Khi muốn mà khó | Hà Nội tin mỗi chiều
Một tuần nữa lại trôi qua rồi. Hôm nay đã là thứ Bảy. Mọi người đã tận hưởng ngày cuối tuần như thế nào ạ? Còn tôi thì vừa lên cơ quan đi làm. Ngày hôm nay khi mà đến cơ quan, tôi thấy các chị đồng nghiệp trong phòng tôi đang bàn luận về đề xuất cho học sinh nghỉ học thứ Bảy của một thầy Hiệu trưởng trường cấp ba tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Ý kiến này được đưa ra tại hội nghị giao ban khối trung học của Sở GD-ĐT TP HCM, tại đây nhiều hiệu trưởng cũng đã đề xuất cho học sinh nghỉ học thứ Bảy. Không biết các bạn thấy sao, chứ thời học sinh, chỉ cần nghe thấy từ “nghỉ” thôi là tôi đã vui sướng như mở cờ trong bụng rồi. Mà chẳng cần phải là học sinh, đến bây giờ, khi đi làm rồi, tôi cũng luôn mong cuối tuần nào cũng được nghỉ ngơi đi chơi với gia đình, bạn bè sau cả tuần bận rộn; bởi với tôi, tính chất công việc đặc thù của mình khiến có khi thứ Bẩy, chủ nhật nhiều lúc còn bận rộn hơn cả ngày trong tuần.
Quay trở lại với đề xuất cho học sinh phổ thông được nghỉ học ngày thứ Bảy, thực ra đây cũng là đề xuất của Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội từ năm 2018. Khi đó, nêu lý do về việc đưa ra đề xuất này, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chỉ rõ rằng, hiện nay thời gian học tập của học sinh phổ thông được thực hiện theo số tiết/năm học, số tiết/tuần; tùy theo điều kiện của từng địa phương, cơ sở để sắp xếp các ngày học trong tuần bảo đảm tổng số tiết học theo quy định.
Ngay sau đó, một cuộc khảo sát được báo điện tử VTV thực hiện về việc có đồng tình với đề xuất nên cho các em học sinh nghỉ học thứ Bảy để nghỉ ngơi và có cơ hội tăng các hoạt động trải nghiệm thực tế, đã thu về 1.015.542 bình chọn; trong đó có tới 997.277 bình chọn ủng hộ đề xuất trên.
Con số ủng hộ quá bán, đề xuất nhận về nhiều sự đồng thuận, thế nhưng suốt 5 năm qua, điều này vẫn chưa trở thành hiện thực. Xét trên thực tế mặt bằng giáo dục của nước ta, đề xuất này vẫn còn nhiều bất cập, bởi thời gian học tập của học sinh phụ thuộc vào khối lượng chương trình và phòng học.
Theo số liệu của Tổ chức hợp tác và phát triển quốc tế (OECD), tính trung bình mỗi học sinh tuổi từ 7 đến 15 học 7.475 giờ, trong khi thời lượng học của học sinh tiểu học và THCS theo chương trình hiện hành của Việt Nam là 5.424 giờ trong một năm học. Trong khi đó, theo dự thảo của Chương trình giáo dục phổ thông mới của Việt Nam, tổng thời lượng học của học sinh tiểu học và THCS trong một năm học chỉ đạt 5.909 giờ.
Sở dĩ có sự chênh lệch khá lớn như vậy là do học sinh ở các nước OECD học cả ngày, còn nước ta, theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày và học sinh THCS vẫn học một buổi một ngày.
Về khối lượng chương trình giáo dục phổ thông hiện nay cho thấy, nếu học sinh được học 2 buổi/ngày (7 tiết/ngày) thì có thể nghỉ hai ngày cuối tuần. Như vậy, hầu hết các trường tiểu học sẽ thực hiện được việc này. Tuy nhiên, các trường THCS và THPT phần lớn đều học một buổi/ngày nên khó có thể nghỉ thứ Bảy.
Mặt khác, với các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM diễn ra tình trạng thiếu phòng học trầm trọng, có nơi phải chấp nhận 50 đến 60 học sinh/lớp. Hãy tưởng tượng cảnh một trường học có 40 lớp, nhưng chỉ có 20 phòng học sẽ rất khó để bố trí nghỉ vào ngày thứ Bẩy. Do vậy, với trường học một buổi/ngày nhưng số lớp và số phòng học không cho phép, thì sẽ không thể nghỉ học vào thứ Bảy được.
Trong viễn cảnh học sinh nước ta nghỉ học ngày thứ Bảy sẽ dẫn đến hai khả năng: hoặc phải giảm bớt nội dung so với chương trình các nước cho phù hợp với thời gian bị giảm, chương trình sẽ thiếu hụt; hoặc phải thực hiện tương đối đủ nội dung so với chương trình các nước trong khi số giờ học bị giảm, chương trình sẽ quá tải.
