm học 2023 - 2024 đối với bậc mầm non và phổ thông như năm học 2021 - 2022 là một động thái quản lý đúng đắn của Chính phủ. Trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, nền kinh tế nước ta dù có mức độ tăng trưởng khá so với mấy năm đại dịch, nhưng cũng không nằm ngoài bức tranh chung của thế giới, việc giữ ổn định học phí bậc mầm non và phổ thông trước tiên nhằm giúp tâm lý người dân ổn định trong lúc đời sống kinh tế nhiều biến động. Hiện nay, học phí các bậc học từ phổ thông trở xuống cũng ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội nói chung, nên việc giữ ổn định học phí còn ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học, thất học. Nước ta đã phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, bậc tiểu học...Những chính sách miễn học phí ở một số bậc học phổ thông của các tỉnh thành thời gian vừa qua đã thực sự tác động tích cực lên đời sống xã hội, tạo cho trẻ cơ hội tiếp cận giáo dục tốt hơn.
Còn đối với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập, Nghị định 97 mới ban hành cho phép trường đại học tăng học phí nhưng lùi một năm, đây được cho là giải pháp dung hòa cho cả người học và nhà trường. Sau ba năm liên tiếp không tăng học phí, các trường gặp không ít khó khăn. Nhiều trường đã phải lập phương án tài chính dự phòng cho năm 2024 trong trường hợp Chính phủ không đồng ý tăng học phí. Không tăng học phí thì trường không có kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ thực hành, thí nghiệm, nghiên cứu khoa học, không “giữ chân” được đội ngũ giảng viên, còn nếu tăng mạnh thì sinh viên sẽ không kham nổi. Thời điểm này, việc đăng ký học phần, thu học phí học kỳ 2 cũng đã thực hiện. Bất kỳ sự điều chỉnh tăng học phí nào cũng ảnh hưởng đến sinh viên. Thời điểm cận Tết, việc tăng học phí có thể gia tăng gánh nặng cho gia đình sinh viên. Hơn nữa, ba năm qua các trường không tăng học phí nên cũng đã tìm cách cân đối tài chính cho cả năm. Với quy định mới thì từ năm học 2024 - 2025 tới đây, các trường mới tính toán mức tăng học phí và thông báo sớm để sinh viên có thời gian chuẩn bị tốt nhất
Hà Nội ban hành kế hoạch phát triển dịch vụ logistics năm 2024
Theo kế hoạch, thành phố sẽ đẩy nhanh triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng dịch vụ logistics, phấn đấu khởi công xây dựng hai cảng cạn ICD (tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm và xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức). Thành phố cũng xác định vị trí, ranh giới, diện tích cụ thể hai trung tâm logistics (tại các huyện Phú Xuyên, Sóc Sơn); hoàn thành thủ tục đầu tư một cảng container quốc tế (tại các xã Cổ Bi, Đặng Xá, huyện Gia Lâm); rà soát, đánh giá đầu tư 9 dự án phát triển hạ tầng dịch vụ logistics đã được giới thiệu địa điểm để nhà đầu tư nghiên cứu lập, đề xuất dự án theo Đề án Quản lý và phát triển hoạt động logistics đến năm 2025 được UBND thành phố phê duyệt.
Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Lĩnh vực này liên quan trực tiếp đến hoạt động vận tải, giao nhận, kho bãi, các thủ tục dịch vụ hành chính, tư vấn (hải quan, thuế, bảo hiểm…), xuất nhập khẩu – thương mại, kênh phân phối, bán lẻ. Phát triển thị trường dịch vụ logistics sẽ tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, khuyến khích thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước phù hợp với pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký.
Tuy được xác định là ngành dịch vụ quan trọng trong hoạt động thương mại, góp phần tích cực làm tăng tính cạnh tranh hàng hóa của quốc gia, nhưng lĩnh vực logistics của Hà Nội thời gian qua vẫn còn phát triển thiếu định hướng. Việc UBND thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch phát triển dịch vụ logistics năm 2024 cho thấy sự quyết tâm của thành phố trong việc phát triển lĩnh vực này.
Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng được đánh giá có nhiều cơ hội để thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ logistics. Vì vậy, để đẩy mạnh phát triển ngành logistics, Hà Nội cần có những chính sách hỗ trợ phát triển, xây dựng chiến lược phát triển khu vực dịch vụ này đồng bộ, toàn diện và dài hạn, từ đó phát huy hơn nữa vai trò định hướng và hỗ trợ để phát triển ngành logistics. Cụ thể, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp lý tạo thuận lợi cho ngành logistics phát triển. Thành phố cũng cần thành lập một bộ phận chuyên trách nhằm giúp điều hành, giải quyết các vấn đề về quản lý nhà nước, tổ chức các diễn đàn nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics có thể gặp phải trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Về phía doanh nghiệp, cũng cần đẩy mạnh thực hiện hoá kỹ năng quản trị logistics, quản trị chuyền cung ứng trong tất cả các cấp quản lý. Đồng thời, cần giảm chi phí logistics, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ logistics thông qua phát triển hệ thống giao thông vận tải bền vững mà mục tiêu là vận tải đa phương thức với chất lượng cao./.
- Tết có bình yên khi pháo nổ? | Hà Nội tin mỗi chiều
- Tạo động lực cho phát triển du lịch Thủ đô | Hà Nội tin mỗi chiều
- Thu phí vỉa hè thế nào để đạt hiệu quả? | Hà Nội tin mỗi chiều
- Hà Nội số hóa 100% thủ tục hành chính | Hà Nội tin mỗi chiều
- Hơn 14 triệu bản sách đến với các xã, phường, thị trấn | Hà Nội tin mỗi chiều
Sẽ có gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến hoàn thành giai đoạn 2024 - 2025. Thông tin này được Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra trong phần tham luận tại Diễn đàn “Để thị trường bất động sản trở lại lành mạnh và phát triển” do Đài Hà Nội tổ chức ngày 16/11.
Với những người trẻ, các hoạt động sôi nổi ở phố đi bộ Hồ Gươm có lẽ là điểm đến không thể thiếu mỗi dịp cuối tuần. Những hoạt động tại phố đi bộ còn có cả các buổi phát trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội với ekip khá chuyên nghiệp. Thế nhưng, ngay dưới bộ dụng cụ hành nghề của những ekip này đều gắn logo quảng cáo trá hình cho trang web cờ bạc như OK VIP.
Khoảng 40 nghìn khách tham quan trong một ngày - gần bằng những ngày đông khách nhất tại Bảo tàng Louvre của Pháp năm 2019, với 45.000 lượt người. Đó là con số ấn tượng của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam - cũng là lượng khách cao kỷ lục mà một bảo tàng có thể thu hút được.
Hiện nay, tình trạng vỉa hè tại nhiều tuyến đường đang bị lấn chiếm một cách vô tội vạ. Lối đi dành riêng cho người đi bộ giờ lại hoá thành nơi buôn bán.
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, khi có những tiêu chí thế nào là mê tín dị đoan, Bộ sẽ phát triển các công cụ mà nhìn vào hình ảnh có thể đánh giá được hành vi và báo sang Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch để xử lý.
Trong phiên trả lời chất vấn đại biểu liên quan đến thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đang tăng nhanh và tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân, đặc biệt là đối với giới trẻ.
0