Hà Nội chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt | Hà Nội tin mỗi chiều
Hà Nội chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt
Giờ đây, những người hưởng chính sách an sinh xã hội sẽ lĩnh được khoản tiền lương, trợ cấp ngay tại nhà mà không phải cất công lên tận xã, phường, hoặc ra bưu điện. Đây là quyết định được UBND TP Hà Nội ban hành ngày hôm qua (6/1). Việc chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt sẽ được thực hiện ngay trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Thành phố giao các đơn vị, địa phương hoàn thành việc đăng ký tài khoản trước ngày 15/1.
Từ năm 2019, nhiều quận/huyện của Hà Nội đã chi trả trợ cấp an sinh xã hội cho các đối tượng hưởng trợ cấp ưu đãi người có công và các đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng qua tài khoản. Nhưng đến cuối năm 2023, mới có hơn 44% người hưởng lương hưu, chế độ trợ cấp xã hội nhận qua thẻ ATM.
Bảo hiểm Xã hội thành phố cho biết một số người già có thói quen sử dụng tiền mặt; một số người muốn nhận lương hưu, trợ cấp bằng tiền mặt để có cơ hội gặp những người từng công tác, làm việc trước đây tại địa điểm lĩnh tiền; ở một số nơi, mạng lưới cây ATM còn ít, khiến người hưởng lương thấy bất tiện nếu nhận tiền qua thẻ.

Việc nhận lương hưu, trợ cấp xã hội qua tài khoản ngân hàng mang lại nhiều lợi ích cho cả người nhận và người gửi. Người hưởng lương không phải đến địa điểm tập trung để nhận tiền, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại. Với cơ quan chi trả, việc trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua thẻ ATM vừa bảo đảm an toàn về nguồn tiền, vừa tránh sai sót không may xảy ra trong quá trình chi trả; giảm áp lực cho cán bộ xã, phường, thị trấn; góp phần xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số quốc gia.
Thành phố Hà Nội có số người hưởng lương hưu, chế độ trợ cấp xã hội… nhiều nhất toàn quốc. Trung bình mỗi tháng, cơ quan chức năng chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng cho hơn 580.000 người. Để đạt mục tiêu chi trả không dùng tiền mặt cho toàn bộ người nhận theo yêu cầu của thành phố trước ngày 15/1 đòi hỏi các địa phương phải vào cuộc quyết liệt. Thành phố cũng cần quan tâm đến các vùng khó khăn, phối hợp với các đơn vị liên quan trang bị những cây ATM, điểm rút tiền thuận tiện. Tránh tình trạng người dân không cần ra xã, nhưng lại phải lên tận huyện mới rút được tiền.
Du lịch Việt Nam thuộc top 6 tìm kiếm toàn cầu
Công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google cho thấy lượng tìm kiếm về Việt Nam trong năm 2023 tăng hơn 75%, xếp thứ 6 thế giới. Việt Nam là điểm đến duy nhất trong khu vực Đông Nam Á lọt vào nhóm tăng trưởng lượng tìm kiếm du lịch cao hàng đầu thế giới. Trong bảng khảo sát của Google, Việt Nam xếp trên các điểm đến nổi tiếng khác trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines.

Ngành du lịch Việt Nam đã nắm bắt xu thế chung là chuyển đổi số. Sự kết hợp giữa thương mại điện tử và du lịch không chỉ đem lại nhiều tiện ích cho ngành du lịch cũng như du khách mà còn tạo điều kiện cần thiết để hướng tới một ngành kinh tế thông minh. Hà Nội đã liên kết, thống nhất hệ thống dữ liệu cho hơn 300 điểm du lịch trên địa bàn. Thông tin về các di tích, điểm đến được số hóa để du khách dễ dàng tìm hiểu về điểm tham quan trước mỗi chuyến đi.
Tại một trung tâm du lịch lớn khác của miền Bắc là Quảng Ninh, các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch do cơ quan quản lý và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch "nở rộ" trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, YouTube, Instagram, TikTok… Các nền tảng thông minh cho phép khách du lịch khám phá vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, danh thắng Yên Tử... và đặt các dịch vụ qua mạng hết sức thuận lợi.
Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ kinh tế số và xã hội số, Bộ thông tin và truyền thông, bày tỏ quan điểm làm du lịch theo hướng mới khi vận dụng chuyển đổi số: "Chúng ta đang đứng trước cơ hội làm du lịch khác biệt, sáng tạo hơn. Ngành du lịch phải chuyển nhanh một số khâu du lịch online, phổ cập hóa trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt là các ứng dụng AI đã được Việt hóa".

