Lịch sử Việt Nam hào hùng với những năm Tỵ đáng nhớ

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, năm Tỵ là một trong những năm ghi dấu nhiều mốc son lịch sử của dân tộc ở một số giai đoạn quan trọng ảnh hưởng sâu sắc đến vận mệnh và phát triển của đất nước. Sang năm Ất Tỵ 2025 này, hãy cùng Đài Hà Nội nhìn lại những năm Tỵ với những sự kiện lịch sử đáng nhớ.

Năm Tân Tỵ 981: Cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ nhất thắng lợi.

Tháng 7 năm 980 vua Tống phong cho Hầu Nhân Bảo làm tổng chỉ huy 3 vạn quân Tống theo 2 đường thủy – đường bộ cùng tiến về cửa sông Bạch Đằng từ đó đánh chiếm Tây Kết (Hà Bắc) làm bàn đạp tấn công kinh thành Hoa Lư. Vua Lê Đại Hành cùng bộ chỉ huy đã bày binh bố trận dọc theo tuyến sông Bạch Đằng, Kinh Thầy, kéo dài cho đến vùng Lục Đầu Giang.

Quân dân nước Đại Việt, dưới sự trực tiếp chỉ huy của vua Lê Đại Hành trong 92 ngày đêm từ tháng Chạp năm Canh Thìn đến cuối mùa xuân năm Tân Tỵ, thực hiện 6 trận đánh lớn. Nổi bật là Trận quyết chiến trên sông Bạch Đằng vào đúng ngày 28 tháng 4 năm 981. 

Vua Lê Đại Hành đã cho dựng lại trận địa cọc của Ngô Quyền năm 938, chém chết chủ tướng Hầu Nhân Bảo ở Bình Lỗ (Sóc Sơn - Hà Nội), phá tan giặc ở Tây Kết, đuổi tướng Trần Khâm Tộ chạy dài, bắt sống hai tướng về giam tại kinh đô Hoa Lư. Nhà Tống hoảng sợ phải ra lệnh bãi binh, rút quân về nước. 

Đại thắng Bạch Đằng năm 981 khiến nhà Tống phải kính nể tài năng và bản lĩnh của vua Lê Đại Hành, buộc phải công nhận ông là Vua của nước Đại Cồ Việt. 

Năm Đinh Tỵ 1077: Trận đại thắng trên sông Như Nguyệt

Từ năm 1075 đến năm 1077 là cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống lần thứ hai. Lý Thường Kiệt chủ trương dâng kế sách táo bạo chưa từng có: đánh châu Khâm, Liêm, Ung của nhà Tống để ngăn chặn trước một cuộc tiến đánh nước Việt. Nhà Tống đã cử đạo quân hùng hậu do các tướng giỏi Quách Quì, Triệu Tiết chỉ huy tiến vào nước Việt. 

Năm 1077, dũng tướng Lý Thường Kiệt chỉ huy đội quân đánh giặc trên sông Cầu.  Nhờ vị trí đắc địa của phòng tuyến Như Nguyệt mà chỉ sau vài tháng, quân dân nhà Lý dưới sự chỉ huy đã chặn đứng 10 vạn quân xâm lược nhà Tống, ngăn bước tiến của kẻ thù.

Ngày 18/1/1077, trên phòng tuyến sông Như Nguyệt (một đoạn của sông Cầu) của quân ta vang lên bài thơ được cho là được coi như bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc Việt Nam “Nam quốc sơn hà”  với hùng khí ngất trời, lời văn đanh thép khẳng định chủ quyền độc lập dân tộc cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân Đại Việt.

Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

Dịch nghĩa:

Sông núi nước Nam vua Nam ở, 

Rành rành định phận tại sách trời, 

Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm? 

Chúng bây sẽ bị đánh tơi bời.

Năm Ất Tỵ  1785: Trận thuỷ chiến Rạch Gầm - Xoài Mút lẫy lừng trong lịch sử 

Trận Rạch Gầm – Xoài Mút là một trận chiến lớn trên khúc sông Tiền và sông Hậu diễn ra vào đêm 19 rạng sáng ngày 20 tháng 1 năm 1785 giữa quân Tây Sơn đánh liên quân Xiêm - Nguyễn . Chỉ trong vòng một ngày đêm, khoảng 3 vạn quân Tây Sơn đã giao chiến và đánh tan 5 vạn quân Xiêm - Nguyễn, bảo vệ được chủ quyền của Đại Việt tại vùng Nam Bộ trước đội quân viễn chinh Xiêm La (nay là Thái Lan) do Nguyễn Ánh cầu viện.

