Hà Nội sẽ xử lý rác chôn lấp ở Nam Sơn | Hà Nội tin mỗi chiều
Thành phố Hà Nội sẽ xây dựng nhà máy đốt rác phát điện tại Nam Sơn (Sóc Sơn) với tổng vốn đầu tư hơn 7.500 tỷ đồng.
Đây không phải là một nhà máy xử lý rác thông thường, mà là dự án đầu tiên có mục tiêu xử lý lượng rác đã chôn lấp suốt nhiều năm qua; đồng thời có kế hoạch rõ ràng, tiến độ cụ thể, lộ trình dài hạn đến 2040.
Dự án sẽ được triển khai trong ba giai đoạn, bắt đầu từ quý I năm 2027 và dự kiến đi vào vận hành từ cuối năm 2029. Công suất xử lý lên tới 2.400 tấn/ngày, trong đó có 750 tấn rác đã chôn lấp và phần còn lại là rác sinh hoạt hàng ngày, thậm chí cả bùn thải sau xử lý. Toàn bộ quy trình sẽ tận dụng nhiệt để phát điện, dự kiến khoảng 60 megawatt.
Ô nhiễm mùi, rỉ rác và những lần người dân phải chặn xe chở rác vì bức xúc tích tụ là những gì thường xuyên xảy ra ở Nam Sơn. Bãi rác Nam Sơn đã nhiều lần “gây sốt” dư luận, không vì sự cố lớn nào, mà vì cái mùi và cảm giác bị lãng quên của những người dân sống ngay cạnh một bãi rác khổng lồ.
Thống kê cho thấy Hà Nội phát sinh khoảng 7.500 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày. Trong khi đó, hai nhà máy đốt rác hiện tại là Thiên Ý và Seraphin mới xử lý được khoảng 6.200 tấn/ngày. Phần còn lại, hoặc là chôn lấp tiếp, hoặc tồn đọng. Nếu cứ tiếp tục cách làm cũ, theo lời Giám đốc Sở Xây dựng, các ô chôn lấp ở Nam Sơn sẽ đầy vào năm 2026.
Thành phố không còn lựa chọn nào khác ngoài thay đổi cách tiếp cận. Để “biến rác thành điện, bãi rác thành công viên” thì công nghệ là chưa đủ. Điều quan trọng hơn là cách cả chính quyền và người dân nhìn nhận về rác.
Từ phía quản lý, rất cần sự minh bạch trong suốt quá trình triển khai: từ đấu thầu, thiết kế công nghệ, cho đến vận hành và xử lý tro xỉ. Nhà đầu tư có thể là liên doanh nước ngoài, nhưng thành phố phải là người đặt ra tiêu chuẩn và giám sát nghiêm ngặt. Nhất là khi xử lý rác cũ, vốn đã chôn lấp lâu năm, không đơn thuần là đốt, mà còn là xử lý hậu quả môi trường. Còn từ phía người dân, có lẽ cũng đã đến lúc phải thay đổi một thói quen quen thuộc: vứt rác mà không phân loại. Rác đầu vào nếu không được phân loại đúng thì dù công nghệ có hiện đại đến đâu, cũng khó mà đảm bảo hiệu quả xử lý và chất lượng phát điện.
Tương tự với bài toán xử lý rác đô thị, TP.HCM cũng đang chịu áp lực không kém. Mỗi ngày, thành phố này phát sinh khoảng 9.500 tấn rác sinh hoạt, nhưng gần 60% vẫn được xử lý bằng cách chôn lấp, theo báo cáo cuối năm 2024 của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM. Thành phố từng đặt mục tiêu giảm tỷ lệ chôn lấp xuống 20% vào năm 2025, nhưng tiến độ chậm. Dự án lớn nhất đó là nhà máy đốt rác phát điện của Vietstar tại Củ Chi, dù được khởi công từ 2020 nhưng đến nay vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Nguyên nhân không phải thiếu vốn, mà là vướng thủ tục, chậm giải phóng mặt bằng và thiếu cơ chế phối hợp liên ngành.
Kinh nghiệm từ TP.HCM cho thấy, để xử lý rác bằng công nghệ không thể chỉ trông vào nhà đầu tư, mà phải có cơ chế vận hành đồng bộ, từ quy hoạch đất, cấp phép, kiểm định cho đến giám sát khí thải. Vì vậy, nhà máy đốt rác ở Nam Sơn nếu muốn trở thành biểu tượng cho sự chuyển mình thì sự đồng hành của người dân và sự minh bạch của chính quyền là yếu tố bắt buộc.