Iran sắp tấn công Israel từ lãnh thổ Iraq?
Hiện chưa rõ thời điểm và quy mô đáp trả của Iran, trong khi Tel Aviv tuyên bố sẽ lại đánh nếu Tehran có vòng leo thang mới. Các cuộc “ăn miếng trả miếng” giữa Israel và Iran trong bối cảnh cuộc chiến tại dải Gaza và Liban vẫn tiếp diễn ác liệt, làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột lớn hơn có thể nhấn chìm toàn bộ khu vực Trung Đông.
Iran sắp đáp trả Israel?
Dẫn hai nguồn tin giấu tên của Israel, trang Axios của Mỹ cho hay cuộc tấn công dự kiến của Iran được thực hiện từ Iraq bằng lượng lớn thiết bị bay không người lái và tên lửa đạn đạo.
Nhận định trên được đưa ra sau khi ngày 31/10, chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran Hossein Salami tuyên bố Israel “đã phạm sai lầm” trong cuộc tấn công gần đây vào Iran và nhấn mạnh rằng phản ứng của Iran sẽ “khác với bất kỳ kịch bản nào” mà Israel có thể dự đoán.
Trước đó, kênh CNN dẫn một nguồn tin cấp cao quen thuộc với các cuộc thảo luận của Iran hôm 30/10 cho rằng phản ứng của Iran có thể diễn ra trong vài ngày tới và “sẽ dứt khoát và đau đớn”.
Nguồn tin này không cung cấp ngày chính xác của cuộc tấn công dự kiến nhưng cho biết “có thể sẽ diễn ra trước ngày bầu cử tổng thống Mỹ”. Các nguồn tin quân sự Israel cũng xác nhận với CNN rằng họ đang “sẵn sàng cao” trong trường hợp Iran thực sự tấn công ngay lập tức.
Cùng ngày, tờ New York Times đưa tin hai quan chức cấp cao của Iran xác nhận đang lên kế hoạch đáp trả cuộc tấn công của Israel vào nước này. Tướng Ali Fadavi, Phó chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tuyên bố “phản ứng của Iran đối với hành vi xâm lược của người Do Thái là chắc chắn”. Còn người đứng đầu văn phòng của Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Khamenei, Gholamhossein Mohammadi Golpayegani, cũng cho biết Iran đã lên kế hoạch đưa ra “một phản ứng dữ dội, mạnh mẽ” đối với “hành động tuyệt vọng” của Israel.
Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei, người ra quyết định cuối cùng của Iran, đã gọi cuộc tấn công của Israel vào Iran là hành động “tuyệt vọng và hèn nhát”, đồng thời tuyên bố rằng “phản ứng của Iran đối với những người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái sẽ rất khắc nghiệt và khiến người ta phải kinh ngạc”. Ngày 2/11, ông tiếp tục cảnh báo cả Israel và Mỹ về một “phản ứng dữ dội” vì những gì đang làm với Iran và mặt trận kháng chiến.
Thời gian qua, Israel và Iran đã thực hiện các cuộc tấn công “ăn miếng trả miếng” về phía lãnh thổ của nhau. Trong một động thái mới nhất, hôm 26/10, Israel đã ồ ạt oanh tạc vào Iran để trả đũa việc Tehran đã phóng khoảng 180 tên lửa hướng tới Tel Aviv hôm 1/10.
Đây là cuộc tấn công công khai, quy mô lớn đầu tiên của một nhà nước vào lãnh thổ Iran kể từ cuộc chiến tranh Iran-Iraq vào những năm 1980, cũng là lần đầu tiên Israel công khai thừa nhận làm điều đó. Sự việc đánh dấu bước tiến tới một cuộc đối đầu trực tiếp giữa hai bên.
