Hà Nội tăng tốc cải tạo, hồi sinh sông Tô Lịch | Hà Nội tin mỗi chiều

UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các đơn vị liên quan tăng tốc tiến độ cải tạo, nạo vét, xử lý ô nhiễm và kiến tạo không gian đô thị hiện đại dọc tuyến sông Tô Lịch, không để cơ hội hồi sinh bị lỡ nhịp.

UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các đơn vị liên quan tăng tốc tiến độ, không để cơ hội hồi sinh bị lỡ nhịp.

Trong nhiều năm, sông Tô Lịch từng được ví như một "kênh nước đen" giữa lòng Thủ đô. Ô nhiễm, mùi hôi, nước thải sinh hoạt xả thẳng - khiến dòng sông mang tiếng xấu, thậm chí bị nhiều người xem là điều "không thể cứu". Nhưng có thực là không thể?

Theo thông tin từ Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, việc lập quy hoạch đang được triển khai theo hướng đồng bộ: từ xử lý nguồn nước, di dời hệ thống xả thải, đến tạo dựng không gian công cộng ven sông, phát triển các tuyến giao thông mềm, kết nối đường thủy và bộ. Nói cách khác, Tô Lịch không chỉ là vấn đề môi trường - mà là một bài toán tổng thể về đô thị. Và khi đặt đúng bài toán, hy vọng sẽ có lời giải.

Sau nhiều năm nghiên cứu và thử nghiệm, Hà Nội chính thức khởi động kế hoạch hồi sinh sông Tô Lịch bằng các giải pháp căn cơ, trong đó nổi bật là việc nạo vét bùn, thu gom nước thải và bổ cập nước sạch.

Một trong những hạng mục quan trọng của dự án cải tạo sông Tô Lịch là nạo vét bùn đất, loại bỏ nguồn ô nhiễm tích tụ dưới đáy sông. Giai đoạn đầu tiên được triển khai từ đoạn sông dài 5 km, kéo dài từ đường Hoàng Quốc Việt đến Ngã Tư Sở. Khoảng 40.000 tấn bùn đất sẽ được nạo vét tại khu vực này. Theo đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội, công việc này được UBND thành phố giao cho Công ty Thoát nước Hà Nội và yêu cầu phải hoàn thành giai đoạn 1 trước tháng 4/2025. Hiện tại, đơn vị này đã huy động 100% cán bộ, máy móc, chia ca làm việc 24/24 và bổ sung thêm lực lượng từ các đơn vị bạn để đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình.

Song song với công tác nạo vét, Thành phố cũng đẩy nhanh tiến độ thu gom triệt để nước thải từ 26 họng xả còn sót lại chưa qua xử lý. Đây là một phần quan trọng trong hệ thống cải tạo, nhằm đảm bảo khi bổ cập nước sạch vào, không còn nguồn ô nhiễm trực tiếp đổ ra sông.

Để khôi phục dòng chảy tự nhiên và cải thiện chất lượng nước, thành phố Hà Nội đã công bố phương án bổ cập nước từ hồ Tây và sông Hồng. Cụ thể, Sở Xây dựng được giao nhiệm vụ lấy nước từ hồ Tây thông qua cửa điều tiết Hồ Tây A và Cống Đõ Mương Thụy Khuê, với thời hạn hoàn thành vào tháng 8/2025. Đồng thời, Sở cũng đang nghiên cứu kỹ lưỡng đề xuất dẫn nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch theo trục đường Võ Chí Công, nhằm đảm bảo nguồn nước bổ sung ổn định và lâu dài.

Một hạng mục hạ tầng quan trọng khác là việc xây dựng đập dâng tại khu vực gần cầu Quang (Thanh Trì), nhằm giữ ổn định mực nước trên sông trong mùa khô. Theo phân tích của các chuyên gia, khi nước thải đã được dẫn về nhà máy xử lý thì nguồn ô nhiễm còn lại trên sông sẽ rất ít. Đập dâng giữ nước này có ý nghĩa quan trọng, vì nó giúp duy trì mực nước vào mùa khô, đồng thời hỗ trợ phối hợp với đập Thanh Liệt và Trạm bơm Yên Sở để phục vụ thoát nước cho thành phố trong mùa mưa, đặc biệt là công tác thoát lũ cho sông Nhuệ.

Các chuyên gia đánh giá, đây là giải pháp đa mục tiêu, không chỉ góp phần hồi sinh sông Tô Lịch mà còn tăng cường khả năng quản lý lũ lụt cho khu vực nội đô. Tuy nhiên, để đập dâng hoạt động hiệu quả, nước thải chảy vào sông cần được xử lý triệt để trước. Nếu không, đập dâng có thể vô tình giữ lại chất ô nhiễm, làm tình trạng tồi tệ hơn.

