Hà Nội chốt thời gian xây dựng cầu Tứ Liên và cầu Trần Hưng Đạo | Hà Nội tin mỗi chiều

Thông tin Hà Nội chốt thời gian xây dựng cầu Tứ Liên và cầu Trần Hưng Đạo đã thắp lên nhiều hy vọng về một diện mạo mới cho những vùng ven sông Hồng. Hai cây cầu này không chỉ giải quyết bài toán giao thông mà còn mở ra cơ hội phát triển đô thị, kinh tế, văn hoá, xã hội cho Hà Nội.

Thông tin chính thức, cầu Tứ Liên sẽ được khởi công vào năm 2025, kết nối trung tâm Hà Nội với huyện Đông Anh. Cây cầu này không chỉ giúp giảm tải cho các cây cầu hiện có mà còn mở ra hướng phát triển mới cho khu vực phía bắc sông Hồng.

Theo tờ trình của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn hai đầu cầu (từ nút giao với đường Nghi Tàm đến nút giao với đường Trường Sa) chiều dài hơn 5 km. Dự án nằm trên địa bàn quận Tây Hồ, Long Biên và huyện Đông Anh, có tổng mức đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng, thời gian thực hiện là 2025 - 2027.

Cầu Trần Hưng Đạo với kiến trúc cổ điển kết hợp hiện đại, giúp rút ngắn quãng đường di chuyển từ trung tâm thành phố sang phía đông. Cầu Trần Hưng Đạo có chiều dài khoảng 5,6 km, điểm đầu tại khu vực đường Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông (quận Hoàn Kiếm), điểm cuối kết nối với phố Vũ Đức Thận (quận Long Biên).

Cầu Trần Hưng Đạo vượt sông Hồng có kết cấu vòm gồm 6 nhịp, rộng 43m, đảm bảo 6 làn xe cơ giới. Đường dẫn hai đầu cầu rộng khoảng 30m, với tổng chiều dài khoảng 2,25 km. Tổng mức đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo gần 16.000 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án 2025 - 2027.

Cùng với sự phát triển hạ tầng giao thông, các khu vực ven sông Hồng sẽ có cơ hội chuyển mình mạnh mẽ. Những dòng sông trong lòng đô thị không chỉ là cảnh quan thiên nhiên mà còn là nguồn tài nguyên quý giá, góp phần nâng cao chất lượng sống và phát triển kinh tế nếu được quy hoạch hợp lý.

Từ không gian xanh ven sông, các công viên sinh thái, khu vui chơi giải trí đến các bến thuyền du lịch, tất cả có thể biến sông Hồng – con sông mẹ thân thương thành một không gian cộng đồng hấp dẫn, nơi người dân có thể tận hưởng thiên nhiên và hoạt động thể thao, văn hóa mang đậm dấu ấn Hà Nội.

Mặt khác, việc xây dựng các cây cầu không chỉ có ý nghĩa kết nối giao thông mà còn định hình lại bộ mặt đô thị trong tương lai. Những cây cầu hiện đại sẽ là điểm nhấn kiến trúc, giúp Hà Nội mở rộng không gian đô thị, hình thành các khu dân cư văn minh, hiện đại ven sông. Điều này không chỉ nâng tầm vị thế của Thủ đô mà còn mang lại diện mạo mới, vừa hiện đại, vừa giữ gìn được giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất ngàn năm văn hiến.

Tại Seoul, khu vực phía nam sông Hàn từng là vùng đất nông nghiệp thưa thớt. Nhưng từ những năm 1970, chính quyền thành phố đã cải tạo dòng sông, biến nơi đây thành không gian xanh với hệ thống công viên, rừng cây và các khu đô thị hiện đại.

Được xem là biểu tượng của xứ Kim chi và là một trong 10 điểm đến không thể bỏ lỡ khi tới Hàn Quốc, cây cầu Banpo ở thành phố Seoul nối liền quận Seocho và quận Yongsan của thủ đô Seoul với kiến trúc hai tầng lạ lẫm khiến tất thảy du khách đều cảm thấy thú vị. Cầu có chiều dài hơn 1,4 km và chiều rộng khoảng 40m, được thiết kế giống một sân khấu nhạc nước với công trình vòi phun nước gắn vào thân cầu. Thiết kế công trình khá công phu với 38 máy bơm công suất lớn, hút nước ở độ sâu 20m, 380 vòi phun gắn bên thành cầu, đạt công suất bơm được 190 tấn nước/phút tạo ra những dải nước dài 43m hắt vổng theo chiều ngang rồi dội xuống sông Hàn.

Chưa hết, cây cầu còn trang bị hệ thống ánh sáng rất tỉ mỉ với 10.000 đèn led treo hai bên thành cầu dài tới 1.140m, tạo ra 200 mảng màu sắc khác nhau. Bởi vậy, chiếc cầu này còn được người dân xứ Kim chi gọi bằng cái tên thân thương là “cầu vồng ánh trăng” bởi sự kết hợp đầy ảo diệu giữa vũ điệu của nước và ánh sáng của cầu.

Thật thú vị nếu như có nhiều hơn nữa những công trình biểu tượng cho Hà Nội trong tương lai như Banpo của Hàn Quốc chẳng hạn. Với tiềm năng sẵn có từ sông Hồng, Thủ đô Hà Nội hoàn toàn có thể học hỏi kinh nghiệm của các nước đi trước để xây dựng các khu đô thị ven sông hiện đại, tạo ra không gian sống xanh, thân thiện với môi trường, đồng thời thúc đẩy du lịch và các dịch vụ ven sông.

Việc xây dựng cầu Tứ Liên và cầu Trần Hưng Đạo có thể là bước khởi đầu cho một kỷ nguyên mới của Hà Nội – nơi sông Hồng không chỉ là dòng chảy lịch sử mà còn là động lực phát triển đô thị hiện đại, văn minh. Sông Hồng sẽ trở thành “dải lụa xanh” uốn lượn giữa lòng Thủ đô, nơi những cây cầu không chỉ nối liền đôi bờ mà còn kết nối những ước mơ về một thành phố đáng sống hơn trong tương lai.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN