Harvard kiện chính quyền Trump đóng băng tài trợ

Đại học Harvard ngày 21/4 thông báo đã đệ đơn kiện chính quyền Mỹ Tổng thống Donald Trump lên tòa án liên bang Boston nhằm ngăn chặn lệnh đóng băng hơn 2,2 tỷ USD tiền tài trợ nghiên cứu liên bang.

Động thái diễn ra sau khi trường này tuyên bố sẽ không tuân theo các yêu cầu hạn chế hoạt động xã hội và cải tổ sâu rộng mà chính quyền đưa ra và bị chính quyền ông Trump đóng băng hàng tỷ USD tài trợ liên bang.

Trong một bức thư gửi ngày 11/4, chính quyền Tổng thống Trump yêu cầu Harvard tiến hành cải tổ toàn diện bộ máy lãnh đạo, thay đổi chính sách tuyển sinh, kiểm tra quan điểm về đa dạng văn hóa trong trường và chấm dứt công nhận một số câu lạc bộ sinh viên. Nhà Trắng cho rằng, các trường đại học đã để tình trạng bài Do Thái phát triển không kiểm soát trong các cuộc biểu tình chống chiến tranh Gaza của Israel vào năm ngoái.

Tuy nhiên, Chủ tịch Đại học Harvard Alan Garber tuyên bố, nhà trường sẽ không nhượng bộ. Chỉ vài giờ sau, chính phủ đã ra quyết định đóng băng hàng tỷ USD tiền tài trợ nghiên cứu dành cho trường.

Trong đơn kiện, Harvard cho rằng: “Chính phủ không đưa ra được bất kỳ mối liên hệ hợp lý nào giữa lo ngại về chủ nghĩa bài Do Thái và việc đóng băng các chương trình nghiên cứu y học, khoa học, công nghệ cùng nhiều lĩnh vực khác đang góp phần cứu sống con người, thúc đẩy sự thành công, bảo vệ an ninh và giữ vững vị thế dẫn đầu toàn cầu của nước Mỹ”.

Đơn kiện cũng nêu rõ, lệnh đóng băng này “mang tính tùy tiện và vô lý”, vi phạm Tu chính án thứ nhất trong Hiến pháp Mỹ về quyền tự do ngôn luận và các điều khoản của Mục VI trong Đạo luật Quyền dân sự.

Chính quyền Trump ngay lập tức đáp trả. Người phát ngôn Nhà Trắng Harrison Fields tuyên bố qua email: “Thời kỳ các trường như Harvard nhận tài trợ liên bang để nuôi bộ máy hành chính phình to, nhận lương cao ngất từ tiền thuế của người dân Mỹ đang vật lộn với cuộc sống, đã đến hồi kết. Tiền thuế là đặc quyền và Harvard không đáp ứng được các điều kiện cơ bản để tiếp cận đặc quyền đó”.

Sinh viên, giảng viên và nhân viên đại học Harvard tham gia cuộc biểu tình ngày 17/4/2025

Vụ kiện đánh dấu bước phản kháng đầu tiên của Harvard trước nỗ lực của chính quyền Trump trong việc buộc các trường đại học - vốn bị cho là thiên tả và dung túng cho tư tưởng bài Do Thái - phải cải tổ. Một phần trong chiến lược đó là nhắm vào nguồn tài trợ nghiên cứu khoa học, vốn đóng vai trò quan trọng trong các đột phá công nghệ nhưng cũng trở thành đòn bẩy dễ bị khai thác.

Trong bức thư gửi Harvard trước đó, chính quyền còn yêu cầu trường này xử lý nghiêm các sinh viên biểu tình, sàng lọc du học sinh nước ngoài bị cho là “có thái độ thù địch với các giá trị Mỹ”, cải tổ ban lãnh đạo, tuyển sinh và đảm bảo sự đa dạng quan điểm trong toàn bộ đội ngũ giảng viên và sinh viên.

Harvard đã từ chối các yêu cầu trên, viện dẫn quyền tự do được đảm bảo bởi Hiến pháp. Ngày hôm sau, ông Trump đăng trên mạng xã hội Truth Social, đặt câu hỏi liệu Harvard có nên bị tước quy chế miễn thuế nếu tiếp tục "thúc đẩy các tư tưởng chính trị, ý thức hệ và thậm chí là ủng hộ khủng bố".

Trước đó, Hiệp hội Giảng viên Đại học Mỹ cũng đã nộp đơn kiện yêu cầu tòa án liên bang tuyên bố hành động điều tra và xem xét tài trợ của chính phủ đối với Harvard là bất hợp pháp.

“Ngày hôm nay, chúng tôi bảo vệ những giá trị đã làm nên vị thế hàng đầu của giáo dục đại học Mỹ trên thế giới. Các trường đại học có thể thực hiện nghĩa vụ pháp lý và vai trò xã hội mà không cần đến sự can thiệp phi lý từ chính phủ” - Chủ tịch Garber viết trong thư gửi cộng đồng Harvard.

Cựu sinh viên Harvard Anurima Bhargava - người từng kêu gọi nhà trường có lập trường cứng rắn hơn với chính quyền ủng hộ hành động pháp lý lần này: “Chính quyền Trump tiếp tục có những hành động nguy hiểm và bất hợp pháp nhằm thao túng Harvard, cắt giảm hàng tỷ USD cho nghiên cứu khoa học vốn góp phần cứu người và phát triển đất nước. Hôm nay, Harvard một lần nữa từ chối khuất phục trước các yêu sách ngày càng cực đoan”.

Hội đồng Giáo dục Mỹ, tổ chức phi lợi nhuận đại diện cho hơn 1.600 trường đại học và cao đẳng cũng lên tiếng ủng hộ Harvard.

“Rõ ràng trong nhiều tuần qua, các hành động của chính quyền đã vi phạm trình tự pháp lý và nguyên tắc pháp quyền. Chúng tôi hoan nghênh bước đi của Harvard và mong chờ một phán quyết rõ ràng từ tòa án để bảo vệ học thuật và khoa học”, ông Ted Mitchell, Chủ tịch Hội đồng, nhấn mạnh.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Chính phủ Mỹ vừa công bố mức thuế mới áp dụng đối với tấm pin mặt trời nhập khẩu từ một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Malaysia, Campuchia và Thái Lan.

Cử tri Australia đã bắt đầu đi bỏ phiếu sớm cho cuộc bầu cử liên bang vào sáng 22/4, trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa là tới ngày bầu cử toàn quốc vào 3/5.

Vatican thông báo Giáo hoàng Francis đã qua đời, hưởng thọ 88 tuổi, sau khi chịu đựng nhiều căn bệnh trong suốt 12 năm tại vị.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 22/4 cho biết, vệ tinh do thám quân sự thứ tư do nước này tự phát triển đã được phóng thành công vào quỹ đạo bằng tên lửa Falcon 9 của SpaceX.

Tờ Politico dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết, ông Trump kiên quyết chỉ muốn đàm phán trực tiếp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ông Klaus Schwab, người sáng lập và là Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã chính thức từ chức sau hơn nửa thế kỷ lãnh đạo tổ chức này.