Lễ tang Giáo hoàng Francis diễn ra thế nào?
Giáo hoàng Francis qua đời ngày 21/4 ở tuổi 88. Theo kế hoạch, hôm nay Giáo hoàng sẽ được an táng tại Rome. Lễ tang của ông dự kiến sẽ có sự tham dự của nhiều chức sắc từ khắp nơi trên thế giới, cũng như hàng chục nghìn tín đồ.
Lễ tang của Giáo hoàng Francis diễn ra khi nào và ở đâu?
Lễ tang sẽ được tổ chức tại Quảng trường Thánh Peter ở Rome lúc 10 giờ sáng giờ địa phương. Buổi lễ ngoài trời do Niên trưởng Hồng y đoàn Giovanni Battista Re chủ trì dự kiến sẽ có sự tham dự của các chức sắc từ 170 phái đoàn nước ngoài, cũng như hàng chục nghìn người dân muốn đến viếng Giáo hoàng Francis.
Khoảng 50.000 người đã tham dự lễ tang của Giáo hoàng Benedict, người tiền nhiệm của Giáo hoàng Francis. Buổi lễ cũng được tổ chức tại Quảng trường Thánh Peter, vào tháng 1/2023.

Trước thềm lễ tang của Giáo hoàng Francis, hàng chục nghìn người đã xếp hàng để tỏ lòng thành kính khi thi hài ông được quàn trong một chiếc quan tài gỗ mở tại Vương cung thánh đường Thánh Peter từ sáng 23/4. Đến sáng 25/4, hơn 130.000 người đã đến viếng Giáo hoàng.
Các nhà lãnh đạo nước ngoài và hoàng gia nào sẽ tham dự?
Tổng thống Mỹ Donald Trump, người có chính sách về nhập cư và trục xuất hàng loạt từng bị cố Giáo hoàng chỉ trích, sẽ cùng với đệ nhất phu nhân Melania đến Rome để dự tang lễ.
Các nhà lãnh đạo khác dự kiến cũng sẽ tham dự bao gồm tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng Thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, Tổng thống Italy Sergio Mattarella và Thủ tướng Giorgia Meloni, Vua Tây Ban Nha Felipe và Hoàng hậu Letizia, Tổng thống Ireland Michael D Higgins và Thủ tướng nước này Micheál Martin; Thủ tướng Anh Keir Starmer, Hoàng tử Anh William, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa và Thủ tướng nước này Luís Montenegro.
Lãnh đạo các quốc gia Mỹ Latinh gồm Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva và Tổng thống Argentina Javier Milei. Argentina là quê hương của Giáo hoàng Francis. Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum sẽ không tham dự nhưng đã cử Bộ trưởng Nội vụ của nước này Rosa Icela Rodríguez đại diện.
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr, một trong những quốc gia có số tín đồ Công giáo lớn nhất thế giới, cũng sẽ có mặt tại Rome. Tổng thống Nga Vladimir Putin không tham dự mà cử Bộ trưởng Văn hóa Olga Lyubimova đại diện tham gia.
Trong số các nhà lãnh đạo đảng đối lập tham dự lễ tang Giáo hoàng có lãnh đạo đảng Nhân dân bảo thủ Tây Ban Nha Alberto Núñez Feijóo và chủ tịch đảng Tập hợp Quốc gia cực hữu Pháp Jordan Bardella. Bất chấp lập trường chống nhập cư của đảng mình, ông Bardella gần đây đã ca ngợi “sự quan tâm liên tục đến những người bị lãng quên và phẩm giá của những người dễ bị tổn thương nhất” của cố Giáo hoàng.
Các biện pháp an ninh nào được áp dụng?
Nhiều rào chắn đã được lắp đặt bên trong và bên ngoài Vương cung thánh đường Thánh Peter để kiểm soát đám đông. Các cuộc kiểm tra an ninh cũng được triển khai và nước đóng chai được phân phát cho những người tham dự lễ tang do thời tiết ấm áp.
