Khủng hoảng kép từ chính sách nhập cư của ông Trump
Mỹ đẩy mạnh trục xuất người nhập cư bất hợp pháp
Bộ An ninh Nội địa Mỹ thông báo, hàng nghìn người nhập cư bất hợp pháp đã bị bắt giữ và trục xuất trong hai tuần đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump. Đây là một phần trong chính sách siết chặt nhập cư của chính quyền mới.
Theo số liệu của Bộ An ninh Nội địa, gần 8.800 người nhập cư trái phép đã bị bắt giữ và khoảng 5.700 người thuộc 121 quốc gia bị trục xuất trong khoảng thời gian này, trung bình là 626 người mỗi ngày. Chính quyền Trump cũng đẩy mạnh việc sử dụng máy bay quân sự để đưa người di cư hồi hương, đồng thời đe dọa áp thuế hoặc cắt trợ giúp nước ngoài đối với các quốc gia từ chối nhận lại công dân của mình.

Mới đây, ít nhất 104 công dân Ấn Độ đã bị trục xuất khỏi Mỹ trên một máy bay quân sự. Máy bay C-17 chở những người di cư, chủ yếu từ Gujarat, Maharashtra và Punjab, đã hạ cánh tại thành phố Amritsar, Ấn Độ vào chiều 5/2. Theo một quan chức Mỹ, đây là chuyến bay trục xuất dài nhất kể từ khi Washington triển khai máy bay quân sự để hồi hương người nhập cư bất hợp pháp. Nhiều người trong số họ đã bỏ ra số tiền lớn để đến Mỹ với hy vọng tìm kiếm cơ hội đổi đời, nhưng nhanh chóng bị bắt giữ và buộc phải quay về nước.

Theo Bộ An ninh Nội địa Mỹ, người nhập cư bất hợp pháp là những cá nhân không phải công dân Mỹ nhưng cư trú tại nước này mà không có giấy tờ hợp lệ. Họ có thể đã nhập cảnh trái phép hoặc hết hạn thị thực nhưng không rời đi đúng thời hạn. Hiện tại, có hơn 11 triệu người nhập cư bất hợp pháp tại Mỹ, trong đó gần một nửa là những người ở lại quá thời gian cho phép. Những cá nhân này có thể bị bắt giữ, tạm giam và trục xuất bất cứ lúc nào, đồng thời đối mặt với nguy cơ bị cấm nhập cảnh vĩnh viễn.
Để tránh bị phát hiện, nhiều người nhập cư bất hợp pháp buộc phải sống trong cảnh lẩn trốn, không thể đăng ký phúc lợi xã hội, đi học, thi bằng lái xe hay thậm chí trình báo cảnh sát khi xảy ra tranh chấp. Họ cũng chỉ có thể làm những công việc được trả lương bằng tiền mặt để tránh bị theo dõi. Trong bối cảnh chính quyền Trump đẩy mạnh trấn áp nhập cư trái phép, số lượng người bị trục xuất dự kiến sẽ tiếp tục tăng, tác động mạnh mẽ đến cộng đồng nhập cư bất hợp pháp tại Mỹ.
Hàng nghìn người di cư không giấy tờ bị mắc kẹt ở Mexico
Hàng nghìn người di cư không có giấy tờ, vốn hy vọng có thể được tị nạn tại Mỹ, hiện đang mắc kẹt tại Mexico khi chiến dịch trục xuất của Tổng thống Donald Trump ngày càng tăng tốc.
Trung tâm Hope, một nơi trú ẩn cho người di cư tại thành phố biên giới Juarez, Mexico, đã tiếp nhận hàng nghìn người không có giấy tờ trong hai năm qua. Nằm gần bức tường biên giới giữa Juarez (Mexico) và El Paso, Texas (Mỹ), ngôi nhà cũ này trở thành nơi tạm trú cho những ai mong muốn vượt qua biên giới vào đất nước cờ hoa.

