Israel siết chặt viện trợ nhân đạo, Gaza hứng chịu nạn đói
Hàng loạt quốc gia, trong đó có nhiều đồng minh của Israel, đã ra tuyên bố chung chỉ trích hành động kiểm soát viện trợ nhân đạo của Israel và kêu gọi Israel chấm dứt cuộc chiến tại Gaza.
Cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza trong hơn 21 tháng qua đã đẩy hơn 2 triệu người Palestine tại đây đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng trầm trọng. Hiện người dân Gaza đang phụ thuộc phần lớn vào nguồn viện trợ hạn chế được phép vào lãnh thổ này. Tuy nhiên, từ hồi tháng 5, hầu hết nguồn cung lương thực mà Israel cho phép vào Gaza đều chuyển về Quỹ Nhân đạo Gaza, một tổ chức do Mỹ và Israel quản lý, sau đó mới phát cho người dân một cách “nhỏ giọt”. Ngoài ra, thời gian gần đây, có nhiều báo cáo về việc người Palestine thiệt mạng do các cuộc tấn công vào địa điểm phát hàng viện trợ. Tình trạng này làm dấy lên làn sóng chỉ trích gay gắt từ cộng đồng quốc tế.
Viện trợ nhân đạo “nhỏ giọt”
Các tổ chức viện trợ và nhân quyền cảnh báo rằng nạn đói đang lan rộng khắp Dải Gaza, trong khi hàng tấn thực phẩm, nước sạch, vật tư y tế và các mặt hàng khác vẫn còn nguyên vẹn ngay bên ngoài Gaza do các tổ chức nhân đạo bị quân đội Israel chặn lại, không cho tiếp cận hoặc chuyển giao.
Phần lớn công việc của chúng tôi đã bị đình trệ do sự kiểm soát của Israel đối với người dân Gaza. Họ không cho xe tải của chúng tôi vào. Vì vậy, trong 145 ngày qua, chúng tôi không thể tiếp nhận bất cứ thứ gì. Hàng trăm xe tải hàng đã nằm trong các nhà kho, ở Ai Cập hoặc bất cứ nơi nào khác. Nhưng chúng bị chặn không cho đến tay người dân ở Gaza”.
Các báo cáo của Văn phòng Nhân quyền Liên hợp quốc cho biết, gần đây, số hàng viện trợ đưa về Quỹ Nhân đạo Gaza (do Mỹ và Israel quản lý) được phát ra rất hạn chế. Trước đây có hơn 400 điểm phân phối hàng viện trợ tại Gaza thì hiện nay chỉ còn bốn điểm phân phối. Số hàng viện trợ được phát ra “nhỏ giọt” không thể đáp ứng nhu cầu của người dân Gaza.
Ngoài ra, số người thiệt mạng do tình trạng hỗn loạn tại các điểm phân phối hàng viện trợ tại Gaza đang gây ra sự phẫn nộ từ công chúng. Số liệu do Bộ Y tế Gaza và Văn phòng Nhân quyền Liên hợp quốc công bố cho biết hơn 800 người Palestine đã thiệt mạng do các vụ nổ súng của Israel khi đang chờ nhận viện trợ tại Gaza kể từ khi hoạt động của Quỹ nhân đạo Gaza bắt đầu vào tháng 5. Mới đây nhất, Bộ Y tế Gaza cho biết ít nhất 67 người Palestine đã thiệt mạng hôm 20/7 trong khi chờ xe cứu trợ của Liên hợp quốc.
Israel thừa nhận rằng quân đội của họ đã nổ súng nhiều lần trong các vụ việc liên quan đến người Palestine cố gắng tiếp cận các địa điểm cứu trợ, khẳng định lực lượng của họ đã hành động hợp pháp khi thấy những người này tiếp cận họ theo cách mà họ cho là đe dọa. Israel cũng khẳng định họ đã cho phép đủ lương thực vào Gaza và cáo buộc Hamas đã rút ruột phần lớn số lương thực này. Tuy nhiên, Liên hợp quốc cho biết không có bằng chứng nào cho thấy viện trợ nhân đạo bị Hamas lấy đi.
