Hoài niệm Tết xưa

Thuộc lớp người “xưa nay hiếm” nên mỗi khi Tết về, thế hệ chúng tôi lại thường sống trong hoài niệm và nhớ về những cái Tết của thời đã xa. Chỉ cần nhắm mắt lại, hình ảnh Tết xưa lại hiện lên nguyên vẹn. Tết xưa nghèo lắm nhưng sao người ta cứ nhớ mãi khôn nguôi.

Tản văn của Lê Thị Tuyết Mai

Tôi còn nhớ, sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, khi ấy tôi còn nhỏ, nhà lại đông anh chị em, mỗi khi Tết sắp đến là khoảng thời gian anh chị em chúng tôi mong ngóng, chờ đợi, hồi hộp, háo hức.

Thời ấy, trong nhà, đứa nhỏ hơn mặc thừa quần áo cũ của đứa lớn hơn, cứ thế truyền nhau đến khi quần áo rách mới được bỏ. Nhưng Tết đến mỗi đứa sẽ có một bộ quần áo mới. Nhà tôi khi đó đối diện với nhà bác phó may (ngày ấy thợ may gọi là phó may). Vài tháng trước Tết, nhà bác ấy tấp nập người ra vào. Nhà bác đông con và cả nhà dồn toàn lực, cả ngày cặm cụi bên đống vải, cũng bởi một năm chỉ được một lần vất vả như thế. Mẹ tôi vì là hàng xóm thân thiết nên được bác giữ hàng may đến sát Tết. Bởi vậy, chị em chúng tôi càng hồi hộp, càng mong đợi. 

Cái cảm giác sáng sớm mùng một được diện bộ quần áo mới, ló mặt nhìn ra ngoài đường, thấy cửa nhà nào cũng đỏ xác pháo sao thấy nó xốn xang lạ thường.

Ba ngày Tết là những ngày sung sướng nhất, được ăn những món ăn mà ngày thường không có. Dù các món ăn đó vẫn được chị cả tôi quản lí chặt chẽ để chia từng loại cho ba ngày. Bánh chưng ngày đó thiêng liêng lắm. Nó là linh hồn của Tết, anh chị em chúng tôi đi chơi về, mỗi đứa được khẩu phần một phần tám cái bánh chưng, vừa chọc cái đũa cầm dinh lên, nhấm nháp, chậm rãi thưởng thức từng miếng một.

Thời ấy, ba ngày Tết, nhà nào cũng cố gắng thu xếp để đến chúc Tết các nhà hàng xóm, nhà nọ đến chúc Tết nhà kia, nhà kia lại đến chúc Tết đáp lễ nhà nọ. Cứ thế đến khi nào hết mặt các nhà hai bên dãy phố mới thôi. Khách đến chỉ có chén trà, uống nhiều nhà quá đến no bụng.

Nhà nào cũng có đĩa hạt bí rang, sang lắm là có đĩa kẹo trứng chim trắng bóc (kẹo được làm từ lạc rang và bọc bột bên ngoài). Tình hàng xóm được thắt chặt, gắn bó, dường như những bực dọc ngày thường có xảy ra thì giờ đây cũng tan biến, đại xá cho nhau.

Tối đến, là lúc náo nhiệt nhất của gia đình tôi. Cỗ bài tam cúc được bày ra, mẹ tôi ngồi chia bài và sẽ là người được ngồi từ đầu đến cuối cuộc chơi. Tiếp theo là ba người ngồi vào vòng đấu, chơi theo luật “thua ra, được vào”. Khi một ván kết thúc, người thắng thì nhẩy cẫng lên, mỗi ván thắng được nửa xu tiền (tiền thời ấy), kẻ thua thì xịu mặt ghi nợ thế là người mới lại hăm hở ngồi vào bài. Cuộc chơi chỉ kết thúc, khi bố tôi tuyên bố đến giờ đi ngủ vì quá khuya. Em tôi khóc toáng lên vì nó bị thua nhiều, mẹ tôi tuyên bố đứa nào thua sẽ được mẹ tôi đền, thế là hoan hỉ cả. Bố tôi thì tủm tỉm cười: “Mẹ mày mà ra tay thì chẳng đứa nào thắng được đâu.”.

