Hồn nhạc cổ kinh kỳ giữa lòng Hà Nội hiện đại
Giữa nhịp sống hiện đại mới của Thủ đô, vẫn còn đó những thanh âm xưa cũ trong khu phố cổ Hà Nội như là tiếng vọng của một thời vàng son chưa khuất. Âm nhạc cổ – từ ca trù, chèo, nhã nhạc đến những giai điệu tiền chiến – vẫn âm thầm vang lên, gợi nhắc về một Hà Nội tinh tế, đầy chất thơ.
Những thành viên của nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc gặp nhau ở tình yêu chung dành cho âm nhạc cổ truyền. Họ không chỉ biểu diễn mà còn miệt mài nghiên cứu, phục dựng và lan tỏa những giá trị đẹp của di sản đến cộng đồng. Họ mong muốn giữ cho hồn nhạc xưa không bị lãng quên giữa đời sống hiện đại.
Giữa phố phường ồn ã, họ lặng lẽ chọn gắn bó với hồn xưa, phục dựng và lan tỏa những thanh âm từng là linh hồn của kinh kỳ thuở trước. Với họ, âm nhạc không chỉ là nghệ thuật, mà còn là ký ức và bản sắc, là điều không thể để mất giữa guồng quay của hiện đại hóa. Những âm thanh từ tre, trúc, từ tiếng tơ với lối hát mộc, không qua sự hỗ trợ của các thiết bị khuếch đại âm thanh điện tử, đã làm nên nét đặc sắc riêng mà chỉ khi tới Đông Kinh Cổ Nhạc, khán giả mới có thể cảm nhận được
Ông Đàm Quang Minh, sáng lập viên nhóm nghệ thuật Đông Kinh Cổ Nhạc, cho biết: "Chúng tôi là những người đi tìm về cội nguồn di sản. Chúng tôi muốn tìm lại những điều chân thực trong cuộc sống hiện đại, nhưng thiết bị âm thanh khiến mọi thứ hơi xa lệch. Ban Quản lý phố cổ đã đồng hành cùng các chuyên gia, kỹ sư để thiết kế một căn phòng diễn mang đầy đủ âm sắc Việt. Với một không gian truyền thống được ví như sân đình cổ, chúng tôi có thể mang lại những thanh âm của quá khứ. Nhờ sự quan tâm của Ban Quản lý phố cổ, chúng tôi đã được đồng hành cùng khán giả Thủ đô qua chương trình 'Chuyện nhạc phố cổ' từ 10 năm nay".
Mỗi làn điệu được cất lên tại Đông Kinh Cổ Nhạc không chỉ là tiếng hát mà còn là lời kể về một hồn dân tộc. Giữa phố cổ Hà Nội hôm nay, nơi đây như một nhịp đập lặng thầm nhưng bền bỉ, giữ gìn bản sắc và trao truyền tinh hoa xưa cũ đến với thế hệ mai sau.
NSND Minh Gái chia sẻ: "Sau khi đã hoàn thành sứ mệnh của một người nghệ sĩ với công tác của nhà hát, nhờ cơ may và duyên số, chúng tôi lại tiếp tục cống hiến, mang đến nghệ thuật truyền thống kết hợp cùng rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng để tạo nên Đông Kinh Cổ Nhạc. Điều hạnh phúc nhất chính là khi chúng tôi được tiếp tục làm nghề trong một không gian và sân khấu khác. Ở đây chúng tôi hát không cần mic, nhạc cụ và trang phục đều rất khác. Rất vui khi các bạn trẻ và du khách đều yêu thích nét đẹp đó, khiến chúng tôi càng cảm thấy trân trọng và phát huy".
Từ những buổi biểu diễn nhỏ trong không gian cổ kính cho đến các sân khấu quốc tế, Đông Kinh Cổ Nhạc vẫn luôn kiên trì với mục tiêu gìn giữ, nuôi dưỡng và lan tỏa vẻ đẹp bền bỉ của hồn nhạc cổ kinh kỳ.
NSND Thanh Hoài cho hay: "Chính bởi lòng yêu mến của anh Minh - người đã kết nối các tầng lớp nghệ sĩ, nên mới có sự ra đời của đoàn Đông Kinh Cổ Nhạc hôm nay. Cho đến nay, dù đã gần 10 năm nhưng nhóm vẫn duy trì, gìn giữ được nghề cổ truyền của cha ông để lại. Năm nay tôi đã gần 80 tuổi, gắn bó với nghề hơn 60 năm, tôi vẫn muốn gửi gắm lại thế hệ mai sau lan toả nét đẹp văn hoá truyền thống này".
Gần một thập kỷ qua là hành trình đầy cảm hứng của những nghệ sĩ đã đi qua thời sung sức, nhưng lại bước vào giai đoạn thăng hoa rất riêng. Dù tuổi tác in hằn lên vóc dáng, họ vẫn bền bỉ đưa âm nhạc dân gian đến với đời sống hiện đại – như những “người hát rong” mang vẻ đẹp truyền thống đi dọc thời gian. Ở họ ánh lên tinh thần hiên ngang, dung dị mà thi sĩ Tản Đà từng gợi nhắc trong “Sẩm chợ” – những con người hát để làm đẹp cho đời.


Triển lãm nghệ thuật “Thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh qua nét chữ sắc màu” được khai mạc tại Bảo tàng Hà Nội ngày 17/5, trưng bày gần 40 tác phẩm thư họa tôn vinh cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác.
Trưng bày chuyên đề “Vũ khúc Thiền môn - Nghệ thuật Phật giáo thời Lý: Di sản và Công nghệ” đã khai mạc ngày 16/5.
Triển lãm sách khoa học và công nghệ 2025 với chủ đề "Khám phá tri thức - kiến tạo tương lai' đã khai mạc ngày 15/5, tại số 24 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Với mỗi người dân Việt Nam, tháng 5 về, ai cũng bồi hồi nhớ tới ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc với lòng khâm phục và sự kính yêu vô hạn. Cầu phát thanh trực tiếp "Tháng Năm nhớ Bác" được phát trực tiếp trên sóng FM96Mhz, trực tuyến trên Hanoi On, Hanoionline.vn, fanpage FM96 - Tin tức & Âm nhạc của Đài Hà Nội.
Triển lãm với chủ đề 'Sắc Son' đã diễn ra từ ngày 16/5, tại không gian đình Hà Vĩ, phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Triển lãm chủ đề "Hồ Chí Minh trong nghệ thuật tạo hình" đã khai mạc ngày 16/5 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
0