Đó là một chiến công lớn, oanh liệt đầu tiên của nhân dân miền Nam, bất chấp những khó khăn, phức tạp của hoàn cảnh lịch sử và sự phản bội của bè lũ phong kiến trong nước do Nguyễn Ánh dẫn đường và được các thế lực phong kiến phản động bên trong, nhất là tầng lớp đại địa chủ ở Gia Định ủng hộ.

Từ chiến thắng Rạch Gầm Xoài Mút nơi đất Mỹ Tho thế và lực của quân Tây Sơn ngày càng lớn mạnh để sau này thanh thế mở rộng ra đến Phú Xuân, Bắc Hà, tạo điều kiện về sau đất nước được thống nhất thành hình chữ S hoàn chỉnh ở triều đại nhà Nguyễn.

Năm 1929 Kỷ Tỵ: Ba tổ chức cộng sản ra đời

Vào cuối thập niên 1920, đầu thập niên 1930 đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của phong trào yêu nước, cách mạng và sự truyền bá của tư tưởng chủ nghĩa Marx - Lenin ở Việt Nam và thế giới. Năm 1929, các phong trào công nhân, phong trào nông dân và các tầng lớp khác trở thành một làn sóng cách mạng dân tộc, dân chủ trong đó giai cấp công nhân đã trở thành lực lượng tiên phong. Từ đó đòi hỏi cần một chính Đảng vô sản lãnh đạo. 

Tháng 3/1929, tại số nhà 5D Hàm Long, Hà Nội. Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam được thành lập, 7 đảng viên là những người con ưu tú nhất của giai cấp công nhân Việt Nam gồm: Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Đỗ Ngọc Du, Trịnh Đình Cửu, Trần Văn Cung, Dương Hạc Đính, Kim Tôn, do Trần Văn Cung làm bí thư chi bộ. 

Hội Việt Nam cách mạng thanh niên - một tổ chức tiền thân của Đảng cộng sản Việt Nam đã có vai trò tích cực thúc đẩy phong trào cách mạng phát triển, song không còn thích hợp trước sự phát triển của phong trào. Tháng 5 năm 1929, Sau Đại hội toàn quốc Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên họp ở Hương Cảng (Hồng Kông), đoàn đại biểu Bắc Kỳ do đại biểu Ngô Gia Tự ra đề nghị giải tán Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Từ đó các tổ chức cộng sản lần lượt ra đời ở Việt Nam: 

- Đông Dương Cộng sản Đảng (tháng 6/1929): Thành lập tại Bắc Kỳ bởi một nhóm lãnh đạo cấp tiến của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.

- An Nam Cộng sản Đảng (tháng 8/1929): Thành lập tại Nam Kỳ từ các thành viên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.

- Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (cuối năm 1929): Thành lập tại Trung Kỳ bởi một nhóm lãnh đạo từ Tân Việt Cách mạng Đảng.

Ba tổ chức này tuy cùng mục tiêu cách mạng nhưng hoạt động riêng lẻ, cạnh tranh lẫn nhau, dẫn đến sự phân tán lực lượng. Điều này thúc đẩy Nguyễn Ái Quốc và Quốc tế Cộng sản chủ trì việc hợp nhất các tổ chức, dẫn đến sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào  ngày 3/2/1930.

Năm Tân Tỵ 1941: Bác Hồ về nước, trực tiếp chỉ đạo cách mạng

Năm 1941 Tân Tỵ được đánh dấu là năm có hai sự kiện nổi bật:

Thứ nhất: Ngày 28 tháng 1 năm 1941 là thời khắc vô cùng trọng đại với tiến trình lịch sử vẻ vang của dân tộc. Sau 30 năm bôn ba các nước khắp năm châu. Mùa xuân năm Tân Tỵ Nguyễn Ái Quốc đã bí mật trở về nước qua ngả biên giới Việt Trung thuộc Pắc Pó (Hà Quảng - Cao Bằng) ngày nay. Tại đây, Bác bắt tay vào việc xây dựng căn cứ tổ chức đoàn thể cứu quốc và chuẩn bị  Hội nghị của Ban chấp hành Trung Ương Đảng. Bác tiếp tục mở các lớp tập huấn về công tác Đảng, công tác quân chúng. Tư liệu huấn luyện là dịch từ cuốn “Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô”. Sự kiện đó đã đáp ứng đòi hỏi khách quan của phong trào cách mạng trong nước, sự phát triển của tiến trình lịch sử đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc Việt Nam và cả đối với các dân tộc bị áp bức trên thế giới. 

