Hà Nội sẽ sửa chữa cầu Long Biên | Hà Nội tin mỗi chiều
Hà Nội có 7 cây cầu bắc qua sông Hồng, nhưng duy nhất cầu Long Biên là cây cầu có tuyến đường sắt đi xuyên qua khu phố cổ. Hiện cây cầu đã 122 năm tuổi. Trải qua chiến tranh và thiên tai, bão lũ, cầu đã có dấu hiệu xuống cấp trầm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
UBND thành phố Hà Nội đã thành lập tổ công tác triển khai xây dựng dự án hỗ trợ nghiên cứu, cải tạo cầu Long Biên. Thành viên tham gia tổ công tác gồm lãnh đạo các sở, ngành có liên quan và hiệp hội chuyên môn, trong đó có Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Hà Nội. Nhiệm vụ của tổ công tác là phối hợp với Đại sứ quán Pháp đề xuất và triển khai các hoạt động nghiên cứu cải tạo cầu Long Biên; xây dựng nội dung dự án hỗ trợ nghiên cứu, cải tạo cầu Long Biên làm cơ sở để Sở Giao thông Vận tải báo cáo UBND thành phố Hà Nội thực hiện các thủ tục tiếp nhận, triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật theo quy định về quản lý nguồn vốn ODA và các quy định pháp luật liên quan.
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa trình UBND thành phố dự án nghiên cứu, sửa chữa cầu Long Biên trong giai đoạn ngắn hạn. Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, cầu Long Biên chủ yếu phục vụ vận hành đường sắt quốc gia. Bộ Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm quản lý, vận hành, đảm bảo an toàn cho cây cầu này.
Năm 2023, Đại sứ quan Pháp có thư ngỏ với UBND thành phố Hà Nội, hỗ trợ thành phố khoảng 700.000 euro để tư vấn, hỗ trợ về mặt kỹ thuật, nghiên cứu phương án cải tạo, sửa chữa cầu Long Biên. Dự án bao gồm 3 phần. Phần thứ nhất là khảo sát, đánh giá hiện trạng cầu Long Biên. Phần thứ hai là khuyến cáo những chi tiết, hạng mục cần sửa chữa trong giai đoạn ngắn hạn. Phần thứ ba là quản lý, khai thác sau khi không còn phục vụ đường sắt quốc gia và bàn giao cầu lại cho thành phố Hà Nội. Trên cơ sở những nội dung thống nhất đó, thành phố Hà Nội đã giao Sở Giao thông Vận tải Hà Nội ký kết biên bản ghi nhớ vào đầu năm 2024.
Ông Phan Trường Thành, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, cho biết: Đầu tháng 9 vừa qua, Sở đã chính thức trình Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND thành phố xem xét phê duyệt dự án. Phía Pháp hỗ trợ về mặt kỹ thuật, kết quả nghiên cứu sẽ được chuyển lại cho Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan chủ quản cầu Long Biên xem xét, triển khai, thực hiện.
Cầu Long Biên, một trong những cây cầu thép lớn nhất thế giới vào đầu thế kỷ XX, được xây dựng từ năm 1899 và hoàn thành vào năm 1902, bắc qua sông Hồng. Cây cầu đã chứng kiến những sự kiện lịch sử quan trọng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc.
Trong quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường sắt quốc gia sẽ không đi qua cầu Long Biên. Ga Ngọc Hồi sẽ trở thành đầu mối của 3 tuyến đường sắt: Bắc - Nam, đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị. Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi sẽ xây dựng hai cầu đường sắt qua sông Hồng và sông Đuống, thay thế cầu Long Biên và cầu Đuống.
Trước sự xuống cấp ngày càng nghiêm trọng của cầu Long Biên, đã có không ít các cuộc hội thảo, tọa đàm của giới chuyên môn, nhà quản lý và các chuyên gia văn hóa, lịch sử bàn về nội dung này. Cầu Long Biên được nhắc đến nhiều trong các dự án trùng tu, khôi phục nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện.
Cách đây không lâu, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất 3 phương án xây mới và sửa cầu Long Biên. Phương án 1: Xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu Long Biên hiện tại, di dời 9 nhịp cầu cũ về phía thượng lưu để bảo tồn. Phương án 2: Xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại có kết cấu nhịp giàn thép tương tự của cầu Long Biên hiện nay như thiết kế ban đầu năm 1902. Phương án 3: Xây dựng cầu mới có một phần vị trí tại tim cầu hiện tại, giữ nguyên các nhịp cầu cũ để bảo tồn. Hiện công tác trùng tu, sửa chữa cầu Long Biên vẫn đang được các ngành chức năng nghiên cứu, xem xét triển khai.
