Hà Nội mùa heo may

Những làn gió nhẹ từ đâu thoang thoảng, liu riu như hơi thở của ban mai, đang phả vào vạn vật một chút mong manh mùa mới, vừa đủ cái se sắt để cảm nhận rằng trời đã sang mùa.

Bao nhiêu tháng ngày rong ruổi mãi tận đâu đâu, sáng nay heo may về tới, vẫn giữ nguyên cái se lạnh dè dặt, ngại ngùng, rón rén... Có một cơn gió nhỏ lao xao nghịch ngợm lướt qua, để vương lại chút xạc xào thanh âm của lá và hàng cây cao cao đứng bình yên bên phố bỗng chợt rung rinh lá cành.

Sau những cơn mưa, đất trời như trong trẻo hơn. Chút se lạnh của gió heo may buổi sớm mai bất giác làm tôi nhớ đến câu thơ của Nguyễn Đình Thi: "Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội/ Những phố dài xao xác hơi may...". Tháng 10 về - gió heo may về theo. Rụt rè, e ấp...

Trong một năm, tôi mong chờ nhất tháng 10. Đơn giản là cái nhè nhẹ, dìu dịu, sẽ sàng của heo may tháng 10 mới đáng yêu làm sao! Gió heo may đã là nguồn cảm hứng cho bao sáng tác của các văn nhân, nghệ sĩ. Nắng vẫn vàng rực rỡ, nhưng nhiệt độ hạ xuống và heo may về nên thời tiết dễ chịu hơn.

Sáng tháng 10 dường như khiến người ta muốn sống chậm lại. Lướt nhìn người xe qua lại, ngước lên vòm cây xanh, lắng tai nghe tiếng chim lích chích thật khẽ, có cảm giác cuộc sống cũng đang bớt ồn ào để đi vào chiều sâu tĩnh lặng. Tôi thích sự trầm tư sâu lắng ấy.

Hà Nội có những con đường phảng phất heo may. (Ảnh: Internet)

Và mùa thu dường như hiểu lòng người, gió heo may đưa tôi lách qua đám đông để đến những khoảng rộng trống vắng, nơi tôi nghe được tiếng chim hót, gió thổi. Tôi thong thả ngắm từng tán cây, hít hà hương hoàng lan ngọt ngào, nghe gió xao xác trên mặt hồ lăn tăn sóng. Tôi tin mỗi mùa thu qua, con người đều ngoảnh lại nhìn những ngày heo may, và có đôi chút vấn vương, lưu luyến. Thêm một tuổi, thêm sự từng trải, nhìn cuộc sống với những sắc màu mới, nhưng cũng đồng nghĩa với việc chia xa dần những sôi nổi nồng nhiệt của tuổi trẻ, có ai mà không xao xuyến.

Heo may tháng 10 se se lạnh, thấm vào cơ thể và thấm vào cả tâm hồn. Bỗng có cảm giác thèm chút vỗ về, thèm chút ấm áp mà tháng ngày qua đã bị bỏ quên đâu đó. Sợi nhớ, sợi thương theo ngọn gió heo may tháng 10 len lỏi trong tâm trí, đánh thức khát khao. Bao kỷ niệm của một thời đã qua, bao mong chờ gửi một người đã xa, nay trong làn gió heo may mà xôn xao dội về.

Hoài niệm về ngày xưa thương mến mang theo chút man mác buồn, mênh mang nhớ. Để rồi tự an ủi mình rằng: Ừ thì thời gian đã làm tròn công việc của nó. Ánh cười lấp lánh nơi khóe mắt, giọt cà phê chầm chậm rơi, lá lao xao đuổi nhau trên vỉa hè. Thời gian từ từ trôi, tuổi sang thu làm người ta thấy lòng trải rộng, cuộc sống đi vào yên tĩnh hơn.

Ánh nắng thu trong lành, đẹp như giấc mơ. (Ảnh: Giang Trịnh)

Mùa thu giấu nồng nàn vào sắc nắng vàng đã thôi chói chang, vào mùi hương thoang thoảng êm đềm và những giai điệu dìu dặt làm thổn thức con tim. Biết bao nghệ sĩ tài hoa được khơi gợi cảm hứng sáng tạo trong mùa thu Hà Nội. Biết bao đôi lứa hẹn hò với đám cưới của mình trong tiết thu. Cúc họa mi đã thấp thoáng đâu đó, tô điểm cho phố phường, làm rạng rỡ thêm nụ cười thiếu nữ. Hơi gió heo may vấn vít trong không gian, cho mọi người xích lại gần nhau hơn. Bản nhạc vẫn da diết, đôi chân nhẹ bước trong không gian quyến rũ ngọt ngào của mùa thu. Nét cổ kính của Tháp Rùa rêu phong sáng bừng lên trong nắng thu, làn nước hồ Gươm cũng nhờ nắng mà thêm óng ánh sắc vàng.

Gió, nắng và hơi thở mùa thu là bộ ba hoàn hảo, nó khiến người đi xa nao nao nhớ về, người ở ngay gần lại rung cảm say đắm. Thưởng thức thu Hà Nội cứ phải chậm rãi mới là đúng điệu. Cái mơ màng buổi sớm mai, cái man mác buổi chiều tà, có ai mà không ngây ngất. Sắc xanh, sắc vàng, ngọn gió heo may dịu dàng, tiếng chim ngân nga giữa khoảng trời ươm đầy nắng và gió, ai mà có thể dửng dưng. Heo may Hà Nội gây nhớ thương như thế đó.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Bảo tàng Sinh học, Đại học Tổng hợp (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) được thành lập năm 1926. Đây là Bảo tàng Sinh học đầu tiên của Đông Dương. Trong dịp Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, lần đầu tiên, Bảo tàng đặc biệt này mở cửa cho người dân tham quan.

Sau cơn bão Yagi tàn phá, những cánh đồng ở xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội, đã hồi sinh với vẻ đẹp tràn đầy sức sống.

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội được gọi là đất Kẻ Chợ. Theo các ghi chép lịch sử, thành Đại La từ xưa là một khu chợ của cả lưu vực sông Hồng, vậy nên người dân khắp nơi đổ về đây trước hết là để buôn bán, dần dần về sau, họ lập thành các phường nghề, rồi làng nghề và hình thành nên các con phố "hàng" trên mảnh đất Kinh kỳ.

Bà con tại xã Dương Liễu, Hoài Đức, Hà Nội tất bật với công việc làm miến rong để chuẩn bị cho nhu cầu thực phẩm ngày Tết của người dân, công việc làm miến dù vất vả nhưng đã trở thành nhịp sống quen thuộc của người dân nơi đây.

Chè là một món ăn quen thuộc của người Hà Nội. Với mỗi mùa, Hà Nội lại có những món chè khác nhau mang đặc trưng riêng. Dù hiện nay có rất nhiều loại chè được biến tấu đủ mọi hương vị, thế nhưng quán chè Trường Thao nằm trong con ngõ nhỏ ở Phố Huế vẫn lưu giữ hương vị chè truyền thống trong suốt 50 năm qua.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chính là một trong những nơi lưu giữ mảnh ghép quá khứ không thể thiếu của người dân nước Việt và nhờ những mảnh ghép ấy mà chúng ta có được ngày hôm nay.