Trong bài phát biểu tại Quốc hội Anh hôm 21/7, Bộ trưởng Ngoại giao Anh David Lammy gọi mô hình viện trợ “nhỏ giọt” của chính phủ Israel dành cho người dân Gaza là “vô nhân đạo” và gây bất ổn.
Hệ thống viện trợ mới của Israel là vô nhân đạo. Nó nguy hiểm và tước đoạt nhân phẩm của người dân Gaza. Nó đi ngược lại các nguyên tắc nhân đạo đã được thiết lập từ lâu. Nó tạo ra sự hỗn loạn với số điểm phân phối giảm từ 400 xuống chỉ còn bốn. Nó buộc những người dân tuyệt vọng, trong đó có cả trẻ em, phải vật lộn một cách nguy hiểm để tìm kiếm những nhu yếu phẩm thiết yếu. Đó là một cảnh tượng kinh hoàng, gây ra tổn thất nhân mạng khủng khiếp. Gần một nghìn dân thường đã thiệt mạng kể từ tháng Năm khi tìm kiếm viện trợ, trong đó có một trăm người, chỉ riêng cuối tuần này”.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng bày tỏ sự kinh hoàng trước tình trạng suy thoái nhân đạo ngày càng nghiêm trọng ở Gaza, "nơi những tuyến đường cuối cùng giúp người dân sống sót đang sụp đổ".
Cuối tuần qua tại Gaza, chúng ta đã chứng kiến thêm nhiều vụ nổ súng và giết hại hàng loạt người dân đang tìm kiếm viện trợ của Liên hợp quốc cho gia đình họ. Đây là một hành động tàn bạo và vô nhân đạo, mà tôi hoàn toàn lên án. Chúng ta cần một lệnh ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza, trả tự do ngay lập tức cho tất cả các con tin và tiếp cận nhân đạo không bị cản trở như một bước đầu tiên để đạt được giải pháp hai nhà nước".
Dải Gaza đã chứng kiến kho dự trữ lương thực cạn kiệt kể từ khi Israel cắt đứt mọi nguồn cung cấp cho vùng lãnh thổ này vào tháng 3 và sau đó dỡ bỏ lệnh phong tỏa vào tháng 5, tuy nhiên lại đi kèm các biện pháp kiểm soát mới nhằm ngăn chặn việc viện trợ bị chuyển hướng sang các nhóm chiến binh Hamas. Các quan chức y tế Gaza cảnh báo về khả năng "tử vong hàng loạt" trong những ngày tới do nạn đói.
Làn sóng chỉ trích từ cộng đồng quốc tế
25 quốc gia, bao gồm Anh, Pháp và một loạt quốc gia châu Âu, hôm 21/7 đã ra tuyên bố chung, kêu gọi chấm dứt chiến tranh ở Gaza và Israel phải tuân thủ luật pháp quốc tế, trong bối cảnh thảm họa nhân đạo tại Gaza đang ngày càng nghiêm trọng. Trước đó, một nhóm 12 nước từ châu Á, Nam Mỹ và châu Phi cũng ký cam kết thực hiện các biện pháp pháp lý và ngoại giao để ngăn chặn các hành động của Israel. Đây là những dấu hiệu mới nhất cho thấy các đồng minh và cộng đồng quốc tế đang lên tiếng gay gắt hơn về cuộc chiến của Israel tại Dải Gaza.
