Khám phá bản gốc 2 xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập

50 năm trước, dẫn đầu đội hình xe tăng của Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập là hai chiếc xe tăng T-54B mang số hiệu 843 và T-59 mang số hiệu 390. Hai “chiến binh huyền thoại” này lần lượt húc đổ cổng phụ và cổng chính, tiến vào sào huyệt cuối cùng của chính quyền Sài Gòn. Đây là thời khắc đánh dấu giờ phút thiêng liêng của dân tộc, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Một thời gian sau, đã có những tranh luận về chiếc xe tăng đầu tiên có được vinh dự húc tung cánh cổng chính của Dinh Độc Lập. Đến năm 1995, nhờ bức ảnh tư liệu quý giá của nữ nhà báo Francoise Demulder (Pháp) công bố thì chiến công của chiếc xe tăng "390" do trung úy Vũ Đăng Toàn chỉ huy được công nhận. Bức ảnh cho thấy mặc dù là chiếc xe đầu tiên tiến vào khu vực cổng chính của Dinh Độc Lập, tuy nhiên xe tăng "843" lại bị kẹt ở cổng phụ và không thể di chuyển tiếp. Ngay lập tức, xe tăng "390" đã nhanh chóng tiến vào húc tung cổng chính của dinh thay cho “đồng đội”.

Ngày 1/10/2012, cả hai chiếc xe tăng này được công nhận là bảo vật Quốc gia và trở thành hiện vật quý giá của dân tộc.

Xe tăng T-54B số hiệu 843 do Liên Xô chế tạo, viện trợ cho Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Xe thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Tăng thiết giáp 203, Quân đoàn 2 đo đại đội trưởng Bùi Quang Thận làm trưởng xe, kíp xe gồm Thái Bá Minh – pháo thủ số 1, Nguyễn Văn Kỷ - pháo thủ số 2, Lữ Văn Hỏa – lái xe.
Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, xe tăng 843 đã tham gia giải phóng Huế, Đà Nẵng, sau đó tiếp tục hành quân tham gia giải phóng các tỉnh ven biển miền Trung và thẳng tiến về Sài Gòn với tinh thần “thần tốc và quyết thắng”.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ở mặt trận phía Đông, xe tăng 843 nằm trong đội hình lực lượng đánh thọc sâu với nhiệm vụ đánh chiếm phủ Tổng thống và các mục tiêu quan trọng.
Ngày 30/4/1975 xe tăng 843 dẫn đầu đội hình vào Sài Gòn, trên đường đến Dinh Độc Lập đã bắn cháy 3 xe tăng và bọc thép của địch.
Tăng 843 luôn dẫn đầu đội hình, phá vỡ các tuyến ngăn chặn góp phần cùng quân và dân ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Năm 1979, nhân dịp kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, xe tăng số hiệu 843 phiên bản gốc được đưa về trưng bày tại Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam.
Năm 2023, để chuẩn bị công tác di chuyển Xe tăng từ 28A Điện Biên Phủ, Ba Đình, Hà Nội xuống Bảo tàng mới tại phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm), xe được cán bộ, nhân viên kỹ thuật thuộc Tổng cục Kỹ thuật, nay là Tổng cục Hậu cần Kỹ thuật bảo dưỡng, bảo đảm kỹ thuật, xe nổ máy di chuyển ra khỏi khu vực trưng bày của Bảo tàng.
Sau đó, xe được đưa lên xe chuyên dụng; bằng các giải pháp kỹ thuật, xe tăng T-54B số hiệu 843 đã di chuyển vào vị trí trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và là một trong những điểm nhấn nổi bật của bảo tàng.
Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết: “Quá trình đưa xe tăng T-54B số hiệu 843 vào vị trí trưng bày hiện tại là một kỳ công của các lực lượng, bằng nhiều biện pháp khoa học. Trọng lượng xe lớn nên hệ thống dầm cột bê tông được tính toán, tăng cường đủ để chịu sức nặng tới 36 tấn của chiếc xe tăng đảm bảo an toàn tuyệt đối.”

Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng cho biết thêm: “Trên chiếc xe tăng hiện đang trưng bày, có thể nhận thấy nhiều dấu tích lịch sử còn lưu lại rõ nét. Núm nhựa của chiếc cần lái bên phải có vết xước do Hạ sĩ Lữ Văn Hỏa (quê Hà Nam) va phải trong lúc thay băng đạn đại liên. Lá chắn bùn phía đuôi xe bị biến dạng trong quá trình quay xe khi hành quân qua rừng Trường Sơn. Ở phần đầu xe, có một vết lõm đường kính khoảng 3cm, sâu khoảng 1cm – đây là dấu tích của đạn địch nổ trước đầu xe, sự việc khiến pháo thủ Nguyễn Văn Kỷ bị thương khi anh đang sử dụng súng 12,7mm bắn trả bộ binh địch tại căn cứ Nước Trong, Long Thành vào ngày 28/4/1975. Ngoài ra, trên chắn xích ở bên trái đầu xe còn lưu lại vết rách sau cú húc vào cổng phụ Dinh Độc Lập trong chiến dịch lịch sử ngày 30/4/1975.