Mặc dù Iran khẳng định cuộc tấn công đã gây ra thiệt hại không đáng kể nhưng giới chuyên gia nhận định Israel đã vô hiệu hóa một số tổ hợp phòng không quan trọng, khiến Iran đặc biệt dễ tổn thương trước những đòn tấn công trong tương lai. Đòn tập kích của Israel còn nhằm gây tổn hại năng lực chế tạo tên lửa của Iran, dù kho dự trữ gồm hàng nghìn tên lửa đạn đạo và số lượng chưa xác định tên lửa hành trình tầm xa của Tehran không bị ảnh hưởng.
Các đòn đáp trả lẫn nhau giữa Iran và Israel diễn ra sau khi Tel Aviv mở rộng chiến tranh trên khắp khu vực, tiến hành các cuộc chiến tàn khốc ở Gaza và Liban, đồng thời tấn công Syria, Iraq và Yemen, cũng như Iran. Sự trả đũa giữa hai cường quốc như Iran và Israel đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến tranh khu vực toàn diện.
Lựa chọn của Iran
Cuộc đối đầu trực tiếp giữa Iran và Israel thời gian qua cho thấy các cuộc tấn công quân sự công khai có thể trở thành một đặc điểm thường xuyên trong sự cạnh tranh giữa hai đối thủ này. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng đây dường như là điều Iran muốn tránh.
Sau cuộc tấn công của Israel hôm 26/10, việc Iran lựa chọn không đáp trả sẽ có nguy cơ làm suy yếu thêm khả năng răn đe và uy tín của nước này, đồng thời có thể khuyến khích Israel thực hiện nhiều cuộc tấn công hơn trong tương lai.
Tuy nhiên, nếu Tehran quyết định tấn công Israel lần thứ ba, họ có nguy cơ phải đối mặt với phản ứng mạnh mẽ hơn từ Israel, có khả năng nhắm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng, chẳng hạn như các cơ sở năng lượng hoặc địa điểm hạt nhân. Hệ thống phòng không của Iran, vốn đã suy yếu sau các cuộc tấn công hôm thứ Bảy, khiến nước này dễ bị tấn công hơn bởi Israel.
Quân đội Israel sau khi tuyên bố đã hoàn thành các cuộc không kích "chính xác và có mục tiêu" vào các mục tiêu quân sự ở Iran đã cảnh báo nếu Iran bắt đầu một vòng leo thang mới thì Israel sẽ có nghĩa vụ đáp trả.
Người phát ngôn Lực lượng phòng vệ Israel Daniel Hagari nhấn mạnh: “Thông điệp của chúng tôi rất rõ ràng: Tất cả những ai đe dọa nhà nước Israel và tìm cách kéo khu vực vào một cuộc leo thang rộng lớn hơn sẽ phải trả giá đắt. Hôm nay, chúng tôi đã chứng minh cả khả năng và quyết tâm hành động quyết đoán, và chúng tôi đã chuẩn bị cả về tấn công và phòng thủ để bảo vệ nhà nước Israel và người dân Israel”.
Một số nhà phân tích tin rằng các cuộc tấn công bằng tên lửa trước đó của Iran vào Israel mang tính biểu tượng nhiều hơn là gây thiệt hại, nhằm thể hiện sức mạnh mà không gây ra leo thang. Nhưng ngay cả khi Tehran có khả năng gây ra thiệt hại đáng kể cho Israel, thì họ cũng không muốn làm như vậy. Giới lãnh đạo Iran ưu tiên duy trì chế độ hơn hết thảy và họ sẽ thận trọng không kích hoạt phản ứng có thể gây nguy hiểm cho sự tồn vong của mình.
Iran cũng có thể leo thang gián tiếp bằng cách thúc đẩy chương trình hạt nhân hoặc thay đổi học thuyết hạt nhân của mình, động thái mà các quan chức Iran trước đây từng đe dọa. Tuy nhiên, những hành động như vậy có nguy cơ gây ra phản ứng mạnh mẽ từ Israel và có thể là Mỹ, khi cả hai nước này đều kiên quyết phản đối việc Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.
