Hà Nội tạo việc làm cho hơn 54 nghìn lao động | Hà Nội tin mỗi chiều
Trong ba tháng đầu năm, thành phố đã giải quyết việc làm cho hơn 54.500 lao động, đạt 34,1% kế hoạch năm, tăng hơn 3.000 người so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, 5.200 lao động được tạo việc làm qua nguồn vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm, với tổng số tiền cho vay hơn 260 tỷ đồng. Các phiên giao dịch việc làm cũng được tổ chức liên tục tại các sàn của thành phố, với trên 7.300 người được tuyển dụng chỉ qua kênh này.
Đây là kết quả tích cực thể hiện quyết tâm của Hà Nội trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, đặc biệt khi thị trường lao động đang bước vào giai đoạn chuyển dịch mạnh mẽ – từ lao động giản đơn sang lao động chất lượng cao, từ lệ thuộc vào việc làm truyền thống sang thúc đẩy việc làm sáng tạo, bền vững và ứng dụng công nghệ.
Vấn đề đặt ra là: Làm thế nào để không chỉ tạo ra việc làm, mà còn phát triển một thị trường lao động linh hoạt, minh bạch và thích ứng nhanh?
Hà Nội đã và đang đi đúng hướng khi tập trung đồng bộ các nhóm giải pháp: Dự báo thị trường lao động, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối việc làm và tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường lao động tự do.
Đặc biệt, việc hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ nhóm lao động yếu thế, cũng đang được thành phố chú trọng. Các phiên giao dịch việc làm chuyên đề dành cho lao động nữ, lao động khuyết tật, thanh niên đã và đang phát huy tác dụng tích cực.
Nhưng nếu chỉ dựa vào nỗ lực nội tại, có lẽ là chưa đủ. Hà Nội hoàn toàn có thể học hỏi từ những mô hình quốc tế. Ví dụ như Đức – quốc gia có nền tảng đào tạo nghề vững mạnh hàng đầu thế giới. Chính phủ Đức vận hành một hệ thống đào tạo kép – kết hợp giữa học nghề và làm việc thực tế tại doanh nghiệp. Nhờ vậy, sinh viên sau tốt nghiệp có thể bắt đầu công việc ngay lập tức, đáp ứng đúng nhu cầu thị trường. Ngoài ra, các Trung tâm dịch vụ việc làm ở Đức không chỉ đóng vai trò tuyển dụng mà còn là nơi định hướng nghề nghiệp, tư vấn kỹ năng mềm, giúp người lao động sẵn sàng thích nghi với sự thay đổi.
Hà Nội có thể xây dựng hệ thống tương tự, trong đó các trung tâm dịch vụ việc làm không chỉ là nơi cung cấp thông tin tuyển dụng, mà còn là nơi đào tạo lại, kết nối chuyên gia, và hỗ trợ tư vấn nghề nghiệp cho thanh niên.
Một điểm mấu chốt nữa là cần chuyển đổi số mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực lao động – việc làm. Những ứng dụng kết nối việc làm thông minh, tích hợp AI để gợi ý công việc phù hợp, hay nền tảng học trực tuyến giúp người lao động nâng cao kỹ năng, cần được đầu tư đúng mức.
Khi người lao động cảm thấy an tâm với công việc, được định hướng đúng nghề, và có cơ hội phát triển kỹ năng, thì thị trường lao động cũng sẽ phát triển lành mạnh và hiệu quả hơn. Bài toán việc làm không chỉ là con số, mà còn là câu chuyện về tương lai, về sự phát triển bao trùm và bền vững của Hà Nội – thành phố đang vươn mình thành trung tâm đổi mới sáng tạo và tri thức của cả nước.


0