Lên nương mùa Xuân
Hôm nay đã là mùng 6 Tết Giáp Thìn. Sau những ngày nghỉ dài, mọi người đã bắt đầu trở lại với công việc. Hôm nay, mời bạn cùng Hường và Phương Lan lên nương mùa xuân.
Hồi tôi còn nhỏ, gia đình tôi tự khai hoang một thung lũng để làm nương. Công việc hàng ngày của anh em chúng tôi là một buổi đi học và một buổi lên nương. Kể cả những ngày sau Tết cũng không ngoại lệ.
Chúng tôi nhớ như in những ngày lên nương sau Tết. Tầm mồng 5, mồng 6 Tết, sau mấy ngày Tết, mọi việc lại quay trở lại guồng quay cũ. Tư tưởng nghỉ ngơi của mấy ngày Tết vẫn còn vương vấn nên để hối thúc các con lên nương, bố mẹ tôi đã phải mất khá nhiều công sức, kết hợp cả dỗ dành lẫn ra lệnh. Tự động viên mình vượt qua tâm trạng chán nản, chúng tôi tay cuốc tay dao, dắt nhau lên đường.

Con đường lên nương hàng ngày lác đác người đi chăn bò chăn trâu, người đi làm nương rẫy, người đi lấy củi, giờ vắng hoe vắng hoắt. Sương sớm mù mịt lối đi. Các ngọn núi ngày thường xanh rì giờ biến mất sau những tấm màn trắng phau. Các ngọn cỏ đẫm sương quệt vào chân lạnh buốt.
Anh em tôi đi sát gần nhau, lặng lẽ đi theo thói quen và đường quen bởi cách nhau vài bước chân là không thấy người đằng trước, không thấy gì ngoài một màu bàng bạc. Trò chơi trên đường đi là hà hơi thổi khói, vừa giết thời gian vừa làm ấm người khá hiệu quả.
Trải qua một quãng đường dài dằng dặc, qua một con dốc cao thì chúng tôi vào đến nương của mình. Đó là phần đất trũng, xung quanh là các ngọn núi sừng sững. Trên các ngọn núi đó có các hang miệng há hốc, tối om, chưa ai từng đặt chân đến, chúng tôi hay tưởng tượng có những con yêu tinh sống trong đó, bất cứ lúc nào chúng cũng có thể sà xuống bắt chúng tôi mang về. Lúc đó anh em chúng tôi không nói với nhau chuyện đó, chỉ sau này lớn lên, có dịp ngồi ôn lại chuyện xưa, cuối cùng ai cũng thú nhận là có suy nghĩ đó.
Thung lũng này đất rất tốt, nhiều lớp mùn nên cây cối trồng cứ tốt um lên mặc dù quanh năm ngày tháng không hề bón bất cứ một loại phân nào. Cây ngô cao quá đầu người, các bắp ngô to như bắp tay. Cây lạc cao cả mét, củ sai lúc lỉu. Các hốc củ dong phát triển hết cỡ mỗi hốc có đến mươi cân củ. Sắn dây củ vừa to vừa dài, có những củ dài bằng chiếc đòn gánh, to bằng bắp chân. Trồng cấy ở nương không mất nhiều chi phí, ngoài tiền giống và công sức, nhưng bất cứ cây trồng nào cũng bội thu. Nhờ cái nương này mà gia đình tôi tuy đông con nhưng không quá khó khăn, thiếu thốn.
Vừa vào đến nương, mẹ tôi sẽ tìm một ụ đất cao, kiếm tảng đá bằng phẳng đặt lên trên cùng. Sau đó mẹ sẽ đặt bánh chưng, giò chả, hoa quả, bánh kẹo lên tảng đá. Mọi việc mẹ làm đều rất chậm rãi, trang trọng. Sau đó mẹ sẽ thắp hương lầm rầm khấn vái. Mẹ bảo anh em chúng tôi đều phải khấn vái. Lúc đó tôi không biết mẹ khấn những gì, còn tôi, mối bận tâm duy nhất của tôi lúc đó là làm sao để không bị con quỷ trong hang bắt đi.
Thắp hương khấn vái xong, mẹ bắt đầu phân công công việc cho chúng tôi. Người thì đi phát cỏ xung quanh chân núi để ngăn chuột, sóc phá ngô, đào khoai sắn, người thì đi vơ cỏ khô đốt đuổi muỗi, người lại đi vun ngô, vun lạc... Lúc bắt đầu đi thì rất ngại nhưng khi đã vào đến nương, anh em chúng tôi ai cũng hăng hái, chăm chỉ làm việc. Mọi người làm không nghỉ, chỉ nghe những tiếng phát cây, rẫy cỏ xoàn xoạt khắp nơi.