Hiện tại, khoảng 60 người đang sống trong Trung tâm Hope. Hầu hết trong số họ đến từ Venezuela, một số đến từ các quốc gia Trung Mỹ và một vài người mới bị trục xuất khỏi Mỹ. Ít nhất một người trong số họ chỉ còn vài ngày nữa là tham gia cuộc phỏng vấn xin tị nạn tại Mỹ mà họ đã chờ đợi từ lâu.
“Hiện tại, con số này lên tới khoảng 30 nghìn người. Đó thực sự là một con số lớn. Họ đến đây, thường nghỉ ngơi trong hai hoặc ba ngày để sắp xếp lại suy nghĩ và rồi tiếp tục hành trình", Jose Ricardo Medina, người quản lý cơ sở này từ khi mở cửa hơn hai năm trước chia sẻ.
Trong chiến dịch tranh cử của mình, Tổng thống Trump đã cam kết sẽ tiến hành trục xuất người nhập cư bất hợp pháp trên diện rộng. Sau khi nhậm chức hôm 20/1, các hoạt động trục xuất của chính quyền Trump đã gia tăng tại một số nơi, chủ yếu tập trung vào những người phạm tội.
Tất cả những người di cư tại nơi trú ẩn này đều biết về chính sách trục xuất của Tổng thống Trump và chính sách này đã khiến họ phải suy nghĩ lại về kế hoạch nhập cảnh vào Mỹ mà không có giấy tờ hợp pháp.
Antonio Quintanilla, một thanh niên 25 tuổi từ Honduras đã di cư đến Mexico cách đây một năm với hy vọng tìm được một công việc lương cao ở Mỹ. Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã làm thay đổi hoàn toàn kế hoạch cuộc sống của anh.
"Chắc chắn đây là điều rất đáng lo ngại và tạo cảm giác bất lực. Tất cả chúng tôi ở đây đều cảm thấy bất lực. Chúng tôi sẽ làm gì? Chúng tôi có thể làm gì để thay đổi điều này?" Quintanilla chia sẻ.
Về thực tế là Tổng thống Trump coi tất cả người nhập cư không có giấy tờ như những kẻ tội phạm, Quintanilla cho rằng, hầu hết những người nhập cư đều là những người trung thực và chăm chỉ.
Biểu tình trên khắp nước Mỹ lên án kế hoạch trục xuất người nhập cư bất hợp pháp
Các thành phố trên khắp nước Mỹ đã chứng kiến các cuộc biểu tình hồi đầu tuần qua như một phần của phong trào "Ngày không có người nhập cư". Chiến dịch này nhằm phản đối kế hoạch trục xuất hàng loạt của Tổng thống Donald Trump.
Các tổ chức cộng đồng đã kêu gọi những người nhập cư và những người ủng hộ họ không đi làm, không đi học và không tham gia vào các hoạt động hàng ngày khác. Mục đích của phong trào là làm nổi bật những đóng góp quan trọng của lao động nhập cư, đặc biệt trong các ngành như nông nghiệp, với hy vọng thu hút sự chú ý đến những khó khăn mà cộng đồng người nhập cư đang phải đối mặt.

"Chúng tôi có cha mẹ không có giấy tờ và họ luôn bảo chúng tôi hãy là tiếng nói của họ", Melanie, một công dân Mỹ 20 tuổi, chia sẻ. Cô đã cùng em trai 15 tuổi, Eduardo, tham gia cuộc biểu tình gần Trump Tower ở Chicago để thể hiện sự ủng hộ với những người giống như cha mẹ cô.
"Những người nhập cư đã xây dựng nên nước Mỹ. Ai thu hoạch mùa màng cho bạn? Đó là những người nhập cư. Ai thu gom rác cho bạn? Đó là những người nhập cư. Họ là những người dọn dẹp văn phòng... Họ là những người đứng sau mọi thứ", Melanie nói.
Tại Chicago, các cuộc biểu tình đang diễn ra sôi nổi, thể hiện sự đoàn kết và quyết tâm bảo vệ quyền lợi của những người nhập cư và gia đình họ. Tuy nhiên, nỗi sợ hãi về kế hoạch trục xuất ngày càng gia tăng trong cộng đồng.
Mở rộng cơ sở giam giữ và tác động ngoại giao
Việc Mỹ mạnh tay trục xuất người nhập cư trái phép có thể tạo ra nhiều tác động đến quan hệ ngoại giao giữa Washington và các nước láng giềng.
Một trong những sáng kiến gây tranh cãi nhất của chính quyền Trump là kế hoạch mở rộng các cơ sở giam giữ tại Vịnh Guantanamo, nơi trước đây được sử dụng để giam giữ nghi phạm khủng bố. Ông Trump tuyên bố sẽ đưa hàng nghìn người nhập cư bị trục xuất đến đây, coi đây là một biện pháp nhằm ngăn chặn “tai họa tội phạm di cư” ở Mỹ.

