Hà Nội mùa lá rụng
Chiều nay, Hường sẽ chia sẻ những dòng tự sự của Trần Minh.
Hà Nội tháng Tư, người ta nói nhiều, viết nhiều đến hoa loa kèn. Tôi rất thích tiêu đề một bài tản văn của ai đó, khi viết về loài hoa thân thương này: "Loa kèn gọi nắng tháng Tư". Nhưng khúc giao mùa tháng Tư ở Hà Nội đâu chỉ có hoa loa kèn. Một chút gợi thu với cái dịu mát xen với những khoảnh khắc se lạnh ngẫu hứng của thời tiết Hà Nội. Một chút nắng nhẹ với lá vàng rơi phủ kín sân nhà... Điều đó có đủ để những ai yêu Hà Nội có được cái cảm giác lâng lâng lãng mạn khi chuẩn bị bước vào những ngày hè sôi động.
Tháng Tư mùa lá rụng. Liệu có thể được gọi là mùa hay không khi chỉ có ít loài cây thay lá vào dịp này, trong đó có cây xà cừ và cây sấu? Có đủ lý do để gọi tiếng mùa thân thương khi xà cừ và sấu là hai loại cây được trồng nhiều và gắn bó lâu năm với người Hà Nội. Tháng Tư về, xà cừ và sấu đều thay lá như trải lên phố phường Hà Nội một tấm thảm dát vàng.

Trong khi đa phần các loài cây khác trải qua một mùa đông trơ trụi lá, mùa xuân về cây trồi lên những mầm xanh mướt mát, thì xà cừ và sấu lại thủng thẳng bước vào mùa rụng lá. Với xà cừ, cây chẳng bao giờ muốn từ bỏ màu xanh trên mình nên đặc điểm thay lá khá đặc biệt, lá vàng rơi xuống, lá xanh ở lại, lá non tiếp tục sinh sôi...
Cả cây xà cừ và cây sấu được trồng ở Hà Nội từ thời Pháp thuộc. Những gốc xà cừ, sấu xù xì, có cây thân to một người ôm không xuể đã sống vắt ngang hai thế kỷ. Đến nay, nhiều cây trên các tuyến phố đã ở tuổi ông tuổi bà, tuổi cụ tuổi kỵ. Cây chứng kiến bao thăng trầm của Thủ đô.
Tháng Tư, ta thư thái dạo những bước chân vô định trên những thảm lá vàng tươi phủ kín vỉa hè. Những con đường quen thuộc mà hôm nay ngỡ như lạc vào một cánh đồng vàng. Một cơn gió nhẹ rung rinh cũng đủ làm những lớp lá chao nghiêng rơi lả tả, lớp lá rơi sau phủ dày thêm lớp lá rơi trước khiến bước chân ta lao xao nhịp lá.

Không bỏ lỡ khoảnh khắc tuyệt đẹp này, trên các tuyến phố có những cây xà cừ và sấu cổ thụ lại có vỉa hè rộng rãi như Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Trần Hưng Đạo, Trần Phú... ta bắt gặp những tốp thiếu nữ áo dài thướt tha, tay ôm bó hoa loa kèn trắng muốt, nắm tay nhau cùng sánh bước trên thảm vàng bát ngát một màu vui. Sự kết hợp của áo dài, phong thái thư thái, hoa loa kèn và lá tạo ra những tấm hình đẹp lưu giữ kỷ niệm với tháng năm. Những bức ảnh ấy được vẽ từ nắng sớm trên nền vàng rực rỡ của một ngày tháng Tư với Hà Nội.
Khúc giao mùa chỉ cất lên trong một khoảnh khắc chuyển giao. Nét đẹp của Hà Nội ẩn chứa trong những khoảnh khắc sâu lắng để rồi thành nỗi nhớ và ký ức lâu bền./.


Thỉnh thoảng lúc rảnh rỗi, có người thường xem lại quyển sổ chép thơ mà cô đã viết tay một thời, hoặc mở máy laptop, mở điện thoại, nghe lại những bài nhạc yêu thích. Cô thích nhất là lắng nghe âm thanh quen thuộc từ những tình khúc bất hủ của Trịnh Công Sơn. Những lúc như vậy, cô lại tự hỏi mình: Ta là ai trong cuộc đời này?
Mỗi khi đến tiết Thanh minh, trong tâm thức của nhiều người lại nhớ về những ngày thơ bé hạnh phúc, được cùng ba mẹ làm món bánh trôi để đón Tết Hàn thực. Dẫu chỉ là món bánh đơn thuần nhưng đó lại là hương vị của đoàn viên.
"Thanh minh trong tiết tháng Ba/Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh" - tiết Thanh minh nhắc nhở người Việt Nam ta hướng về cội nguồn tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
Vào những ngày giữa tháng Ba, mùa xuân ấm áp khẽ khàng làm sáng bừng sắc đỏ rực rỡ của hoa gạo ở ven sông. Ở một nơi xa, có một người con lại thao thức nhớ sắc hoa gạo quê nhà.
Tháng Ba về, khi thời tiết ở Hà Nội dần trở nên ấm áp hơn, có người thường ra phố, tìm mua ít quả nhót từ gánh hàng của các chị bán rong trên phố. Dẫu không thích ăn chua nhưng chỉ cần nhìn thấy mấy quả nhót chín ứng đỏ như đôi má trẻ thơ khi gió xuân tràn về, lòng cô không khỏi nôn nao nỗi nhớ quê hương.
Trong những giận dỗi ngơ ngẩn của trẻ con, những suy bì hiếu thắng ngây ngô của tuổi trẻ, những giọt nước mắt tủi hờn uất ức của tuổi trưởng thành, cô ấy luôn có cha bên cạnh. Người như ngọn hải đăng soi đường chỉ lối cho cô giữa đêm tối mịt mùng.
0