Hiện nay, quy trình bảo quản xe tăng được thực hiện qua nhiều bước kỹ thuật nhằm duy trì hiện vật trong trạng thái tốt và kéo dài tuổi thọ. Việc kiểm tra tổng quát diễn ra thường xuyên để xác định tình trạng chung, từ lớp vỏ giáp, động cơ, hệ thống vũ khí đến hệ thống điện, ghi nhận các dấu hiệu xuống cấp cần xử lý.
Theo định kỳ, xe tăng T-54B số hiệu 843 cũng được tiến hành bảo quản trị liệu như làm sạch bụi bẩn, dầu mỡ, bùn đất, các chất ăn mòn; vệ sinh nòng pháo, hệ thống vũ khí nhằm ngăn gỉ sét; xử lý oxy hóa, chống ăn mòn và phủ lớp bảo vệ trên bề mặt các vật liệu kim loại như hợp kim nhôm, thép và đồng.

Bảo tàng cũng xử lý chống lão hóa cho các chi tiết cao su, hợp chất hữu cơ; gia cố, phục hồi các bộ phận yếu, bong tróc; chỉnh sửa các bề mặt cong vênh và khôi phục số hiệu, phù hiệu xe.

10 giờ 45 phút ngày 30-4-1975, xe tăng 390, thuộc đại đội 4 - Tiểu đoàn tăng 1 - Lữ đoàn xe tăng 203 nằm trong đội hình chiến đấu của Quân đoàn 2 với các thành viên Vũ Đăng Toàn, Ngô Sĩ Nguyên, Nguyễn Văn Tập và Lê Văn Phượng đã dũng mãnh tiến công húc tung cánh cổng chính Dinh Tổng thống của chính quyền Sài Gòn.

Hình ảnh xe tăng 390 húc tung cánh cổng Dinh Tổng thống trưa 30/4/1975 mãi mãi là biểu tượng chiến thắng huy hoàng của dân tộc Việt Nam.
Xe tăng T-59 số hiệu 390 hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lực lượng Tăng-Thiết giáp.

Thượng tá Vũ Thị Sen, Cán bộ tuyên truyền Bảo tàng Lực lượng Tăng – Thiết giáp: “Trên chiếc xe tăng T59 số hiệu 390 có một vết tích, vết lõm khi trúng đạn ở trên tháp pháo trong trận đánh vào căn cứ Nước Trong tháng 4/1975. Trận đánh này địch rất quyết liệt. Xe tăng 390 đã dũng cảm cùng "đồng đội" chiến đấu và giành thắng lợi”.


Trước khi vào bảo tàng, xe tăng 390 đã cùng những người lính đi một hành trình dài dọc đất nước theo đường tiến công của quân giải phóng.
Từ năm 1971, xe thuộc biên chế Đại đội 4, Tiểu đoàn 171, Lữ đoàn xe tăng 203; năm 1972, được biên chế về Đại đội 4, Tiểu đoàn 512, Lữ đoàn 203 Quân đoàn 2; năm 1973 hành quân vào Thừa Thiên Huế, chiến đấu giải phóng Tà Lương, A Lưới.
Từ ngày 25/3/1975, xe tăng 390 tham gia giải phóng Huế. Ngày 29/3, tham gia giải phóng thành phố Đà Nẵng và chốt giữ tại bán đảo Sơn Trà, sau đó hành quân về Khánh Sơn theo đội hình Lữ đoàn. Tại đây, xe tăng 390 và các xe trong Đại đội 4 được điều về Tiểu đoàn 1 - Lữ đoàn 203 và cùng đơn vị hành quân tiến công vào Sài Gòn - Gia Định.
Ngày 29/4/1975, xe tăng 390 tham gia tiến công căn cứ Nước Trong. Ngày 30/4/1975, xe tăng 390 húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập. Năm 1979 xe tăng tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, làm nhiệm vụ quốc tế trên đất Campuchia và bảo vệ biên giới phía Bắc. Năm 1980 đóng quân tại địa bàn Lạng Giang. Tháng 10 năm 1999 được điều về Bảo tàng Tăng - Thiết giáp.
Chiếc xe tăng này có dung tích bình nhiên liệu trong xe khoảng 812 lít. Bình nhiên liệu phụ bên ngoài có thể mang thêm khoảng 400–480 lít, tùy theo số lượng thùng mang theo. Các chiến sĩ thời bấy giờ còn thường chở thêm hai thùng phi dầu ở phía sau để dự phòng và khi đến căn cứ thì hạ xuống.