Ai trong chúng ta cũng đã từng yêu một Hà Nội với những ký ức bên dòng Tô Lịch. Và khi thành phố nói đến việc "hồi sinh" sông Tô Lịch, thì đó không chỉ là tái tạo môi trường sống, mà còn là khôi phục mạch văn hóa. Dòng sông này từng được coi là "long mạch", gắn liền với lịch sử định đô của Thăng Long, với truyền thuyết, thơ ca, với cả niềm tự hào lẫn nỗi xót xa của người Hà Nội xưa.

Cho nên, câu chuyện hôm nay không đơn thuần là nạo vét hay xây dựng kè đá, mà là làm sống lại một phần ký ức đô thị; là trao lại cho người Hà Nội một không gian đáng sống, đáng nhớ - chứ không phải một dòng chảy bị quên lãng, bị che đậy bởi rác thải và sự thờ ơ.

Dĩ nhiên, việc cải tạo sông Tô Lịch sẽ không thể là chuyện "một sớm một chiều". Nhưng chính sự kiên định từ Thành phố và sự đồng hành từ người dân càng quan trọng hơn bao giờ hết. Chúng ta cần dám nhìn thẳng vào thực tế và cũng cần giữ được niềm tin rằng: một dòng sông chết có thể sống lại - nếu quyết tâm đủ lớn và tầm nhìn đủ xa.

Hà Nội từng biến bãi rác Nam Sơn thành công viên. Vậy tại sao sông Tô Lịch không thể là một công viên sinh thái dọc nước, kết nối không gian sống, nơi người dân dạo bộ, đạp xe và tận hưởng một thành phố "xanh trong lành" - như cách mà Seoul đã làm với dòng suối Cheonggyecheon?

Hy vọng rằng, vào một chiều không xa, khi bạn đi dọc sông Tô Lịch, bạn sẽ không còn phải che mũi hay lặng lẽ bước qua - mà có thể dừng lại, hít một hơi thật sâu và mỉm cười: “Hà Nội đã làm được.”

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Làng Chàng Sơn (huyện Thạch Thất, Hà Nội) - nơi nghệ thuật rối nước từng rực rỡ suốt ba thế hệ giờ đây đang trở nên thưa vắng. Đứng cạnh thủy đình đơn sơ bên ao làng, ông Nguyễn Văn Dậu - Trưởng phường rối nước Chàng Sơn lại bồi hồi nhớ về thời huy hoàng của phường rối Chàng Sơn năm nào.

Trên địa bàn Hà Nội đã và đang tồn tại những tuyến kênh, mương, ô nhiễm trầm trọng, tiềm ẩn nhiều mầm mống bệnh tật. Đáng nói, ở nhiều nơi, dù chính quyền và nhân dân địa phương đã chủ động, tích cực trong công tác xử lý ô nhiễm như thường xuyên khơi thông, nạo vét, dọn dẹp rác thải nhưng ô nhiễm vẫn không mấy cải thiện.

Từng được mệnh danh là “công xưởng thế giới”, Trung Quốc hiện nay đang chuyển mình thành cường quốc công nghệ cao. Từ một nền kinh tế gia công, Trung Quốc đang từng bước trở thành cường quốc công nghệ cao – nơi không chỉ lắp ráp mà còn phát minh, thiết kế và định hình tiêu chuẩn của tương lai.

Bảo đảm an toàn chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; Làm rõ nguyên nhân vụ cháy nhà dân tại Trung Liệt; Bắt giữ đối tượng cướp tiệm vàng tại phường Đại Kim;... là những thông tin đáng chú ý trong Bản tin 141 hôm nay.

Diễn viên Thanh Hương lần đầu chạm ngõ điện ảnh với phim kinh dị; “Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2025" có nhiều thí sinh nổi bật; Lý Hải quảng bá “Lật mặt 8” bằng concert 8.000 người;... là những thông tin đáng chú ý trong bản tin Thế giới Showbiz hôm nay.

Bún thang là món ăn tinh tế bởi cách mà người Hà Nội chọn và thái, xé nguyên liệu, gọn gàng xếp quanh bát sao cho đẹp mắt. Nhiều người ví cách sắp xếp nguyên liệu trên bát bún thang giống như sự hợp nhất âm dương, ngũ hành, làm cho người thưởng thức cảm nhận đầy đủ và trọn vẹn cả hương và vị.