Các cơ chế phòng thủ và an ninh hiện đại đã được triển khai trên khắp Rome và trên bầu trời thủ đô, bao gồm vũ khí chống máy bay không người lái, vùng cấm bay được tuần tra bằng máy bay chiến đấu và các công nghệ gây nhiễu tinh vi. Các đơn vị chống khủng bố và chống phá hoại cũng đã có mặt trên thực địa.

Vương cung thánh đường và khu vực xung quanh đang được hơn 2.000 cảnh sát tuần tra cho đến khi kết thúc mật nghị dự kiến diễn ra vào đầu tháng tới để chọn người kế nhiệm Giáo hoàng. 400 cảnh sát giao thông sẽ giúp quản lý việc di chuyển của các đoàn xe ngoại giao.
Lễ tang của Giáo hoàng Francis có giống những người tiền nhiệm?
Vào tháng 4/2024, Giáo hoàng Francis khi còn sống đã phê duyệt ấn bản cập nhật của sách nghi lễ dành cho tang lễ Giáo hoàng, tài liệu sẽ được sử dụng để hướng dẫn Thánh lễ an táng. Ấn bản thứ 2 của Ordo Exsequiarum Romani Pontificis (Nghi thức tang lễ cho Đức Giáo hoàng) đã giới thiệu nhiều điểm mới, trong đó có quy định về việc xử lý thi hài sau khi Giáo hoàng qua đời.
Theo đó, việc xác nhận cái chết sẽ được thực hiện trong nhà nguyện thay vì tại phòng nơi Giáo hoàng qua đời và thi thể sẽ được đặt vào quan tài ngay sau đó.
Theo truyền thống, các vị Giáo hoàng trước đây thường được an táng trong 3 lớp quan tài lồng vào nhau, làm từ gỗ bách, bằng chì và bằng gỗ sồi. Tuy nhiên, Giáo hoàng Francis chọn quan tài gỗ đơn giản, có lót kẽm bên trong.
Giáo hoàng cũng bãi bỏ truyền thống đặt thi hài Giáo hoàng trên bục cao - gọi là catafalque - tại Vương cung Thánh đường Thánh Peter để công chúng kính viếng. Thay vào đó, giáo dân sẽ được mời đến tiễn biệt khi thi hài Giáo hoàng nằm trong quan tài mở nắp.
Giáo hoàng Francis cũng là vị Giáo hoàng đầu tiên trong hơn một thế kỷ được an táng bên ngoài Vatican theo nguyện vọng cá nhân. Ông sẽ yên nghỉ tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả, một trong 4 đại vương cung thánh đường của Giáo phận Rome.
Giáo hoàng Francis sẽ được chôn cất ở đâu?
Việc Giáo hoàng Francis chọn nơi chôn cất đánh dấu một bước đột phá khác với truyền thống. Hầu hết các Giáo hoàng đều quyết định được chôn cất trong các hang động bên dưới Nhà thờ Thánh Peter. Nhưng thay vào đó, Giáo hoàng Francis đã chọn Vương cung thánh đường Santa Maria Maggiore, còn được gọi là Vương cung thánh đường Giáng sinh, ở khu phố Esquilino của Rome, nằm bên ngoài Vatican.
Đền thờ Đức Mẹ, nơi lưu giữ một biểu tượng nổi tiếng của Đức mẹ Maria và thánh tích của máng cỏ nơi Chúa Jesus hài đồng được đặt nằm, là địa điểm yêu thích của Giáo hoàng Francis và ông thường cầu nguyện ở đó trước và sau các chuyến đi nước ngoài. “Như tôi đã luôn hứa với Đức Mẹ, nơi này đã được chuẩn bị sẵn sàng”, ngài nói trong một cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình Mexico hai năm trước. “Tôi muốn được chôn cất tại Santa Maria Maggiore vì đó là lòng sùng kính lớn lao của tôi”.
Giáo hoàng Francis yêu cầu được chôn cất “dưới lòng đất, không có đồ trang trí đặc biệt” nhưng phải khắc tên giáo hoàng của ngài bằng tiếng Latin: Franciscus. Sau khi lễ tang kết thúc, quan tài của Giáo hoàng Francis sẽ được rước đến Santa Maria Maggiore.