Đến khi màn sương mỏng đã tan hết, mặt trời lấp ló sau đám mây trên đỉnh đầu, mẹ gọi anh em chúng tôi nghỉ tay, quây quần trên những tấm lá chuối trải trên mặt đất. Mẹ bày những thứ vừa được đem cúng và các thức ăn khác mang theo, giục chúng tôi ăn trưa. Chúng tôi đói cồn cào, mải miết làm mà không để ý thời gian, giờ nhìn mâm thức ăn bày biện đơn giản mà thấy ngon lành làm sao. Mới hôm qua thôi còn nghĩ sẽ không ăn nổi miếng bánh chưng nào nữa, vậy mà giờ nhìn đĩa bánh chưng như nhìn thấy cao lương mĩ vị. Chúng tôi ngấu nghiến ăn. Trong khung cảnh núi rừng mùa xuân, lác đác mấy cành đào đang trổ hoa rực rỡ, thấy những món ăn trở nên ngon lành đến khó tả. Mẹ âu yếm nhìn chúng tôi ăn uống như tằm ăn rỗi. Chắc mẹ cảm thấy vui lắm.
Tôi chưa bao giờ quên cái cảm giác của những bữa ăn trên nương sau Tết đó. Dường như lúc đó mới thực sự là ăn Tết. Lúc đó mới thấy tiếc Tết qua quá nhanh, mới thấy trước đó mình đã lãng phí đồ ăn khi ăn uống với một cảm giác chán ngán, ăn mà không cảm thấy ngon, không cảm thấy mình đang thưởng thức đồ ăn. Lúc đó mới cảm nhận được rằng bố mẹ đã đúng khi để các con trải nghiệm ăn uống sau Tết như thế. Chỉ có như vậy chúng tôi mới biết quý những gì mình khó khăn vất vả mới đạt được. Ăn khi hoàn thành công việc, ăn khi đói ngấu, lúc đó mới thực sự là ăn./.


Thỉnh thoảng lúc rảnh rỗi, có người thường xem lại quyển sổ chép thơ mà cô đã viết tay một thời, hoặc mở máy laptop, mở điện thoại, nghe lại những bài nhạc yêu thích. Cô thích nhất là lắng nghe âm thanh quen thuộc từ những tình khúc bất hủ của Trịnh Công Sơn. Những lúc như vậy, cô lại tự hỏi mình: Ta là ai trong cuộc đời này?
Mỗi khi đến tiết Thanh minh, trong tâm thức của nhiều người lại nhớ về những ngày thơ bé hạnh phúc, được cùng ba mẹ làm món bánh trôi để đón Tết Hàn thực. Dẫu chỉ là món bánh đơn thuần nhưng đó lại là hương vị của đoàn viên.
"Thanh minh trong tiết tháng Ba/Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh" - tiết Thanh minh nhắc nhở người Việt Nam ta hướng về cội nguồn tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
Vào những ngày giữa tháng Ba, mùa xuân ấm áp khẽ khàng làm sáng bừng sắc đỏ rực rỡ của hoa gạo ở ven sông. Ở một nơi xa, có một người con lại thao thức nhớ sắc hoa gạo quê nhà.
Tháng Ba về, khi thời tiết ở Hà Nội dần trở nên ấm áp hơn, có người thường ra phố, tìm mua ít quả nhót từ gánh hàng của các chị bán rong trên phố. Dẫu không thích ăn chua nhưng chỉ cần nhìn thấy mấy quả nhót chín ứng đỏ như đôi má trẻ thơ khi gió xuân tràn về, lòng cô không khỏi nôn nao nỗi nhớ quê hương.
Trong những giận dỗi ngơ ngẩn của trẻ con, những suy bì hiếu thắng ngây ngô của tuổi trẻ, những giọt nước mắt tủi hờn uất ức của tuổi trưởng thành, cô ấy luôn có cha bên cạnh. Người như ngọn hải đăng soi đường chỉ lối cho cô giữa đêm tối mịt mùng.
0