Hà Nội đầu tư hơn 65 nghìn tỷ xây dựng tuyến đường sắt số 5 | Hà Nội tin mỗi chiều
Tuyến đường sắt đô thị số 5 dài gần 39 km từ phố Văn Cao (Ba Đình) đến Hòa Lạc (Thạch Thất), tổng đầu tư hơn 65.000 tỷ đồng, sẽ được khởi công năm nay. Tuyến số 5 có chiều dài gần 39 km đi qua các quận Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm và các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất.
Tuyến bao gồm 21 ga, trong đó có 6 ga ngầm, một ga trên cao và 14 ga đặt trên mặt đất. Tuyến số 5 hình thành sẽ kết nối và trung chuyển hành khách với các tuyến đường sắt đô thị số 2, 3, 4, 6, 7, 8, cho phép hành khách di chuyển nhanh và thuận tiện từ các khu vực ngoại ô vào trung tâm thành phố.
Nhiều người dân Hà Nội mong đợi tuyến đường sắt số 5 sớm khởi công trong năm nay dù biết rằng thách thức là không nhỏ trong quá trình triển khai. Thế nhưng cũng như bài học kinh nghiệm từ các tuyến đường sắt đô thị trước đó, việc quyết liệt bắt tay thực hiện cho thấy quyết tâm lớn của lãnh đạo thành phố trong việc giảm ùn tắc giao thông, đặc biệt tại các trục đường lớn có mật độ phương tiện cao.
Bên cạnh đó, kỳ vọng về việc tăng khả năng tiếp cận giao thông công cộng, giúp người dân di chuyển dễ dàng hơn mà không cần phụ thuộc vào xe cá nhân hay những biến chuyển tích cực tác động đến môi trường, đó là những kỳ vọng lớn cho diện mạo giao thông Thủ đô trong tương lai. Tựu trung, đây là một mũi tên trúng nhiều đích và đích sau cùng là thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là khu vực phía tây thành phố.
Trăm cái lợi cũng đồng nghĩa với một khối lượng công việc khổng lồ mà thành phố phải giải quyết như: chi phí đầu tư lớn, hơn 65.000 tỷ đồng, đòi hỏi nguồn vốn ổn định và chiến lược tài chính hợp lý; tiến độ thi công, cần đảm bảo đúng kế hoạch, tránh tình trạng chậm tiến độ như một số dự án trước đó; giải phóng mặt bằng, một vấn đề lớn cần có sự đồng thuận của người dân và sự vào cuộc của chính quyền; vận hành hiệu quả, cần có chính sách giá vé hợp lý, đảm bảo thu hút người dân sử dụng.
Trong tương lai, theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 413 km. Tổng nhu cầu vốn đầu tư ước tính lên đến 37 tỷ USD, chia thành ba giai đoạn chính: 2024 - 2030, 2031 - 2035, và 2036 - 2045. Đây là một tham vọng lớn, nhằm đưa Hà Nội thành một thủ đô hiện đại, kết nối chặt chẽ với các khu vực lân cận và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Việc triển khai tuyến đường sắt số 5 không chỉ mang ý nghĩa hạ tầng đơn thuần, mà còn thể hiện quyết tâm của Hà Nội trong việc xây dựng một hệ thống giao thông bền vững, thông minh. Mặc dù dự án đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn và thời gian thực hiện kéo dài, nhưng đây là bước đi cần thiết để thay đổi diện mạo giao thông đô thị.
Chúng ta không thể phủ nhận những khó khăn trước mắt. Tuy nhiên, nếu nhìn vào những gì các thành phố phát triển trên thế giới đã làm được, có thể khẳng định rằng đầu tư vào đường sắt đô thị là một chiến lược đúng đắn, cần sự kiên trì và cam kết lâu dài. Hệ thống này không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại, mà còn góp phần hình thành thói quen sử dụng phương tiện công cộng, giảm ô nhiễm và tăng cường kết nối đô thị.
Nếu Hà Nội kiên định với định hướng này, cùng với việc học hỏi các mô hình quốc tế và có chính sách hỗ trợ hợp lý thì hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một hệ thống giao thông công cộng hiện đại, tiện lợi và thân thiện với môi trường trong tương lai gần.
Các thành phố lớn trên thế giới như Tokyo, London, Paris đã xây dựng hệ thống đường sắt đô thị đồng bộ từ hàng chục năm trước, giúp giảm đáng kể tắc nghẽn giao thông và cải thiện năng suất lao động.
Singapore là một ví dụ điển hình với hệ thống MRT kết nối toàn thành phố, giúp người dân dễ dàng di chuyển mà không cần phụ thuộc vào ô tô cá nhân. Họ đầu tư mạnh vào công nghệ vận hành tự động, hệ thống thanh toán tiện lợi và kết nối linh hoạt giữa các phương tiện giao thông công cộng. Hà Nội có thể học hỏi từ các mô hình này để nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo vận hành hiệu quả hệ thống đường sắt đô thị.
- Hà Nội vận hành thương mại đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội | Hà Nội tin mỗi chiều
- Hà Nội: Quy hoạch thêm 5 tuyến đường sắt đô thị | Hà Nội tin mỗi chiều
- 55 tỷ USD để làm 15 tuyến đường sắt đô thị Hà Nội | Hà Nội tin mỗi chiều
- Năm 2035, Hà Nội hoàn thành trên 410km đường sắt đô thị
- Trên 4,6 triệu lượt khách đi metro Bến Thành - Suối Tiên


0