Hơn 50.000 học sinh Hà Nội không có suất vào lớp 10 công lập | Hà Nội tin mỗi chiều
Hà Nội phấn đấu 100% người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ
Trong tương lai gần, 100% người cao tuổi của thành phố Hà sẽ được khám sức khỏe định kỳ.
Hà Nội hiện có hơn 1 triệu người cao tuổi. Thành phố đã ban hành nhiều văn bản thực hiện chính sách đối với người cao tuổi cùng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù khác, như áp dụng mức chuẩn trợ cấp xã hội cao hơn mức chuẩn Trung ương; mở rộng đối tượng là người cao tuổi cô đơn thuộc hộ cận nghèo được trợ cấp xã hội hàng tháng và tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội; hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm y tế với người từ 70 tuổi trở lên…
Theo quy luật tự nhiên, tuổi càng cao sức khỏe càng suy giảm. Những bệnh thường gặp nhất ở người cao tuổi là các bệnh về xương khớp, cao huyết áp, các bệnh về mắt và suy giảm trí nhớ. Tình trạng bệnh tật đã ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm lý, các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của người cao tuổi. Đa số người cao tuổi chưa có thói quen khám bệnh định kỳ và còn chủ quan trong điều trị bệnh, khi phát hiện bệnh thường ở giai đoạn muộn khiến việc chữa trị rất khó khăn.

Theo thống kê, trung bình mỗi người cao tuổi có từ 2 đến 3 loại bệnh. Tuổi càng cao bệnh càng nhiều. Hơn 70% người cao tuổi vẫn phải tiếp tục lao động sản xuất, không chỉ kiếm sống mà còn phụ giúp cho con cháu.
Với mục tiêu 100% người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ, Hà Nội đang tích cực giải bài toán làm thế nào để vấn đề già hóa dân số là thành tựu đúng nghĩa, chứ không phải là gánh nặng. Các chuyên gia cho rằng, cần phải có nhiều giải pháp, trong đó việc tuyên truyền cần hiệu quả hơn nữa để nâng cao nhận thức của xã hội, tác động để người dân chủ động hơn trong việc chuẩn bị cho tuổi già ngay từ khi còn trẻ. Ngoài ra, việc đầu tư cho y tế cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết các nhu cầu của người cao tuổi.
Dự kiến, hơn 50.000 học sinh Hà Nội không có suất vào lớp 10 công lập
Một con số gây xôn xao dư luận mấy ngày nay đó là dự kiến hơn 50.000 học sinh Hà Nội không có suất vào lớp 10 công lập năm nay.
Năm nay, khoảng 135.000 học sinh trên địa bàn Hà Nội tốt nghiệp THCS, trong đó chỉ 60% vào các trường công lập, còn lại các em sẽ học trường tư hoặc trường nghề. Như vậy, kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập tới đây tại Hà Nội dự kiến khoảng 81.000 em đỗ vào các trường công lập, còn lại 54.000 em không đỗ, phải theo học trường tư hoặc trường nghề.
Sự phát triển nóng của các khu đô thị thời gian vừa qua đã gây sức ép rất lớn đối với ngành Giáo dục. Các khu đô thị, chung cư cao tầng ngày càng nhiều trong khi đó việc xây dựng trường lớp không theo kịp. Hầu hết các trường công lập tại các khu đô thị đều trong tình trạng quá tải. Dựa trên cơ sở dữ liệu ngành, Sở GD&ĐT từng dự báo số lượng học sinh lớp 9 trên địa bàn tốt nghiệp THPT các năm tới tăng khoảng 29.000 em, tương đương khoảng 722 lớp.
Cụ thể, năm 2024 - 2025 dự kiến gần 135.000 học sinh tốt nghiệp, tăng hơn 5.000 học sinh so với năm học 2023 - 2024.
Năm học 2025 - 2026 dự kiến hơn gần 130.000 học sinh, tăng khoảng 680 em so với năm 2023 - 2024.
Đỉnh điểm, năm 2026 - 2027 dự kiến có hơn 151.000 học sinh, tăng khoảng hơn 22.000 học sinh so với năm học 2023 - 2024.
Về quy mô các trường THPT công lập, đến năm 2024-2025, Hà Nội dự kiến có khoảng 121 trường, tăng hai trường so với năm học 2023-2024.
Đến năm học 2025- 2026, khoảng 123 trường, tăng 4 trường so với năm học 2023-2024.
Đến năm học 2026-2027, khoảng 125 trường, tăng 6 trường so với năm học 2023-2024.

