Lầu Năm Góc xem xét rút 10.000 quân khỏi Đông Âu
Các đơn vị nằm trong kế hoạch rút quân là một phần trong số 20.000 nhân sự mà chính quyền cựu Tổng thống Biden triển khai vào năm 2022 nhằm tăng cường phòng thủ cho các quốc gia giáp biên giới với Ukraine, sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự năm 2022. Con số cụ thể vẫn đang được thảo luận, song nguồn tin cho biết, đề xuất có thể bao gồm việc rút tới một nửa lực lượng do ông Biden cử đến.
Các cuộc thảo luận nội bộ về việc giảm sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Romania và Ba Lan diễn ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Mỹ và Nga đang được thúc đẩy.
Nếu Lầu Năm Góc chính thức rút quân, điều này sẽ làm dấy lên mối lo ngại rằng Mỹ đang từ bỏ các đồng minh lâu năm ở châu Âu, những nước vốn coi Nga là mối đe dọa ngày càng gia tăng.

Seth Jones, Phó chủ tịch cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định, Nga sẽ đánh giá việc thu hẹp quy mô lực lượng của Mỹ ở sự suy yếu của khả năng răn đe và điều này sẽ làm tăng mong muốn can thiệp theo nhiều cách khác nhau trên khắp châu Âu.
Chính quyền Tổng thống Trump từng tuyên bố rằng, họ muốn các đồng minh châu Âu chịu trách nhiệm nhiều hơn trong vấn đề quốc phòng.
Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng hồi tháng 2, ông Pete Hegseth phát biểu tại Brussels rằng, những thực tế chiến lược khắc nghiệt ngăn cản Mỹ tập trung chủ yếu vào an ninh của châu Âu và thay vào đó, Mỹ sẽ tập trung vào việc bảo vệ biên giới phía Nam.
Ông Elbridge Colby, người dự kiến sắp được Thượng viện xác nhận là cố vấn chính sách hàng đầu của Lầu Năm Góc, kêu gọi tập trung nhiều hơn vào Trung Quốc. Ông Colby đã phản đối việc dành nhiều nguồn lực hơn cho Ukraine và kêu gọi cắt giảm số lượng quân đội ở châu Âu.
Thượng nghị sĩ Roger Wicker, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện chỉ trích cách tiếp cận đó tại phiên điều trần hôm thứ 3/4. "Có một số người tin rằng bây giờ là lúc phải giảm mạnh sự hiện diện quân sự của chúng ta ở châu Âu", ông Wicker nói, nhưng không cung cấp bất kỳ chi tiết nào.
"Tôi lo ngại về những quan điểm sai lầm và nguy hiểm sâu sắc của một số viên chức cấp trung trong Bộ Quốc phòng. Họ đã nỗ lực theo đuổi việc Mỹ rút lui khỏi châu Âu và họ thường làm như vậy mà không phối hợp với Bộ trưởng Quốc phòng", ông Wicker nói thêm, nhưng không nêu tên các viên chức.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Brian Hughes cho biết trong một tuyên bố với NBC News: "Tổng thống liên tục xem xét các đợt triển khai và ưu tiên để đảm bảo duy trì chính sách Nước Mỹ trên hết".
Khi Lầu Năm Góc phải cắt giảm ngân sách dưới thời Tổng thống Trump, việc thu hẹp sự hiện diện của quân đội Mỹ tại châu Âu được nhận định sẽ giải phóng nguồn lực để tập trung hơn cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đây là khu vực mà các quan chức chính quyền cho biết họ coi là ưu tiên chiến lược cao hơn. Việc hủy bỏ kế hoạch triển khai các đơn vị chiến đấu đến Đông Âu cũng giúp quân đội Mỹ tiết kiệm ngân sách, trong bối cảnh các lực lượng đang cố gắng thúc đẩy đầu tư vào thiết bị và vũ khí tiên tiến.

Vào tháng 3, cựu chỉ huy Quân đội Mỹ tại châu Âu, tướng Ben Hodges cho rằng, việc rút quân của Mỹ chỉ là vấn đề thời gian. Theo ông Hodges, Lầu Năm Góc tài trợ cho các quân nhân ở châu Âu theo ba chương trình: Ngân sách thường xuyên, Sáng kiến răn đe châu Âu (EDI) và các quỹ đặc biệt dành cho Ukraine. Tuy nhiên nguồn lực cho các chương trình này sắp cạn kiệt.
Hồi tháng 2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth khẳng định rằng, Mỹ vẫn chưa có kế hoạch giảm sự hiện diện quân sự tại châu Âu. Hiện Mỹ có khoảng 80.000 quân nhân đang đồn trú tại châu Âu.
Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine năm 2022, các nhà lập pháp từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều ủng hộ sự hiện diện quân sự mạnh mẽ của Mỹ dọc theo sườn phía Đông của NATO, coi đó là một tín hiệu quan trọng gửi tới Tổng thống Putin rằng Mỹ vẫn cam kết bảo vệ các quốc gia biên giới.
Tuy nhiên, trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump đã hứa sẽ nhanh chóng chấm dứt xung đột và hiện đang thúc đẩy lệnh ngừng bắn. Quan điểm của ông Trung đối với Ukraine gần như khác hẳn với người tiền nhiệm Biden - người tuyên bố cung cấp vũ khí và các viện trợ khác cho Kiev cho đến khi nào đạt được thắng lợi.
Ông Trump đã gây áp lực buộc Ukraine phải nhượng bộ ngay từ đầu. Ông đã đình chỉ viện trợ quân sự và tình báo ở thời điểm một tuần sau cuộc tranh luận gay gắt với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Tổng thống Trump cũng không đưa ra cam kết cụ thể nào về viện trợ quân sự của Mỹ trong tương lai.
Theo một báo cáo tình báo của Đan Mạch được công bố vào tháng 2, Nga đang theo đuổi chương trình tái thiết và cải cách quân đội, bao gồm hiện đại hóa trang thiết bị và tăng cường sản xuất vũ khí. Báo cáo cho biết, nếu chiến sự ở Ukraine kết thúc hoặc bị đóng băng trong một thỏa thuận ngừng bắn, Nga có thể tiến hành một cuộc chiến quy mô lớn ở Đông Âu trong vòng năm năm tới nếu NATO không tăng cường phòng thủ.


Một máy bay trực thăng đã rơi xuống sông Hudson, ngay gần Manhattan, New York (Mỹ) khiến 6 người trên khoang thiệt mạng vào rạng sáng 11/4 (theo giờ Việt Nam).
Hàng chục thành phố trên khắp Ấn Độ đã ghi nhận mức nhiệt vượt ngưỡng 40 độ C trong những ngày qua.
Chứng khoán Mỹ đã có phiên giao dịch ngày 10/4 chìm trong sắc đỏ khi ba chỉ số chính đều đồng loạt lao dốc sau đợt phục hồi mạnh trước đó.
Chứng khoán Mỹ phiên giao dịch ngày 10/4 đồng loạt lao dốc sau khi tăng mạnh do tuyên bố hoãn áp thuế quan của Tổng thống Donald Trump.
Trung Quốc cho biết sẽ ngay lập tức hạn chế nhập khẩu phim Hollywood nhằm đáp trả quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc tăng mạnh thuế đối với hàng hóa Trung Quốc.
Nhà Trắng vừa xác nhận, hàng hóa từ Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ hiện phải chịu tổng mức thuế ít nhất là 145%.
0