Trang web Bộ Ngoại giao của hàng loạt quốc gia, trong đó có nhiều đồng minh của Israel, như Australia, Italia, Vương quốc Anh ngày 21/7 đã đăng tải tuyên bố chung, trong đó kêu gọi chiến tranh ở Gaza "phải chấm dứt ngay lập tức". Các Bộ trưởng Ngoại giao cho rằng "nỗi thống khổ của người dân ở Gaza đã lên đến đỉnh điểm". Tuyên bố đồng thời lên án Israel "cung cấp viện trợ nhỏ giọt và việc giết hại dân thường, bao gồm cả trẻ em, một cách vô nhân đạo". Tuyên bố cũng cho biết “Việc chính phủ Israel từ chối hỗ trợ nhân đạo thiết yếu cho dân thường là không thể chấp nhận được. Israel phải tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo luật nhân đạo quốc tế”. Tuyên bố này cũng kêu gọi chính phủ Israel ngay lập tức dỡ bỏ các hạn chế đối với dòng viện trợ; khẩn trương tạo điều kiện cho Liên hợp quốc và các tổ chức nhân đạo thực hiện công tác cứu người một cách an toàn và hiệu quả".
Phát biểu tại cung điện ở Brussels, Quốc vương Bỉ Philippe bày tỏ sự ủng hộ đối với lời kêu gọi của các nước về việc "chấm dứt ngay lập tức cuộc khủng hoảng này", đồng thời cảnh báo rằng sự xói mòn luật pháp quốc tế đang đe dọa sự ổn định toàn cầu.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Israel đã bác bỏ tuyên bố chung của 25 nước, cho rằng nó “tách rời khỏi thực tế và gửi đi thông điệp sai lầm tới Hamas”. Israel cáo buộc Hamas kéo dài chiến tranh bằng cách từ chối chấp nhận đề xuất ngừng bắn tạm thời và thả con tin do Mỹ hậu thuẫn. Đại sứ Mỹ tại Israel Mike Huckabee cũng bác bỏ tuyên bố chung này và nói rằng các nước này nên gây áp lực lên Hamas, chứ không phải Israel.
Đây không phải lần đầu tiên nhiều nước, đặc biệt là đồng minh của Israel lên tiếng chỉ trích về hành động của nước này. Vào tháng 5, Anh, Pháp và Canada đã ra tuyên bố chung kêu gọi chính phủ của Thủ tướng Netanyahu ngừng các hoạt động quân sự ở Gaza và đe dọa sẽ có "hành động cụ thể" nếu Israel không làm vậy.
Ngày 16/7, tại một "Hội nghị Khẩn cấp" do Nhóm La Hay tổ chức bên lề Hội nghị thượng đỉnh tại Bogota, một số quốc gia tham dự đã đề xuất các biện pháp nhằm chấm dứt các cuộc tấn công của Israel vào Gaza. Đại diện của 12 quốc gia là Colombia, Bolivia, Cuba, Indonesia, Iraq, Libya, Malaysia, Namibia, Nicaragua, Oman, Nam Phi, Saint Vincent và Grenadines đã ký một tuyên bố chung lên án các hành động của Israel tại các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng và cam kết thực hiện các biện pháp pháp lý và ngoại giao để ngăn chặn các hành động này.
Văn kiện này đưa ra sáu biện pháp cụ thể mà các quốc gia ký kết cam kết áp dụng trong khuôn khổ pháp lý quốc gia của mình trước ngày 20/9 năm 2025, bao gồm việc từ chối cung cấp vũ khí cho Israel, lệnh cấm tàu thuyền vận chuyển vũ khí và xem xét lại các hợp đồng công về khả năng liên kết với các công ty hưởng lợi từ thương mại với Israel.
Đến ngày 23/7, hơn 111 tổ chức viện trợ và nhân quyền, bao gồm Mercy Corps, Hội đồng Tị nạn Na Uy và Tổ chức Tị nạn Quốc tế, đã kêu gọi các chính phủ hành động khi nạn đói đang lan rộng ở Gaza. Các tổ chức này cũng kêu gọi các chính phủ yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức và vĩnh viễn, đồng thời dỡ bỏ mọi hạn chế đối với dòng chảy viện trợ nhân đạo.