Rất nhiều người tán thành việc cho học sinh nghỉ học cuối tuần để chính các em cũng như thầy cô có thêm thời gian tái tạo sức khỏe, có thời gian nghỉ ngơi bên gia đình, tham gia các hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường. Khi ấy, giáo viên cũng sẽ giảm bớt áp lực, có thêm giời gian để nghỉ ngơi, bên gia đình và tập trung cho biên soạn giáo án, tìm sáng kiến trong giảng dạy.
Tuy nhiên, cũng có các thầy cô băn khoăn, lo lắng nếu nghỉ học thứ Bẩy thì các tiết học sẽ phải dồn lên cho các ngày trong tuần, khiến cho việc dạy và học lại áp lực. Bởi lẽ nếu nghỉ thứ 7 thì chương trình của ngày thứ 7 sẽ chia ra cho các ngày trong tuần khiến việc học nặng hơn. Số tiết và số môn cũng như chương trình học không giảm thì việc nghỉ học thứ 7 đúng là trở thành gánh nặng.
Còn từ phía phụ huynh học sinh, nhiều người nhận thấy, hiện nay thời gian của học sinh ở trên trường đã quá nhiều, khi chỉ được nghỉ một ngày Chủ nhật là hơi ít. Vì vậy, nên có hai ngày nghỉ cuối tuần để học sinh tham gia các hoạt động dã ngoại, đăng ký học thêm về năng khiếu, nghệ thuật hay sinh hoạt với gia đình.
Như chị đồng nghiệp của tôi có nói rằng, nếu nghỉ thứ Bẩy mà không ảnh hưởng tới chương trình thì chắc bố mẹ nào cũng ủng hộ. Các con có thời gian thư giãn hơn. Ngoài học văn hóa, các con lại được tự do học thêm điều mình thích. Việc để học sinh THPT nghỉ học hoàn toàn không ảnh hưởng tới việc làm của bố mẹ. Ở tuổi này các em đã lớn và các em hoàn toàn tự lập, vì vậy không phải lo không có ai trông như học sinh tiểu học.
Không thể phủ nhận, nếu cho học sinh nghỉ ngày thứ Bảy thì chương trình học phải tính lại, sắp xếp lại vì nó có sự xáo trộn; cần hết sức cân nhắc, tính toán thật kỹ. Một số chuyên gia cũng cho rằng, thay vì cho học sinh nghỉ ngày thứ Bảy, ở nhà chơi, thì nên dùng ngày đó để dạy cho học sinh kỹ năng, dạy các hoạt động có tính chất bổ trợ cho học sinh phát triển toàn diện hơn như: giáo dục thể chất, kỹ năng sống, kỹ năng mềm... Bởi lẽ, cần có một quỹ thời gian để tăng cường hoạt động giáo dục thể chất, giáo dục kỹ năng sống, định hướng nghề nghiệp... cho học sinh nhưng hiện nay chương trình bố trí đã kín hết rồi, thời gian cho những hoạt động ấy rất thiếu.
Nghỉ học ngày thứ Bảy có thể làm được nếu có những giải pháp linh hoạt. Và, suy cho cùng thì không nên quy định cứng nhắc nghỉ một ngày hay hai ngày cuối tuần, mà việc này nên để các trường tự quyết định phù hợp với thực tế của từng cơ sở giáo dục./.
- Mùa thu khai trường – Xây những ước mơ | Hà Nội Tin mỗi chiều
- Đón con muộn bị cô trách, đón con sớm bị sếp nhắc | Hà Nội tin mỗi chiều
- Dạy luật giao thông từ “thuở còn thơ” | Hà Nội tin mỗi chiều
- Xử phạt học sinh thế nào cho đúng | Hà Nội tin mỗi chiều
- Cô khỏe thì trò mới mạnh | Hà Nội tin mỗi chiều


Ngày 7/5 là ngày mà mỗi người Việt Nam, dù ở đâu, cũng không thể không nhớ về một dấu mốc chói lọi: Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Lần đầu tiên, khu vực kinh tế tư nhân được khẳng định là “một động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế quốc dân, thay vì chỉ là “một trong những động lực” như cách tiếp cận trước đây.
Trong một động thái cứng rắn nhằm ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ban hành Công điện yêu cầu các quận, huyện trên địa bàn kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, ao hồ, đất công trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính.
Giữa dòng chảy sôi động của đổi mới và hội nhập, Hà Nội đang dần khẳng định vị thế là một trong những điểm sáng về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao – yếu tố then chốt cho sự bứt phá của Thủ đô trong tương lai.
“Bữa cơm ngon” không chỉ là chuyện vị giác. Với hàng nghìn suất ăn mỗi ngày tại các bếp ăn tập thể, “ngon” còn phải đi kèm với hai chữ “an toàn”. Nhưng giữa nhịp sống đô thị sôi động như Hà Nội, liệu có bao nhiêu bữa ăn đang thực sự được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng?
Thành phố Hà Nội đã công bố một kế hoạch quan trọng: tổ chức lại hệ thống khám chữa bệnh công lập theo ba cấp ban đầu, cơ bản và chuyên sâu. Đây là cách để người dân được khám đúng nơi, chữa đúng chỗ, mà không phải tất tả tìm kiếm, mỏi mòn chờ đợi.
0