Hà Nội 'siết' quản lý bến bãi ven sông | Hà Nội tin mỗi chiều
UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền địa phương cùng lực lượng chức năng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm lập lại trật tự, bảo vệ đê điều, bảo vệ môi trường khu vực ven sông.
Dọc theo những con sông lớn ở Hà Nội, từ sông Hồng, sông Đuống cho tới sông Cầu… không khó để bắt gặp cảnh bãi tập kết vật liệu xây dựng mọc lên, xe tải ra vào tấp nập. Điều đáng nói là, nhiều bến bãi trong số đó hoạt động không đảm bảo an toàn, đặc biệt là khi mùa mưa bão đang đến gần.
Vấn đề quản lý bến bãi ven sông đã kéo dài nhiều năm, gây hệ lụy không nhỏ đến an toàn đê điều, môi trường ven sông và đặc biệt là hình ảnh quản lý đô thị của một Thủ đô đang hướng đến phát triển bền vững. Thực trạng ấy, nếu không được chấn chỉnh kịp thời, thì dù có quy hoạch tốt đến đâu, cũng khó mà tạo được trật tự.
Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, toàn Thành phố hiện có 194 điểm tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông. Trong số đó, 108 điểm vẫn đang hoạt động, bất chấp việc nhiều nơi chưa hoàn thiện thủ tục đê điều, không đảm bảo an toàn, đặc biệt là trong mùa mưa bão. Và thực tế đã chứng minh, có những đoạn đê tại Mai Lâm (nay thuộc xã Đông Anh), Duyên Thái (nay thuộc xã Hồng Vân) hay dọc theo các con sông lớn như sông Hồng, sông Đuống, đang bị bào mòn, lún nứt do xe tải trọng lớn ra vào liên tục để vận chuyển vật liệu. Đây rõ ràng không còn là chuyện của riêng ngành nông nghiệp, hay chính quyền cơ sở, mà là một vấn đề liên quan trực tiếp đến an toàn dân sinh. Nếu không có sự vào cuộc mạnh mẽ, kịp thời thì cái giá mà chúng ta phải trả không chỉ là vài công trình đê điều bị sạt lở, mà còn là nguy cơ mất kiểm soát quy hoạch, ô nhiễm môi trường, thậm chí là những tai nạn không đáng có.
Nhiều lãnh đạo địa phương cũng đã thừa nhận rằng: một phần nguyên nhân đến từ việc buông lỏng quản lý trật tự xây dựng, đất đai khu vực bãi sông. Một số công trình vi phạm tồn tại nhiều năm nhưng không xử lý dứt điểm. Trong khi đó, đối tượng vi phạm thì ngày càng tinh vi hơn. Họ lợi dụng đêm tối, ngày nghỉ, hoặc kẽ hở pháp luật để "đi đường vòng", gây khó khăn trong phát hiện, xử lý. Trong các hoạt động giám sát thực tế, Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Nguyễn Minh Tuân cho rằng, tình trạng tập kết vật liệu xây dựng trái phép ngoài đê đang gây bức xúc, ảnh hưởng an toàn đê điều. Tuy nhiên, gần đây có chuyển biến rõ rệt, nhất là trong khâu kiểm tra, rà soát và xử lý vi phạm.
Minh chứng là từ đầu năm 2025 đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý 31 vụ vi phạm pháp luật về đê điều, phần lớn xảy ra tại các bãi sông Hồng, sông Đuống, sông Cầu. Nhiều hành vi như đổ chất thải, san lấp mặt bằng, xây dựng trái phép trong phạm vi bảo vệ đê điều đã bị xử lý hành chính.
Cách làm của một số địa phương như huyện Đông Anh (cũ) - nơi đã ban hành đề án quản lý, sử dụng đất nông nghiệp ven sông rõ ràng, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra được người dân đánh giá cao. Từ đầu năm, địa phương này đã xử lý ba trường hợp vi phạm, trong đó cưỡng chế một bãi tập kết trái phép. Những con số này tuy chưa nhiều, nhưng nó cho thấy sự chuyển động đáng ghi nhận trong quản lý Nhà nước.
Về mặt chính sách, Hà Nội cũng đang thực hiện nghiêm Chỉ thị 13 của Thành ủy, yêu cầu rà soát, điều chỉnh quy hoạch đất ven sông cho phù hợp với định hướng phát triển đến năm 2050. Đồng thời, Quyết định 2434 vừa ban hành giữa tháng 5 cũng cho thấy quyết tâm thi hành Luật Địa chất và Khoáng sản năm 2024. Đây là bước tiến cho thấy kỳ vọng quản lý chặt hơn hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản - những yếu tố có liên quan mật thiết tới các bến bãi vật liệu xây dựng.
Khi bộ máy chính quyền địa phương hai cấp đã đi vào hoạt động, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm sẽ càng được đẩy mạnh. Nhưng để mọi thứ đi vào nề nếp, ngoài sự vào cuộc của chính quyền và cơ quan chuyên môn, cần có sự đồng lòng từ người dân. Bởi không ít công trình vi phạm xuất phát từ thói quen tự phát, thiếu hiểu biết hoặc cố tình lách luật để trục lợi.
Và Hà Nội không phải là nơi duy nhất từng "đau đầu" với bài toán bến bãi ven sông. Ở TP.HCM, từng có thời điểm hơn 170 bến thủy nội địa hoạt động trái phép dọc sông Sài Gòn, đe dọa nghiêm trọng đến an toàn giao thông đường thủy và môi trường đô thị. Nhưng bắt đầu từ năm 2021, Thành phố đã triển khai chiến dịch kiểm tra liên ngành, buộc các bến bãi trái phép phải đóng cửa hoặc di dời về các khu vực được quy hoạch. Nhờ đó, hơn 80% bến trái phép đã bị xử lý dứt điểm. Đó là một bài học rất đáng tham khảo cho Hà Nội, không chỉ về cách làm, mà còn ở sự đồng thuận, phối hợp giữa các sở ngành và chính quyền địa phương.
Với sự vào cuộc đồng bộ từ thành phố đến cơ sở, Hà Nội đang cho thấy quyết tâm dọn “sạch sẽ” những bất cập kéo dài quanh các bến bãi ven sông. Vi phạm thì không thể xóa ngay trong một sớm một chiều. Nhưng khi đã có quy hoạch rõ ràng, cơ chế đủ mạnh và thái độ kiên quyết từ chính quyền, thì trật tự ven sông hoàn toàn có thể được lập lại.