Giới chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cần có một phương án tổng thể về việc bảo tồn và tôn tạo cầu Long Biên trên cơ sở khoa học, chọn lọc những giá trị tiêu biểu trong suốt lịch sử biến động của cây cầu để bảo tồn, phục dựng cho hậu thế mai sau.
KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng công tác duy tu, bảo dưỡng cầu Long Biên là một vấn đề đã được đặt ra từ lâu nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa có một phương án tổng thể đúng với tầm vóc của cây cầu, bởi chưa thống nhất được các quan điểm duy tu, bảo dưỡng. Đã đến lúc cần triển khai các chính sách bảo tồn, tôn tạo để đem lại cho cây cầu những giá trị mới, lớn hơn giá trị hiện tại. Theo ông Nghiêm, năm 1973, cầu Long Biên đã được cải tạo, sửa chữa, xây thêm một số trụ cầu mới, không còn hiện trạng ban đầu như khi Pháp xây dựng. Vậy vấn đề đặt ra là chúng ta sẽ duy tu, cải tạo và phục dựng cầu theo giai đoạn nào. Sau khi có chủ trương, cơ quan chức năng nên trao đổi với các nhà khoa học và đặc biệt, tổ chức hội thảo lấy ý kiến của nhân dân cả nước.
Theo các chuyên gia, trong quá trình nghiên cứu phương pháp bảo tồn, tôn tạo cũng cần lưu ý đến yếu tố gắn kết với quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng mới được phê duyệt gần đây. Để từ đó, cầu Long Biên và bãi giữa sông Hồng sẽ bồi đắp cho nhau, tạo nên không gian văn hóa, điểm đến du lịch, biến nơi đây trở thành công viên trung tâm của Thủ đô.
KTS Trương Ngọc Lân, Phó trưởng khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, cho rằng cầu Long Biên đã xuống cấp nhiều, việc tu sửa là điều bắt buộc. Tuy nhiên, đây là một di sản, hình ảnh của cây cầu gắn liền với một phần của lịch sử thành phố và đi vào ký ức của nhiều thế hệ người Hà Nội. Vì vậy, nếu tu sửa để giúp công trình an toàn, vững chắc, phục vụ tốt nhu cầu sử dụng hiện nay và tương lai thì cũng cần phải thực hiện theo hướng tiếp cận bảo tồn di sản.
KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nhấn mạnh quá trình bảo tồn, tôn tạo cầu Long Biên phải đứng trên góc độ coi cầu Long Biên như một di sản đô thị của Hà Nội. Cần tính toán để có thể giảm bớt công năng giao thông, đồng thời, tăng dần công năng văn hóa của cây cầu để vừa bảo tồn, tôn tạo, vừa phát huy được giá trị lịch sử của cây cầu di sản này.
HANOITV News | 20/11/2024
Bực mình vì Thao hay hát karaoke ầm ĩ, Thức bèn dùng loa bluetooth bật nhạc để át đi tiếng hát kia. Thế là cả hai bên giằng co nhau, bật nhạc đùng đùng cả khu chung cư. Kết quả là công an phường đến làm việc vì hai người làm mất trật tự công cộng.
Những năm gần đây, việc xây dựng "ngôi trường hạnh phúc" đã trở thành một trong những mục tiêu quan trọng của ngành giáo dục. Đây không chỉ là một khái niệm mang tính lý tưởng mà còn là một hướng đi thiết thực để cải thiện chất lượng giáo dục, tạo ra một môi trường học tập lành mạnh, vui vẻ.
Các quyết định được đưa ra tại Baku, Azerbaijan sẽ có tác động sâu rộng cho các thế hệ sau. Điều bắt buộc là các nhà đàm phán phải đạt được một thỏa thuận đầy tham vọng cung cấp nguồn tài chính cần thiết để xây dựng một tương lai kiên cường và ít carbon hơn. Chính phủ và doanh nghiệp cần thực hiện các bước táo bạo để giảm phát thải, bảo vệ các cộng đồng dễ bị tổn thương và tạo ra tương lai bền vững cho tất cả mọi người.
Ngân mở tiệm mát-xa tại nhà. Trang đang mang bầu nên thường xuyên bị khó chịu bởi mùi tinh dầu và giày dép lộn xộn của khách ở cửa nhà Ngân. Bà Tú thì luôn cho rằng tiệm mát-xa của Ngân là trá hình và có hoạt động mờ ám. Bà Tú cùng Trang bàn nhau kiến nghị lên ban quản lý.
Đã tìm thấy 5 thi thể học sinh bị đuối nước ở sông Hồng; Cảnh báo tội phạm trộm cắp tài sản dịp cuối năm; Bắt đầu xét xử sơ thẩm vụ án Xuyên Việt Oil;... là những thông tin đáng chú ý trong bản tin hôm nay.
0