Toà thánh Vatican thông báo rằng mọi người sẽ có thể đến thăm mộ của Giáo hoàng Francis tại Vương cung thánh đường từ sáng 27/4.
Điều gì xảy ra tiếp theo?
Lễ tang sẽ đánh dấu sự khởi đầu của Novemdiales – 9 ngày để tang và cầu nguyện cho linh hồn của Giáo hoàng Francis. Sau đó, mọi người sẽ tập trung vào việc lựa chọn người kế nhiệm ông
Mật nghị được tổ chức để bổ nhiệm một giáo hoàng mới thường bắt đầu từ 15 đến 20 ngày sau khi giáo hoàng trước qua đời. Sau khi tập trung tại Nhà nguyện Sistine, 135 hồng y cử tri – những hồng y dưới 80 tuổi – sẽ tuyên thệ giữ bí mật tuyệt đối và bắt đầu thảo luận. Sau mỗi vòng bỏ phiếu kín, các lá phiếu sẽ bị đốt cháy và hóa chất sẽ được thêm vào để nhuộm khói thành màu đen hoặc trắng. Khói đen bốc lên từ ống khói cao 60ft (18,2m) thông báo cho công chúng biết rằng cuộc bỏ phiếu đã không có kết quả rõ ràng. Khói trắng có nghĩa là 1,4 tỷ người Công giáo trên thế giới đã có một giáo hoàng mới.
Ai sẽ kế nhiệm Giáo hoàng Francis?
Như bộ phim Conclave gần đây đã cho thấy, việc dự đoán vị giáo hoàng tiếp theo không phải là vấn đề đơn giản. Francis – vị giáo hoàng đầu tiên của Dòng Tên – và cũng là Giáo hoàng đầu tiên đến từ Mỹ Latin là một sự lựa chọn bất ngờ. Đây là một sự thật mà vị giáo hoàng người Argentina đã thừa nhận ngay khi ông nói đùa rằng các hồng y đồng nghiệp của ông đã phải “đi đến tận cùng trái đất” để tìm một giám mục mới cho Rome.
Hiện một số ứng cử viên có khả năng trở thành người kế nhiệm Giáo hoàng Francis gồm Hồng y cấp tiến người Italy Matteo Zuppi, Hồng y Pietro Parolin - Bộ trưởng Ngoại giao Vatican, và Hồng y Luis Antonio Tagle đến từ Philippines.


Lễ tang của Giáo hoàng Francis diễn ra tại Quảng trường Thánh Peter ở Vatican vào lúc 10h sáng 26/4 (giờ địa phương).
Khoảng 250.000 giáo dân đã đến viếng Giáo hoàng Francis tại Vương cung Thánh đường Thánh Peter trong ba ngày qua. Đêm 25/4, Vatican kết thúc hoạt động viếng linh cữu Giáo hoàng.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận rằng, Kiev không có đủ vũ khí để giành lại quyền kiểm soát bán đảo Crimea - nơi đã bị sáp nhập vào Nga từ năm 2014.
Linh cữu của Giáo hoàng Francis đã được niêm phong vào tối 25/4 để chuẩn bị cho lễ tang sẽ diễn ra vào khoảng 15h chiều nay (26/4) theo giờ Việt Nam. Nhà chức trách Italy dự báo, khoảng 200.000 người sẽ có mặt tại Quảng trường Thánh Peter để tiễn đưa Giáo hoàng. Nhiều nhân vật nổi tiếng, gồm cả Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh Keir Starmer và Hoàng tử William đã xác nhận sẽ tham dự sự kiện.
Ukraine hy vọng Mỹ sẽ cấp cho nước này sự hỗ trợ an ninh dài hạn theo mô hình mối quan hệ giữa Washington và Israel.
Phía Nga khẳng định cuộc gặp gỡ kéo dài 3 tiếng giữa đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Steve Witkoff và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã diễn ra trong bầu không khí mang tính xây dựng, giúp thu hẹp bất đồng giữa Moscow và Washington về vấn đề Ukraine.
0