Hà Nội quan tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao | Hà Nội tin mỗi chiều
Từ giáo dục mũi nhọn đến đào tạo nghề, từ chính sách thu hút nhân tài đến sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị – Hà Nội đã và đang làm được gì để nâng tầm nguồn lực con người? Chúng ta cùng nhìn lại những kết quả nổi bật và không ngại nhìn thẳng vào những thách thức trong hành trình xây dựng một Thủ đô học tập, sáng tạo và nhân văn.
Hà Nội được đánh giá là điểm sáng trong công tác giáo dục – đào tạo và đào tạo nghề. Đặc biệt, giáo dục mũi nhọn của thành phố đạt kết quả xuất sắc, dẫn đầu cả nước về số học sinh đoạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Đây là ghi nhận từ Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại buổi làm việc với UBND thành phố Hà Nội vào tháng 4 vừa qua.
Không chỉ mạnh về chất lượng, Hà Nội còn dẫn đầu cả nước về quy mô mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp với 313 đơn vị, cùng với đó là số lượng tuyển sinh và tỷ lệ lao động qua đào tạo liên tục tăng. Giai đoạn 2021 - 2023, toàn thành phố tuyển sinh hơn 720.000 học viên nghề; riêng năm 2024 đạt hơn 107% chỉ tiêu đề ra.
Một số trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao đã được hình thành như Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao, Trường Cao đẳng nghề Việt Nam – Hàn Quốc. Đặc biệt, mô hình liên kết 3 nhà – nhà trường, doanh nghiệp và Nhà nước – đang được chú trọng triển khai để kết nối đào tạo với thực tiễn.
Việc Hà Nội sớm xác định giáo dục và phát triển nguồn nhân lực là động lực quan trọng để phát triển, thể hiện một tầm nhìn dài hạn. Nhân tài không chỉ là “tài nguyên” quý hiếm, mà còn là yếu tố then chốt để cạnh tranh và hội nhập trong kỷ nguyên số. Việc thành phố chủ động ban hành nhiều nghị quyết về đãi ngộ người tài, thưởng cao cho học sinh giỏi quốc tế, hay hỗ trợ tài chính cho vận động viên, bác sĩ, nghệ sĩ, giảng viên… là những chính sách vừa mang tính khuyến khích, vừa mang tính định hướng.
Đặc biệt, Luật Thủ đô năm 2024 với Điều 16 mới được ban hành đã trao quyền để Hà Nội xây dựng các chính sách đặc thù vượt trội nhằm thu hút nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là nền tảng pháp lý quan trọng để Thủ đô chủ động hơn trong việc phát hiện, bồi dưỡng và trọng dụng người tài.
Thống kê cho thấy, tỷ lệ lao động qua đào tạo ở Hà Nội đã tăng từ 71,1% năm 2021 lên 74,25% năm 2024; tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ cũng tăng từ 50,1% lên 54,05%. Chỉ số đào tạo lao động của thành phố đứng đầu cả nước theo đánh giá của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Ngoài ra, mức chi ngân sách cho giáo dục – đào tạo và dạy nghề của thành phố liên tục gia tăng. Năm 2024, chi cho giáo dục nghề nghiệp tăng gần 240% so với năm 2021. Một con số cho thấy sự ưu tiên rất rõ ràng.
Tuy nhiên, không thể không nhìn nhận những điểm chưa hoàn thiện. Đào tạo nghề dù đã có chuyển biến, nhưng chất lượng giữa các cơ sở còn chưa đồng đều. Một số ngành nghề trọng điểm như tự động hóa, cơ điện tử, công nghệ thông tin – những lĩnh vực đang rất “khát” nhân lực – vẫn thiếu hụt lao động tay nghề cao. Sự gắn kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp còn lỏng lẻo, dẫn tới hiện tượng đào tạo không sát nhu cầu thực tế.
Nhiều sinh viên tốt nghiệp vẫn phải đào tạo lại hoặc làm trái ngành – một sự lãng phí không chỉ về nguồn lực cá nhân mà cả nguồn lực xã hội.
Về hướng đi trong thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ chú trọng hơn vào nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho các ngành công nghiệp mũi nhọn, nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, hiện đại hóa cơ sở vật chất, khuyến khích mô hình đào tạo kết hợp thực hành tại doanh nghiệp. Việc đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, thu hút các doanh nghiệp công nghệ đầu tư phát triển nguồn nhân lực tại chỗ cũng là một hướng đi phù hợp.
Bên cạnh đó, thành phố xác định sẽ ưu tiên đầu tư hệ thống thông tin thị trường lao động hiện đại, nâng cao chất lượng dự báo nhu cầu nhân lực, thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục và quản trị nhân lực – một bước đi không thể thiếu trong thời đại mới.
Tài nguyên lớn nhất của Hà Nội không chỉ là lịch sử nghìn năm hay những công trình kiêu hãnh, mà là con người – những học sinh đoạt giải quốc tế, những người thợ lành nghề, những chuyên gia, bác sĩ, nghệ sĩ, nhà khoa học đang ngày ngày làm việc để Thủ đô thêm vững mạnh.
Chăm lo cho giáo dục, cho đào tạo nghề, cho chính sách nhân tài – chính là đầu tư cho tương lai. Và nếu giữ vững được khát vọng, sự cầu thị và những chính sách đúng đắn, Hà Nội hoàn toàn có thể trở thành nơi hội tụ và lan tỏa của trí tuệ Việt, nơi mà mỗi tài năng đều tìm thấy đất lành để cống hiến và phát triển.


Chơi cờ tướng đã trở thành niềm vui của nhiều người cao tuổi ở Hà Nội. Ở bất kỳ đâu, từ công viên, vỉa hè, khu dân cư... người ta cũng dễ dàng bắt gặp từng nhóm người tụ tập xung quanh bàn cờ tướng kèm theo những âm thanh nhộn nhịp cả một góc phố.
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sẽ là kỳ họp lịch sử; Tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt; 9 bệnh nhân được ghép tạng trong kỳ nghỉ lễ; 128 người thiệt mạng vì tai nạn giao thông dịp nghỉ lễ;... là những nội dung đáng chú ý trong chương trình Thời sự 18h30 hôm nay.
Vận chuyển hàng không sôi động dịp nghỉ lễ; Xác minh đoàn mô tô phân khối lớn đi vào cao tốc; Hai hãng mô tô châu Âu ngừng bán tại Việt Nam;... là những nội dung đáng chú ý trong Bản tin Tàu và Xe hôm nay.
Ga Long Biên - dấu ấn xưa trong diện mạo mới; Cần làm rõ việc dựng rào, chiếm đất của doanh nghiệp;... là những nội dung trong chương trình Hà Nội đẹp và chưa đẹp hôm nay.
Nằm cách trung tâm Hà Nội hơn 20 cây số, Cổ Loa như một minh chứng sống động cho trí tuệ, tâm linh và tình cảm của người Việt xưa. Giữa những vòng thành uốn lượn còn lưu dấu, giữa làng quê Bắc Bộ yên bình, Giếng Ngọc là nơi chứa đựng những huyền thoại linh thiêng tựa như giọt nước nơi thành cổ.
Mỗi dịp nghỉ lễ, lưu lượng phương tiện ra, vào các cửa ngõ của Thủ đô luôn quá tải. Hà Nội đang và sắp triển khai nhiều giải pháp nhằm giải quyết tình trạng này như quản lý giao thông thông minh, mở rộng các tuyến cao tốc cửa ngõ Thủ đô...
0