Hơn 14 triệu bản sách đến với các xã, phường, thị trấn | Hà Nội tin mỗi chiều

Hơn 14 triệu bản sách đến với các xã, phường, thị trấn; Khách du lịch đến Hà Nội dịp Tết Dương lịch đạt 402.000 lượt... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hơn 14 triệu bản sách đến với các xã, phường, thị trấn 

Qua 15 năm triển khai, Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn đã trang bị cho các cho cơ sở cả nước gần 600 đầu sách, với tổng số hơn 14 triệu bản in. Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn (2009 - 2023) được tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Sau hơn 15 năm thực hiện quản lý, khai thác, sử dụng các ấn phẩm trang bị cho cơ sở xã, phường, thị trấn, Đề án đã đáp ứng kịp thời việc tự nghiên cứu, tham khảo, học tập nâng cao nhận thức về lý luận chính trị, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiến thức về nhà nước và pháp luật; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; về văn hoá, đạo đức, khoa học - kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở.

600 đầu sách trang bị cho xã, phường, thị trấn.

Cả nước hiện có hơn 3.200 thư viện cấp xã, hơn 19.800 tủ sách cơ sở, nhờ có đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn, cùng với đó là việc xã hội hoá mô hình thư viện, đa dạng nguồn sách nên đa số thư viện, tủ sách hoạt động tốt với nhiều đầu sách chất lượng, thiết thực thu hút nhiều lượt cán bộ, đảng viên và nhân dân đến khai thác thông tin, tra cứu dữ liệu, bổ sung kiến thức...

Nhiều cơ sở quản lý, sử dụng và khai thác sách có hiệu quả. Những cuốn sách với nội dung thiết thực, dễ hiểu; những mô hình mới, những kinh nghiệm hay, những điển hình tiên tiến trong sách đã được cán bộ, đảng viên và nhân dân vận dụng vào thực tiễn, giảm tình trạng hiểu sai, hiểu nhầm; đưa người dân tiếp cận những tri thức mới của nhân loại.

Tuy vậy, quá trình triển khai vẫn còn những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Nhiều địa phương chưa nhận thức đầy đủ về chủ trương, mục đích, yêu cầu của Ðề án; số lượng sách của Ðề án gửi cho xã, phường, thị trấn còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu tìm hiểu của cán bộ và nhân dân ở cơ sở. Trong khi điều kiện ở cấp xã, nhất là xã miền núi có nhiều thôn, bản nằm cách xa trung tâm nên nhân dân rất khó tiếp cận được sách của Ðề án. Nhiều xã, phường, thị trấn còn chưa có phòng đọc riêng; thiếu trang thiết bị phục vụ người đọc. Bên cạnh đó, cán bộ quản lý, khai thác, sử dụng sách của Ðề án ở cơ sở đều thực hiện theo chế độ kiêm nhiệm, chưa được tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ, không có chế độ phụ cấp nên ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của Ðề án.

Thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục tăng cường việc quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả sách được trang bị. Trong quá trình triển khai thực hiện Ðề án, phải gắn chặt việc quản lý, khai thác, sử dụng sách của Ðề án với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở từng địa phương. Ðồng thời, cần tổ chức luân chuyển sách của Ðề án đến tủ sách các thôn, bản để nhân dân có điều kiện thuận lợi tiếp cận nguồn thông tin từ sách, tìm hiểu học tập và áp dụng vào sản xuất, đời sống. Tăng cường công tác truyền thông trên các cơ quan báo chí và các nền tảng mạng xã hội nhằm giới thiệu mục đích, ý nghĩa của Đề án, những mô hình sử dụng sách có hiệu quả ở cơ sở; khen thưởng, biểu dương các mô hình hay, cách làm thiết thực, hiệu quả góp phần lan tỏa sức hút của Đề án tới cộng đồng.

Khách du lịch đến Hà Nội dịp Tết Dương lịch đạt 402.000 lượt

Sở Du lịch Hà Nội cho biết, trong ba ngày nghỉ Tết Dương lịch (từ 30-/12/2023 đến 1/1/2024), ước tính khách du lịch đến Hà Nội đạt 402 nghìn lượt, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 72 nghìn lượt, tăng 2,1 lần; khách nội địa ước đạt 330 nghìn lượt, tăng 59%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt gần 1,5 nghìn tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ năm 2023.