Ngày 29/1, trong lễ ký kết Đạo luật Laken Riley, chính phủ Mỹ đã thông báo quy định mới về việc bắt giữ và trục xuất những cá nhân không có giấy tờ hợp lệ, ngay cả khi họ chưa bị kết án. Ông Trump biện minh rằng, nhiều người trong số này có hồ sơ tội phạm nghiêm trọng và việc Mỹ buộc phải giữ họ lại là một giải pháp để ngăn chặn rủi ro an ninh.
Tuy nhiên, quyết định này có thể ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và các quốc gia có công dân nhập cư trái phép vào Mỹ. Nhiều nước, đặc biệt là những nước có tỷ lệ công dân nhập cư cao, không muốn nhận lại người bị trục xuất, đặc biệt là những người từng phạm tội. Khi Colombia từ chối tiếp nhận công dân bị trục xuất và chỉ trích chính sách của Mỹ, ông Trump đã lập tức đe dọa áp thuế và hạn chế thị thực đối với nước này. Mặc dù sau đó Colombia phải chấp nhận các chuyến bay trục xuất, nhưng quan hệ song phương giữa hai nước đã bị ảnh hưởng đáng kể.
Tác động đến nền kinh tế Mỹ
Việc siết chặt nhập cư có thể gây ra những hậu quả lớn đối với nền kinh tế Mỹ. Người nhập cư không giấy tờ hiện đóng vai trò quan trọng trong nhiều ngành nghề như xây dựng, chăm sóc sức khỏe và dịch vụ khách sạn. Theo Trung tâm Nghiên cứu Di cư, họ chiếm khoảng 17% tổng lực lượng lao động Mỹ. Việc trục xuất hàng triệu lao động nhập cư có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế của quốc gia.

Một trong những thách thức lớn nhất mà Mỹ đang đối mặt là tỷ lệ sinh giảm và già hóa dân số. Trong bối cảnh đó, nhập cư từ lâu đã được xem như một giải pháp quan trọng để bổ sung lực lượng lao động và duy trì tăng trưởng kinh tế. Nếu chính phủ tiếp tục siết chặt nhập cư và đẩy mạnh trục xuất, nước Mỹ có nguy cơ rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng trong tương lai. Những ngành sử dụng nhiều lao động nhập cư, đặc biệt là nông nghiệp và xây dựng, có thể gặp khó khăn trong tuyển dụng, khiến chi phí sản xuất gia tăng và làm chậm tốc độ phát triển. Bên cạnh đó, việc suy giảm lực lượng lao động nhập cư còn kéo theo hệ lụy tăng chi phí tiêu dùng và dịch vụ. Khi nguồn cung lao động giảm, mức lương có thể bị đẩy lên, dẫn đến giá cả thực phẩm, nhà ở và dịch vụ tăng cao. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp mà còn gây áp lực lên đời sống của người dân Mỹ.
Không chỉ tác động đến thị trường lao động, chính sách trục xuất cũng có thể gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế. Theo hãng tin Bloomberg, nếu trục xuất toàn bộ người nhập cư không có giấy tờ, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ có thể giảm tới 8%.
Ngoài ra, việc trục xuất hàng triệu lao động nhập cư có thể dẫn đến thất thu ngân sách. Theo Viện Thuế và Chính sách Kinh tế, trong năm 2022, khoảng 7,6 triệu người nhập cư không giấy tờ đã tạo ra hơn 375 tỷ USD thu nhập và đóng góp 96,7 tỷ USD tiền thuế. Nếu nhóm lao động này bị loại bỏ, ngân sách Mỹ sẽ mất đi nguồn thu đáng kể, có thể làm ảnh hưởng đến kế hoạch cắt giảm thuế của chính quyền Trump.
Các chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng, nếu Mỹ kiểm soát nhập cư quá chặt chẽ mà không có giải pháp thay thế hợp lý, nền kinh tế có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều này không chỉ làm chậm tốc độ tăng trưởng mà còn ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Nếu không có chiến lược nhập cư hợp lý, Mỹ có thể đối mặt với tình trạng suy giảm năng suất lao động và gia tăng áp lực lên hệ thống an sinh xã hội trong dài hạn.


Tổng thống Sri Lanka Anura Kumara Dissanayake hôm 5/4 đã chủ trì lễ đón Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Quảng trường Độc lập ở thủ đô Colombo theo nghi thức trang trọng nhất với 21 loạt đại bác.
Từ vị thế một trong những nhân vật quyền lực nhất của phe cực hữu châu Âu và ứng cử viên sáng giá trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2027, sự nghiệp chính trị của bà Marine Le Pen đang đứng trước thử thách lớn.
Cộng đồng người Việt Nam tại Myanmar những ngày qua đã tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ người dân Mandalay sau thảm họa động đất xảy ra ngày 28/3.
Quân đội Israel ngày 4/4 cho biết, họ đang mở rộng quyền kiểm soát trên bộ ở phía Bắc Dải Gaza trong bối cảnh chiến dịch quân sự nhằm chiếm giữ các khu vực rộng lớn đang diễn ra ở phía Nam.
Truyền thông nhà nước Myanmar ngày 5/4 đưa tin, số người thiệt mạng do trận động đất ở quốc gia này đã tăng lên 3.354, với hơn 200 người vẫn còn mất tích, hơn 4.800 người bị thương.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Quách Gia Côn ngày 5/4 đã kêu gọi Washington “tham vấn bình đẳng” với các đối tác thương mại về chính sách thuế quan mới.
0