Mặc dù số trường học tăng hàng năm chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu học sinh học trường công, nhưng đại diện Sở Giáo dục Đào tạo khẳng định, Hà Nội sẽ áp dụng nhiều giải pháp để bảo đảm đủ chỗ học cho các em, đáp ứng nguyện vọng học tập của 100% học sinh tốt nghiệp THCS.
Trên thực tế, học sinh có rất nhiều lựa chọn khác nhau. Ngoài trường công lập, các em cũng có thể lựa chọn theo học tại các trường công lập tự chủ, trường tư, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp... Sự lựa chọn thay đổi tùy thuộc theo định hướng, mong muốn của thí sinh cũng như điều kiện tài chính của gia đình. Điều quan trọng là các bậc phụ huynh biết thay đổi nhận thức: Cánh cửa này đóng lại thì cánh cửa khác sẽ mở ra, ngoài cánh cửa trường công, vẫn còn nhiều con đường để con em mình đi tới thành công.
CSGT mặc thường phục sẽ thường xuyên di chuyển để ghi nhận vi phạm trên đường
Cục Cảnh sát giao thông cho biết trong thời gian tới sẽ bố trí cán bộ mặc thường phục, thường xuyên di chuyển để ghi nhận vi phạm trên các tuyến đường không có hệ thống camera giám sát.
Theo đó, sẽ có 5 nhóm hành vi được lực lượng chức năng ưu tiên tập trung xử lý bao gồm: vi phạm về nồng độ cồn, ma túy; vi phạm quá khổ, quá tải và cơi nới thành thùng xe; vi phạm về tốc độ; vi phạm về tránh vượt, lấn đường, lấn làn, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; sử dụng các loại giấy tờ giả liên quan đến người điều khiển và phương tiện.
Đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho biết, việc kiểm tra, xử lý sẽ được thực hiện thường xuyên, liên tục, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ" nhằm răn đe, tạo chuyển biến tích cực về ý thức chấp hành của tài xế.

Trong năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý hơn 1 triệu trường hợp vi phạm nồng độ cồn; trên 4.500 lái xe dương tính với ma túy; hơn 100 nghìn trường hợp đi sai làn đường, phần đường và khoảng 15.000 lượt tránh vượt không đúng quy định.
Một nghiên cứu chỉ ra rằng 95% số vụ tai nạn giao thông xảy ra xuất phát từ ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện, trong đó chiếm phần lớn là các lỗi đi không đúng phần đường, làn đường, chạy quá tốc độ, vi phạm nồng độ cồn.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng chia sẻ, thượng tôn pháp luật là cơ sở đầu tiên để xây dựng văn hóa giao thông. Văn hóa giao thông không phải đâu xa mà bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, giản dị như hành động tôn trọng, nhường nhịn khi tham gia giao thông, đi đúng phần đường, làn đường, xử sự đúng pháp luật, theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, cái đẹp, cái thiện của người tham gia giao thông.


Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay diễn ra đúng vào thời điểm “giao thời”, khi bộ máy chính quyền các cấp đang trong quá trình sắp xếp, chuyển đổi. Hà Nội đang chuẩn bị cho Kỳ thi với một tinh thần chủ động, để một mùa thi diễn ra trọn vẹn, ổn định và đúng nhịp.
Ngày 7/5 là ngày mà mỗi người Việt Nam, dù ở đâu, cũng không thể không nhớ về một dấu mốc chói lọi: Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Lần đầu tiên, khu vực kinh tế tư nhân được khẳng định là “một động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế quốc dân, thay vì chỉ là “một trong những động lực” như cách tiếp cận trước đây.
Trong một động thái cứng rắn nhằm ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ban hành Công điện yêu cầu các quận, huyện trên địa bàn kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, ao hồ, đất công trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính.
Giữa dòng chảy sôi động của đổi mới và hội nhập, Hà Nội đang dần khẳng định vị thế là một trong những điểm sáng về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao – yếu tố then chốt cho sự bứt phá của Thủ đô trong tương lai.
“Bữa cơm ngon” không chỉ là chuyện vị giác. Với hàng nghìn suất ăn mỗi ngày tại các bếp ăn tập thể, “ngon” còn phải đi kèm với hai chữ “an toàn”. Nhưng giữa nhịp sống đô thị sôi động như Hà Nội, liệu có bao nhiêu bữa ăn đang thực sự được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng?
0