Khi 'công xưởng thế giới' trỗi dậy


Bà Zou Yunhan - Phó Giám đốc Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô, Trung Quốc cho biết: “Các hình thức và mô hình tiêu dùng mới hiện nay đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân, đồng thời khích lệ người tiêu dùng hào hứng trong chi tiêu. Chúng không chỉ tạo ra động lực mới cho thị trường mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng ổn định cho thị trường tiêu dùng trong tương lai”.
Ngoài ra, đầu tư công – đặc biệt trong các lĩnh vực hạ tầng số, giao thông xanh và đô thị thông minh được duy trì ổn định. Số liệu từ Bộ Tài chính Trung Quốc cho thấy, chi tiêu phát triển có thể tăng trên 7%, tập trung tại các tỉnh miền Trung và miền Tây. Một điểm tích cực nữa là tình hình việc làm và thu nhập đã có dấu hiệu cải thiện. Mức thu nhập bình quân đầu người ở nhiều tỉnh thành, nhất là những nơi có chính sách ưu đãi phát triển công nghệ có thể tăng trên 6%, nhờ vào làn sóng khởi nghiệp công nghệ và dịch vụ số.
Ông Phó Lăng Huy, Người phát ngôn Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc chia sẻ: “Xu hướng phục hồi kinh tế đang tiếp diễn, nhu cầu thị trường tiếp tục mở rộng. Chính sách thúc đẩy thương mại hàng tiêu dùng tiếp tục được triển khai, hỗ trợ bình ổn giá. Kết quả kinh tế quý I được kỳ vọng sẽ duy trì theo quỹ đạo phát triển ổn định và vững chắc”.

Trong khi đó, bất chấp nhiều thách thức từ môi trường bên ngoài, xuất khẩu Trung Quốc trong quý I/2025 vẫn tăng trưởng ổn định – ước đạt mức 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Thương mại với các quốc gia thuộc Sáng kiến Vành đai Con đường và nhóm Các nền kinh tế mới nổi (BRICS) tăng mạnh, được dự báo sẽ lần đầu tiên chiếm hơn 45% tổng kim ngạch xuất khẩu. Diễn biến này không chỉ giúp Trung Quốc “hóa giải” phần nào tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ, mà còn khẳng định vai trò ngày càng lớn của nước này trong việc tái định hình trật tự thương mại toàn cầu.
Kinh tế Trung Quốc đầu năm 2025 không chỉ cho thấy dấu hiệu phục hồi rõ rệt, mà còn phát đi tín hiệu mạnh mẽ về xu hướng chuyển đổi cơ cấu bền vững. Đà tăng trưởng không phụ thuộc vào bất động sản hay công nghiệp nặng truyền thống mà đang dịch chuyển sang các ngành có giá trị gia tăng cao, ít phát thải và có tiềm năng mở rộng toàn cầu. Mức tăng trưởng dự báo trong quý I/2025 cho thấy Trung Quốc đang tiến gần mục tiêu tăng trưởng cả năm khoảng 5%, qua đó đặt nền tảng quan trọng cho các bước tiến mới trong tương lai.

Trung Quốc đang đẩy nhanh và chuyển mình theo hướng hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa mang bản sắc riêng - "chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc". Điều này không chỉ thể hiện ở tốc độ tăng trưởng mà còn phản ánh sự kết hợp chặt chẽ giữa đổi mới, công bằng, phát triển xanh và mở cửa – với mục tiêu thúc đẩy phát triển chất lượng cao, lấy con người làm trung tâm; cân bằng giữa thành thị và nông thôn, giữa công nghệ và môi trường. Một trong những điểm nhấn rõ nét nhất là Trung Quốc xác định đổi mới là động lực cốt lõi cho phát triển lâu dài.

Năm 2024, quốc gia này xếp hạng thứ 11 trong Chỉ số Đổi mới Toàn cầu, vượt lên như một trong những nền kinh tế đổi mới nhanh nhất trong thập kỷ qua. Sang năm 2025, Trung Quốc tiếp tục ghi dấu bằng loạt thành tựu công nghệ như ứng dụng DeepSeek trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, hay robot biểu diễn Yushu trong Gala Tết Nguyên đán. Những sáng tạo này cho thấy một xu hướng rõ rệt: Trung Quốc đang dần chuyển từ các mô hình tăng trưởng truyền thống sang phát triển dựa trên “năng suất chất lượng cao” do đổi mới sáng tạo mang lại.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường khẳng định: “Trung Quốc sẽ tăng đầu tư và tối ưu hóa phân bổ nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp mạnh dạn khám phá các lĩnh vực và không gian tăng trưởng mới. Sáng kiến ‘AI Plus’ sẽ được đẩy mạnh nhằm trao quyền và thúc đẩy các ngành công nghiệp tương lai. Tất cả nhằm đẩy nhanh quá trình đổi mới, hình thành công nghệ, mô hình kinh doanh và động lực tăng trưởng mới”.