Trong bối cảnh ấy, phản ứng thông qua các đại diện khu vực của mình là một lựa chọn có thể giúp Tehran “duy trì khả năng răn đe mà không gây ra leo thang". Thomas Juneau, phó giáo sư tại Đại học Ottawa ở Canada, cho biết: “Ưu thế của Iran là cao nhất khi bạo lực ở vùng xám, dưới ngưỡng chiến tranh trực tiếp”.
“Đến một lúc nào đó, Iran sẽ muốn đưa cuộc đối đầu trở lại mức độ này, nơi mà điểm yếu của họ ít lộ rõ hơn và nơi mà họ có thể phát huy tối đa những điểm mạnh còn lại của mình”, Juneau nói với Al Arabiya English.
Thế khó xử của Iraq
Theo Axios, cuộc tấn công của Iran nhằm đáp trả Israel trong những ngày tới sẽ được thực hiện thông qua lực lượng dân quân ủng hộ Tehran ở Iraq. Đây có thể là một nỗ lực nhằm tránh một cuộc tấn công khác của Israel vào các mục tiêu chiến lược ở Iran. Tuy nhiên, việc có thể trở thành bệ phóng cho đòn tấn công trả đũa của Iran nhằm vào Israel trong những ngày tới có thể sẽ khiến xung đột lan rộng thêm tới Iraq, đồng thời đặt chính phủ nước này vào tình thế khó xử.
Thời gian gần đây, các nhóm dân ở Iraq đã tăng cường các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào Israel, với 6 cuộc tấn công vào tháng 8, sau đó là 37 cuộc vào tháng 9 và 111 cuộc trong tháng 10.
Các lực lượng này cũng được cho là đã phóng 26 quả tên lửa al-Arqab, một loại tên lửa hành trình mới do Iran cung cấp vào Israel trong khoảng thời gian từ ngày 5 tháng 1 đến ngày 5 tháng 10.
Đến nay Iran chưa hỗ trợ các nhóm dân quân này tấn công bằng tên lửa đạn đạo vào Israel, nhưng nếu Iran quyết định làm điều đó, họ có thể dễ dàng bố trí tên lửa ở các khu vực thuộc Iraq do các lực lượng ủy nhiệm của mình kiểm soát.
Kịch bản này có thể làm phức tạp các nỗ lực phòng thủ tên lửa của Israel và Mỹ khi tạo ra các khu vực phóng mới và quan trọng nhất là giảm thời gian cảnh báo và đánh chặn khi các địa điểm phóng của Iraq chỉ cách biên giới Israel 420 km, so với khoảng cách 1.000 km đối với tuyến đường gần nhất của Iran.
Mặt khác, sau khi cho phép các nhóm dân quân ở Iraq sử dụng tên lửa hành trình của mình, Tehran có thể một lần nữa làm như vậy với tên lửa đạn đạo. Với việc ra lệnh cho các lực lượng dân quân sử dụng loại vũ khí mà họ chưa từng phóng vào Israel trước đây hoặc tiến hành một cuộc tấn công hàng loạt bằng các loại vũ khí như máy bay không người lái và tên lửa hành trình, Iran có thể cho thấy khả năng của họ trong việc “thống nhất các mặt trận”.
Hơn nữa, nếu một cuộc tấn công như vậy dẫn đến sự trả đũa mạnh mẽ của Israel đối với Iraq, các lực lượng dân quân có thể sẽ lập luận rằng Mỹ đã tạo điều kiện hoặc không ngăn chặn được cuộc tấn công. Điều này có thể làm trầm trọng thêm những phản đối gay gắt đối với sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Iraq, đẩy nhanh nỗ lực của Baghdad nhằm đảm bảo một cuộc rút quân hoàn toàn của Mỹ.
Reuters dẫn các nguồn thạo tin cho biết chính phủ Iraq hiện đang cố gắng tránh bị lôi kéo vào các cuộc xung đột khu vực. Hai thập kỷ sau cuộc chiến khi Mỹ lật đổ lãnh đạo Saddam Hussein, Iraq đang trải qua thời kỳ tương đối ổn định, và chính phủ của Thủ tướng Mohammed Shia al-Sudani luôn cảnh giác với các cuộc xung đột khu vực có thể ảnh hưởng đến hành động cân bằng tinh tế của mình giữa Washington và Tehran, cả hai quốc gia mà họ đều là đồng minh.
