Học sinh TP Hồ Chí Minh được học miễn phí | Hà Nội tin mỗi chiều
TPHCM thông qua Nghị quyết về chính sách đặc thù hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh THCS
Tại kỳ họp lần thứ 13 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X đã thông qua nghị quyết về chính sách đặc thù hỗ trợ học phí cho học sinh mầm non, học sinh phổ thông công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên của năm học 2023 – 2024. Từ nghị quyết này, TP Hồ Chí Minh sẽ sử dụng ngân sách của thành phố để thực hiện chính sách hỗ trợ học phí, áp dụng cho 9 tháng của năm học 2023 – 2024, bao gồm trẻ em học ở bậc mầm non, học sinh THCS, trung học phổ thông công lập, học viên giáo dục thường xuyên đang học ở các cơ sở công lập, ngoài công lập (không bao gồm học sinh đang học ở các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư của nước ngoài). UBND TP HCM đề nghị chi trên 1.800 tỷ đồng để hỗ trợ học phí, trong đó học sinh THCS được hỗ trợ 100%.

Chính quyền thành phố nhận định năm 2023, kinh tế đã từng bước ổn định, phục hồi nhưng đời sống người dân còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới. Doanh nghiệp giảm lao động, nhiều người mất việc, không còn thu nhập. Do đó, hỗ trợ học phí là cần thiết để đảm bảo an sinh xã hội, chia sẻ khó khăn, giảm bớt gánh nặng với phụ huynh, học sinh.
Trong khi Chính phủ đang có chủ trương tăng học phí từ 2-5 lần theo Nghị định 81 năm 2021 thì động thái miễn giảm học phí cho học sinh các cấp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đang nhận được nhiều ủng hộ từ người dân. Trước đó, một số tỉnh, thành đã thông qua chính sách hỗ trợ. Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu miễn học phí từ lớp 1 đến lớp 12. Cần Thơ hỗ trợ 50%. Quảng Bình hỗ trợ 100% học phí học kỳ I. Mỗi tỉnh, thành phố có chính sách phù hợp với điều kiện của địa phương. Những tỉnh được đánh giá còn nghèo như Quảng Bình và Bắc Kạn đã bố trí được ngân sách dành cho giảm miễn học phí. Như thế xem ra việc áp dụng chính sách miễn giảm học phí có thể mở rộng ra nhiều địa phương khác.

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, đây là chính sách tốt, cần nhân rộng hơn nữa. Hiện nay nhiều nước trên thế giới đã thực hiện chính sách miễn học phí hoàn toàn theo lộ trình. Như nước ta, lộ trình sẽ miễn bậc mầm non, đến tiểu học, THCS, THPT.
Bên cạnh đó một vấn đề khiến không ít phụ huynh quan ngại, đó là miễn học phí nhưng trường lại lạm thu các khoản khác, thì miễn giảm học phí sẽ không còn mấy ý nghĩa. Theo ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, thì cần thiết phải xử lý nghiêm vấn đề lạm thu, tận thu của phụ huynh học sinh. Chỉ khi xử lý được lạm thu thì chính sách miễn giảm học phí mới mang đến nhiều ý nghĩa tích cực.
Việc miễn giảm học phí ở các bậc học phổ thông đã từng được thực hiện trong một thời gian dài, khẳng định tính ưu việt hơn hẳn của chế độ. Chính sách này có sự thay đổi điều chỉnh khi đất nước chuyển từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường. Một đất nước hướng đến giàu mạnh thì nền giáo dục phải phát triển; ở đó tất cả trẻ em đều được quyền tiếp cận nền giáo dục miễn phí.
Hà Nội có 6 học sinh đều giành huy chương tại kỳ thi Olympic Khoa học trẻ quốc tế năm 2023
Ngành giáo dục Hà Nội vừa nhận tin vui khi tại kỳ thi Olympic Khoa học trẻ quốc tế năm 2023 được tổ chức từ ngày 1 -10/12 tại Thái Lan với sự tham gia của 54 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cả 6 học sinh Hà Nội tham dự kỳ thi đều giành huy chương, trong đó có một Huy chương Bạc và 5 Huy chương Đồng.
Olympic Khoa học trẻ quốc tế là kỳ thi danh giá nhất cho học sinh lứa tuổi 15. Kiến thức của kỳ thi là kiến thức toàn diện, tích hợp ba môn khoa học tự nhiên gồm vật lý, hóa học, sinh học. Thí sinh tham dự kỳ thi sẽ thi bằng tiếng Anh với ba bài thi: trắc nghiệm, lý thuyết (tính điểm cá nhân) và thực hành (tính điểm đồng đội). Do vậy, ngoài kiến thức khoa học và trình độ tiếng Anh tốt, thí sinh cần có kiến thức toán, khả năng làm việc nhóm cùng nhiều kỹ năng khác.
Kết quả này khiến nhiều người Việt Nam cảm thấy vui và tự hào bởi thế hệ trẻ của đất nước đang ngày một tiến bộ. Thành tích đó không chỉ góp phần khẳng định vị thế của trí tuệ Việt Nam trên trường quốc tế mà còn là sự kỳ vọng nhân tài trẻ Việt Nam sử dụng những đỉnh cao trí tuệ ấy để phục vụ đất nước.

