Lắng tiếng chuông ngân
Tiếng chuông chùa trầm ấm, tiếng nhặt tiếng khoan mang cái tâm của người thỉnh chuông. Trong tâm có chuông thì tiếng chuông mới tròn trịa vang rền, trong tâm không có chuông dẫu có tu Phật cũng không thành. Tiếng chuông từ trong mà vọng ra ngoài.
Tiếng chuông nhà thờ giục giã, lảnh lót, ngân vang. Tiếng chuông từ ngoài mà giục vào trong, mời gọi thức tỉnh. Nhưng dù có khác nhau đi nữa thì tiếng chuông chùa hay nhà thờ cũng đều hướng con người tìm đến an nhiên, tỉnh giác, hướng lành tránh dữ.
Đã hơn mười năm nay, tôi về xóm đạo. Một xóm đạo nhỏ có lưng tựa vào núi và mặt quay về phía biển. Giữa xóm đạo là ngôi thánh đường với ngọn tháp chuông cao vút để mỗi tiếng chuông ngân lên mọi người trong xóm đạo đều có thể nghe thấy.
Tiếng chuông nhà thờ từ lâu đã gắn liền với sinh hoạt của người dân xóm đạo nơi đây. Từ cụ già râu tóc bạc phơ đến đứa trẻ thơ trong độ tuổi đến trường. Mỗi sáng, khi ngọn đèn đường còn chưa kịp tắt, tiếng côn trùng còn réo rắt phía xa xa thì tiếng chuông vang lên. Boong bing boong…boong bing boong...

Cụ già ngồi dậy pha ấm trà, nhấp vài ngụm cho ấm lòng, trước khi khoác lên mình chiếc áo tươm tất mà bước đến nhà thờ kịp giờ kinh lễ. Người phụ nữ đi ra chợ sớm cùng với gánh rau quê, rồi lật đật trở về lo việc đồng áng. Người tranh thủ đi quãng đường xa để kịp giờ làm. Đứa học trò ham ngủ còn cố nán lại, dẫu bên tai là tiếng chuông réo rắt, tiếng mẹ cằn nhằn.
Tiếng chuông sáng bắt đầu cho một ngày mới.
Và khi những áng mây chậm rãi trôi về phía trời tây, tia nắng cuối đường vẫy gọi thì tiếng chuông lại một lần nữa vang lên báo hiệu kết thúc một ngày. Lớp người lại trở về sau những bộn bề, hối hả.
Rồi những tiếng chuông đêm ngân vang trong những ngày lễ trọng đại. Tiếng chuông thúc giục, mời gọi giáo dân về ngôi thánh đường của ngày lễ Giáng sinh. Tiếng chuông hoan hỉ của ngày lễ Phục sinh. Tiếng chuông linh thiêng thời khắc giao thời của năm mới và cũ. Tiếng chuông mừng vui cho người được rửa tội, đôi trẻ thành vợ thành chồng.

Lại có những tiếng chuông vang lên một cách không bình thường, lúc nắng còn vương hay đêm sương vắng vẻ. Tiếng chuông buồn báo hiệu có người vừa rời xa trần thế. Lắng tai nghe để biết chuông vừa ngân bao nhiêu tiếng. Bảy tiếng là nam. Chín là nữ. Rồi lại nghĩ ai đó vừa mới nghe tiếng chuông, đang dõi mắt về ngôi thánh đường với tràng chuỗi hạt trên tay mà dâng vài câu kinh nguyện cho người vừa khuất.
Tiếng chuông cũng là lời cảnh tỉnh để mọi người biết rằng cuộc sống vốn dĩ mong manh và mỗi ngày ta sống nơi trần thế này cứ để niềm vui khỏa lấp nỗi buồn, dùng yêu thương mà xóa bỏ những tị hiềm. Cứ sống thật với chính mình để dù có một ngày nhắm mắt xuôi tay cũng không còn gì hối tiếc.
Vậy đấy! Tiếng chuông quen, gần, thân thuộc và ẩn chứa bên trong nhiều điều phải nghĩ.
Ở trong xóm đạo đã lâu, nghe mãi tiếng chuông đã thành quen thuộc. Boong bing boong… ngày hai lần rộn rã bên tai. Nhưng tiếng chuông ngân buổi sớm mai hơi vội vã không đủ thời gian để lòng lắng lại mà yêu nên tôi luôn dành những tiếng chuông chiều để cảm.
Boong bing boong... chuông chiều bảng lảng. Boong bing boong... chuông chiều vọng vang khắp nẻo xóm làng. Boong bing boong... Boong bing boong... chuông chiều không hối hả, đưa tôi về bên mái gia đình.


Tháng Ba khép lại bằng những ngày nồm ẩm, lạnh se sắt xen lẫn những cơn mưa phùn lê thê. Miền Bắc giao mùa như một cô gái đỏng đảnh, lúc nắng ấm dịu dàng, lúc lại trở mình hờn dỗi, để lại trong không gian hơi ẩm bức bối, khiến lòng người cũng chùng xuống theo những giọt mưa.
Thỉnh thoảng lúc rảnh rỗi, có người thường xem lại quyển sổ chép thơ mà cô đã viết tay một thời, hoặc mở máy laptop, mở điện thoại, nghe lại những bài nhạc yêu thích. Cô thích nhất là lắng nghe âm thanh quen thuộc từ những tình khúc bất hủ của Trịnh Công Sơn. Những lúc như vậy, cô lại tự hỏi mình: Ta là ai trong cuộc đời này?
Mỗi khi đến tiết Thanh minh, trong tâm thức của nhiều người lại nhớ về những ngày thơ bé hạnh phúc, được cùng ba mẹ làm món bánh trôi để đón Tết Hàn thực. Dẫu chỉ là món bánh đơn thuần nhưng đó lại là hương vị của đoàn viên.
"Thanh minh trong tiết tháng Ba/Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh" - tiết Thanh minh nhắc nhở người Việt Nam ta hướng về cội nguồn tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
Vào những ngày giữa tháng Ba, mùa xuân ấm áp khẽ khàng làm sáng bừng sắc đỏ rực rỡ của hoa gạo ở ven sông. Ở một nơi xa, có một người con lại thao thức nhớ sắc hoa gạo quê nhà.
Tháng Ba về, khi thời tiết ở Hà Nội dần trở nên ấm áp hơn, có người thường ra phố, tìm mua ít quả nhót từ gánh hàng của các chị bán rong trên phố. Dẫu không thích ăn chua nhưng chỉ cần nhìn thấy mấy quả nhót chín ứng đỏ như đôi má trẻ thơ khi gió xuân tràn về, lòng cô không khỏi nôn nao nỗi nhớ quê hương.
0