Làm nông dân
Chiều nay, Hường kể bạn nghe trải nghiệm của Phương Hạ làm nông dân trong phòng máy lạnh.
Nghiện gì cũng là tội nợ. Như nghiện làm vườn trên Facebook chẳng thể nào thôi ám ảnh đã đến giờ phải thu hoạch, nếu không thì hoa héo rũ, quả khô, cành gãy. Mất vốn mất lời thì tiếc ít, nhưng ngắm cái vườn tan hoang thì cám cảnh. Trồng một vườn rau, vườn hoa hay vườn quả cần đợi chờ một vài tiếng hoặc một vài ngày để cây đâm chồi nảy cành, ra hoa kết trái và chín quả. Đến khi mảnh vườn chín rực thì hăm hở thu hoạch mang về kho. Cái cảm giác làm nông dân sao mà mê mẩn.

Giống như hồi còn nhỏ, tôi theo mẹ ra đồng. Người lớn kéo chiếc cày bốn lưỡi cắm sâu vào đất đỏ tơi xốp sau những ngày mưa dầm dề. Tôi lũn cũn theo sau, tay hăm hở thả hạt giống vào giữa những luống cày, chân gạt đất, mơ màng nghĩ tới khi hạt mầm đội đất chui lên. Anh trai nửa lớn nửa nhỏ, nghe tiếng dế kêu là quăng cả cày. Anh lật từng cục đất trước đó mấy bữa lưỡi cuốc đã lật lên cho đất hả để tìm cho ra con dế than hay dế lửa đang phồng cánh gáy. Sau một cơn mưa theo mẹ ra đồng, những cái mầm trắng xanh mũm mĩm đã lấp ló. Những buổi làm cỏ vun gốc bón phân, những buổi nhìn hoa đậu phụng vàng ươm dưới nách lá. Cây bắp trổ cờ tim tím đợi gió tạt qua là hào phóng vung vãi phấn hoa, phất phơ những sợi râu non óng mướt mềm mại. Lúa trổ đòng thơm ngát rung rinh những hoa vàng li ti bám vào bông.
Hào hứng là khi luồn lách trong đám bắp cao vút, lá cứa vào người sột soạt ngứa, xước cả da để tìm những bắp ngô đầu mùa tròn mút đầu mút đuôi, bẻ giòn rụp một tiếng. Về luộc nồi bắp đầu mùa mà cả nhà vừa ăn vừa xuýt xoa ngon trước khi mang bán. Bí đỏ bí xanh vãi trong đám bắp cho mọc tự do, giờ quả đầy phấn trắng, nằm căng tròn giữa những gốc bắp như heo con no sữa. Nhổ túm đậu phộng lên rũ rũ đất, nhìn chùm củ hồng hào tươi ròng lột vỏ ăn ngay dù người ta dọa ăn đậu phộng sống sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng đậu phộng rất ngọt, béo ngậy làm tôi quên cả mùi đậu sống hăng xì, ăn một củ lại muốn tách vỏ củ nữa, càng ăn càng ghiền.