Một trong những biểu hiện rõ nét của định hướng phát triển đặc sắc Trung Quốc là nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền. Các dịch vụ công cơ bản như giáo dục, y tế và chăm sóc người cao tuổi đang được mở rộng mạnh mẽ về khu vực nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng sống và thúc đẩy cân bằng phát triển giữa thành thị – nông thôn.
Các chiến lược vùng quy mô lớn tiếp tục là xương sống của cấu trúc phát triển mới: từ phát triển vùng vịnh lớn Quảng Đông – Hồng Kông – Ma Cao, hành lang kinh tế Trịnh Châu – Trùng Khánh, cho tới khu vực sông Trường Giang và lưu vực sông Hoàng Hà. Những dự án này đang định hình lại không gian tăng trưởng quốc gia một cách toàn diện.
Khái niệm “hàm lượng xanh” ngày càng được nhấn mạnh trong các chiến lược phát triển kinh tế. Trong năm 2024, Trung Quốc lần đầu tiên ghi nhận tỷ lệ nước mặt có chất lượng tốt đạt trên 90%, và nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình tại các đô thị cấp tỉnh tiếp tục giảm – đánh dấu năm thứ năm liên tiếp đạt chuẩn.
Trung Quốc cũng đã xây dựng thành công chuỗi ngành năng lượng mới lớn nhất thế giới, với tổng công suất điện gió và điện mặt trời hòa lưới đạt trên 1,4 tỷ kilowatt. Theo Bộ Tài nguyên và Sinh thái, mức tiêu hao năng lượng trên mỗi đơn vị GDP đã giảm 3,8% trong năm 2024 – một chỉ dấu quan trọng về hiệu quả năng lượng và giảm phát thải.

Thúc đẩy hội nhập quốc tế là một trong những yếu tố trọng tâm của mô hình “phát triển đặc sắc”. Trong quý I/2025, số chuyến tàu Trung Quốc – châu Âu khởi hành từ Tây An đã vượt mốc 1.000 chuyến, sớm hơn 8 ngày so với cùng kỳ năm ngoái. Các thành phố nội địa như Thành Đô, Trịnh Châu và Nam Ninh đang trở thành trung tâm logistics và kết nối với mạng lưới toàn cầu.
Về thể chế, danh mục hạn chế đầu tư nước ngoài đã được cắt giảm xuống còn 29 mục – từ 190 mục ban đầu. “Kế hoạch hành động 2025 về ổn định đầu tư nước ngoài” cũng được triển khai nhằm mở rộng thí điểm các lĩnh vực viễn thông, y tế và dịch vụ tài chính.
Sự chuyển mình của kinh tế Trung Quốc trong năm 2025 bước đầu không chỉ thể hiện qua các con số tăng trưởng, mà còn phản ánh một hành trình định hình lại mô hình phát triển – dựa trên nội lực đổi mới, tính bền vững và tinh thần hội nhập. “Phát triển đặc sắc Trung Quốc” giờ đây không chỉ là một định hướng chiến lược, mà đang hiện diện sinh động trong từng lĩnh vực – từ công nghệ cao, năng lượng tái tạo, cho đến hạ tầng, vùng miền và thương mại toàn cầu.

Trong năm 2025, cụm từ “lực lượng sản xuất mới kiểu Trung Quốc” trở thành trọng tâm trong mọi định hướng trung và dài hạn của nền kinh tế số hai thế giới. Khái niệm này được Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình liên tục nhấn mạnh từ cuối năm 2023 đến nay, phản ánh một bước chuyển chiến lược quan trọng của Trung Quốc. Thể hiện ở việc từ ưu tiên tăng trưởng theo chiều rộng sang hướng phát triển chất lượng cao – dựa trên đổi mới công nghệ, hiệu quả và phát triển bền vững.
Tại Hội nghị công tác kinh tế Trung ương cuối năm 2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu: “Lực lượng sản xuất mới không phải là việc mở rộng đầu tư một cách giản đơn, mà là kết tinh của đổi mới khoa học công nghệ, nâng cấp công nghiệp và mô hình tăng trưởng thông minh hơn, xanh hơn”.

Đây không chỉ là mục tiêu lâu dài để tiến tới tự chủ về công nghệ trong cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn của Trung Quốc mà còn là động lực tăng trưởng mới trong bối cảnh những thay đổi mạnh mẽ về địa chính trị trên thế giới đang biến động khôn lường.
Cụm từ “lực lượng sản xuất mới” được Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra lần đầu tiên trong chuyến thăm tỉnh Hắc Long Giang ở phía Đông Bắc Trung Quốc vào tháng 9 năm ngoái. Theo đó, “năng lượng mới, vật liệu mới và sản xuất công nghệ cao” là những ngành công nghiệp cần trở thành “lực lượng sản xuất mới” của nền kinh tế. Sau đó, tại Hội nghị công tác kinh tế Trung ương tháng 12 năm ngoái, cụm từ này được đặt ở vị trí đầu tiên trong 9 nhiệm vụ kinh tế.