Ảnh: Hanoimoi

Tại một số điểm du lịch, di tích, bảo tàng, công viên, khu sinh thái, nghỉ dưỡng du lịch trên địa bàn, lượng khách tăng mạnh. Ở ngoại thành, với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật đa dạng cũng thu hút lượng lớn du khách. Một số khách sạn, căn hộ hạng 4-5 sao, hay khu vực phố cổ và các homestay, resort ngoại thành có công suất sử dụng phòng cao. Tại các trung tâm thương mại, mua sắm, ăn uống, giải trí, lượt khách và sức mua tăng cao, ước tính doanh thu tăng khoảng 16% so với cùng kỳ năm 2023.

Có được doanh thu tốt, thu hút lượng khách đông trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch, nhiều khu, điểm tham quan du lịch đã ra mắt nhiều chương trình, sản phẩm du lịch mới cũng như tổ chức các hoạt động, sự kiện hấp dẫn nhằm kích cầu, thu hút khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm. Điển hình  như: Chương trình “Chào năm mới 2024” tại Quảng trường Đông kinh Nghĩa Thục và Quảng trường Cách mạng Tháng Tám; chùm các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực chào đón năm mới, hội chợ xúc tiến thương mại và trưng bày sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp, triển lãm cây cảnh nghệ thuật tại các tuyến phố đi bộ, điểm tham quan. Điểm nhấn là vào tối 31/12/2023, tại phố đi bộ thành cổ Sơn Tây, UBND thị xã Sơn Tây tổ chức chương trình chào năm mới 2024 và phát động “Năm Du lịch Sơn Tây - xứ Đoài 2024”… Di tích quốc gia đặc biệt lịch sử - danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn tổ chức hoạt động trưng bày 40 bức ảnh quý về đền Ngọc Sơn. Sản phẩm tour đêm tại các di tích Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long mang đến trải nghiệm mới lạ cho du khách.

Năm 2023, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 24 triệu lượt, tăng 27% so với năm 2022. Nhiều chỉ tiêu đã đạt được kế hoạch đề ra, trong đó một số chỉ số tăng trưởng nhẹ. Theo Sở Du lịch Hà Nội, thành phố đặt mục tiêu phấn đấu số lượng khách du lịch đến Hà Nội năm 2024 đạt khoảng 26,5 triệu lượt khách, tăng 10,4% so với ước năm 2023. Với sự khởi đầu ấn tượng trong dịp đầu năm mới 2024, có thể kỳ vọng du lịch Thủ đô sẽ đạt, thậm chí là vượt kế hoạch đề ra.

Hiện Hà Nội tiếp tục triển khai các loại hình du lịch mới gắn với thế mạnh của từng địa phương như sản phẩm du lịch thể thao tại huyện Sóc Sơn; sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với chăm sóc sức khỏe tại các huyện Ba Vì, Sóc Sơn; sản phẩm du lịch bay khinh khí cầu tại các quận Tây Hồ, Long Biên, thị xã Sơn Tây…

Hà Nội cũng đang quyết liệt xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch trải nghiệm mới gắn với di sản - di tích, làng nghề theo tuyến Trung tâm Hà Nội - Thanh Trì - Thường Tín - Phú Xuyên; tuyến Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức, tuyến Trung tâm Hà Nội - Sơn Tây - Ba Vì. Ngoài ra, Hà Nội chủ trương phát triển các sản phẩm du lịch là thế mạnh như du lịch ẩm thực, du lịch chăm sóc sức khỏe.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Ngày 7/5 là ngày mà mỗi người Việt Nam, dù ở đâu, cũng không thể không nhớ về một dấu mốc chói lọi: Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Lần đầu tiên, khu vực kinh tế tư nhân được khẳng định là “một động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế quốc dân, thay vì chỉ là “một trong những động lực” như cách tiếp cận trước đây.

Trong một động thái cứng rắn nhằm ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ban hành Công điện yêu cầu các quận, huyện trên địa bàn kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, ao hồ, đất công trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính.

Giữa dòng chảy sôi động của đổi mới và hội nhập, Hà Nội đang dần khẳng định vị thế là một trong những điểm sáng về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao – yếu tố then chốt cho sự bứt phá của Thủ đô trong tương lai.

“Bữa cơm ngon” không chỉ là chuyện vị giác. Với hàng nghìn suất ăn mỗi ngày tại các bếp ăn tập thể, “ngon” còn phải đi kèm với hai chữ “an toàn”. Nhưng giữa nhịp sống đô thị sôi động như Hà Nội, liệu có bao nhiêu bữa ăn đang thực sự được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng?

Thành phố Hà Nội đã công bố một kế hoạch quan trọng: tổ chức lại hệ thống khám chữa bệnh công lập theo ba cấp ban đầu, cơ bản và chuyên sâu. Đây là cách để người dân được khám đúng nơi, chữa đúng chỗ, mà không phải tất tả tìm kiếm, mỏi mòn chờ đợi.