Hà Nội: Hơn 600 ca mắc sốt xuất huyết trong 1 tuần

Tuần qua, Hà Nội ghi nhận thêm 612 ca mắc sốt xuất huyết và 10 ca sởi. Đây là số ca bệnh ghi nhận trong một tuần cao nhất kể từ đầu năm đến nay.

Tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 25/10 đến ngày 1/11), toàn thành phố ghi nhận 612 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 110 trường hợp so với tuần trước). Số ca mắc bệnh phân bố tại 30 quận, huyện, thị xã.

Về ổ dịch sốt xuất huyết, trong tuần ghi nhận 26 ổ dịch tại 13 quận, huyện: Thanh Oai, Hoàn Kiếm, Phú Xuyên, Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Gia Lâm, Phúc Thọ, Ba Đình, Đan Phượng, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm, Quốc Oai, Thanh Trì.

Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 301 ổ dịch sốt xuất huyết. Hiện, còn 48 ổ dịch đang hoạt động.

Cùng với sốt xuất huyết, hiện số ca mắc sởi cũng gia tăng. Cụ thể, tuần qua ghi nhận 10 ca mắc sởi (tăng 3 ca so với tuần trước đó), trong đó có 7 trường hợp chưa được tiêm chủng và 3 trường hợp đã tiêm chủng. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 46 trường hợp mắc sởi; trong khi cùng kỳ năm ngoái không có ca bệnh.

Ngoài ra, tuần qua ghi nhận thêm 34 trường hợp mắc tay chân miệng (giảm 6 trường hợp so với tuần trước) và 1 trường hợp mắc uốn ván tại huyện Ba Vì. Các dịch bệnh khác như: ho gà, liên cầu lợn, viêm não Nhật Bản, rubella, não mô cầu, Covid-19 không ghi nhận ca bệnh trong tuần qua.

Tiêm vaccine sởi cho trẻ tại Trạm y tế xã Minh Cường, huyện Thường Tín. Ảnh: Sở Y tế Hà Nội cung cấp.

Đối với dịch bệnh sốt xuất huyết, CDC Hà Nội dự báo, số ca mắc có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do thời điểm này đang ở giai đoạn cao điểm của dịch bệnh hằng năm. Còn với bệnh sởi ghi nhận rải rác ca bệnh. Bệnh nhân chủ yếu là trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng vaccine hoặc chưa được tiêm đầy đủ. Dự báo, trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp mắc bệnh.

Trong tuần này, ngành y tế Hà Nội tiếp tục tăng cường các hoạt động chuyên môn giám sát, phát hiện, tổ chức xử lý kịp thời, hiệu quả khu vực có bệnh nhân, ổ dịch sốt xuất huyết; đồng thời, tăng cường giám sát các trường hợp sốt phát ban nghi sởi, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm 100% các trường hợp nghi ngờ mắc, tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân, ổ dịch theo quy định.

Với bệnh sởi, các chuyên gia y tế khuyến cáo, phòng bệnh là quan trọng nhất và việc tiêm chủng vô cùng cần thiết. Vì vậy, phụ huynh nên cho trẻ tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch. Riêng phụ nữ mang thai thường dễ mắc sởi cũng nên tiêm nhắc lại để tránh truyền bệnh từ mẹ sang con. Với người lớn có thể tiêm nhắc lại 5 năm/lần.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Nhiều người đang lấy cơ thể của mình ra để làm vật thí nghiệm mà không biết. Có bệnh là lên mạng hỏi và chữa theo các phương pháp mà cộng đồng mạng chỉ cho, đa số là chưa được khoa học kiểm chứng. Chỉ đến khi bệnh chuyển nặng họ mới tới gặp bác sĩ ở bệnh viện, khi ấy đã quá muộn.

Mô hình ngân hàng sữa mẹ đã giúp cứu sống hàng trăm trẻ sinh non tại Uganda trong vài năm gần đây.

Bệnh viện Phổi Trung ương vừa ghép phổi thành công cho hai bệnh nhân mắc bệnh phổi giai đoạn cuối, mang đến cho họ một cuộc đời mới.

Trong báo cáo mới nhất gửi Bộ Y tế, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cho biết đã phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh thuốc giả và lập hồ sơ chuyển Công an TP. Hồ Chí Minh xử lý theo quy định pháp luật.

Cục Quản lý dược, Bộ Y tế vừa có văn bản đình chỉ lưu hành, thu hồi, tiêu hủy trên toàn quốc lô sản phẩm Hanayuki Shampoo - chai 300 gam do vi phạm giới hạn về chỉ tiêu vi sinh vật và chứa thành phần không có trong bản công bố tiêu chuẩn.

Uống nước cốt chanh để thải độc thanh lọc cơ thể, giảm cân đang trở thành trào lưu được lan truyền trên mạng xã hội. Không thể phủ nhận ích lợi của chanh đối với cơ thể, tuy nhiên việc sử dụng sai cách sẽ tiềm ẩn những rủi ro. Thạc sĩ - Bác sĩ Lưu Tuấn Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Tiêu hóa, Hệ thống Y tế MEDLATEC đã có những chia sẻ xoay quanh nội dung này.