"Lực lượng sản xuất mới" sẽ tập trung vào những ngành năng lượng mới, vật liệu mới, sản xuất công nghệ cao. Trung Quốc sẽ khởi động sáng kiến AI plus, nghiên cứu phát triển R&D, ứng dụng Big Data và AI, đồng thời xây dựng các cụm công nghiệp có khả năng cạnh tranh quốc tế.
Trọng tâm của mô hình này được xây dựng trên ba định hướng cốt lõi. Thứ nhất là phát triển công nghệ lõi có khả năng tự chủ. Trung Quốc đang tập trung đầu tư vào những lĩnh vực công nghệ lõi mang tính chiến lược như trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn, công nghệ sinh học, hàng không vũ trụ và năng lượng mới.

Yếu tố thứ hai là tích hợp sâu công nghiệp và số hóa. Sự kết hợp giữa sản xuất truyền thống và công nghệ số bao gồm Internet vạn vật, dữ liệu lớn, điện toán đám mây và chuỗi khối – đang tạo ra năng suất vượt trội cho các ngành công nghiệp trọng điểm. Những nhà máy tại Liêu Ninh, Tứ Xuyên và Sơn Đông đã ứng dụng AI để kiểm soát quy trình sản xuất, giúp giảm tiêu hao năng lượng đến 30% và tăng năng suất lao động hơn 40%. Theo Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc, tính đến tháng 3/2025, trên 70% doanh nghiệp công nghiệp quy mô lớn đã tích hợp ít nhất một nền tảng sản xuất số hóa.
Yếu tố thứ ba là hướng đến phát triển xanh, để cân bằng môi trường và tăng trưởng. Trung Quốc đang thúc đẩy hàng loạt sáng kiến như “nhà máy không carbon”, “khu công nghiệp tuần hoàn” tại các địa phương trọng điểm như Quảng Đông, Giang Tô và Cam Túc.
Giới phân tích cho rằng “lực lượng sản xuất mới” chính là công cụ để Trung Quốc đối phó với các thách thức kép giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng bên ngoài và chuyển mình thành một nền kinh tế công nghệ chủ động. Đây là bước tiến tiếp theo sau đổi mới sáng tạo – số hóa – xanh hoá, đưa mô hình tăng trưởng Trung Quốc bước sang giai đoạn tổng hợp, hiệu quả và bền vững hơn.
Ông Jacques Dufour - Học giả người Pháp cho rằng: “Châu Âu và Mỹ đang chững lại vì phụ thuộc quá lớn vào chuỗi cung ứng cũ. Trong khi đó, Trung Quốc đang bước vào một thời kỳ công nghệ chủ động – nơi mà công nghệ bản địa, thị trường nội địa và hệ sinh thái đổi mới sẽ là chiếc kiềng ba chân vững chắc”.

Nhận định này phản ánh sự chuyển hướng toàn diện của Trung Quốc từ “công xưởng thế giới” sang trung tâm công nghệ – nơi nền tảng đổi mới nội sinh sẽ quyết định lợi thế cạnh tranh. Việc hiện thực hóa “lực lượng sản xuất mới kiểu Trung Quốc” không chỉ là một mục tiêu kinh tế mà còn là lựa chọn chiến lược nhằm định hình vai trò của Trung Quốc trong chuỗi sản xuất toàn cầu trong nhiều thập kỷ tới.

Khi Trung Quốc quyết tâm theo đuổi "chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc", xây dựng “lực lượng sản xuất mới”, quốc gia này phải đối mặt với nhiều thách thức địa chính trị – đặc biệt là căng thẳng thương mại với Mỹ. Trong bối cảnh này, việc chuyển hướng sang tăng trưởng chất lượng cao không chỉ là một nhu cầu nội tại mà còn là một lựa chọn chiến lược.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị công tác kinh tế Trung ương từng khẳng định: “Chúng ta không thể chỉ trông đợi vào thế giới mở cửa; càng phải nắm chắc tương lai trong tay mình”.

Thực hiện: Ngọc Mai
Đồ họa: Minh Anh và Hoàng Quyên


Lực luợng hải quân Nga và Ai Cập vừa tiến hành cuộc tập trận chung mang tên “Cầu Hữu nghị - 2025” tại vùng biển Địa Trung Hải.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc tạm ngừng áp thuế đối với ngành ô tô nhập khẩu, nhằm tạo thời gian cho các nhà sản xuất điều chỉnh và tái cấu trúc chuỗi cung ứng.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 14/4 đã thừa nhận, quân đội Ukraine hiện không còn đủ khả năng giành lại các vùng lãnh thổ đã mất trong cuộc xung đột với Nga.
Chính phủ Hàn Quốc vừa thông báo sẽ tăng quy mô gói hỗ trợ dành cho ngành công nghiệp bán dẫn lên 33 nghìn tỷ won (tương đương khoảng 23,25 tỷ USD).
Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Nikos Dendias ngày 14/4 cho biết, nước này đã ký thỏa thuận mua 16 tên lửa chống hạm Exocet do Pháp sản xuất.
Bộ trưởng Ngoại giao Italia Antonio Tajani cho biết, vòng đàm phán hạt nhân thứ hai giữa Mỹ và Iran sẽ được tổ chức tại Rome, Italia.
0