Hội làng trong phố
Hội làng được coi là thời điểm cuốn hút nhất, tưng bừng nhất với những nghi thức tôn nghiêm và thuần Việt nối đời như tế lễ, rước, trò vui và hát xướng... Trong 1.206 lễ hội lớn nhỏ, Hà Nội có 221 lễ hội tại khu vực nội thành. Không ít trong số đó vốn là lễ hội của các làng nay đã "lên" phố, như ở Mỗ Lao.
Ở Mỗ Lao, cây đa giếng nước không còn, nhưng sân đình vẫn vậy, làng đã lên phường, lên phố, nhưng những giá trị văn hóa truyền đời vẫn được người dân lưu giữ. Hội làng như một mạch nước ngầm xuyên thời gian, bừng chảy tràn trề trong đời sống vật chất, tinh thần và tâm linh người Việt.
Mở đầu phần lễ luôn là lễ rước kiệu Thành hoàng, thu hút đông đảo bà con tới xem và theo rước. Cả con phố Thanh Bình (phường Mỗ Lao, quận Hà Đông), người dân buôn bán bên đường đều tự nguyện nghỉ bán hàng, tạo đường thông hè thoáng cho đám rước đi qua.
Bối cảnh xã hội hiện đại và quá trình đô thị hóa khiến lễ hội trong phố đang đứng trước nhiều nguy cơ mai một. Sự thay đổi liên tục về thành phần dân cư do quá trình nhập, chuyển cư khiến mối liên hệ giữa các thành viên trong cộng đồng ngày càng xa rời. Bên cạnh đó, áp lực của cuộc sống hiện đại khiến giới trẻ ít có điều kiện tham gia lễ hội, việc thực hành lễ hội trong khu vực nội đô gặp khó khăn. Vậy nên, những lễ hội làng lại càng có vai trò củng cố mối liên hệ bền chặt và giúp các cộng đồng xích lại gần nhau.
Nam phụ lão ấu đều tham gia vào hội làng, người trong đội cờ hồng, người trong đoàn đánh trống, đội múa bồng, đội múa sênh tiền, đội rước kiệu… Những người không tham gia đám rước, đám hội thì cũng có mặt ở hai bên đường. Gương mặt ai cũng hồ hởi, háo hức được xem hội làng 10 năm mới có một lần. Như một nét đẹp văn hóa cộng đồng không thể thiếu, với mỗi người, cảm xúc khi tham gia vào ngày vui của cả làng có lẽ là một niềm vui, niềm tự hào xen lẫn lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân.
Sau phần lễ là đến phần hội. Ở hội làng, phần hội luôn được mong chờ nhất, đặc biệt là với đám trẻ con và thanh niên. Các trò chơi dân gian được tổ chức ngay tại khoảng sân hẹp trong phố, giữa những ngôi nhà cao tầng. Lũ trẻ ngày thường quen với các trò chơi điện tử, thì trò bắt vịt, bắt lợn lại trở thành trò chơi thú vị hấp dẫn. Còn người lớn thì vừa cổ vũ, vừa hoài niệm về những hội làng của ngày xưa cũ, khi phố vẫn là làng. Tiếng reo hò, tiếng cười rộn vang khoảng sân bê tông, vút lên trên những nhà cao tầng trong phố thị.
Nói đến lễ hội, người ta thường nghĩ ngay đến không khí tưng bừng ở những làng quê. Nhưng ở Thủ đô Hà Nội, lễ hội trong phố lại là một “đặc sản”. “Hội phố” không chỉ đem lại đời sống văn hóa tâm linh cho cư dân, bảo vệ di sản, mà còn tạo ra sự gắn kết cộng đồng.
Cho đến tận bây giờ, mối quan hệ giữa “phố” và “làng”, “văn minh đô thị" và "văn hóa làng” vẫn song hành, hòa quyện với nhau, đan xen nhau trong kiến trúc, lối sống, hành vi ứng xử của đất và người Hà Nội. Tính cộng đồng trong phạm vi làng xã vẫn tồn tại hòa quyện trong các khu dân cư, tổ dân phố, truyền thống “tương thân tương ái”, tình làng, nghĩa xóm, lối sống nhân ái “lá lành đùm lá rách”, “tắt lửa tối đèn có nhau”... vẫn được thể hiện mỗi khi có biến cố xảy ra.
Đặc biệt, nề nếp, gia phong được rèn giũa qua biết bao thăng trầm ở nơi này nơi kia vẫn không bị cách sống nơi phồn hoa làm cho phai nhạt. Nó vẫn ôm trong mình những dấu tích để minh chứng cho một nền văn hóa bền vững đến lạ lùng.
Sự biến đổi văn hóa cổ truyền trong xã hội hiện đại với sự thay đổi sâu sắc các nền tảng là một tất yếu. Nhưng những giá trị di sản ông cha phải được con cháu trân trọng, gìn giữ, phát huy thành sức mạnh nội sinh.


Nhiều người đã tìm về thôn Đoan Nữ, xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức, Hà Nội để hoà mình trong không gian làng quê thanh bình, với cánh đồng lúa xanh nổi bật và hàng hoa gạo bắt đầu bung nở.
Con phố sách cũ trên đường Láng (Hà Nội) là chốn thân quen của nhiều người, nơi chứa đựng những câu chuyện riêng, khiến cho tâm hồn của họ luôn được rộng mở.
Bên cạnh di sản kiến trúc, lịch sử, Hoàn Kiếm còn là cái nôi của một di sản đặc biệt - di sản ẩm thực, hội tụ của sự tinh tế.
Rau muống xào tỏi của Việt Nam vinh dự xếp hạng thứ 24 trong danh sách 100 món rau ngon nhất thế giới của chuyên trang ẩm thực nổi tiếng Taste Atlas, với số điểm 4,3/5 sao.
Những ngày khô lạnh ít ỏi của đợt rét tháng Ba rất nhanh sẽ đi qua, để sớm mai, một mùa hè rực rỡ bừng tỉnh.
Với khát khao gìn giữ "hơi thở" của the lụa từng vang danh, nghệ nhân Lê Đăng Toản (Hà Đông) đã miệt mài canh cửi trong suốt gần 20 năm, dù hành trình không ít gian nan.
0