Chính phủ Iraq đã nỗ lực thuyết phục Phong trào Kháng chiến Hồi giáo tại Iraq - một liên minh các nhóm vũ trang do Iran hậu thuẫn - ngừng bắn tên lửa và máy bay không người lái vào Israel. Baghdad cũng tìm kiếm sự giúp đỡ của Tehran để kiềm chế các lực lượng đồng minh ở Iraq cũng như đề nghị Mỹ can thiệp với Israel để ngăn chặn hành động trả đũa các cuộc tấn công. Tuy nhiên, đến nay tất cả những nỗ lực này đều chưa có kết quả.
Bốn nguồn tin dân quân cho biết các nhóm Kataib Hezbollah và Nujaba đang dẫn đầu các cuộc tấn công vào Israel, đã cảnh báo Thủ tướng al-Sudani không được gây sức ép buộc họ dừng hành động và tuyên bố sẽ tiếp tục các cuộc tấn công chừng nào Israel còn hoạt động ở Gaza và Liban.
Chủ tịch tổ chức nghiên cứu Sumeria Foundation (Baghdad) Mohammed Shummary, ngày 31/10, đánh giá xung đột khu vực ngày càng leo thang có nguy cơ kéo phe Hồi giáo Shia của Iraq, nhiều đảng trong số đó được trang bị vũ khí hạng nặng, vào một cuộc đối đầu thảm khốc.
“Họ bị giằng xé giữa quyết định giữ Iraq tránh xa cuộc giao tranh và các cam kết về mặt tư tưởng và chính trị đối với người Shia ở Liban và phe kháng chiến rộng lớn hơn, trong bối cảnh hành động khiêu khích của Israel đã vượt qua mọi ranh giới đỏ được phép”, ông Shummary nói với Reuters.
“Nếu cuộc giao tranh leo thang, thì điều này không chỉ có nghĩa là các cuộc tấn công vào mục tiêu của Israel sẽ tiếp tục mà còn có khả năng có thêm sự tham gia của các phe phái khác vào các hoạt động lớn hơn và phức tạp hơn”, theo ông Shummary./.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã chính thức bước sang ngày thứ 1.000 vào hôm nay, 19/11/2024. Ukraine đang đối mặt với một mùa đông nữa, khi các cơ sở năng lượng bị phá hủy nghiêm trọng, lượng dự trữ đạn dược ngày càng cạn kiệt.
Xung đột Nga - Ukraine bước vào một bước ngoặt mới khi Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã cho phép Kiev dùng vũ khí viện trợ tầm xa để tấn công sâu vào Nga.
Năm 2024, thế giới đang chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại về ô nhiễm bầu khí quyển, lượng khí CO2 trong bầu khí quyển tăng cao kỷ lục, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì vậy, tìm hiểu nguyên nhân và các giải pháp khắc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí có một ý nghĩa rất quan trọng.
Tuần lễ cấp cao APEC 2024 quy tụ khoảng 20.000 đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên trên khắp châu Á, Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Với chủ đề năm APEC 2024 là “Trao quyền, Bao trùm, Tăng trưởng”, nước chủ nhà Peru kỳ vọng thông qua các Hội nghị lần này thúc đẩy sự thịnh vượng lớn hơn trong khu vực.
Việc ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ được dư luận quốc tế nhìn nhận như một thách thức mới cho quan hệ Mỹ - Trung, vốn đã trải qua nhiều sóng gió trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump.
Trong bối cảnh các thảm họa thiên nhiên gia tăng nhanh chóng và lượng khí nhà kính đang ở mức cao nhất mọi thời đại, Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu lần thứ 29 của Liên hợp quốc (COP29) được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các hành động bảo vệ môi trường mạnh mẽ hơn trên toàn cầu.
0