Thành tích của các em cho thấy công tác phát triển, tuyển chọn, bồi dưỡng đội ngũ học sinh giỏi các cấp và đội tuyển quốc gia đã mang lại hiệu quả. Trong hành trình hoàn thiện tài năng, đây mới chỉ là bước khởi đầu.
Chú trọng đào tạo học sinh thi học sinh giỏi quốc tế cũng là cần thiết, nhưng cần thiết hơn là phải có chính sách giúp những học sinh này phát huy được tài năng của mình. Đã có một số nhân tài chỉ vụt sáng trong một khoảng thời gian ngắn, không phát huy được khả năng, để rồi chìm vào quên lãng.
Chúng ta cần nhìn nhận một điều sâu xa hơn, đó là Việt Nam có rất nhiều tài năng trên nhiều lĩnh vực. Thực tế những cuộc thi quốc tế nhiều năm qua đã chứng minh điều đó. Nếu những nhân tài được ươm, trồng, phát triển trên những môi trường có đủ điều kiện về mọi mặt, được chăm chút bởi những con người có tri thức, có tâm huyết thì chắc chắn Việt Nam không chỉ có một Ngô Bảo Châu, một Đặng Thái Sơn... Và như vậy, nhân tài Việt Nam không chỉ phụng sự bản thân, đất nước, mà còn cho cả sự phát triển của nhân loại, nhất là trong thời kỳ hội nhập và mở cửa. Điều quan trọng là các tài năng trẻ cũng cần phải hiểu đất nước đang cần gì để sẵn sàng dấn thân cống hiến./.
- Báo động đỏ chỉ số ô nhiễm không khí ở Hà Nội | Hà Nội tin mỗi chiều
- Khi thầy cô thành nạn nhân bạo lực học đường | Hà Nội tin mỗi chiều
- Hơn 10.000 học sinh Hà Nội sẽ được miễn học phí | Hà Nội tin mỗi chiều
- Khu đất 148 Giảng Võ sẽ không còn chức năng nhà ở? | Hà Nội tin mỗi chiều
- Cảnh báo lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm | Hà Nội tin mỗi chiều


Ngày 7/5 là ngày mà mỗi người Việt Nam, dù ở đâu, cũng không thể không nhớ về một dấu mốc chói lọi: Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Lần đầu tiên, khu vực kinh tế tư nhân được khẳng định là “một động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế quốc dân, thay vì chỉ là “một trong những động lực” như cách tiếp cận trước đây.
Trong một động thái cứng rắn nhằm ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ban hành Công điện yêu cầu các quận, huyện trên địa bàn kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, ao hồ, đất công trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính.
Giữa dòng chảy sôi động của đổi mới và hội nhập, Hà Nội đang dần khẳng định vị thế là một trong những điểm sáng về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao – yếu tố then chốt cho sự bứt phá của Thủ đô trong tương lai.
“Bữa cơm ngon” không chỉ là chuyện vị giác. Với hàng nghìn suất ăn mỗi ngày tại các bếp ăn tập thể, “ngon” còn phải đi kèm với hai chữ “an toàn”. Nhưng giữa nhịp sống đô thị sôi động như Hà Nội, liệu có bao nhiêu bữa ăn đang thực sự được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng?
Thành phố Hà Nội đã công bố một kế hoạch quan trọng: tổ chức lại hệ thống khám chữa bệnh công lập theo ba cấp ban đầu, cơ bản và chuyên sâu. Đây là cách để người dân được khám đúng nơi, chữa đúng chỗ, mà không phải tất tả tìm kiếm, mỏi mòn chờ đợi.
0