Các hộp dụng cụ (cờ lê, mỏ lết, phụ tùng) được đặt gọn các hộp ở hai bên thân, luôn sẵn sàng cho công tác bảo trì nhanh. Mỗi chi tiết, từ pháo chính đến ống xả, đều được tối ưu để biến T-59 thành “chiến binh thép” linh hoạt, mạnh mẽ trên chiến trường.

Trong không khí cả nước hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt - chiến sĩ lái xe tăng số 380, Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2 đã kể lại những giờ phút sinh tử nhưng rất đỗi hào hùng cách đây tròn 50 năm - hành trình ông cùng đồng đội trong đội hình thọc sâu, đánh chiếm Sài Gòn, tiến về Dinh Độc Lập.
Ông Nguyễn Khắc Nguyệt nhớ như in ngày tháng ấy: “Chúng tôi đi từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam gồm 8 chiếc xe tăng T59 bao gồm 380, 381, 382, 386, 387, 388, 389, 390. Đồng chí Vũ Đăng Toàn là trưởng xe 390. Chúng tôi vào chiến trường từ đầu năm 1972, trong năm 1972 chúng tôi ở địa bàn huyện A Lưới ở phía tây Thừa Thiên chuẩn bị làm mũi vu hồi đánh xuống Huế. Ngày 7/5/1972 chúng tôi mất một xe là xe 388 khi một trận B52 đánh trùm lên vị trí đóng quân của đại đội, một quả bom nổ cạnh xe 388, hất lật ngửa xe 36 tấn khiến 4 chiến sĩ hi sinh. Tiếp đó chúng tôi vào đường 72 (quốc lộ 49 bây giờ) nối Huế với A Lưới để làm nhiệm vụ, trong thời gian này chúng tôi đã hi sinh thêm 5 đồng chí nữa. Ngày 25/3 giải phóng thành phố Huế, 29/3 giải phóng Đà Nẵng rồi cơ động, hành quân thần tốc hơn 1000 cây số vào tham gia chiến dịch HCM. Trong trận đánh cuối cùng, đại đội 4 chúng tôi là đại đội dẫn đầu đội hình thọc sâu”.

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt - chiến sĩ lái xe tăng số 380, Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2: "Thời khắc tôi lao chiếc xe 380 tiến vào cổng Dinh Độc Lập là một thời khắc ghi dấu ấn sâu đậm nhất trong cuộc đời chiến đấu. Cảm xúc vô cùng hạnh phúc như câu hát “hạnh phúc vô biên…”. Nhưng, sau niềm vui tột đỉnh như thế, là niềm thương tiếc những người đồng đội đã ngã xuống trên dọc đường chiến đấu."
Ông không giấu nổi xúc động: “Chỉ trước đó hai ngày, pháo thủ số 2 xe 380 - người bạn thân nhất của tôi hy sinh. Gần hơn nữa, chỉ trước đó khoảng hơn một tiếng đồng hồ thì tiểu đoàn trưởng của tôi – Đại úy Ngô Văn Nhỡ cũng hy sinh ngay tại đầu cầu Sài Gòn. Biết bao nhiêu đồng đội đã ngã xuống để cho chúng tôi đến được với cái đích cuối cùng của cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Bây giờ mỗi dịp tháng Tư về, nhắc đến cảm xúc lại trào lên”.
Thực hiện: Hoàng Nhung
Đồ họa: Thùy Dương


Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo các đơn vị ưu tiên đảm bảo đủ điện, an toàn, liên tục cho dịp lễ 30/4 - 1/5.
Trong chuỗi 5 ngày nghỉ lễ 30/4-1/5, tại Hà Nội sẽ có nhiều hình thái thời tiết đan xen, song nhiệt độ sẽ cơ bản ổn định và duy trì mát mẻ.
Chủ tịch nước Lương Cường đã ký quyết định đặc xá cho 8.055 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và 1 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù có đủ điều kiện, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước.
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố 41 bị can trong vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn (Tập đoàn Phúc Sơn) cùng nhiều đơn vị, địa phương liên quan.
Chương trình chính luận nghệ thuật “50 năm đất nước trọn niềm vui” sẽ được Đài Hà Nội tổ chức vào 20 giờ ngày 30/4 tại sân Đoan Môn của Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, nhằm tái hiện lại hành trình đầy gian khổ của cuộc kháng chiến chống Mỹ, trong đó có vai trò và ý nghĩa đặc biệt của Thủ đô Hà Nội.
Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã thực hiện làm thủ tục hàng không bằng sinh trắc học trên nền tảng VNeID từ 16 giờ ngày 28/4.
0