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành du lịch hiện còn chưa đồng bộ và thống nhất. Những hoạt động số hóa trong ngành còn rời rạc và chưa phát huy tối đa hiệu quả do cơ sở dữ liệu chưa được chia sẻ để kết nối và đồng nhất, dẫn đến quá trình quản lý, kiểm soát, báo cáo thống kê dữ liệu ngành và đưa ra nhận định về xu hướng phát triển gặp nhiều khó khăn. Cũng tương tự như những lĩnh vực khác, việc chuyển đổi số của ngành du lịch đang đối mặt với không ít khó khăn, như: Thiếu hụt nguồn lực (bao gồm nguồn lực tài chính, công nghệ và nhân lực); rào cản trong văn hóa doanh nghiệp; thiếu hụt dữ liệu (bao gồm các báo cáo, phân tích thông tin); tầm nhìn người lãnh đạo; tâm lý trong việc tiếp cận và ứng dụng.
Chuyển đổi số đang bao trùm các khía cạnh của ngành du lịch. Một khi bắt tay vào chuyển đổi số, buộc phải phát triển các công cụ tìm kiếm, nội dung marketing trên các nền tảng để tương tác với khách hàng. Gia tăng trải nghiệm du lịch thông minh, mang đến cho du khách nhiều tiện lợi, từ việc tìm thông tin, lên ý tưởng tới việc đặt hàng, giao dịch và thanh toán điện tử. Việc chuyển đổi số bắt buộc du lịch phải gắn liền với ứng dụng công nghệ. Điều này cần đến sự hợp tác, hỗ trợ từ những nước khác, những đơn vị khác để xây dựng và phát triển một hệ sinh thái chuyển đổi số du lịch thống nhất trên toàn quốc, giúp kết nối, liên thông hệ thống thông tin giữa cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp./.
- Thu phí vỉa hè thế nào để đạt hiệu quả? | Hà Nội tin mỗi chiều
- Hà Nội số hóa 100% thủ tục hành chính | Hà Nội tin mỗi chiều
- Hơn 14 triệu bản sách đến với các xã, phường, thị trấn | Hà Nội tin mỗi chiều
- Lùi lộ trình học phí giáo dục đại học một năm | Hà Nội tin mỗi chiều
- Trục lợi từ tín ngưỡng: Chấn chỉnh cách nào? | Hà Nội tin mỗi chiều


Hàng triệu người trẻ mới đây đã thức trắng đêm, mất ăn mất ngủ vì buổi phát sóng trực tiếp (livestream) trong đêm 28/3 về cuộc đối chất tình ái ồn ào của một nam streamer. Con số đó cho thấy sức hút khủng khiếp của chuyện đời tư người nổi tiếng đối với công chúng.
UBND thành phố Hà Nội vừa triển khai cơ chế “làn xanh”, yêu cầu xử lý hồ sơ trong 24 giờ cho 10 dự án trọng điểm nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP trên 8% trong năm 2025.
Thành phố Hà Nội đã quyết định lắp đặt thêm 3.700 camera AI. Đây chính là một bước đi quan trọng trong lộ trình xây dựng hệ thống quản lý giao thông thông minh.
UBND Thành phố Hà Nội đã có quyết định giao hơn 70.500 m² đất cho quận Long Biên để thực hiện dự án xây dựng công viên, hồ nước, mở ra một không gian xanh cho người dân khu vực.
Những cảnh tượng quen thuộc như không kiên nhẫn vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, phóng vút lên vỉa hè lại xuất hiện trên đường. Có phải một bộ phận người dân đã quên Nghị định 168? Phải chăng, luật chỉ là thứ để đối phó, thay vì tuân thủ? Nếu tình trạng "nhờn" luật này không được chặn đứng, liệu trật tự có thể được lập lại?
Hà Nội đang tính chuyện chuyển đổi toàn bộ taxi và xe cá nhân sang phương tiện xanh. Đây không chỉ là một bước đi tất yếu mà còn là một quyết định mang tính chiến lược cho tương lai của thủ đô.
0