Loại bỏ rào cản vô hình cản trở doanh nghiệp

Việc đề xuất cắt giảm thủ tục kinh doanh cho các doanh nghiệp được xem là bước cần thiết để tăng trưởng nền kinh tế đất nước, tạo động lực cho các ngành nghề tiếp tục phát triển.

Phát triển kinh tế tư nhân là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, được khẳng định là "một động lực quan trọng của nền kinh tế". Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với hàng loạt rào cản từ các điều kiện kinh doanh không rõ ràng.

Hiện nay, còn nhiều thủ tục hành chính có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau, khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng "đi xin" mà không biết khi nào mới được hoạt động chính thức. Dù đã có chỉ đạo từ Tổng Bí thư về việc cắt bỏ 30% điều kiện kinh doanh nhưng câu hỏi đặt ra là: Ai sẽ là người thực hiện việc cắt giảm này? Liệu có thể kỳ vọng các bộ, ngành tự cắt giảm những điều kiện vốn là công cụ quản lý của họ?

Để được cấp phép, một cơ sở giáo dục mầm non phải trải qua kiểm tra từ nhiều cơ quan: giáo dục, y tế, phòng cháy chữa cháy, an ninh... Tuy nhiên, chưa có quy định cụ thể về thời gian thành lập đoàn kiểm tra, khiến doanh nghiệp phải chờ đợi trong khi mọi chi phí vẫn phát sinh. Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn quy định cần rõ ràng hơn, chứ không chỉ là cắt giảm số lượng điều kiện kinh doanh.

Ông Lê Thanh Huy, Giám đốc Công ty Sách Bách Việt chia sẻ: "Chúng tôi mở ra một cơ sở kinh doanh giáo dục mầm non thì phải thuê nhà, đầu tư cơ sở vật chất, tuyển dụng bộ máy. Tức là bắt đầu phải chi phí và trong thời gian chờ đợi đó, chi phí cứ phải chi ra. Thế nhưng, chúng tôi lại chưa được cấp phép hoạt động. Chúng tôi nghĩ rằng nên như một số lĩnh vực kinh doanh khác, là khi nộp hồ sơ được tiếp nhận thì phải có quy định trong bao nhiêu ngày phải có đoàn kiểm tra, bao nhiêu ngày có kết quả, được hay không được cho cơ sở".

Câu chuyện của ông Huy không phải là cá biệt. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác nhau cũng đang gặp khó khi phải “đi xin” hàng loạt giấy phép trước khi được chính thức hoạt động.

Theo các chuyên gia, nhiều loại giấy phép được ban hành không dựa trên yêu cầu thực tiễn mà chỉ để duy trì công cụ quản lý. Điều này gây lãng phí lớn về thời gian, chi phí và cơ hội phát triển của doanh nghiệp. Vì vậy, hiện nay cần lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp để thực hiện việc cắt giảm thủ tục kinh doanh.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cho biết: “Trong các cải cách, qua rà soát nếu thấy quy định bất hợp lý thì bãi bỏ luôn là cách nhanh nhất và tháo gỡ tốt nhất. Những quy định không thực sự cần thiết, gây ra chi phí thời gian cho doanh nghiệp thì chúng ta bỏ hẳn đi, vừa nhanh vừa hiệu quả”.

Việt Nam hiện có khoảng 6.200 điều kiện kinh doanh và hơn 5.000 thủ tục hành chính. Nếu cắt giảm ngay 30%, tức là sẽ giảm được 2.000 điều kiện kinh doanh, 1.500 thủ tục hành chính. Thực tế chứng minh, nếu để các bộ, ngành tự cắt giảm các điều kiện kinh doanh, họ sẽ chỉ cắt những thủ tục không ảnh hưởng đến quyền quản lý của mình. Vì vậy, để đảm bảo việc cải cách thực chất, nhiều chuyên gia đề xuất thành lập một đơn vị độc lập để rà soát và thực hiện việc cắt giảm.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương chia sẻ: "Cắt giảm 30% là dễ dàng. Nhưng ai làm mới là điều quan trọng. Nếu như để các Bộ tự cắt thì họ không bao giờ cắt đâu, vì đó là công cụ quản lý của họ. Nếu có cắt, cũng là cắt những thứ không có tác dụng. Vì cắt những thứ không còn là công cụ quản lý của họ. Nếu như vẫn là công cụ quản lý thì họ không cắt".

Việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh không chỉ là một chính sách, mà cần trở thành hành động thực tế. Để làm được điều đó, cần thay đổi tư duy - từ "quản lý để siết" sang "quản lý để tạo thuận lợi".

Thay vì yêu cầu doanh nghiệp phải đáp ứng hàng loạt điều kiện ngay từ đầu (tiền kiểm), nhiều nước tiên tiến đã chuyển sang cơ chế hậu kiểm - tức là để doanh nghiệp hoạt động trước, sau đó mới kiểm tra và xử lý nếu có vi phạm.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua tuần giao dịch đầy biến động, giảm hơn 100 điểm chỉ trong hai phiên cuối tuần do ảnh hưởng từ thông tin Mỹ áp thuế đối ứng lên tới 46% đối với hàng hóa từ nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam.

Thị trường chứng khoán toàn cầu giảm sâu vào ngày 7/4, nhiều chỉ số chạm đáy sau nhiều năm, khiến một số thị trường phải tạm dừng giao dịch.

Mới đây, Keppel đã thoái toàn bộ 42% vốn tại liên doanh giữa Tiến Phước, Keppel Land và Trần Thái, chính thức rút khỏi dự án do lỗ luỹ kế 32 tỷ đồng.

Theo Cục Thống kê, tổng vốn doanh nghiệp đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong quý I/2025 đạt 1,38 triệu tỷ đồng, tăng gần 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2024.

Số thuế thu từ tổ chức và cá nhân kinh doanh thương mại điện tử đạt 34.500 tỷ đồng trong quý I/2025, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng gần 7%, cao nhất trong vòng 5 năm qua, vượt kịch bản đề ra trong Nghị quyết 01 của Chính phủ, thuộc top tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới trong quý I/2025.