Rồi thời gian cứ thế trôi qua, tôi đã trưởng thành vào lúc miền Bắc bắt đầu bị Mỹ ném bom bắn phá, rồi trải qua thời kỳ mười năm của chế độ bao cấp, vẫn là cuộc sống nghèo, lo toan, chắt chiu, nhưng Tết đến vẫn không mất đi sự háo hức chờ mong. Từ năm 1987, nước ta bước vào thời kỳ đổi mới, bắt đầu xuất hiện những người giàu lên do họ có năng lực làm kinh tế tư nhân, cứ thế đất nước chuyển mình, đời sống vật chất ngày càng đầy đủ hơn, trang bị sinh hoạt trong gia đình ngày càng hiện đại, đa số lớp trẻ nghe ông bà kể chuyện về Tết xưa như nghe chuyện cổ tích vậy. 

 

Trở lại Tết nay, nhiều người tặc lưỡi, có gì đâu, Tết cũng như ngày thường mà thôi. Nhưng đối với những người như chúng tôi, nhìn con cháu mình cũng thấy giật mình vì cuộc sống đã đổi thay quá nhiều, sung sướng hơn rất nhiều nhưng Tết vẫn giữ được giá trị của nó nhưng hình thức có khác, phù hợp với thời hiện đại. Tết vẫn là những ngày xum vầy, được nghỉ ngơi thoải mái chủ yếu là du xuân không nặng nề về ăn uống. Câu cửa miệng vẫn là chúc nhau những lời tốt đẹp nhất. Truyền thống ngày đầu năm xin chữ vẫn còn nguyên vẹn và ngày càng được coi trọng ngay cả trong giới trẻ: Trí - Tài - Nhẫn - Phúc - Lộc - Thọ - Tâm - An…Tết ngày nay vẫn giữ được giá trị thiêng liêng vốn có.

Tết xưa của người Hà Nội mang nét rất riêng, đặc trưng mà ai đã từng trải qua đều khó có thể nào quên. 

Tết với nhiều người Hà Nội xưa đôi khi đơn giản là cành đào thắm, hộp mứt thập cẩm, hương thơm của nước lá mùi già hay cảnh cả nhà quây quần gói bánh chưng, háo hức đón giao thừa trong tiếng pháo nổ đì đùng...

Tết xưa trong ký ức của người Hà Nội là cảnh tinh mơ xếp hàng ở cửa hàng mậu dịch để mua vài hộp mứt tết, miếng bóng bì, lạng măng khô. Là trong cái giá lạnh ngày đông, mọi người hối hả, háo hức đi chọn cho gia đình cành đào Tết. 

Tết xưa đơn sơ là thế nhưng thân thương, ấm áp vô cùng. Những bận rộn, lo lắng, nôn nao, ngóng chờ cho giây phút đoàn viên cùng gia đình, dòng tộc.

Những kỷ niệm về Tết Hà Nội xưa đã trở thành một phần ký ức không bao giờ phai trong tâm trí những người Hà Nội.

Không khí ngày Tết luôn khiến chúng ta nhớ về những kỷ niệm xưa. Và những ký ức ấy đã được nhiều người trải lòng như một cách để lưu giữ những kỷ niệm đẹp, để nhắc nhớ các thế hệ sau cùng gìn giữ những giá trị, nét đẹp văn hóa Tết truyền thống của Người Hà Nội. 

---

Còn kỷ niệm về Tết Hà Nội của bạn thế nào, hãy cùng chia sẻ với Hanoionline  trong chuyên mục Ký ức Tết Hà Nội xưa bằng cách gửi nội dung về địa chỉ email ttnoidungso@daihanoi.vn hoặc tài khoản Zalo 0865.116.699

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời