Khai thác giá trị di sản phát triển kinh tế
Kinh tế di sản là lĩnh vực nghiên cứu, thực hành tập trung vào việc sử dụng, khai thác các giá trị văn hóa, lịch sử, tự nhiên để tạo ra giá trị kinh tế, đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị đó.
Thủ đô Hà Nội không chỉ có bề dày truyền thống ngàn năm văn hiến mà còn là địa phương có nhiều di sản văn hóa. Việc cải tạo, tu bổ và biến các di sản, di tích trở thành điểm du lịch đang là một trong những mục tiêu quan trọng của Thủ đô.
Ngôi nhà di sản ở 87 phố Mã Mây thuộc khu phố cổ Hà Nội, được du khách nước ngoài yêu thích bởi kiến trúc cổ kính cũng như nhiều hoạt động văn hóa, lịch sử được tổ chức tại đây. Chị Valentina - du khách Tây Ban Nha cho biết: “Tôi rất thích kiến trúc cổ của ngôi nhà này. Ngôi nhà được sắp xếp rất gọn gàng, có cả giếng trời ở giữa để ánh sáng chiếu vào . Đây là một địa điểm tuyệt vời để khám phá văn hóa truyền thống của Hà Nội”.
Bà Trần Thị Thúy Lan – Phó trưởng Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội cho hay : “Mong muốn của Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và các đơn vị là bảo tồn được giá trị, nghề truyền thống. Đồng thời, chúng tôi muốn đưa đến du khách nhiều hơn nữa những nội dung liên quan đến khu phố hàng hiện hữu còn ở trong khu phố cổ Hà Nội.”
Không chỉ có ngôi nhà di sản mà các địa điểm khác của Hà Nội, như Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hoàng Thành Thăng Long... đã và đang trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Ông Jonathan Wallace Baker – Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết: “Tôi nghĩ Hà Nội đã làm rất tốt. Hoàng thành Thăng Long đã trở thành một địa điểm thực sự quan trọng, cần được ghé thăm khi đến với Hà Nội. Nơi đây mang ý nghĩa lớn đối với người dân Việt Nam. UNESCO cùng Chính phủ Việt Nam và thành phố Hà Nội đã hợp tác rất chặt chẽ để bảo tồn di tích này, biến nó thành một địa điểm cho du khách ghé thăm khi đến Hà Nội để hiểu rõ hơn về văn hóa - lịch sử của người Việt Nam”.
Có thể thấy, bên cạnh việc bảo tồn giá trị di sản, để làm tốt công tác thu hút du lịch, các chuyên gia cho rằng, việc hợp tác, kết nối các bên liên quan, kết hợp di sản với các sản phẩm truyền thống của địa phương là điều rất quan trọng. “Chúng ta cần huy động sự tham gia của tất cả các bên liên quan. Ngoài ra, chính phủ cũng có thể hỗ trợ họ trong việc đào tạo các bên tham gia tại địa phương, để họ thực sự có thể đóng góp vào nền kinh tế dựa trên di sản này", ông Jonathan Wallace Baker cho biết thêm.
Việt Nam đang tích cực phát triển ngành công nghiệp văn hóa, coi đây là một lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, là động lực để quảng bá văn hóa dân tộc cũng như tăng trưởng kinh tế. Ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam được xác định với mục tiêu đóng góp 7% GDP vào năm 2030. Do vậy, để đạt được mục tiêu này, mỗi địa phương cần làm tốt vai trò gìn giữ giá trị di sản, từ đó phát triển kinh tế và phát triển ngành công nghiệp văn hóa của quốc gia.