Hamas chỉ trích ông Trump giúp Thủ tướng Israel phong tỏa Gaza

Hamas đã mạnh mẽ chỉ trích Tổng thống Mỹ Donald Trump vì những lời đe dọa lặp đi lặp lại đối với nhóm chiến binh Palestine, gián tiếp hỗ trợ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thắt chặt phong tỏa Gaza.

Hamas cáo buộc những lời đe dọa của Tổng thống Trump nhắm vào Gaza không chỉ thúc đẩy chiến lược của ông Netanyahu, mà còn khiến tình hình nhân đạo ở khu vực này trở nên tồi tệ hơn. Việc phong tỏa Gaza và các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt đã và đang đẩy người dân Gaza vào tình trạng đói nghèo, khổ cực.

Phát ngôn viên của Hamas, ông Abdul Latif Kanu, đã đưa ra những nhận xét này trong một cuộc họp báo ngày 6/3. Ông cho rằng những tuyên bố của Tổng thống Mỹ không chỉ là một hình thức đe dọa mà còn là sự ủng hộ rõ ràng đối với các chính sách của chính quyền Israel.

“Những lời đe dọa của ông Trump thể hiện sự ủng hộ của ông đối với Thủ tướng Netanyahu để trốn tránh thỏa thuận ngừng bắn và gia tăng nỗi thống khổ của người dân chúng tôi”, ông Kanu cho biết. Ông Kanu cũng nhấn mạnh việc tiếp tục như vậy chỉ càng khiến tình hình tại Gaza thêm tồi tệ, với người dân bị mắc kẹt trong cuộc bao vây kéo dài mà không có bất kỳ hy vọng nào về một tương lai hòa bình.

Những ngôi nhà bị tàn phá ở Beit Hanoun.

Những lời chỉ trích của ông Kanu được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Trump đăng tải một loạt các bài viết trên mạng xã hội, trong đó yêu cầu Hamas "thả tất cả các con tin ngay lập tức", đồng thời cảnh báo nếu không thực hiện yêu cầu này, nhóm Hamas sẽ phải đối mặt với hậu quả nặng nề. "Tôi đang cung cấp cho Israel tất cả những gì cần thiết để thực hiện công việc, và nếu các bạn không làm những gì tôi yêu cầu, sẽ không có thành viên Hamas nào được an toàn", ông Trump viết trên mạng xã hội. Bài đăng của ông Trump tiếp tục đe dọa người dân Gaza, tuyên bố  nếu họ không thả con tin, họ sẽ phải trả giá đắt: "Nếu các bạn tiếp tục bắt cóc con tin, các bạn sẽ không có tương lai".

Điều này xảy ra sau khi một phát ngôn viên Nhà Trắng xác nhận rằng, đặc phái viên của Mỹ đã tiến hành các cuộc đàm phán trực tiếp với Hamas, một động thái đáng chú ý vì từ lâu, Washington đã duy trì chính sách không đàm phán với nhóm này, do họ coi Hamas là một tổ chức khủng bố. Các quan chức an ninh Ai Cập cũng xác nhận, các cuộc đàm phán của đặc phái viên Trump bao gồm sự tham gia của các nhà hòa giải từ Ai Cập và Qatar, phản ánh những thay đổi đáng chú ý trong chính sách đối ngoại của Mỹ đối với khu vực.

Thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas được ký kết vào tháng 1/2025, đã yêu cầu trả tự do cho những người bị giam giữ còn lại ở Gaza trong giai đoạn thứ hai của thỏa thuận. Tuy nhiên, giai đoạn đầu tiên của thỏa thuận đã kết thúc vào cuối tuần trước. Ngay sau đó, Israel quyết định phong tỏa tất cả hàng hóa vào Gaza, gây ra làn sóng lo ngại về tình trạng đói kém cho hoảng 2,3 triệu người dân sống trong những điều kiện vô cùng khó khăn.

Người Palestine ở Gaza cũng chỉ trích mạnh mẽ các tuyên bố mới nhất của Tổng thống Trump về việc tái định cư tại các khu vực khác và phát triển Gaza như một "Riviera Trung Đông". Ông Mohammed Abu Azbo, một cư dân của Khan Younis, bày tỏ sự phản đối gay gắt trước các ý tưởng này: "Nhà tôi đã biến mất, công việc của tôi đã biến mất, nhưng tôi sẽ không cho phép ông Trump đuổi chúng tôi ra khỏi Gaza. Chúng tôi đã sinh ra ở đây, chúng tôi đã sống ở đây và sẽ không khuất phục trước những lời nói hùng biện vô nghĩa này".

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Ông Abdullah Abu Rizk, một người dân khác sống tại Khan Younis, cũng nhấn mạnh rằng người Palestine sẽ không bao giờ rời bỏ Gaza. "Chúng tôi sẽ ở lại đất của chúng tôi cho đến khi chúng tôi chết", ông Rizk nói, khẳng định sự kiên cường và quyết tâm của người dân Gaza trong cuộc chiến sinh tồn.

"Chúng tôi đã kiên cường đứng vững ở Gaza, Bờ Tây bị chiếm đóng và Đông Jerusalem. Chúng tôi sẽ không rời đi và sẽ không để ai quyết định tương lai của chúng tôi", ông Rizk khẳng định.

Các cuộc tranh luận xoay quanh tương lai của Gaza và những lời đe dọa từ ông Trump một lần nữa làm nổi bật tình trạng căng thẳng lâu dài giữa Israel và Palestine, cũng như sự chia rẽ ngày càng sâu sắc trong các giải pháp hòa bình tại khu vực này. Trong khi đó, người dân Gaza tiếp tục phải đối mặt với những thử thách chưa từng có trong lịch sử của họ, với hy vọng mong manh về một tương lai hòa bình vẫn là một viễn cảnh xa vời.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố sẽ nâng cấp căn cứ không quân Luxeuil-Saint-Sauveur gần biên giới Đức để triển khai các tiêm kích Rafale trang bị tên lửa hạt nhân.

Mỹ đã tiến hành ít nhất 10 cuộc không kích nhằm vào nhiều khu vực ở Yemen, bao gồm cả Thủ đô Sanaa.

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine không chỉ là một cuộc xung đột quân sự, mà còn là một cuộc chiến về ảnh hưởng địa chính trị, trong đó NATO đóng một vai trò trung tâm.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh giá cuộc điện đàm ngày 18/3 với Tổng thống Nga Vladimir Putin diễn ra rất tốt đẹp và hiệu quả, cho biết hai bên đã thảo luận nhiều yếu tố của một thỏa thuận hòa bình.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng cần giải quyết nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột Nga - Ukraine là việc Ukraine không được gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố nối lại chiến dịch quân sự tại Dải Gaza, sau khi Hamas từ chối đề xuất thả con tin.