Bới vồng khoai gạt một lớp đất mỏng dưới đám dây bắt đầu vàng lá là cả một vừng củ lóc nhóc mập mạp. Tất cả đều tươi và căng tràn làm tôi thờ thẫn ngắm nghía, vui một niềm vui vừa trong trẻo vừa man dại khi tôi chạm tay vào tạo vật đẹp đẽ, no đủ mà đất đai đã nuôi dưỡng. Cả cây bồ quân nơi góc rẫy mà tôi và mẹ tranh thủ chút bóng mát để ăn trưa, nghỉ uống nước giữa buổi làm cũng giấu giếm được mấy chùm quả chín tím rịm. Khi tìm được vài chùm quả chín, tôi bóp mềm cho vào miệng cảm thấy cái vị chua chua, ngòn ngọt chan chát ấy sao mà ngon. Cái chùm bồ quân tôi hái được ở góc rẫy ngày ấy thơm ngon hơn bất cứ xâu bồ quân nào tôi mua sau này. Nó chỉ còn là trái bồ quân, không còn hương vị của đất, của nắng gió quạt qua giọt mồ hôi tôi mát rượi.
Giờ tôi làm người nông dân trên Facebook. Tôi cũng cày đất, trồng cây và thu hoạch. Lại thêm chăn bò, nuôi gà, hái quả. Làm nông dân trong phòng máy lạnh, chẳng có mưa gió bão bùng làm tôi lo lắng. Như một sớm mai, sau cơn mưa tầm tã, gió giật đùng đùng trên mái, con đường vào rẫy trơn lầy làm chiếc xe đạp của mẹ trượt lên trượt xuống, mình mẩy lấm bùn. Như người bước hụt, xót xa khi đứng nhìn vạt lúa sũng nước nằm ẹp xuống từng vũng. Còn lá bắp rách tan nát, cờ bắp ngả nghiêng mà sức người thì bất lực. Đống đậu đã nhổ chất cao ngồn ngộn kia không đập kịp, không phơi kịp là vài hôm nữa sẽ nứt củ, chòi ra những cái mầm non mởn. Ở những trái bắp khô múp đầu tới nứt vỏ, những hạt bắp hở ra tròn căng sẽ mọc vội từng chùm rễ trắng tinh, trắng đến quặn lòng. Còn gì thu được thì thu, còn gì hái được thì hái. Thu hái vội vàng giữa những tiếng thở dài dù có to tới mấy cũng không bật nổi thành âm thanh vì đất trời mênh mông, mà người tôi thì nhỏ bé. Nỗi thất vọng, tiếc nuối và cơn giận không biết trút vào đâu đành ngậm vào lòng, trôi ngược lên trán đọng lại thành nếp nhăn.

Làm nông dân trên Facebook, mấy ngày tôi đã trở thành Super Farmer. Tôi đủ tiền để mua villa, tậu năm bảy toà nhà, lập trường học, xây nhà kho, vườn hoa, bể bơi hay ghế đá. Chẳng bù cho mẹ làm nông dân bao năm đến mùa mang về nhà được đầy sập lúa, vài chục bao đậu, đống bắp khô ngổn ngang góc nhà đã rạng rỡ mặt mày. Năm đó tết đến tự cho mình quyền thảnh thơi đổ vài trăm bánh thuẫn, ra vườn nhổ mấy bụi gừng, lột mấy trái dừa làm mứt. Mẹ tôi làm nông dân vậy, mà bây giờ tôi lại nghiện làm nông dân./.


Thỉnh thoảng lúc rảnh rỗi, có người thường xem lại quyển sổ chép thơ mà cô đã viết tay một thời, hoặc mở máy laptop, mở điện thoại, nghe lại những bài nhạc yêu thích. Cô thích nhất là lắng nghe âm thanh quen thuộc từ những tình khúc bất hủ của Trịnh Công Sơn. Những lúc như vậy, cô lại tự hỏi mình: Ta là ai trong cuộc đời này?
Mỗi khi đến tiết Thanh minh, trong tâm thức của nhiều người lại nhớ về những ngày thơ bé hạnh phúc, được cùng ba mẹ làm món bánh trôi để đón Tết Hàn thực. Dẫu chỉ là món bánh đơn thuần nhưng đó lại là hương vị của đoàn viên.
"Thanh minh trong tiết tháng Ba/Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh" - tiết Thanh minh nhắc nhở người Việt Nam ta hướng về cội nguồn tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
Vào những ngày giữa tháng Ba, mùa xuân ấm áp khẽ khàng làm sáng bừng sắc đỏ rực rỡ của hoa gạo ở ven sông. Ở một nơi xa, có một người con lại thao thức nhớ sắc hoa gạo quê nhà.
Tháng Ba về, khi thời tiết ở Hà Nội dần trở nên ấm áp hơn, có người thường ra phố, tìm mua ít quả nhót từ gánh hàng của các chị bán rong trên phố. Dẫu không thích ăn chua nhưng chỉ cần nhìn thấy mấy quả nhót chín ứng đỏ như đôi má trẻ thơ khi gió xuân tràn về, lòng cô không khỏi nôn nao nỗi nhớ quê hương.
Trong những giận dỗi ngơ ngẩn của trẻ con, những suy bì hiếu thắng ngây ngô của tuổi trẻ, những giọt nước mắt tủi hờn uất ức của tuổi trưởng thành, cô ấy luôn có cha bên cạnh. Người như ngọn hải đăng soi đường chỉ lối cho cô giữa đêm tối mịt mùng.
0