Trong làn sóng chỉ trích của quốc tế, hàng trăm người ở cả Israel và ở Mỹ đã xuống đường phản đối cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza và kêu gọi Israel "hãy ngừng bỏ đói Gaza".
Các cuộc tấn công vào Gaza vẫn tiếp diễn
Bất chấp những chỉ trích và kêu gọi của cộng đồng quốc tế, quân đội Israel vẫn tiếp tục các cuộc tấn công tại Dải Gaza. Đầu tuần này, lần đầu tiên lực lượng phòng vệ Israel IDF không kích vào thành phố Deir al-Balah, một trong số ít địa điểm ở Gaza mà họ chưa triển khai lực lượng mặt đất. Động thái này làm gia tăng lo ngại của quốc tế về tình hình nhân đạo thảm khốc tại khu vực này.
IDF hôm 20/7 đã ban hành lệnh sơ tán một phần khu vực Deir al-Balah, tiếp theo là tiến hành một loạt cuộc không kích dữ dội bằng xe tăng vào các quận phía Nam và phía Đông của thành phố này. Theo các nguồn tin, IDF có thể đang chuẩn bị mở rộng chiến dịch quân sự tại khu vực này. Theo cách thức mà Israel thường tiến hành, thì các bước lần lượt sẽ là sơ tán người dân, không kích và sau đó là tấn công trên bộ.
Các lệnh di dời mới nhất của Israel, tiếp theo là các cuộc tấn công dữ dội vào phía Tây Nam Deir Al Balah, đã làm tăng thêm nỗi thống khổ không thể chịu đựng của người Palestine đang đói khát. Dường như cơn ác mộng đã trở nên tồi tệ hơn. Những cuộc không kích và hoạt động trên bộ mới nhất của Israel chắc chắn sẽ dẫn đến thêm nhiều thương vong cho dân thường và phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự”.
Deir al-Balah là một trong bốn khu trại tị nạn lớn ở Dải Gaza. Ba trại còn lại là Nuseirat, Bureij và Maghazi. Khu vực này tập trung đông đảo người Palestine di tản. Trong cuộc chiến gần hai năm qua, IDF hầu như chưa triển khai lực lượng tại những khu vực này. Một phần lý do có thể là do lo ngại Hamas đang giữ con tin tại các địa điểm này. Ít nhất 20 trong số 50 con tin còn lại bị giam giữ tại Gaza được cho là vẫn còn sống.
Các nhà quan sát cho rằng, động thái của Israel yêu cầu sơ tán khu vực này có thể nhằm gây áp lực lên Hamas khi các cuộc đàm phán ngừng bắn đang diễn ra. Theo số liệu của IDF, kể từ khi phát động chiến dịch “Chiến xa của Gideon” hồi tháng 5 đến nay, Israel đã kiểm soát được từ 70-75% diện tích Gaza.
Tình trạng khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng tại Gaza và làn sóng chỉ trích ngày càng lan rộng cho thấy nhu cầu cấp thiết phải đạt được lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas, để tạo điều kiện cho viện trợ nhân đạo vào Gaza. Gần đây có dấu hiệu cho thấy cuộc đàm phán này đang bước vào giai đoạn quyết định. Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ, ông Steve Witkoff, dự kiến sẽ đến Doha (Qatar) vào cuối tuần này để hỗ trợ hoàn tất thỏa thuận ngừng bắn 60 ngày giữa Israel và Hamas, trong khi Israel đã đồng ý nhượng bộ về phạm vi hiện diện quân sự tại Gaza trong thời gian ngừng bắn, chính quyền Palestine cũng đã nối lại tiếp xúc với chính quyền Trump. Hiện cộng đồng quốc tế đang chờ đợi xem những tín hiệu này có thể đem lại lệnh ngừng bắn cho dải Gaza trong tuần này hay không.