Thứ hai: Đầu năm Ất Tỵ 1941, trước những thay đổi mạnh mẽ của tình hình trong nước và những biến động to lớn trên thế giới. Ở trong nước các cuộc khởi nghỉa Bắc Sơn, Nam Kỳ, Đô Lương tuy thất bại nhưng đã gây tiếng vang lớn báo hiệu một khí thế mới cho phong trào cách mạng Việt Nam.

Từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941, tại Khuổi Nậm, Pác Bó, Cao Bằng, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị lần thứ tám Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Theo sáng kiến của Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị đã quyết định thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi mang tên Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh). Hội nghị nêu rõ: Khởi nghĩa là nhiệm vụ trung tâm và quyết định lấy cờ đỏ sao vàng năm cánh làm cờ của Mặt trận Việt Minh và sẽ là cờ của Tổ quốc khi giành được chính quyền. Ngày 19/5/1941, Mặt trận Việt Minh trở thành nhân tố quan trọng góp phần vào cuộc thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám lịch sử năm 1945, giành chính quyền về tay nhân dân. 

Năm Tân Tỵ 2001: Đại hội lần thứ IX của Đảng Cộng sản Việt Nam là Đại hội "Trí tuệ, Dân chủ, Đoàn kết, Đổi mới”

Đại hội lần thứ IX của Đảng Cộng sản Việt Nam là Đại hội "Trí tuệ, Dân chủ, Đoàn kết, Đổi mới”.  Đại hội có ý nghĩa lịch sử trọng đại, thể hiện ý chí kiên cường và niềm hy vọng lớn lao của cả dân tộc Việt Nam vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đại hội đánh dấu chặng đường 15 năm đổi mới và 10 năm thực hiện Chiến lược kinh tế - xã hội 1991 - 2000, là Đại hội đầu tiên của Đảng trong thế kỷ XXI hứa hẹn những tầm cao mới, những thành tựu mới. 

Đại hội đã vạch ra kế hoạch 5 năm 2001-2005 quyết định phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế xã hội là:

- Đưa đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển.

- Nâng cao rõ rệt đời sống vật chất và tinh thần nhân dân.

- Tạo nền tảng để đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Đại hội kế thừa và phát triển thành quả của các đại hội trước, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nền kinh tế tri thức nhằm phát huy nội lực và tăng cường hội nhập, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Năm Ất Tỵ 2025: Mở ra Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam

Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá để về đích để thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước: kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng, 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm thành lập Nước và là năm tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc.

Dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức, tác động trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Thành phố tiếp tục thực hiện chủ đề công tác năm 2025 là năm “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ những khâu yếu, việc khó; quyết liệt, sâu sát trong công tác chỉ đạo, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội.

Ngoài ra, năm 2025 là năm cụ thể hóa Luật Thủ đô và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Đây là những căn cứ pháp lý đặc biệt quan trọng để Thủ đô chúng ta phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài. 

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Huyện Phúc Thọ trọng thể tổ chức Lễ dâng hương tượng niệm 1982 năm ngày giỗ Hai Bà Trưng tại Di tích Quốc gia đặc biệt Đền Hát Môn, sáng 3/4 (tức mùng 6/3 âm lịch).

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao tổ chức Triển lãm Mỹ thuật nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày đất nước thống nhất.

Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ tư năm 2025 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sẽ diễn ra trên toàn quốc từ ngày 15/4 đến ngày 2/5.

Các hoạt động với chủ đề “Sắc màu văn hoá các dân tộc Việt Nam” sẽ diễn ra từ ngày 1/4 - 4/5 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

Tái hiện lại lịch sử qua những câu chuyện và những tác phẩm nghệ thuật đang được nhiều di tích của Hà Nội thực hiện khá thành công, tạo được dấu ấn trong lòng du khách.

Lễ hội chùa Thầy năm 2025 được tổ chức từ ngày 2 đến ngày 4/4 (tức từ mùng 3 đến hết mùng 7/3 âm lịch) với những nghi lễ truyền thống, độc đáo, đặc sắc.